Bầu cử Mỹ: Nỗi bất an của người nhập cư
Nỗi lo ông Trump tái đắc cử
Nếu ông Trump tái đắc cử, sẽ có một cuộc trục xuất người nhập cư quy mô lớn khỏi nước Mỹ, còn nếu bà Harris đắc cử, cũng sẽ có những sự siết chặt nhất định đối với người nhập cư để giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư dưới thời Biden - Harris.
Những ngày trước bầu cử Mỹ, chính quyền khu vực biên giới phía Nam của bang Texas ghi nhận làn sóng nhập cư ồ ạt. Một nguồn tin biên phòng cho biết những người nhập cư này vội vã đến Mỹ như vậy vì nghĩ rằng cánh cửa rộng mở vào nước Mỹ của họ có thể sắp đóng lại.
"Chúng tôi đã chờ đợi nhiều tháng, ba tháng chúng tôi chờ đợi ở Tapachula và có những người đã chờ đợi tám tháng. Chúng tôi hy vọng ông Trump không thắng vì bạn biết đấy, ông ấy chống người nhập cư. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc di chuyển và cố gắng đến biên giới”.
Cô Iris Meza - người di cư Colombia
Lực lượng chức năng cho biết mỗi ngày có hơn 300 người nhập cư đến trình diện với quan chức biên phòng tại quận Maverick (Texas), nhiều gấp đôi so với cách đây vài tuần.
Trong số các nhóm vượt biên ồ ạt vào miền nam Texas, có nhiều người đến từ những quốc gia được xem là “mối quan tâm đặc biệt” của Mỹ, vì liên quan đến các nghi phạm khủng bố như Iran, Angola, Guinea và Pakistan.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên ở Nhà Trắng, cựu Tổng thống Trump đã thực hiện nhiều chính sắt siết chặt nhập cư gây tranh cãi. Ông đã thắt chặt kiểm soát biên giới, giảm số lượng người tị nạn được tiếp nhận và quyền tị nạn, ban hành lệnh cấm toàn diện chủ yếu nhắm vào những người đến từ các quốc gia có đa số là người Hồi giáo và châu Phi. Ông đã có một động thái bị lên án rộng rãi đó là tách cha mẹ khỏi con cái của họ ở biên giới phía Tây Nam.
“Đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Ngoài ra, một điều khác mà không ai nói đến khi cuộc bầu cử đang đến gần là có tác động lớn đến các gia đình người Mỹ gốc La-tinh dưới hình thức chia cắt gia đình. Các chính sách trục xuất ở biên giới đang chia cắt các gia đình”.
Ông Fernando Garcia - Giám đốc điều hành mạng lưới biên giới vì nhân quyền, Mỹ.
Ông Trump cũng áp đặt các rào cản hành chính để hạn chế người nhập cư hợp pháp. Ông đã sử dụng ngoại giao cứng rắn để gây sức ép với Mexico và các nước Trung Mỹ nhằm gây khó khăn hơn cho những người di cư đi đến Mỹ. Ông cũng đã chi hàng tỷ USD để xây dựng bức tường ở biên giới phía Nam nhằm ngăn người nhập cư qua biên giới vào Mỹ.
