Biển Đỏ tiếp tục dậy sóng

Trong những tuần gần đây, Biển Đỏ tiếp tục dậy sóng khi ngày càng nhiều nước tham gia vào hoạt động quân sự trả đũa do Anh và Mỹ đứng đầu nhắm vào các căn cứ quân sự của phiến quân Houthi.

Các cuộc tấn công “ăn miếng trả miếng” 

Đã hơn 3 tháng kể từ khi lực lượng Houthi bắt đầu thực hiện các cuộc tấn công vào tàu thương mại có liên quan đến Israel ở Biển Đỏ, nhằm thể hiện sự đoàn kết với người Palestine sau khi xung đột Israel - Hamas nổ ra vào tháng 10 năm ngoái. Tính đến nay, đã có hơn 35 tàu thương mại quốc tế bị tấn công, khiến nhiều hãng vận tải phải tạm ngừng hoạt động qua Biển Đỏ, đẩy thời gian và chi phí vận chuyển lên cao, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong những tuần gần đây, Biển Đỏ tiếp tục dậy sóng khi ngày càng nhiều nước tham gia vào hoạt động quân sự trả đũa do Anh và Mỹ đứng đầu nhắm vào các căn cứ quân sự của phiến quân Houthi.

Houthi bắt đầu thực hiện các cuộc tấn công vào tàu thương mại có liên quan đến Israel ở Biển Đỏ.

Căng thẳng nổ ra tại Biển Đỏ vào ngày 19/11/2023 khi các tay súng Houthi cướp một con tàu có tên Galaxy Leadervà đưa đến một cảng của Yemen. Lực lượng Houthi cho biết, các cuộc tấn công này nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với người Palestine ở Gaza. Sau ba tháng, lực lượng Houthi tuyên bố vẫn tiếp tục các cuộc tấn công cho đến khi Israel ngừng bắn, đồng thời cảnh báo sẽ tấn công các tàu chiến Mỹ nếu Houthi trở thành mục tiêu tấn công.

Mỹ cho biết những hành động bất hợp pháp này đã gây nguy hiểm đến tính mạng của hàng chục thủy thủ và cản trở dòng chảy thương mại quốc tế tự do. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ và đã tập hợp một lực lượng đặc nhiệm hải quân để cố gắng làm chủ tình thế.

Liên minh gồm Mỹ, Anh và các đồng minh khác đã thành lập “Chiến dịch người bảo vệ thịnh vượng”.

Theo đó, liên minh gồm Mỹ, Anh và các đồng minh khác đã thành lập “Chiến dịch người bảo vệ thịnh vượng” để tham gia tuần tra Biển Đỏ, bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển và vận tải đường biển.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cho biết: “Chúng tôi đã phát động Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng, dưới sự bảo trợ của các lực lượng hàng hải tổng hợp và dưới sự lãnh đạo của lực lượng đặc nhiệm 153. Chiến dịch này quy tụ hơn chục quốc gia trên khắp thế giới để tiến hành tuần tra chung ở Biển Đỏ và Vịnh Aden."

Căng thẳng lên cao hơn khi Chính phủ Mỹ ngày 17 tháng 1 đã đưa lực lượng Houthi có trụ sở tại Yemen vào danh sách các nhóm khủng bố. Động thái này đã khiến nhóm Houthi gia tăng các cuộc tấn công vào các tàu thuyền có liên quan đến Israel trên Biển Đỏ.

Tính đến ngày 19/2, Houthi đã tấn công vào 35 tàu thương mại đi qua Biển Đỏ và Vịnh Aden, được cho là đang đến hoặc rời khỏi các cảng của Israel. Lực lượng Houthi thường triển khai máy bay không người lái khi phát động các cuộc tấn công, khiến việc ngăn chặn hoàn toàn các cuộc tấn công là rất khó khăn. Gần đây, lực lượng Houthi còn sử dụng tàu cánh ngầm không người lái, gây ra mối đe dọa lớn đối với các tàu thuyền đi lại trong khu vực.

