Thỏa thuận khí hậu mang tính bước ngoặt tại COP28

Gần 200 quốc gia tham dự Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) đã thông qua một thỏa thuận về khí hậu, trong đó lần đầu tiên từ trước đến nay kêu gọi thế giới tiến tới từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Đây được xem là bước ngoặt đối với thế giới trong công cuộc cắt giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu.

Sau nhiều tranh cãi và chia rẽ gay gắt về tương lai của nhiên liệu hóa thạch, ngày 13/12, dự thảo thỏa thuận cuối cùng đã nhận được sự đồng thuận của các bên tham gia COP28 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Văn bản này kêu gọi các quốc gia đóng góp vào nỗ lực toàn cầu nhằm giảm ô nhiễm carbon. Thỏa thuận bao gồm một danh sách các hành động mà các quốc gia có thể thực hiện, bao gồm chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý, qua đó tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thỏa thuận cũng đề xuất tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030, đẩy nhanh nỗ lực giảm sử dụng than và tăng tốc các công nghệ như thu giữ và lưu trữ carbon để có thể làm sạch các ngành công nghiệp khó khử carbon.

Các quốc gia cũng được yêu cầu có kế hoạch thích ứng chi tiết vào năm 2025, để cho thấy cách họ dự định đối phó với các tác động hiện tại và tương lai của cuộc khủng hoảng khí hậu đang leo thang.

Theo các chuyên gia, đây là thỏa thuận mang tính lịch sử, đánh dấu lần đầu tiên một hội nghị thường niên của Liên hợp quốc yêu cầu các nước tránh xa nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng khí hậu. Việc COP28 đạt được thỏa thuận quan trọng này được cho là sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ đến các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách rằng thế giới giờ đây đã đoàn kết trong việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch - điều mà các nhà khoa học cho rằng là cơ may tốt nhất cuối cùng để ngăn chặn các thảm họa khí hậu.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định:“Tôi nghĩ rằng đây là một bước ngoặt toàn cầu. Lần đầu tiên thế giới cam kết chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Lần đầu tiên có một quỹ tổn thất và thiệt hại để hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Điều này có thể trở thành sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hậu năng lượng hóa thạch".

Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry thừa nhận, nhiều quốc gia đã phải thỏa hiệp và dàn xếp những bất đồng, nhưng thỏa thuận này là một thành công và minh chứng cho chủ nghĩa đa phương.

Ngoài ra, COP28 cũng đạt được nhiều kết quả đáng chú ý khác. Ngày đầu tiên của COP28 đã mở đầu bằng một thỏa thuận bất ngờ về việc thông qua quỹ khắc phục thiệt hại do khí hậu, vốn là kết quả của nhiều thập kỷ đàm phán cam go. Nhiều quốc gia đã đưa ra cam kết trị giá hơn 700 triệu USD để giúp các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng khí hậu giải quyết hậu quả của nó.

Nhiều thông báo hơn về tài chính khí hậu đã được đưa ra trong thời gian còn lại của hội nghị. Nước chủ nhà COP28 là UAE cam kết thành lập quỹ tài chính khí hậu trị giá 30 tỷ USD và đầu tư 250 triệu USD cho khí hậu vào cuối thập kỷ này. Mỹ cũng cam kết chi 3 tỷ USD cho Quỹ Khí hậu Xanh, một phương tiện tài chính giúp các quốc gia đang phát triển thích ứng với khủng hoảng khí hậu và cắt giảm ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch.

Việc giảm lượng khí thải mêtan, một loại khí làm trái đất nóng lên, cũng là trọng tâm trong những ngày đầu của COP28. Mỹ đã công bố các quy định mới nhằm cắt giảm gần 80% ô nhiễm khí mêtan từ ngành công nghiệp dầu khí khổng lồ của quốc gia này cho đến năm 2038. Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc cùng cam kết phối hợp khởi động các nhóm công tác kỹ thuật về chính sách, trao đổi giải pháp kỹ thuật và xây dựng năng lực để giảm phát thải khí mêtan và các khí nhà kính khác ngoài CO2.

Ngoài ra, 50 công ty dầu khí lớn, bao gồm Exxon và Saudi Aramco, đã ký cam kết cắt giảm lượng khí thải mêtan vào cuối thập kỷ này, mỗi công ty cam kết giảm lượng khí mêtan khoảng 80% đến 90% vào năm 2030.