Trong cuộc đua vào Nhà Trắng lần thứ hai này, ông Trump đổ lỗi chính quyền Harris - Biden đã thúc đẩy làn sóng nhập cư vào Mỹ, gây ra cuộc khủng hoảng ở biên giới phía Nam. Ông đã nhiều lần tuyên bố nếu tái đắc cử, ông sẽ không chỉ khôi phục nhiều chính sách nhập cư của mình mà còn tiến xa hơn nữa. Ông sẽ ra lệnh trục xuất người nhập cư bất hợp pháp ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức và đây sẽ là cuộc trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
"Chúng ta sẽ bắt đầu chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Chúng ta sẽ đóng cửa biên giới, sẽ ngăn chặn cuộc xâm lược của những người nhập cư bất hợp pháp vào đất nước chúng ta. Chúng ta sẽ bảo vệ lãnh thổ của mình. Chúng ta sẽ không bị chinh phục”.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump
Mục đích của kế hoạch này là trục xuất hàng triệu người mỗi năm, bao gồm cả những người đã định cư ở Mỹ trong nhiều thập kỷ. Số người bị trục xuất có thể lên tới 20 triệu người. Ông Trump cũng sẽ chấm dứt quyền công dân khi sinh ra ở Mỹ đối với cha mẹ không có giấy tờ hợp pháp. Ông cũng có thể sẽ khôi phục lệnh cấm nhập cảnh đối với người dân từ một số quốc gia có đa số là người Hồi giáo. Cựu Tổng thống cũng dự định khôi phục chương trình "Ở lại Mexico", yêu cầu người xin tị nạn phải ở lại Mexico cho đến ngày hồ sơ của họ được phía Mỹ phê duyệt. Trong khi một số kế hoạch nhiệm kỳ đầu tiên của cựu Tổng thống Trump đã bị tòa án và Quốc hội cản trở, các nhà lãnh đạo về quyền nhập cư lo ngại rằng trong nhiệm kỳ thứ hai, các chính sách hạn chế người nhập cư của ông Trump có thể sẽ tinh vi và có chiến lược hơn.
Tính đến năm 2022, có 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ đang sinh sống tại Mỹ, phần lớn trong số họ đã ở trong nước hơn một thập kỷ. Những kế hoạch trên của ông Trump khiến người nhập cư đang sinh sống tại Mỹ lo lắng bất an.
Adam Posen, chuyên gia kinh tế người Mỹ lo ngại rằng chính sách trục xuất người nhập cư của ông Trump có thể gây ra tình trạng thiếu hụt lao động trên thị trường việc làm và làm tăng giá cả. Các nghiên cứu từ Viện Peterson chỉ ra rằng việc trục xuất một số lượng lớn người lao động sẽ dẫn đến giảm sản lượng công nghiệp và gia tăng lạm phát, làm tổn hại đến nền kinh tế tổng thể.
Bà Harris đối mặt thách thức về vấn đề nhập cư
Hàng dài người đang tập trung tại biên giới Mexico với Mỹ, không phải tất cả muốn nhanh chóng vào Mỹ vì lo ngại ông Trump sẽ tái đắc cử. Nhiều người vội vã muốn vào Mỹ vì lo sợ nếu bà Harris giành chiến thắng, nước Mỹ có thể sẽ ghi nhận một làn sóng nhập cư khổng lồ. Lúc đó, họ sẽ phải xếp hàng rất lâu để làm thủ tục. Mặc dù gần đây chính quyền Biden – Harris đã có những động thái siết chặt nhập cư để giải quyết cuộc khủng hoảng ở biên giới, nhưng làn sóng người di cư đổ vào Mỹ đã trở thành lý do khiến bà Harris và Tổng thống Biden bị chỉ trích suốt thời gian qua.
Vào tháng 1/2021, trong ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh đảo ngược một số chính sách nhập cư của ông Trump, như ngừng xây bức tường biên giới Mỹ - Mexico, dỡ lệnh cấm nhập cảnh với công dân một số quốc gia, chủ yếu là nước Hồi giáo. Ông cũng yêu cầu nội các làm việc để duy trì các biện pháp bảo vệ hàng trăm nghìn người được đưa tới Mỹ khi còn nhỏ không bị trục xuất.
Các động thái của Tổng thống Biden đã mở hy vọng cho hàng triệu người muốn tìm đường tới Mỹ, kích hoạt làn sóng người nhập cư ồ ạt tới Mexico để vượt biên vào nước này. Theo báo cáo, nước Mỹ đã ghi nhận mức kỷ lục 10 triệu vụ vượt biên trái phép kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức.
Khi khủng hoảng ở biên giới gia tăng, đầu năm 2023, ông Biden giao cho bà Harris nhiệm vụ giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng nhập cư vào Mỹ. Tuy nhiên, số người di cư từ Mexico vượt biên vào Mỹ đạt mức cao kỷ lục vào cuối năm 2023.
