Sự trở lại của ông Trump: Nguy cơ cuộc chiến thương mại
Thuế quan - Công cụ đa năng
Trong loạt bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump thông báo sẽ áp thuế 25% với hàng hóa nhập từ Canada và Mexico. Lý giải cho lời tuyên bố này, Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết, ông đánh thuế các sản phẩm nhập khẩu từ Mexico, Canada cao hơn do tình trạng nhập cư trái phép và nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp.
Đối với Trung Quốc, ông Trump tuyên bố sẽ bổ sung 10% thuế quan đối với tất cả sản phẩm của nước này, với lý do Trung Quốc đã không ngăn chặn nạn buôn lậu fentanyl vào Mỹ. Theo giới quan sát, với thông báo mới nhất, ông Trump dường như coi thuế quan là công cụ đa năng để xử lý nhiều yếu tố gây hại từ bên ngoài, ảnh hưởng xấu đến kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia Mỹ.
“Khi nhìn vào triển vọng liên quan đến thuế quan và việc áp đặt thuế quan, rõ ràng là có một cuộc đàm phán đang diễn ra trước khi chính quyền này nắm quyền để cố gắng điều chỉnh các điều kiện theo hướng mà họ muốn. Với Mexico và Canada, rõ ràng ở đây, bạn biết đấy, không phải chỉ về thương mại, mà còn là việc sử dụng thương mại như một phương tiện để đạt được điều chính quyền muốn. Đó là làm chậm làn sóng nhập cư bất hợp pháp và nạn buôn lậu ma túy qua biên giới”.
Ông Steven Ricchiuto - Chuyên gia kinh tế trưởng tại Mizuho Securities
Ngoài những lý do trên, giới quan sát cũng cho rằng, mục đích cuối cùng khi ông Trump là nhằm sử dụng thuế quan như một công cụ chủ chốt, giống như ông từng làm trong nhiệm kỳ đầu, để thúc đẩy sản xuất trong nước và tăng nguồn thu ngân sách nhằm bù đắp cho những khoản thâm hụt từ kế hoạch cắt giảm thuế, cũng như gây quỹ cho chính quyền liên bang.
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Trung Quốc, Mexico và Canada là ba đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ đang nhập siêu từ cả ba thị trường này. Cục Phân tích Kinh tế Mỹ cho biết, trong năm ngoái, thâm hụt thương mại của Mỹ ở mức 67,9 tỷ USD đối với Canada, 152,4 tỷ USD đối với Mexico và 279,4 tỷ USD đối với Trung Quốc. Việc Mỹ thâm hụt thương mại với nhiều đối tác đã là mối bận tâm của ông Donald Trump kể từ nhiệm kỳ đầu tiên và được coi là một phần lý do khiến ông khởi xướng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào năm 2018.
Ông Steve Okun, người sáng lập và Giám đốc điều hành của APAC Advisors có trụ sở tại Singapore, cho biết ông Trump tỏ ra nghiêm túc trong việc giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước khác.
“Điều mà phần còn lại của thế giới nên rút ra từ điều này là ông Trump nhìn nhận các mối quan hệ trên góc độ song phương và ông ấy xem các mối quan hệ dựa trên việc Mỹ có thâm hụt thương mại hay thặng dư thương mại với một quốc gia nhất định hay không. Nếu Mỹ có thâm hụt thương mại với một quốc gia, ông ấy sẽ giải quyết thâm hụt, thường là thông qua thuế quan”.
Ông Steve Okun, Giám đốc điều hành của Apac Advisors, Singapore
Trong năm 2023, Mỹ là thị trường tiêu thụ hơn 83% lượng hàng xuất khẩu từ Mexico và 75% lượng hàng xuất khẩu của Canada. Tổng kim ngạch “bộ ba” này lên tới hàng nghìn tỷ USD nên việc áp thuế bất thường sẽ gây tác động rất lớn.
