Xử phạt ‘thần y’ chữa bách bệnh bằng nước | Hà Nội tin mỗi chiều

Đình chỉ hoạt động, xử phạt cơ sở chữa bách bệnh bằng nước tại huyện Thanh Oai, Hà Nội; Công an TP Hà Nội cảnh báo nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân khi nhờ "cò" làm hộ chiếu nhanh; Đề xuất thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán vàng… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Đình chỉ hoạt động, xử phạt ‘thần y’ chữa bách bệnh bằng nước 

Một người tự xưng là thầy thuốc có thể chữa bách bệnh tại huyện Thanh Oai, thậm chí là cả bệnh ung thư giai đoạn cuối cũng có thể cứu sống chỉ bằng uống nước và nhịn ăn đang là câu chuyện khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi trong thời gian gần đây.

Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Thanh Oai vừa tiến hành kiểm tra tại nhà ông Nguyễn Tiến Nam (số nhà 47, thôn Đìa, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai). Kết quả kiểm tra cho thấy, ông Nam thực hiện chữa bệnh bằng nước tại nhà và không có bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ, không được cơ quan quản lý cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh. Hành vi này của ông Nam đã vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh không có giấy phép hoạt động.

Tại nhà ông Nam có treo biển chữa trào ngược dạ dày, đại tràng, gout, tiểu đường, xương khớp, các loại khối u bằng nước (miễn phí), bấm huyệt trị bệnh (miễn phí). Hành vi này của ông Nam vi phạm về quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh khi không có giấy phép hoạt động. UBND huyện Thanh Oai đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 3466 đối với ông Nguyễn Tiến Nam về hai hành vi vi phạm, trong đó hành vi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh và quảng cáo dịch vụ khám bệnh chữa bệnh không có giấy phép hoạt động bị xử phạt 80 triệu đồng. Ngoài ra, huyện Thanh Oai đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời gian 18 tháng; buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo. 

“Thần y" chữa bách bệnh chỉ bằng nước bị xử phạt 80 triệu đồng. Ảnh: VTV

Xuất thân từ một người thợ sửa chữa đồ điện không có bất cứ bằng cấp, chứng chỉ về ngành y, cũng không được cấp phép khám chữa bệnh hay mở cơ sở y tế. Nhưng khoảng một năm trở lại đây, ông Nam đăng tải hàng trăm clip về việc chữa khỏi mọi loại bệnh bằng nước kiềm từ chiếc máy khiến cho hàng trăm lượt bệnh nhân kéo đến đây chạy chữa. Cách thức chữa bệnh cũng rất kỳ lạ, không được ăn bất cứ loại thực phẩm hay uống bất cứ loại thuốc tây nào, chỉ uống loại nước kiềm do chủ cơ sở này cung cấp. Ngoài ra, khi đến cơ sở này người bệnh sẽ được thuyết phục mua một chiếc máy lọc nước ion kiềm với giá từ 15 - 20 triệu đồng/máy.

Tất cả trường hợp tử vong sau khi điều trị bằng loại nước ion kiềm, ông Nam không bao giờ nhắc đến trên các trang mạng xã hội. Bởi vậy, người dân không biết hiệu quả thực sự của phương pháp điều trị phản khoa học này mà vẫn tìm đến đây mong bấu víu lấy một chút cơ hội cuối cùng của sự sống. Bằng việc bán máy lọc nước ion kiềm, nỗi đau của người này đã trở thành cơ hội làm giàu của người khác.

80 triệu đồng là số tiền ông Nguyễn Tiến Nam phải nộp phạt đồng thời bị đình chỉ hoạt động. Nhưng chỉ cần đâu đó vẫn có những niềm tin mù quáng về cách chữa bệnh phản khoa học thì những hiện tượng “thần y” tự phong vẫn sẽ xuất hiện.

Sống trong thời đại công nghệ 4.0, chỉ cần một cái click chuột mỗi người đều có thể tìm hiểu và xác minh thông tin đang cần. Nên mỗi người cần tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin và lên tiếng tẩy chay những cơ sở và cá nhân trục lợi trên sức khỏe, tính mạng của người khác.

Nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân khi nhờ "cò" làm hộ chiếu nhanh

Lợi dụng một bộ phận người dân không thông thạo về công nghệ thông tin, cách thức nộp hồ sơ trực tuyến, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trang và hội nhóm “cò mồi” làm hộ chiếu nhanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ chiếm đoạt thông tin cá nhân.

Theo Công an thành phố Hà Nội, hiện nay việc tiếp nhận hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công Bộ Công an tạo thuận lợi rất lớn cho công dân. Người dân có thể chủ động về thời gian, địa điểm, nộp hồ sơ nhanh chóng, dễ dàng hơn mà không phải trực tiếp đến cơ quan Công an để làm các thủ tục nộp hồ sơ. 

