'Chữa lành', trị bệnh hay hiệu ứng đám đông?

Cụm từ “chữa lành” đang được nhắc tới ngày một nhiều, dần trở thành một khái niệm gắn liền với giới trẻ, nhất là thế hệ Z. Vậy nguyên nhân của việc muốn chữa lành là gì, liệu nó có xuất phát từ nhu cầu thực tế hay không và việc người người sử dụng từ "chữa lành" như hiện nay là để trị bệnh hay chỉ là một hiệu ứng đám đông?

Nhu cầu "chữa lành", thực hay ảo?

Bất cứ điều gì khiến con người ta cảm thấy thư thái, an nhiên, những nỗi đau, tổn thương được xoa dịu hay những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực và bất an được vứt bỏ, khiến người ta thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, yêu đời hơn thì đều được gọi là "chữa lành".

- Chia tay người yêu, một cô gái lập tức xin nghỉ phép một tuần để đi du lịch nước ngoài hy vọng "chữa lành tâm hồn nhiều vết xước".

- Không chịu được sự tổn thương vì bị trượt phỏng vấn dù tốt nghiệp bằng giỏi, một bạn trẻ 22 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội thử mọi cách "chữa lành" như thiền, yoga, học các lớp tư vấn tâm lý trực tuyến…

- Một nhân viên văn phòng, thuộc thế hệ gen Z, làm việc tại Cầu Giấy cho biết, từ ngày đi làm đến nay đã không ít lần tìm đến các phương pháp "chữa lành"…

Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ "chữa lành" sẽ cho khoảng hơn 64 triệu kết quả trong vòng 0,26 giây, đủ để thấy trào lưu "chữa lành" đang trở thành "trend" và được nhiều người tìm kiếm. Hàng trăm hội nhóm về "chữa lành" được lập trong vài năm gần đây thu hút rất đông thành viên tham gia, hưởng ứng. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng mỗi tháng cho các chuyến du lịch, các khóa thiền, các lớp học trải nghiệm dưới cái mác "chữa lành".

Trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, từ khóa “chualanh”, “healing” thậm chí còn lọt Top 100 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam.

Tìm kiếm cụm từ "chữa lành", cho khoảng hơn 64 triệu kết quả trong vòng 0,26 giây.

"Chữa lành" là thuật ngữ dùng để thể hiện các biện pháp hàn gắn, phục hồi sức khỏe, thể chất cũng như cảm xúc, tâm lý, tình cảm con người sau các thương tổn. Mong muốn được xoa dịu, chữa lành những tổn thương, nỗi đau về thể chất và tinh thần, vứt bỏ những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, bất an để thư thái, thấy cuộc sống ý nghĩa hơn... là nhu cầu bình thường của nhiều người dân trong cuộc sống hằng ngày. 

Báo cáo năm 2022 của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Việt Nam chỉ ra rằng 50% các vấn đề về sức khỏe tâm thần bắt đầu xuất hiện khi bệnh nhân ở độ tuổi thiếu niên, cho thấy giới trẻ Việt Nam đang phải chịu đựng nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần. Một báo cáo tương tự cũng tiết lộ rằng cứ 5 người trẻ ở Việt Nam thì có 1 người được chẩn đoán mắc ít nhất một vấn đề về tâm thần, trong đó trầm cảm là vấn đề phổ biến nhất, tiếp theo là rối loạn lo âu. Xét ở góc độ cá nhân, chữa lành giúp con người hồi phục, xoa dịu những thương tổn về cảm xúc, tinh thần, tâm trí, cơ thể là hoàn toàn cần thiết.

Thống kê tại Việt Nam cho thấy gần 15% dân số (khoảng 15 triệu người) đang mắc các rối loạn về tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm, lo âu chiếm 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác… 

Theo chuyên gia tâm lý Hoàng Anh Tú, cần nhìn nhận đúng về "chữa lành". Bản chất của chữa lành là để cho chúng ta hạnh phúc hơn, có thể nói ra được, chia sẻ được những vấn đề tổn thương tâm lý đang gặp phải, giúp vượt qua sự trầm cảm, tổn thương. 

Tràn lan những hội nhóm "chữa lành"

Giai đoạn hiện nay, việc chữa lành nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó cần phải kể đến những áp lực cuộc sống, công việc của xã hội hiện đại, những khó khăn nan giải phải đối mặt ngày càng tăng khiến không ít người, nhất là giới trẻ không thích ứng kịp thời, rơi vào trạng thái trầm cảm, mất phương hướng.

Không phủ nhận rằng, chữa lành sẽ thực sự phát huy hiệu quả tốt nếu có nhận thức đúng và phương pháp điều trị đúng. Trên thực tế, ở các quốc gia trên thế giới, các khoá học chữa lành luôn có cơ chế kiểm duyệt gắt gao và được cấp phép bởi các cơ quan có thẩm quyền. Còn ở Việt Nam hiện tại, rất nhiều người cung cấp các dịch vụ chữa lành không có bằng cấp cũng như cung cấp dịch vụ chưa được kiểm duyệt bởi các cơ quan chức năng.