Đây là lý do ông Trump và đồng minh liên tục công kích bà Harris, gọi bà là "bà hoàng biên giới thất bại". Ông Trump và đảng Cộng hòa đổ lỗi cho chính quyền Biden - Harris về tình hình vượt biên trái phép ở khu vực biên giới, cho rằng vấn đề nằm ở những chính sách nhập cư quá khoan nhượng.
Thời gian gần đây, bà Harris đã nỗ lực tìm cách đảo ngược tình thế bằng cách đưa ra lập trường ngày càng cứng rắn về người tị nạn và ủng hộ siết an ninh biên giới. Bà đề xuất nếu lực lượng biên phòng ghi nhận trên 1.500 vụ vượt biên trái phép mỗi tuần, Mỹ sẽ ngừng tiếp nhận đơn xin tị nạn của người di cư.
"Chúng ta hãy thành thật về điều đó. Tôi không tự hào khi nói rằng đây là một hệ thống nhập cư hoàn hảo. Tôi đã nói rõ ràng, tôi nghĩ tất cả chúng ta đều như vậy, rằng hệ thống này cần phải được sửa đổi".
Phó Tổng thống Kamala Harris
Trong chuyến thăm khu vực biên giới giáp Mexico tại bang Arizona hồi tháng 9, bà Harris vạch kế hoạch siết hạn chế với người tị nạn. Quan chức chiến dịch của bà Harris cho biết bà dự định đề xuất mức thấp hơn để thực thi biện pháp hạn chế tiếp nhận đơn xin tị nạn.
Bà Harris cũng kêu gọi cải cách toàn diện chính sách nhập cư, bao gồm xây dựng lộ trình cho phép người nhập cư trở thành công dân Mỹ một cách hợp pháp, đặc biệt là trẻ em.
Mặc dù dòng người di cư tại các cửa khẩu biên giới đã giảm mạnh trong năm nay sau lệnh đàn áp tị nạn của Tổng thống, nhưng cảm giác hỗn loạn vẫn tồn tại. Các cử tri tiếp tục không tán thành cách xử lý tình hình của chính quyền Biden - Harris. Ông Trump và nhóm của ông tin tưởng rằng nhập cư vẫn là một vấn đề chính trị quan trọng đối với cử tri - và ông đã sử dụng vấn đề này để giành lợi thế trở lại Nhà Trắng.
Người nhập cư mới với cuộc bầu cử Tổng thống
Ước tính có 3,5 triệu người nhập cư đã trở thành công dân Mỹ kể từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và có thể ảnh hưởng đến kết quả của các cuộc bầu cử, bao gồm cả cuộc bầu cử tổng thống năm nay giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump.
Theo phân tích từ Trung tâm Chính sách Di trú Mỹ dựa trên ước tính từ dữ liệu của Bộ An ninh Nội địa (DHS), khoảng 3,56 triệu người nhập cư đã đủ điều kiện bỏ phiếu kể từ cuộc bầu cử năm 2020.
"Rất nhiều người nhập cư nhập tịch với mong muốn mạnh mẽ là được bỏ phiếu, điều đó có nghĩa là tỷ lệ đi bỏ phiếu của họ có thể cao hơn bình thường. Ngoài ra, họ nhập tịch vào thời điểm mà vấn đề nhập cư đã trở thành vấn đề nóng hổi".
Ông Manuel Pastor, Giám đốc viện nghiên cứu công bằng, Mỹ
Số lượng người nhập tịch mới nhiều nhất là ở các bang đông dân nhất của Mỹ như California, Florida, New York và Texas. Đây không phải những bang chiến trường có khả năng quyết định cuộc bầu cử tổng thống.
Tuy nhiên, cũng có một số lượng đáng kể người nhập tịch mới ở các bang chiến trường, nơi ông Trump và bà Harris đang cạnh tranh quyết liệt để giành được số phiếu Đại cử tri mà họ cần để giành chiến thắng.
Pennsylvania, nơi Tổng thống Biden giành chiến thắng với đa số - hơn 80.000 phiếu bầu - vào năm 2020, đã tăng thêm hơn 70.600 người nhập tịch mới từ các năm 2021 đến 2023. Số người nhập tịch mới tại các bang khác cũng có sự gia tăng đáng kể.
