Xyanua 'kịch độc' như thế nào?

Thời gian qua, dư luận xôn xao trước thông tin một phụ nữ ở tỉnh Đồng Nai đã đầu độc người thân bằng chất độc xyanua. Tiếp đến là vụ việc 6 người Việt tử vong tại Bangkok cũng do bị đầu độc bởi xyanua. Nhắc đến thứ chất độc này, chúng ta đã không khỏi "rùng mình" vì mức độ vô cùng nguy hiểm của nó.

Nguồn gốc chết người của xyanua

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), xyanua có thể là khí không màu, chẳng hạn như hydro xyanua (HCN) hoặc xyanua clorua (CNCl), hoặc ở dạng tinh thể như natri xyanua (NaCN) hoặc kali xyanua (KCN).

Xyanua đôi khi được mô tả là có mùi "hạnh nhân đắng", nhưng không phải lúc nào nó cũng phát ra mùi và không phải ai cũng có thể phát hiện ra mùi này.

Điều nguy hiểm là xyanua được giải phóng từ các chất tự nhiên trong một số thực phẩm và thực vật như sắn, đậu lima và hạnh nhân. Hoặc chất này có trong hạt của các loại trái cây phổ biến, chẳng hạn như quả mơ, táo và đào.

Thực tế, đã có nhiều người ăn sắn bị chết vì chất xyanua có trong sắn. Khói thuốc lá cũng có một lượng xyanua nhất định gây hại khi dùng lâu dài.

Xyanua (cyanide) là chất cực độc, có thể lấy mạng người chỉ với một lượng nhỏ

Ngoài ra, chúng không quá khó để điều chế và tìm kiếm dựa trên các nguồn nguyên liệu sẵn có. Người mua có thể dễ dàng tìm kiếm các thông tin mua bán loại hóa chất này, và thực tế chúng được bán một cách khá "tùy tiện" trên thị trường.

Xyanua không quá khó để điều chế và tìm kiếm dựa trên các nguồn nguyên liệu sẵn có.

Xyanua là chất gì và độc như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phương – Khoa Hồi sức tích cực và chống độc – Bệnh viện Thanh Nhàn.

Thông tin với phóng viên Đài Hà Nội, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phương – Khoa Hồi sức tích cực và chống độc – Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, xyanua là một hoạt chất hóa học chứa nhóm cyano. Đây là một chất cực độc được biết đến từ những năm đầu của thế kỷ XIX.

Xyanua có thể được tồn tại dưới dạng khí, hydro xyanua, muối, kali xyanua. Chúng được tìm thấy trong các thực phẩm tự nhiên như măng tươi, sắn tươi, hạnh nhân, đậu ngự. Bên cạnh đó, xyanua cũng được tìm thấy trong các chế phẩm công nghiệp như thuốc trừ sâu, dung dịch tráng rửa phim, chất tẩy rửa đồ trang sức, sản xuất nhựa, cao su, sản phẩm sau các đám cháy.

Xyanua là loại chất độc rất mạnh, nó đã được sử dụng trong rất nhiều vụ giết người hàng loạt và tự tử. Chúng được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, niêm mạc, đường hô hấp sau đó phân bổ nhanh vào cơ thể và gây độc.

Xyanua dạng lỏng có thể được hấp thụ qua da, mắt. Bên trong tế bào, xyanua bám vào các metalloenzyme phổ biến và bất hoạt chúng, đặc biệt là cytochrome oxidase và ức chế quá trình hô hấp tế bào ngay cả khi đủ lượng oxy dự trữ. Não và tim là hai cơ quan có nhu cầu tiêu thụ oxy cao nên bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Xyanua dạng lỏng có thể được hấp thụ qua da, mắt. Ảnh: Dân Trí.

Chất xyanua, hay còn gọi là cyanide là một trong những chất hóa học bị cấm lưu hành trái phép trên thị trường hiện nay. Theo Cơ quan chuyên môn y tế, chỉ với khoảng 50 - 150 mg xyanua không những làm hại sức khỏe mà còn cướp đi tính mạng của một người khỏe mạnh. Đây là chất cực độc và tại Việt Nam đã bị cấm lưu hành, buôn bán, trao đổi, phát tán, sử dụng dưới mọi hình thức.