Thuế quan cũng có thể gây rắc rối cho các công ty nước ngoài như nhiều nhà sản xuất ô tô và điện tử châu Á sử dụng Mexico và Canada làm cửa ngõ sản xuất chi phí thấp cho thị trường Mỹ. Trong vài năm gần đây, các hãng xe điện Trung Quốc đã ồ ạt đầu tư vào hai quốc gia láng giềng của Mỹ, do vậy nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một “đòn đánh” đa mục tiêu.
Mặt khác, các mức thuế quan mới mà ông Trump đe dọa dường như sẽ vi phạm các điều khoản của Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), được ba nước đã ký vào năm 2020 trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump. Đáng lưu ý USMCA sẽ khởi động tái đàm phán những điều khoản sắp hết hạn vào năm 2026. Theo giới quan sát, ông Trump có thể muốn tận dụng mối đe dọa từ việc áp thuế để thúc đẩy đàm phán lại hiệp định này theo hướng khác.
Hiện vẫn chưa rõ liệu các mức thuế mà lần này mà ông Trump đề xuất sẽ bổ sung hay thay thế những mức thuế đã được ông đề cập trong chiến dịch tranh cử. Khi đó, ông Trump từng tuyên bố sẽ áp thuế toàn diện từ 10% đến 20% đối với hầu hết mọi mặt hàng nhập khẩu, riêng Trung Quốc sẽ chịu thuế suất nhập khẩu vào Mỹ lên tới 60%.
Đòn đáp trả tương ứng
Không rõ liệu ông Donald Trump có thực sự thực hiện các lời đe dọa này như một chiến thuật đàm phán trước khi trở lại Nhà Trắng vào năm mới hay không nhưng người được ông đề cử làm Bộ trưởng Tài chính, ông Scott Bessent đã nhiều lần nói rằng, thuế quan là một phương tiện đàm phán. Điều này cho thấy chính sách mạnh tay về thuế quan của chính quyền Mỹ trong tương lai. Trong khi đó, các quan chức Mexico, Canada và Trung Quốc đều bày tỏ quan ngại về kế hoạch tăng thuế của Tổng thống đắc cử Mỹ, cảnh báo rằng chính sách này có thể dẫn đến một chuỗi trả đũa liên tiếp giữa các quốc gia, đe dọa các doanh nghiệp và làm tổn hại đến nền kinh tế của tất cả các bên.
Theo giới quan sát, trước mắt, kế hoạch tăng thuế của ông Donald Trump sẽ khiến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các công ty ở Canada, Mexico và Trung Quốc sang Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, khiến lợi nhuận của họ bị giảm sút.
Mặc dù thị phần xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm trong vài năm qua, nhưng Mỹ vẫn là đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc. Điện thoại thông minh, máy móc và đồ chơi nằm trong số một số các sản phẩm mà Mỹ nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng kế hoạch tăng thuế thêm 10% đối với hàng hoá Trung Quốc chỉ là một nước cờ mở đầu của ông Trump.
“Mức thuế này nhằm mục đích cụ thể là trấn áp hoạt động buôn bán fentanyl và không nhất thiết có nghĩa là mức thuế 60% mà Trump cam kết sẽ áp dụng đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ không được thảo luận nữa”.
Ông Neil Thomas, Trung tâm phân tích Trung Quốc của Viện chính sách xã hội châu Á
Phản ứng trước thông báo của ông Donald Trump, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, ông Lưu Bằng Vũ cho biết: “Không ai chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại hay thuế quan và ý kiến nói rằng Trung Quốc cố ý để tiền chất fentanyl tràn vào Mỹ hoàn toàn trái ngược với thực tế”. Theo các chuyên gia, Trung Quốc sẽ cân nhắc trả đũa ở mức hạn chế nếu ông Trump quyết định tăng thuế đối với hàng hoá nước này.
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cũng cảnh báo sẽ đáp trả nếu Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump thực hiện đề xuất áp mức thuế 25% lên hàng hoá Mexico.
Nhà lãnh đạo Mexico cũng phê phán ý định của ông Trump là không thể chấp nhận được vì sẽ khiến nền kinh tế của hai quốc gia rơi vào vòng xoáy suy thoái, đồng thời đẩy tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp tăng cao.