Tuy nhiên, lợi dụng một bộ phận người dân không thông thạo về công nghệ thông tin, cách thức nộp hồ sơ trực tuyến, trên mạng xã hội facebook xuất hiện nhiều trang và hội nhóm “cò mồi” đăng tải các bài viết “làm hộ” hộ chiếu như: “Dịch vụ làm hộ chiếu nhanh”, “Làm hộ chiếu nhanh giá rẻ tại Hà Nội”, “Hộ chiếu Nhanh (Passport) Visa - Xuất nhập cảnh Việt Nam”... với mức chi phí phải trả cho các “dịch vụ nhanh” này cao gấp nhiều lần so với lệ phí theo quy định của Nhà nước.

Ảnh minh họa: CAND

Công an thành phố Hà Nội thông tin, một số đối tượng xấu còn lợi dụng việc này đánh cắp thông tin của cá nhân như: ảnh chân dung, căn cước công dân, số điện thoại, email, địa chỉ thường trú, mã OTP... nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng. Sau đó dùng tài khoản này để lừa đảo vay tiền của người thân, bạn bè, chiếm đoạt toàn bộ thông tin cư trú cá nhân của nhiều người trong ứng dụng VNeID.

Để phòng tránh lừa đảo bị đánh cắp thông tin, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) đề nghị người dân nên tự thao tác nộp hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Trong trường hợp không thể nộp hồ sơ, người dân có thể nhờ người thân, bạn bè quen biết, có uy tín, am hiểu công nghệ thông tin hoặc trực tiếp đến cơ quan Công an nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không sử dụng các "dịch vụ online" trên các mạng xã hội. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.

Đề xuất thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán vàng

Tổng cục Thuế vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng. Đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch có liên quan. Thông tin này đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ phía người dân và các chuyên gia.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, thanh toán không dùng tiền mặt nên áp dụng cho cả các giao dịch vàng khác chứ không chỉ riêng cho vàng miếng. Điều này về cơ bản không ảnh hưởng, tác động khiến thị trường vàng trầm lắng mà chủ yếu tác động tới các đơn vị kinh doanh vàng. Từ trước đến nay, các đơn vị kinh doanh vàng sử dụng tiền mặt nhiều để tránh cơ quan thuế nắm doanh thu, giảm số thuế phải đóng. Từ phân tích đó, theo ông Hiếu những giao dịch qua ngân hàng sẽ sàng lọc, đặc biệt giúp hoạt động phòng chống rửa tiền tốt hơn. Đề xuất này được đánh giá sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý, việc thu thuế giữa các đơn vị kinh doanh công bằng hơn, góp phần làm minh bạch hoạt động kinh doanh vàng.

Đề xuất thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng. Ảnh: Ngọc Thắng

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để đi vào thực tế cuộc sống, đề xuất này còn nhiều điều cần phải bàn. Tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước, thói quen thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn hiện hữu trong đời sống người dân nhất là mua bán vàng nhẫn và trang sức. Đặc biệt với những người lớn tuổi hay những nơi phương thức thanh toán chưa phát triển, việc chuyển khoản khi mua vàng tích cóp sẽ trở nên khó khăn. Trong khi đó, hình thức thanh toán bằng tiền mặt hay không tiền mặt vẫn là sự lựa chọn của người dân chứ không phải là quy định cấm một phương tiện nào, vì không phải ai cũng có tài khoản. Nếu bắt buộc sẽ bất tiện cho người dân, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu mua vàng của người dân là bình thường.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ vàng rất lớn cũng không cấm dùng tiền mặt khi mua bán. Họ chỉ khuyến khích thanh toán điện tử, dù ví điện tử, QR code rất thông dụng tại đây. Nhiều nước khác trong khu vực như Malaysia, Indonesia... cũng quản lý tương tự. Do đó, trong bối cảnh hiện nay hình thức chuyển khoản, thanh toán trực tuyến nên áp dụng khi mua số lượng vàng lớn. Còn lượng ít hay nhỏ lẻ thì vẫn có thể giao dịch tiền mặt./. 

 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội đề xuất xây dựng 9 khu nhà ở xã hội; Hà Nội sẽ mở thêm điểm trông xe không dùng tiền mặt; Nỗi lo đuối nước với trẻ em dịp hè... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội lại đón nắng nóng, xen giữa mưa dông; Đề xuất người đóng BHXH trên 20 năm được nghỉ hưu sớm 5 năm; Từ 1/7, những ai chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học?... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều nơi; Đề xuất đánh thuế giao dịch vàng để tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng thị trường; Ngăn chặn cá độ bóng đá trái phép khi mùa Euro 2024 đang tới gần... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Sông Tô Lịch sắp có nước sạch; Hà Nội sắp có tuyến du lịch đường sông qua Bát Tràng tới Hưng Yên; Hà Nội quy hoạch trung tâm văn hóa Phật giáo Thủ đô tại huyện Gia Lâm... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hơn 106.000 thí sinh Hà Nội dự thi lớp 10; Mô hình 9+ cánh cửa cho học sinh trượt lớp 10 THPT công lập... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hơn 100.000 thí sinh Hà Nội làm thủ tục dự thi vào lớp 10; Rà soát kê khai, nộp thuế sau những phiên livestream bán hàng triệu USD; Mở thêm cánh cửa phát triển công nghiệp văn hóa cho Hà Nội... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.