Xyanua là hóa chất cực độc, thậm chí được liệt vào danh sách những chất độc nhất trong các chất độc. Chúng được hấp thu nhanh vào cơ thể, ức chế rất nhanh, mạnh với hô hấp tế bào, một liều rất nhỏ cũng có thể gây tử vong. Bệnh nhân tử vong nhanh thường do suy hô hấp, co giật. Liều gây ngộ độc của xyanua phụ thuộc vào dạng (muối hay khí), thời gian tiếp xúc và đường tiếp xúc.

Xyanua là loại chất độc rất mạnh, nó đã được sử dụng trong rất nhiều vụ giết người hàng loạt và tự tử. Ảnh: Dân Trí.

Thông thường, sau khi bị ngộ độc xyanua, nạn nhân sẽ trải qua ba giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn kích động, người bị nhiễm độc sẽ có dấu hiệu lo lắng, kích động, thở nhanh và lú lẫn. Sau đó, nạn nhân bắt đầu co giật, khó thở, tụt huyết áp và bị giảm thông khí. Cuối cùng, nạn nhân dần rơi vào trạng thái giảm trường lực cơ và mất phản xạ, bị trụy tim mạch, hạ oxy trong máu, dẫn đến tử vong.

Những dấu hiệu để nhận biết khi trúng độc xyanua đó là cảm thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, thở nhanh, nhịp tim tăng cao, cảm thấy bồn chồn và kiệt sức. Khi phát hiện ra người có dấu hiệu trên, chúng ta cần nhanh chóng đưa người nhiễm độc xyanua đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời. Theo các tổ chức y tế, nếu người trúng độc xyanua trong vòng hai giờ không được chữa trị kịp thời, sẽ gây nguy cơ tử vong rất cao.

Chất độc xyanua tấn công các ty thể và chuỗi vận chuyển electron trong tế bào. Ảnh: Getty.

Chia sẻ về vấn đề xyanua có độc không, các chuyên gia cho biết, xyanua là chất độc cực mạnh và chỉ cần ăn phải một lượng nhỏ cũng có thể gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là mất mạng.

Chất độc xyanua khi vào đến cơ thể có tốc độ hấp thu cực nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa, thần kinh, hô hấp, tuần hoàn và cuối cùng là lấy đi sinh mạng chỉ sau khoảng thời gian rất ngắn từ khi nhiễm độc.

Mức độ nguy hiểm của xyanua phụ thuộc khá nhiều vào lượng xyanua và chiết xuất xyanua mà nạn nhân nhiễm phải. Với nồng độ rất nhỏ, dưới ngưỡng 50 mg xyanua có thể gây tàn phế vĩnh viễn hoặc người bệnh sẽ có vấn đề về thần kinh, tiêu hóa, tuần hoàn, không thể chữa khỏi.

Xyanua có trong thực phẩm ở nồng độ tương đối thấp nên nhiễm độc xyanua từ thực phẩm ít xảy ra. Nếu bạn ăn thực phẩm có chứa xyanua đúng cách vẫn không làm hại đến sức khỏe nhưng có thể gây khó tiêu, đầy bụng, chướng bụng, ợ hơi, choáng nhẹ với người có cơ địa nhạy cảm.

Triệu chứng thường gặp khi ngộ độc xyanua

Nói về “triệu chứng thường gặp khi ngộc độc xyanua”, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phương - Khoa Hồi sức tích cực và chống độc - Bệnh viện Thanh Nhàn cũng lưu ý có nhiều mức độ và biểu hiện lâm sàng đa dạng từ nhẹ đến nguy hiểm tới tính mạng.

Khi bị ngộ độc xyanua bệnh nhân có thể co giật, mất ý thức, thở gấp, rối loạn nhịp tim. Ảnh: Internet.

Biểu hiện bên ngoài: Đỏ da; Niêm mạc bám bụi (sau vụ cháy), hơi thở có mùi hạnh nhân.

Triệu chứng thần kinh: Chóng mặt, đau đầu, lú lẫn, hôn mê, co giật.

Triệu chứng tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn, nôn.

Triệu chứng hô hấp: Khó thở, ngưng thở.

Triệu chứng tim mạch: đau ngực, rối loạn nhịp, ngừng tim.