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các thủ hiến tỉnh bang trên khắp Canada và cam kết sẽ có biện pháp “nghiêm túc và có phương pháp” để bảo vệ việc làm tại Canada và đáp trả lời đe dọa áp thuế của ông Donald Trump.
“Tôi đã nói chuyện rõ ràng với Tổng thống đắc cử Mỹ, một tiếng rưỡi sau khi ông ấy đưa ra đề xuất về thuế quan. Thực tế là, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác mang tính xây dựng với chính quyền sắp tới để bảo vệ việc làm của người Canada, bảo vệ sự phát triển của Canada và áp dụng cách tiếp cận có trách nhiệm, không thiên về đảng phái, tập hợp cách tiếp cận của Nhóm Canada để bảo vệ người dân Canada.”
Thủ tướng Canada Justin Trudeau
Canada, nước sản xuất dầu thô lớn thứ tư thế giới, xuất khẩu phần lớn dầu sang Mỹ. Nước này cũng có ngành công nghiệp ô tô gắn kết chặt chẽ với Mỹ. Các nhà kinh tế của Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Canada nhận định, nền kinh tế Canada sẽ chịu sự sụt giảm mạnh về sản lượng và việc làm nếu ông Trump áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Canada.
Truyền thông Canada trích dẫn các ước tính trước đây của Phòng Thương mại nước này cho biết, ngay cả mức thuế 10% cũng có thể gây thiệt hại kinh tế 21 tỷ USD (30 tỷ USD) mỗi năm cho quốc gia Bắc Mỹ. Việc áp thuế lên Mexico và Canada cũng sẽ khơi lại cuộc chiến thương mại âm ỉ ở Bắc Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Ngay sau khi ông Donald Trump công bố thông báo về việc áp thuế, đồng đô la Canada giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm, đồng peso của Mexico giao dịch gần mức yếu nhất kể từ năm 2022, còn đồng nhân dân tệ của Trung Quốc ở thị trường hải ngoại cũng giảm nhẹ. Các thị trường toàn cầu cũng trải qua cơn chấn động, với các chỉ số chứng khoán châu Á giảm và đồng USD tăng giá.
Tác động ngược đối với kinh tế Mỹ
Không chỉ tác động đến 3 quốc gia có nguy cơ bị áp thuế, xu hướng áp dụng các chính sách thương mại bảo hộ của ông Donald Trump cũng khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng tính toán này của ông Trump sẽ có tác động ngược đối với kinh tế Mỹ. Họ chỉ ra rằng kế hoạch áp thuế mới của ông Trump có thể là chính sách kinh tế mang lại hậu quả xấu nhất mà ông từng ban hành, khi sẽ đẩy mức thuế nhập khẩu của Mỹ trở lại mức thuế nhập khẩu của thập niên 1930. Mức thuế mới và các biện pháp trả đũa của các đối tác thương mại của Mỹ có thể kéo chậm đà tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy lạm phát và gây ra chiến tranh thương mại, dẫn đến nhiều hệ lụy với chính nước này và bức tranh thương mại toàn cầu.
Theo giới quan sát, bất kỳ hình thức trả đũa nào cũng có thể gây tổn hại cho Mỹ. Trước hết, đối với các doanh nghiệp Mỹ, các mức thuế quan mới này có thể tàn phá chuỗi cung ứng và các ngành công nghiệp phụ thuộc hàng hóa từ các đối tác thương mại láng giềng, làm suy giảm hiệu quả đối với sản xuất trong nước khi hàng hóa Mỹ kém hấp dẫn hơn trên thị trường quốc tế.
“Các biện pháp thuế quan mới có thể ảnh hưởng nặng nề đến một số ngành công nghiệp chiến lược của Mỹ, tăng thêm gánh nặng thuế khoảng 272 tỷ USD”.