Những thách thức và tồn tại trong thỏa thuận cuối cùng

Thỏa thuận cuối cùng của COP28 được coi là mang tính lịch sử, khi một số chuyên gia khẳng định rằng nó báo hiệu sự khởi đầu cho sự kết thúc của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, một số người khác thì cảm thấy chưa hài lòng, cho rằng thỏa thuận này vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Thỏa thuận COP28 sử dụng cụm từ “chuyển đổi dần”, kêu gọi thế giới tiến tới từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, nhưng không yêu cầu cụ thể thế giới cần “loại bỏ dần” dầu, than và khí đốt.  Dự thảo trước đó rõ ràng, mạnh mẽ hơn với cụm từ “loại bỏ dần” nhiên liệu hóa thạch, vốn được hơn 130 quốc gia ủng hộ, nhưng đã không được thông qua do vấp phải sự phản đối của các quốc gia sản xuất và sử dụng dầu khí hàng đầu thế giới.

Chị Philippine Ménager – Giám đốc dự án “Tham vọng cho COP” chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy thất vọng. Chủ tịch COP28 ban đầu đã khẳng định rằng đây sẽ là một hội nghị đầy tham vọng, một hội nghị của hành động và thực thi. Nhưng đó không phải là những gì chúng ta đang thấy. Hội nghị đã đạt được một số bước tiến đáng kể. Nhưng văn bản thỏa thuận cuối cùng thì chưa đủ.”

COP28 diễn ra vào cuối năm 2023, một năm nóng kỷ lục do sự kết hợp giữa hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra và El Niño. Thế giới đang chứng kiến những diễn biến thời tiết khắc nghiệt chết người, bao gồm cháy rừng kỷ lục, sóng nhiệt kỷ lục và lũ lụt thảm khốc. Dự báo năm 2024 sẽ còn nóng hơn nữa. Điều này đòi hỏi những hành động mạnh mẽ hơn, những cam kết dứt khoát hơn về khí hậu.

Hội nghị năm nay chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc, trong đó Saudi Arabia dẫn đầu một nhóm các quốc gia sản xuất dầu mỏ phản đối ngôn ngữ về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch trong thỏa thuận cuối cùng. Mặt khác, các quốc gia tham vọng hơn, bao gồm Liên minh châu Âu (EU) và các quốc đảo dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, đã bày tỏ sự tức giận khi dự thảo không sử dụng từ ngữ cụ thể hơn về nhiên liệu hóa thạch.

Sự chia rẽ gần như đã làm các cuộc đàm phán đi sai hướng và có khả năng thất bại. COP28 đã phải kéo dài hơn dự kiến do các bên tham gia chưa thống nhất được nội dung của bản dự thảo thỏa thuận cuối cùng.

Bên cạnh đó, cũng có những lời chỉ trích về việc thỏa thuận cuối cùng của COP28 không đảm bảo được các quốc gia nghèo nhất, dễ bị tổn thương nhất về khí hậu có thể tiếp cận đủ nguồn vốn để giúp họ thích ứng với tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu và chuyển đổi nền kinh tế sang năng lượng tái tạo. Văn bản này nêu rõ các nước đang phát triển cần tới 387 tỷ USD mỗi năm để thích ứng với tác động của khủng hoảng khí hậu, và cần khoảng 4,3 nghìn tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2030 để mở rộng quy mô năng lượng tái tạo. Nhưng lại không yêu cầu các nước phát triển phải đóng góp tài chính cụ thể ra sao, khi nào. Các chuyên gia nhận định rằng nếu không có kinh phí, mọi lời nói về hành động vì khí hậu đều vô ích.

Dù vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận hội nghị COP28 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Giờ đây, thỏa thuận cuối cùng đã được thống nhất, các quốc gia được yêu cầu cập nhật kế hoạch hành động của mình vào năm 2025 để giảm lượng khí thải vào năm 2035. Sự chú ý của giới quan sát sẽ chuyển sang hội nghị COP29 được tổ chức vào năm tới tại Azerbaijan, một quốc gia sản xuất dầu khí lớn khác, với những hy vọng mới về các cam kết cắt giảm nhiên liệu hóa thạch.

