Biệt thự bỏ hoang và câu chuyện đánh thuế bất động sản

Hiện nay, tại Hà Nội, tình trạng nhiều khu biệt thự bỏ hoang chỉ mới xong phần thô đang trở nên phổ biến. Nhất là vào thời điểm khó khăn của nền kinh tế, nhiều chủ biệt thự đã quyết định không bỏ thêm vốn vào hoàn thiện khi không có nhu cầu ở, mà giá thuê thì lại thấp. Điều này khiến nhiều khu biệt thự được ví von như những “khu đô thị ma”.

Nếu đi dọc trên nhiều tuyến phố trên địa bàn huyện Hoài Đức hay quận Hà Đông, hình ảnh những khu biệt thự bỏ hoang không có người ở chắc hẳn không còn xa lạ. Có những khu mới hoàn thiện mặc dù có vẻ ngoài hiện đại nhưng lại nằm án binh bất động không bóng người qua lại. Có những khu thậm chí còn đang xây dựng dở dang nhưng đã xuống cấp xập xệ.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cho biết: "Rõ ràng đây là một sự lãng phí ghê gớm nguồn lực đất đai và tài nguyên khoáng sản của đất nước. Nhưng đồng thời nó cũng làm quá trình quản lý đô thị trở nên nhếch nhác và tạo điều kiện phát triển các tệ nạn xã hội, cũng như các hoạt động gây bất ổn đến an ninh chính trị xã hội ở các khu vực có những nhà bỏ hoang đó".

Bên cạnh việc thị trường ảm đạm, những sản phẩm bất động sản lớn như biệt thự rất khó giao dịch, thì một trong những nguyên nhân khiến nhiều căn biệt thự bỏ hoang là do nhà đầu tư khó khăn về tài chính, không đủ khả năng hoàn thiện. Trong khi đó lợi nhuận từ việc cho thuê lại quá ít. Đơn cử một căn biệt thự có tổng diện tích hơn 500m2 sàn, việc đầu tư hoàn thiện đơn giản cũng tiêu tốn khoảng 1,5-1,8 tỷ đồng. Trong khi đó giá cho thuê căn biệt thự này ước tính cũng chỉ được 30-35 triệu đồng/tháng. Như vậy, nhà đầu tư phải mất 5-7 năm mới thu hồi được khoản vốn chi ra để hoàn thiện, chưa kể còn hàng loạt việc phát sinh về quản lý, lãi vay và hư hỏng công trình.

Những khu biệt thự bỏ hoang còn là hệ quả của một thời gian dài thị trường bất động sản phát triển bùng nổ, người người, nhà nhà đầu tư bất động sản. Các "đại gia" địa ốc đã quá kỳ vọng vào một nhu cầu "ảo" mang tính đầu cơ hơn là nhu cầu thực tế của người dân.

Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn chia sẻ: "Bản chất của thị trường BĐS của chúng ta bây giờ là thị trường đầu cơ chứ không phải thị trường hàng hóa sản xuất ra nhà ở để cung cấp cho công chúng để ở. Nguyên nhân là do có nhiều lỗ hổng, ví dụ như có thể sở hữu bao nhiêu nhà cũng được, không có thuế và không chịu chi phí, người ta thoải mái để sở hữu. Vì vậy chưa bán được thì để cỏ mọc và chờ giá lên thì người ta bán. Trong khi diện tích đất ít đi mà cầu lại lớn lên, vì vậy, càng thúc đẩy giá đẩy mạnh lên".

Việc các khu biệt thự bỏ hoang còn phản ánh mối tương đồng giữa sản phẩm đầu ra (các loại hình nhà ở, khu đô thị) và nhu cầu của xã hội chưa đồng nhất. Ngày trước, không ít chủ đầu tư làm phân khúc này chủ yếu tập trung vào sản phẩm nhà ở không chú trọng đến việc hạ tầng, tiện ích sống. Do vậy những yếu tố bất lợi đó không thu hút được khách hàng quan tâm và tình trạng xây rồi để đấy tiếp tục tái diễn.

Trước sự lãng phí về tài nguyên đất tác động tiêu cực đến bộ mặt đô thị, câu hỏi đặt ra là: Liệu có xử lý triệt để được tình trạng bỏ hoang hay không? Được biết trong hệ thống văn bản pháp luật hiện nay không cấm việc sở hữu nhiều nhà. Cũng không hạn chế việc kinh doanh bất động sản. Do vậy nên chăng cần áp dụng đánh thuế đối với việc sở hữu nhiều BĐS để tránh tình trạng lãng phí này.

"Cần cả một hệ thống luật pháp đồng bộ từ thuế, Luật Xây dựng, Luật Đất đai thì mới có thể giải quyết được, nếu không là không làm được. Thuế phải đặt ra các giới hạn về sở hữu BĐS, giới hạn đó có rất nhiều tiêu chuẩn: diện tích, vị trí, tất cả được tổng hợp lại. Với vị trí và diện tích như thế này thì không phải đóng thuế, nhưng với vị trí này thì phải đóng thuế là bao nhiêu thì người ta chấm thang điểm ở đó và cộng ra là biết ngay", chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn chia sẻ.

Câu chuyện đánh thuế sở hữu nhiều BĐS và BĐS bỏ trống còn phải chờ các dự án luật hoàn thiện và thông qua như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Thuế BĐS. Trong khi chờ các công cụ pháp lý hoàn thiện thì việc tính toán, quy hoạch khi xây dựng, đảm bảo dòng tiền khi đầu tư cần phải được cân nhắc kĩ lưỡng. Tránh trường hợp vốn chôn chân tại một nơi trong khi lãi vay ngân hàng vẫn đang phải gồng mình để trả.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong báo cáo thị trường mới đây, hãng dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield cho biết giá thuê văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM có xu hướng tiếp tục tăng trong hai năm tới.

Sau 20 năm, những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch tại Khu đô thị mới Chi Đông (huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) đang được tháo gỡ.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 71/2024/QĐ-UBND điều chỉnh bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố. Theo quyết định mới, bảng giá đất hiện hành sẽ được điều chỉnh và tiếp tục có hiệu lực áp dụng từ nay đến ngày 31/12/2025.

Trong phiên họp giải trình, Thường trực HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND thành phố nghiên cứu các cơ chế, chính sách, quy định về đấu giá quyền sử dụng đất bãi bồi ven sông để làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng.

Triển khai Công điện số 130 của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố đã ban hành công văn số 4255 yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà ở xã hội.

Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh số 5 quốc gia tổ chức đấu giá quyền sử dụng 11 thửa đất tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt vào ngày 19/12. Các thửa đất đấu giá có diện tích từ 100 đến 155m²/thửa, giá khởi điểm 1.515.000 đồng/m².