Trà chiều - thú vui tao nhã
Hà Nội chiều xuống mang theo một nhịp sống chậm rãi, bình lặng hơn giữa nhịp quay hối hả của thành phố. Và khi ánh nắng dần dịu lại cũng là thời điểm nhiều người Hà Nội tìm đến với những thú vui, những nếp sinh hoạt đã gắn bó với họ trong suốt nhiều năm qua.
Quán trà trong một khu tập thể cũ từ lâu đã trở thành góc nhỏ quen thuộc của anh Kiều Phúc Quý (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân) và những người yêu thích uống trà. Không ồn ào, không cần biết nhau từ trước, chỉ cần chung một niềm yêu thích với trà, họ đã trở thành tri kỷ qua từng tách trà chiều.
Anh Kiều Phúc Quý chia sẻ: "Ngày xưa, trong tiềm thức của tôi chỉ biết đến trà xanh. Trà xanh của Thái Nguyên khá là đắng chát, gây mất ngủ với lối pha trà truyền thống của các cụ ngày xưa là ngâm và ủ rất lâu. Về sau khi biết đến với những loại trà khác như hồng trà, bạch trà, những dòng trà ô long, tôi bắt đầu tìm hiểu và sử dụng. Hiện tại, tôi đa phần dùng trà lên men bởi nó có thể dùng uống được trong cả ngày".
"Vô Tứ Trà" là tên phòng trà anh Nguyễn Văn Truyền (phường Kim Mã, quận Ba Đình) mở ra không vì lợi nhuận mà chỉ đơn thuần là nơi chia sẻ niềm đam mê với trà. Trong căn phòng vỏn vẹn vài mét vuông, vào mỗi buổi chiều, câu chuyện về trà và những trải nghiệm xoay quanh nó khiến không gian của căn hộ tập thể cũ dường như rộng lớn hơn.
Anh Nguyễn Văn Truyền cho biết: "Gần đây lượng người uống trà, nhất là trà Việt tăng lên khá nhiều. Với mỗi một bạn đến đây có thể uống trung bình ba loại trà và tôi sẽ giúp các bạn hiểu hơn về trà Việt, giá trị và ích lợi của trà. Trà với tôi như một người bạn, giúp đỡ tôi rất nhiều trong đời sống".
Trà chiều không chỉ là sở thích, mà còn là thói quen mỗi lần dạo phố của nhiều người sống ở Hà Nội. Chọn một quán trà trên con phố quen, gọi những chén trà ưa thích, vừa thưởng thức vừa tận hưởng khoảnh khắc thư thái giữa lòng Hà Nội - một thú vui tao nhã mà chỉ những người yêu trà mới hiểu hết được.
Chị Nguyễn Ngọc Báu (phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Các bác trung trung tuổi đến uống trà như một thói quen để được gặp bạn tâm giao trò chuyện. Còn đối với những bạn trẻ đang đi làm, các bạn ấy rủ nhau uống một chén trà vừa để bàn công việc, vừa là để có thời gian xả stress. Đa số họ sẽ gọi những dòng trà lên men như hồng trà hoặc là trà phổ nhĩ để tránh mất ngủ".
Với những người trẻ, trà chiều còn có một không gian khác - những góc ban công trên các tòa nhà cao tầng. Một ấm trà, vài người bạn cùng nhâm nhi và phóng tầm mắt xuống những con phố lung linh ánh đèn… đó cũng là một cách để tìm kiếm sự an yên sau một ngày làm việc.
Và dù ở trong không gian nào, trà chiều đã trở thành một phần nhịp sống của Hà Nội - giản dị mà đầy thi vị.
Hà Nội sớm tinh mơ, thành phố còn ngái ngủ; nhưng trong lòng các khu dân cư, các công viên, vườn hoa, một ngày mới đã thực sự bắt đầu. Với nhiều người cao tuổi, mỗi sáng sớm là một lần làm mới mình bằng chuyển động, bằng tiếng cười, bằng sự kết nối giản dị mà thân quen.
Tháng 4, Hà Nội bắt đầu đón những tia nắng đầu hè cũng là lúc những vườn dâu tằm bước vào mùa chín rộ và những người nông dân lại tất bật thu hoạch.
Không chỉ giúp nâng cao thể chất, các buổi tập thể dục nhịp điệu vào buổi tối còn là dịp để mọi người nạp lại năng lượng, giao lưu, gắn kết và tận hưởng bầu không khí mát mẻ, thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng.
“Festival Phở 2025” là cầu nối không gian giúp tôn vinh, gắn kết giữa các doanh nghiệp, làng nghề, thương hiệu để quảng bá ẩm thực tới người dân Thủ đô, khách du lịch trong nước và bạn bè quốc tế.
Hơn 50 gian hàng của các doanh nghiệp, thương hiệu ẩm thực phở khắp ba miền quy tụ tại Festival Phở 2025, mang theo không chỉ hương vị mà cả câu chuyện văn hóa phía sau mỗi bát phở.
Không chỉ hấp dẫn bởi vẻ đẹp vốn có, hồ Tây bao năm qua vẫn luôn thu hút thực khách bởi ẩm thực phong phú và đa dạng. Đây là địa điểm không thể bỏ qua nếu ghé thăm Thủ đô Hà Nội.
0