Một số người nhập cư có thể không thích lời lẽ chỉ trích của ông Trump về những người nhập cư bất hợp pháp thời gian gần đây, như cáo buộc người nhập cư ở Ohio ăn thịt thú cưng, coi những người nhập cư là rác và là “gene xấu”.
“Ông Trump nên xin lỗi. Ông ấy đã không tôn trọng một cộng đồng, hòn đảo của tôi, bạn biết đấy, một phần của nước Mỹ. Một lần nữa, Trump đã gọi đất nước này là rác rưởi, vậy là đủ rồi, đủ rồi với ông ấy”.
Ông Bolivar Pagin - người dân Allentown
Tuy nhiên, họ cũng không nghiêng về đảng Dân Chủ. Nhiều người bảo thủ đã chỉ trích phản ứng của chính quyền Biden - Harris đối với tình trạng nhập cư ồ ạt trong gần bốn năm qua, mặc dù Tổng thống Biden đã có những chính sách siết chặt hơn trong những tháng gần đây.
Vẫn chưa rõ sự ủng hộ cuối cùng của những cử tri mới nhập tịch sẽ giành cho ai. Các chuyên gia cho biết việc xác định khuynh hướng chính trị ở nhóm cử tri này là rất khó khăn khi xét đến các sắc tộc, quốc gia gốc, tiểu bang mà họ cư trú và các vấn đề ảnh hưởng đến cá nhân và gia đình họ.
Ông Denny Salas, chiến lược gia của đảng Dân chủ cho rằng người nhập cư mới ở Mỹ không quan tâm đến các đảng phái, mà sự ủng hộ của họ phụ thuộc cách các chiến dịch của bà Harris và ông Trump giải quyết các vấn đề liên quan đến cư dân mới ở các tiểu bang chiến trường. Trong đó, vấn đề số một là nền kinh tế và lạm phát.
Có những chỉ trích cho rằng việc siết chặt nhập cư của cựu Tổng thống Trump và gần đây là của Tổng thống Biden sẽ thách thức chính lý tưởng của Mỹ về hình ảnh một quốc gia của những người nhập cư. Tuy nhiên, trong bối cảnh số lượng đến biên giới phía nam và xin tị nạn tăng kỷ lục, người Mỹ đã trở nên ít khoan dung hơn với tình trạng nhập cư bất hợp pháp, do lo ngại về tác động của nó đối với nền kinh tế và bản sắc dân tộc của đất nước. Chính vì vậy, người Mỹ coi cách xử lý vấn đề nhập cư là một trong những yếu tố quan trọng để căn cứ vào đó đưa ra quyết định cuối cùng bầu chọn vị tổng thống tiếp theo của đất nước.
Một chiếc trực thăng đã đâm vào một bệnh viện ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ vào Chủ nhật, khiến bốn người thiệt mạng, gồm hai phi công, một bác sĩ và một nhân viên trên máy bay. Không có ai bên trong tòa nhà hoặc trên mặt đất bị thương.
Cảnh sát Nigeria ghi nhận đã có ít nhất 13 người thiệt mạng trong hai vụ giẫm đạp nhận quà từ thiện tại nước này, đa số các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chọn nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế Mark Burnett làm đặc phái viên của ông tại Vương quốc Anh. Lựa chọn này cần được Thượng viện Mỹ phê duyệt.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, nước này đang đàm phán với Nga và Ukraine về giải pháp duy trì trung chuyển khí đốt qua Ukraine, đồng thời khẳng định Budapest không muốn từ bỏ tuyến đường này.
Đảng Dân chủ đối lập ở Hàn Quốc đã kêu gọi quyền Tổng thống Han Duck-soo nhanh chóng ký ban hành dự luật bổ nhiệm cố vấn đặc biệt để điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeol và đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp đặt thêm thuế quan với Liên minh châu Âu nếu lục địa già không tăng cường mua dầu khí của Mỹ.
0