Sẽ không có gì đáng nói nếu nhu cầu chính đáng này gặp được những chuyên gia đích thực, sẵn sàng lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ bằng những phương pháp khoa học. Đáng buồn là “khóa học chữa lành” mở ra nhan nhản trên mạng xã hội đang có những dấu hiệu trục lợi, lừa đảo với nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi, “treo đầu dê bán thịt chó” mà "chữa lành" chỉ là mồi nhử những người nhẹ dạ tham gia, để từ đó các đối tượng lừa đảo dễ bề khai thác.

Tràn lan những hội nhóm "chữa lành" trên MXH.

Khái niệm "chữa lành" hiện nay đang gây ra nhiều tranh cãi khi đang là cơ hội kiếm tiền của nhiều người. Không ít cá nhân, tổ chức đang lợi dụng sự bất ổn về tâm lý, nỗi đau trong tâm hồn của nhiều người để lôi kéo, dụ dỗ bán những khóa học "chữa lành" với giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng.

 “Chữa lành tâm thức”, “chữa lành lượng tử”, “chữa lành trường sinh”, “chữa lành tâm linh”, “chữa lành bằng thôi miên tiền kiếp”… thậm chí xuất hiện cả “học viện chữa lành” với hình thức tư vấn đào tạo từ trực tuyến cho đến trực tiếp. Người tham gia được theo các khóa tư vấn, thông thường kéo dài từ một đến ba tháng, với thời gian học và mức chi phí linh hoạt. Phóng viên đã thử liên hệ một khóa học được quảng cáo là "kết nối và trải nghiệm các bộ môn chữa lành như: Reiki, Thôi Miên, Thiền chuông, Thần số học, Tarot, kết nối chữa lành cùng tinh thể của Học viện chữa lành EHO". Thông qua tư vấn, phóng viên được hướng dẫn đăng ký các khóa học cơ bản, nâng cao và master lên tới 42 triệu đồng. 

Chưa biết thực hư chất lượng của những khóa chữa lành này ra sao, nhưng việc quảng cáo rầm rộ, thu phí đắt đỏ đã khiến cho “thị trường” hội nhóm "chữa lành" luôn sôi động. Thậm chí, có những hội nhóm dùng cả thuốc nam để "chữa lành".

Cần tỉnh táo để chữa lành một cách khoa học

42 triệu đồng cho những khóa học "chữa lành" là một chi phí không nhỏ. Theo nhiều chuyên gia tâm lý thì trào lưu "chữa lành" hiện nay phần nào phản ánh một số người trẻ có sức chịu đựng kém, dễ tổn thương, không chấp nhận khó khăn, nảy sinh tâm lý trốn tránh thực tại, ngại việc, thậm chí là lười lao động. Thêm vào đó, ảnh hưởng của mạng xã hội khiến một số người bắt chước, nghĩ bản thân có vấn đề về tâm lý.

Có không ít trường hợp chạy theo trào lưu, tìm một góc thật "chill" để sống ảo, rồi đăng ảnh thở than lên mạng xã hội về cuộc sống không như ý. Đây không phải là bệnh tật, mà là một biểu hiện đáng quan ngại của việc thích sống theo xu hướng, tự huyễn hoặc bản thân bị những tổn thương không hề có. 

Các chuyên gia tâm lý chỉ ra những dấu hiệu của một người thực sự có bất ổn về mặt tâm lý: thay đổi giấc ngủ hoặc khẩu vị; thay đổi tâm trạng cảm xúc lúc vui, lúc buồn đột ngột; thu mình với xã hội và không còn hứng thú với các thú vui trước đó; suy giảm chất lượng học tập, gặp khó khăn khi hoàn thành các công việc được giao; có cảm xúc suy nghĩ khác lạ, nghi ngờ mọi việc; nhạy cảm, kích động quá mức khi gặp những yếu tố bên ngoài tác động; thờ ơ với mọi hoạt động; sợ hãi, lo lắng quá mức; có ý nghĩ tự tử...

Bởi vậy, chúng ta cần phải hiểu về bản thân mình và có những phương pháp chữa lành phù hợp.

Ngày càng nhiều người trong độ tuổi 16-30 mắc bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần.

Hiện nay, cả nước chỉ có hơn 140 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu trong các bệnh viện công. Chỉ tuyến tỉnh và trung ương có chuyên khoa tâm thần cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều trị. Lĩnh vực tâm thần rất chuyên biệt, rất đặc thù, vậy nên với những người tự xưng là chuyên gia tâm lý trên mạng, người dân cần hết sức thận trọng.

Các chuyên gia cho rằng việc chữa bệnh cùng các chuyên gia “chữa lành” tự phong có thể gây hại cho người bệnh nếu không kịp thời tìm ra căn nguyên bệnh, để quá thời gian quan trọng chữa bệnh thì rất khó can thiệp  chữa trị được.