Như vậy, xyanua có độc và rất nguy hiểm. Ngay khi nhận thấy nạn nhân có triệu chứng nhiễm độc xyanua cần nhanh chóng xử lý, sơ cứu và liên hệ y tế kịp thời, tránh trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Xử trí khi ngộ độc xyanua 

Để xử trí khi có người bị ngộ độc xyanua, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phương - Khoa Hồi sức tích cực và chống độc - Bệnh viện Thanh Nhàn đã lưu ý:

Xyanua là loại chất độc có chất giải độc tuy nhiên không phải luôn sẵn có tại các cơ sở y tế. Điều trị chủ yếu là ngăn chặn tiếp tục phơi nhiễm, đảm bảo các chức năng sống và điều trị hồi sức tích cực trong trường hợp ngộ độc nặng.

*Tại hiện trường cần thực hiện:

Ngăn chặn không để phơi nhiễm tiếp tục với độc chất, cởi bỏ quần áo bị nhiễm, đưa bệnh nhân ra khỏi vụ cháy, không gian chứa chất độc, làm sạch da nếu cần thiết bằng xà phòng và nước sạch.

Cung cấp oxy lưu lượng cao, quản lý đường thở và hỗ trợ hô hấp nâng cao khi cần thiết.

Thiết lập đường truyền tĩnh mạch.

Nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân đến trung tâm cấp cứu.

*Tại bệnh viện:

Đảm bảo hô hấp, huyết động.

Rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính nếu phơi nhiễm qua đường miệng và bệnh nhân đến sớm.

Sử dụng antidote càng sớm càng tốt nếu sẵn có tại cơ sở y tế.

*Lưu ý:

Cần chú ý đến nguy cơ phơi nhiễm gợi ý ngộ độc chất xyanua. Phương án điều trị sớm và đúng cho bệnh nhân (nghề nghiệp có nguy cơ tiếp xúc với hóa chất công nghiệp); hoàn cảnh xảy ra tai nạn (sau vụ cháy, nổ); nguy cơ rối loạn tâm thần nghi ngờ tự tử, yếu tố đột ngột nghi ngờ ngộ độc, hay hoàn cảnh nhiều người cùng bị bệnh cảnh tương tự nghi ngờ đầu độc.

*Dự phòng:

- Để tránh ngộ độc sắn, măng tươi, khi ăn cần gọt vỏ, cắt bỏ hai đầu của củ sắn, ngâm trong nước, khi luộc phải mở nắp nồi cho khí HCN bay hơi.

Cần chế biến kỹ sắn và măng để phòng ngộ độc. Ảnh: Sức khoẻ & Đời sống.

- Không ăn hạt quả mận, đào, lê, mơ, cherry.

- Cần kiểm soát, tránh bỏ sót ngộ độc xyanua sau các vụ cháy.

- Sử dụng phòng hộ cá nhân đối với những người có nguy cơ tiếp xúc với các hóa chất công nghiệp, thuốc trừ sâu, người tham gia cứu hộ đám cháy.

- Cần có quy chế quản lý sát sao hơn trong mua bán các hóa chất độc hại như xyanua.

Vì xyanua là chất kịch độc nên cần tránh tiếp xúc dưới mọi hình thức, trường hợp nghi ngộ độc xyanua cần gọi cấp cứu ngay để bảo vệ tính mạng cho nạn nhân.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hôm nay 21/12, tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Thủ đô Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Hội Nghệ sĩ trẻ Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh "Tiếp cận y tế toàn diện - Vì một Việt Nam khỏe mạnh", với sự tham gia của hơn 3.000 thanh niên và người dân Thủ đô.

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 3 ở phụ nữ từ 15-44 tuổi. Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị “Nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến chuyên ngành Sản - phụ khoa Hà Nội lần thứ 12 năm 2024” do Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức sáng 20/12.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận vừa thông tin về tiến độ của 2 bệnh viện "nghìn tỷ" là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam).

Bốn nạn nhân nặng trong vụ phóng hoả vừa xảy ra ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, được điều trị chuyên sâu tại Bệnh viện Bạch Mai, sức khoẻ đang tiến triển tốt.

Bệnh viện đa khoa Thanh Trì và Bệnh viện Thanh Nhàn vừa ký kết hợp tác toàn diện trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.

Hôm qua (19/12), Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp tục khai trương thêm một bệnh viện đa khoa hiện đại điều trị hiếm muộn tại Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.