Ông Karl Schamotta, Chiến lược gia trưởng thị trường tại Corpay Cross-Border Solutions
Đối với người tiêu dùng Mỹ, việc tăng thuế quan có thể dẫn đến giá sản phẩm nhập khẩu cao hơn, gây lạm phát với gánh nặng cuối cùng lại đè lên vai người tiêu dùng. Dù ông Trump tuyên bố các nước bị nhắm đến sẽ phải chịu thuế quan, nhưng trên thực tế, chi phí này thường do các công ty nhập khẩu trả và sau đó được chuyển cho người tiêu dùng Mỹ.
Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng thuế quan sẽ gây lạm phát và Viện Kinh tế quốc tế Peterson ước tính mức thuế quan mà ông Trump đề xuất sẽ khiến trung bình một hộ gia đình Mỹ phải chi trả hơn 2.600 USD/năm. Không chỉ tăng trưởng kinh tế bị cản trở mà giá cả cao hơn còn khiến người tiêu dùng chi tiêu ít đi.
Theo giới quan sát, bất kỳ hình thức trả đũa nào cũng có thể gây tổn hại cho Mỹ. Trước hết, đối với các doanh nghiệp Mỹ, các mức thuế quan mới này có thể tàn phá chuỗi cung ứng và các ngành công nghiệp phụ thuộc hàng hóa từ các đối tác thương mại láng giềng, làm suy giảm hiệu quả đối với sản xuất trong nước khi hàng hóa Mỹ kém hấp dẫn hơn trên thị trường quốc tế.
Nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thực hiện việc áp thuế đối với 3 nước Mexico, Canada và Trung Quốc như ông thông báo mới đây, hay lời hứa được ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử về việc đánh thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Mỹ, điều đó sẽ dẫn tới các động thái trả đũa và có tác động lan tỏa đến nền kinh tế toàn cầu. Nhà kinh tế Bernard Yaros của Oxford Economics nhận định thuế quan của Mỹ và các biện pháp đáp trả từ châu Âu và châu Á sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu giảm từ 0,1 đến 0,9% vào năm 2026. Không chỉ vậy, trong khi tìm cách nâng cao vị thế cho nước Mỹ, ông Trump cũng cần phải tính đến khả năng những chính sách của mình có thể đẩy các quốc gia xích lại gần Trung Quốc hơn. Trong bối cảnh ấy, chi phí kinh tế và chính trị của những mức thuế này có thể thúc đẩy đội ngũ của ông Trump phải cân nhắc lại vào tháng 1 tới.
Các cuộc đàm phán giữa hai đảng trung dung lớn nhất ở Áo về việc thành lập chính phủ liên minh mà không có đảng Tự do cực hữu (FPO) đã sụp đổ - Thủ tướng Karl Nehammer thông báo, đồng thời nói thêm rằng ông sẽ từ chức trong những ngày tới.
Khách du lịch và người dân địa phương tại thành phố Las Vegas, bang Nevada, đang hoan nghênh ý tưởng bổ sung cảnh báo nhãn trên đồ uống có cồn để đáp lại khuyến nghị của Tổng Y sĩ Mỹ, ông Vivek Murthy.
Giới chuyên gia dự đoán, giá khí đốt sẽ tăng mạnh trên các thị trường lớn toàn cầu vào năm 2025, và dù có giảm vào năm 2026 - 2027, nhưng mức giá vẫn sẽ cao gấp đôi so với mức trung bình của thập kỷ trước.
Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu Tòa án Tối cao nước này bác bỏ đề nghị của Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc trì hoãn thi hành luật cấm ứng dụng mạng xã hội TikTok hoặc buộc công ty mẹ ByteDance bán ứng dụng này trước ngày 19/1.
Truyền thông Israel ngày 4/1 dẫn nguồn tin Mỹ cho biết Washington đang thúc đẩy thương vụ bán vũ khí khổng lồ trị giá 8 tỷ USD cho Tel Aviv.
Lực lượng phòng không Nga bắn hạ 8 tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất, quân đội Nga và Ukraine tiếp tục đẩy mạnh sử dụng máy bay không người lái nhằm vào các mục tiêu của đối phương, chính quyền Mỹ chuẩn bị công bố gói hỗ trợ quân sự mới dành cho Ukraine. Đó là những diễn biến nổi bật trong cuộc xung đột Nga-Ukraine ngày 4/1.
0