Thúc đẩy công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon

Một điểm mới của hội nghị COP28 là đề cập đến vai trò của việc thúc đẩy các công nghệ như thu hồi và lưu trữ carbon để có thể làm sạch các ngành công nghiệp khó khử carbon. Đây được xem là một giải pháp trung và dài hạn quan trọng để đạt mức phát thải ròng bằng 0, và đang trở nên ngày càng phổ biến trên thế giới trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài để công nghệ này có thể chứng minh hiệu quả thực sự trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.

Một công ty khởi nghiệp của Iceland đang thúc đẩy biện pháp thu hồi và cô lập khí CO2 vĩnh viễn bằng phương pháp khoáng hóa. Tại cơ sở ở Olfus, bờ biển phía tây nam Iceland, khí CO2 thải ra từ một nhà máy điện gần đó được hòa tan với nước ngầm và bơm vào đá bazan dưới lòng đất. Nước chứa CO2, giúp tiêu diệt sức nổi của CO2, đồng thời tăng tốc triệt để quá trình khoáng hóa CO2 xảy ra tự nhiên khi nó tiếp xúc với đá bazan. Theo các quá trình địa chất, CO2 biến thành đá và trở thành một phần của nền đá mãi mãi.

Kể từ năm 2012, công ty Carbfix đã khoáng hóa hơn 90 nghìn tấn CO2 ở Iceland bằng công nghệ trên.

Bà Edda Aradottir - Giám đốc điều hành Carbfix cho rằng: “Rõ ràng là chúng ta có một nhiệm vụ to lớn trước mắt, và chúng ta chưa đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải để kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ trên hành tinh của chúng ta. Một trong số những phương pháp khả thi là thu hồi và lưu trữ carbon, và đây là công nghệ mới để thực hiện điều đó.”

Hiện công ty Carbfix đang xây dựng Ga Coda, một cơ sở lưu trữ và vận chuyển khí CO2 xuyên biên giới. Nhà ga này sẽ tiếp nhận các chuyến tàu chở CO2 được vận chuyển từ các khu công nghiệp ở Châu Âu, sau đó đưa khí vào các bể chứa, bơm vào mạng lưới các giếng phun gần đó và được lưu giữ trong nền đá bazan. Dự án Coda có khả năng khoáng hóa 3 triệu tấn CO2.

Iceland là địa điểm lý tưởng để phát triển công nghệ khoáng hóa carbon, với nền đất chủ yếu được tạo thành từ đá bazan. Quốc gia này là một hòn đảo núi lửa, do đó đá bazan ở đây trẻ hơn nhiều nơi khác trên thế giới, xốp hơn và dễ thấm hơn, có nhiều không gian để lấp đầy bằng khoáng chất.

Ngoài khí CO2 thu được từ Iceland, công ty Carbfix cũng đang thực hiện khoáng hóa thí điểm với nguồn khí CO2 từ Thụy Sĩ.

Tại UAE, nước chủ nhà đăng cai COP28, Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi cũng đang thực hiện dự án thí điểm công nghệ thu giữ và khoáng hóa carbon. CO2 được thu từ khí quyển, trộn với nước biển và bơm vào đá peridotite sâu dưới lòng đất ở thành phố Fujairah. Dự án sử dụng năng lượng mặt trời và có khả năng thu giữ carbon với khối lượng thấp trong giai đoạn đầu, khoảng một tấn mỗi ngày.

Trong những năm tới, Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi dự kiến sẽ đầu tư 15 tỷ USD để phát triển công nghệ thu hồi và khoáng hóa carbon.

Thống kê cho thấy hiện có hơn 40 dự án thu giữ carbon thương mại đang hoạt động trên toàn cầu, với khả năng lưu trữ 49 triệu tấn CO2 mỗi năm. Con số này chỉ tương đương khoảng 0,13% lượng phát thải CO2 liên quan đến năng lượng và công nghiệp hàng năm của thế giới, vốn đạt 36,8 Gigaton vào năm 2022.

Theo nhà phân tích Tài chính Năng lượng Kevin Morrison, người thực hiện các nghiên cứu về thu hồi và lưu trữ carbon tại nhiều dự án ở Australia, Mỹ, Na Uy và Đông Nam Á, sẽ rất khó khăn để công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon xử lý hết được lượng CO2 có trong khí quyển. Các công nghệ mới chỉ là một giải pháp nhỏ, và cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn phải là chìa khóa để giảm khí thải nhà kính gây hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.