Bác sỹ chuyên khoa II Đoàn Văn Phúc, Trưởng khoa Thần kinh, PGĐ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, đưa ra lời khuyên, khi bản thân một người thấy cần phải chữa lành thì cần gặp bác sĩ tư vấn, đừng theo những khóa học được quảng cáo rầm rộ trên mạng, bởi những khóa học như thế có khi còn "chữa rách" chứ không phải "chữa lành". Đối với thuốc, chúng ta phải đến bác sĩ điều trị để chỉ định liều, chứ không thể tự mua hoặc nghe theo sự mách bảo của người này, người kia… 

Việc chữa lành là cần thiết, song cần có thời gian, sự kiên nhẫn và nỗ lực tự thân. Nếu bản thân không mở lòng, chưa sẵn sàng vượt qua những nỗi đau, mất mát trong tâm hồn mình thì không ai có thể thay mình làm được điều đó. 

Theo bác sĩ Đoàn Văn Phúc, trong lĩnh vực chữa trị liên quan sức khỏe thể chất và tinh thần của con người, các hoạt động tư vấn cần có sự tham gia của bác sĩ tâm lý - những người được đào tạo, có bằng cấp, kiến thức về dịch vụ mình cung cấp. Những dịch vụ đặc thù như yoga, thiền,… cũng cần người hướng dẫn có chuyên môn, kỹ năng thật sự thì mới phát huy hiệu quả.

Theo các chuyên gia, để tránh gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, cần thường luyện tập thể dục, thể thao.

Các chuyên gia tâm lý chỉ ra rằng, trước áp lực cuộc sống thì chúng ta nên bình tĩnh, học cách chấp nhận và vượt qua áp lực, như:

1. Chia sẻ áp lực với mọi người

2. Trò chuyện với người thân và bạn bè

3. Duy trì tập thể dục và vận động thường xuyên

4. Đừng tạo áp lực cho chính mình

5. Tham gia các hoạt động bạn thích

6. Hạn chế tiếp xúc với thiết bị điện tử 

7. Xây dựng thói quen và lối sống lành mạnh

Chữa lành trở thành xu hướng có lợi hay hại tùy thuộc vào người tiếp cận. Nếu tiếp cận thông tin chất lượng thì có hiệu quả. Nhưng nếu gặp những thông tin sai lệch, người mắc bệnh có nguy cơ bệnh nặng hơn. Vì vậy, nếu có những bất thường trong tâm lý, cần đến gặp các chuyên gia tâm thần hoặc tâm lý để sớm giải quyết vấn đề của mình. Tránh thử nghiệm những phương pháp không phù hợp với bản thân.

Theo các chuyên gia, để tránh gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, cần thường luyện tập thể dục, thể thao như: đi bộ, đánh cầu lông, bóng bàn; dành thời gian chăm sóc gia đình, người thân... bởi mục tiêu cuối cùng của "chữa lành" chính là cân bằng từ thể chất đến tâm thần, giúp con người cảm thấy bình an và hạnh phúc. 

Từ năm 2023, Việt Nam đã có chức danh nhà tâm lý. Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Khám chữa bệnh, trong đó vị trí nghề nghiệp Tâm lý lâm sàng cần phải có chứng chỉ của Bộ Y tế. Do đó, khi tìm kiếm các dịch vụ chữa lành, cần phải lựa chọn một cách cẩn thận, nên tới khám bệnh tại những bệnh viện uy tín để không mắc phải bẫy của những người không có đủ chuyên môn mà chỉ dựa vào từ khóa "chữa lành" để kiếm tiền.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Vào thời tiết lạnh, tỉ lệ đột quỵ có thể tăng 20-30% so với những ngày thời tiết bình thường. Mặc dù kiến thức của cộng đồng đã được nâng cao, tuy nhiên rất nhiều bệnh nhân nhập viện đã qua mất thời gian vàng trong điều trị.

Một nghiên cứu mới cho thấy những người thường xuyên ăn chocolate đen có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thấp hơn. Kết quả được công bố trên trang BMJ ngày 5/12.

Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã tiếp nhận cuộc điện thoại thông báo một bệnh nhân cần cấp cứu tại sân tập pickleball (địa chỉ tại Cầu Giấy, Hà Nội) vào tối hôm qua 2/12.

Sáng 7/10, tại Cung thể thao Quần Ngựa, hàng trăm mẹ bầu tại Hà Nội đã tham gia đồng diễn yoga với mong muốn truyền cảm hứng về một thai kỳ khỏe mạnh.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau mưa lũ gồm tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm.

Giải mã gen là một trong những phương pháp hiệu quả để hỗ trợ sàng lọc, phát hiện sớm nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có ung thư và đột quỵ - thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Sức khỏe về gen và chống lão hóa” diễn ra ngày hôm qua tại Hà Nội.