Để trả đũa các cuộc tấn công của Houthi, quân đội Mỹ, Anh cùng với sự hỗ trợ của Hà Lan, Australia, Bahrain và Canada đã tiến hành cuộc tập kích lớn bằng các loại vũ khí, khí tài hiện đại - trong đó có tên lửa Tomahawk - nhằm vào các trung tâm hậu cần, hệ thống phòng không và các địa điểm cất giấu vũ khí của Houthi ở thủ đô Sanaa của Yemen và các khu vực khác.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố: “Chúng tôi sẽ sử dụng các biện pháp hiệu quả nhất theo ý mình để cắt nguồn tài chính của Houthi cho các cuộc tấn công này. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ về vấn đề này và có kế hoạch công bố các biện pháp trừng phạt mới trong những ngày tới."

Mới đây nhất, ngày 19/2, Liên minh châu ÂU (EU) đã khởi động “Chiến dịch Aspides” để đảm bảo an ninh hàng hải tại Biển Đỏ.  Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen nhấn mạnh, đây là bước đi hướng tới sự hiện diện mạnh mẽ hơn của châu Âu trên biển để bảo vệ lợi ích của chính châu Âu. Quyết định này đã nhận được sự đồng thuận trong EU và Italia được giao trọng trách chỉ huy hoạt động tác chiến trên biển.

Trước mắt, “Chiến dịch Aspides” sẽ được triển khai trong vòng một năm và có thể được xem xét gia hạn. Trung tâm chỉ huy chiến dịch sẽ được đặt tại thành phố Larissa của Hy Lạp và Hy Lạp sẽ giữ vai trò chỉ huy chung.

Một số quốc gia tham gia như Đức đã triển khai tàu khu trục “Hessen” đến Hy Lạp và sẵn sàng tham gia nhiệm vụ trên Biển Đỏ.

Để trả đũa các cuộc tấn công của Houthi, quân đội Mỹ, Anh cùng với sự hỗ trợ của Hà Lan, Australia, Bahrain và Canada đã tiến hành cuộc tập kích lớn.

Trong khi đó, Pháp cho biết sẵn sàng cắt cử một trong số nhiều tàu khu trục đang hiện diện tại Biển Đỏ để tham gia “Chiến dịch Aspides”, còn Bỉ thông báo sẽ điều tàu khu trục Louise-Marie tới khu vực này.

Giới chuyên gia nhận định những can thiệp quân sự của liên minh do Mỹ dẫn đầu khó có thể đạt được mục tiêu như bảo vệ hàng hải và quan trọng nhất là vô hiệu hoá mối đe doạ từ Houthi. Ngược lại, các cuộc tập kích của Mỹ có thể kéo dài và tốn kém, trong khi lại củng cố danh tiếng của Houthi trong khu vực.

Hơn nữa, chiến dịch do Mỹ và Anh dẫn đầu có thể sẽ chuyển trọng tâm của lực lượng Houthi từ hoạt động trừng phạt sang hoạt động rộng lớn hơn nhắm vào các tàu liên kết của Mỹ - Anh. Qua đó, chiến dịch này sẽ không những không đạt được mục tiêu duy trì quyền tự do hàng hải mà còn có thể khiến xung đột leo thang hơn nữa.

Ông Raiman al-Hamdani, nhà nghiên cứu tại Dubai, cho rằng tính đến nay, các vụ đánh chặn của Houthi chưa gây thương vong ở Biển Đỏ. Nhưng điều đó có thể thay đổi nếu xảy ra một cuộc tấn công trực tiếp vào binh sĩ Mỹ hoặc Anh. Nếu kịch bản đó xảy ra, Yemen sẽ có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn nhiều. Và điều đó có thể đe dọa an ninh trong khu vực.

Chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn 

Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đã giáng một đòn nặng nề vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Kể từ khi lực lượng Houthi tại Yemen tuyên bố thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các tàu thương mại, nhiều hãng vận tải lớn đã tạm dừng di chuyển các tàu của mình qua Biển Đỏ và kênh đào Suez của Ai Cập mà tìm kiếm tuyến đường khác. Điều này gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong việc vận chuyển hàng hóa số lượng lớn và khiến chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, nhà sản xuất và vận chuyển toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đã giáng một đòn nặng nề vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hoạt động vận tải qua kênh đào Suez chiếm tới 12% thương mại toàn cầu và tới 30% lưu lượng container toàn cầu đi qua tuyến Biển Đỏ và kênh đào Suez. Các cuộc tấn công ở Biển Đỏ đã buộc các hãng vận chuyển tìm cách tránh đi qua vùng biển này. Hầu hết các hãng vận chuyển hiện đã điều chỉnh lịch trình 100% đi qua mũi Hảo Vọng ở châu Phi. Việc chuyển hướng này dự kiến sẽ tiêu tốn thêm tới 1 triệu USD tiền nhiên liệu và kéo dài thời gian từ 8 đến 10 ngày cho mỗi chuyến đi khứ hồi giữa châu Á và Bắc Âu, hành trình đi từ Qatar đến châu Âu có thể tăng gấp đôi lên 18 ngày.

Các nước châu Âu phụ thuộc nhiều vào năng lượng vận chuyển qua tuyến đường Biển Đỏ. Sự gián đoạn vận tải qua Biển Đỏ làm dấy lên lo ngại về sự chậm trễ đẩy giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng, có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế châu Âu. Ngoài ra, ước tính 70 tỷ euro xuất nhập khẩu nông sản của EU cũng có thể bị ảnh hưởng do khủng hoảng vận tải.

Sự gián đoạn vận tải qua Biển Đỏ làm dấy lên lo ngại về sự chậm trễ đẩy giá dầu và khí đốt.

Ông Zhang Yansheng, Nhà nghiên cứu trưởng, Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc cho biết: "Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đã ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến các mặt hàng số lượng lớn bao gồm cả ngũ cốc. Chi phí hậu cần và chi phí an ninh bao gồm bảo hiểm và hộ tống sẽ tăng cao, điều này cuối cùng sẽ buộc người tiêu dùng, nhà sản xuất và nhà vận chuyển toàn cầu phải hứng chịu."

Bên cạnh đó, việc định tuyến lại đường đi của các con tàu cũng ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa công nghiệp. Các chuyên gia dự báo căng thẳng ở Biển Đỏ sẽ còn gây ra nhiều rủi ro cho chuỗi cung cấp hàng hóa trên thế giới trong năm 2024. Hiện vẫn chưa ghi nhận giải pháp hiệu quả nào cho cuộc khủng hoảng vận tải biển này.

Kế hoạch tấn công vào Rafah gây tranh cãi

Trong khi Biển Đỏ còn chưa lặng sóng thì tại Dải Gaza, Israel lên kế hoạch tấn công trên bộ vào thành phố Rafah ở sát biên giới với Ai Cập, nơi hiện có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn. Chính phủ của Thủ tướng Netanyahu cho biết, mục đích tấn công Rafah là để tiêu diệt lực lượng Hamas đang ẩn náu tại đây. Israel sẽ quyết tấn công Rafah bất kể có đạt thỏa thuận trao đổi con tin với Hamas hay không. Kế hoạch này của Israel đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nước, ngay cả của Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Israel.

Kế hoạch tấn công vào Rafal gây tranh cãi.

Theo Liên hợp quốc, hơn 1,4 triệu người Palestine hiện đang sinh sống ở Rafah, nơi trước đây chỉ có dân số 300.000 dân. Số người tại đây tăng vọt là do sau khi xung đột giữa Israel và Hamas xảy ra, nhiều người phải di tản đến Rafah để lánh nạn.

Israel đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào thành phố miền Nam Dải Gaza này, nơi Israel gọi là "pháo đài cuối cùng do Hamas kiểm soát" sau gần 5 tháng giao tranh. Israel cáo buộc lực lượng Hamas đang ẩn náu trong dân.

Tuy nhiên, kế hoạch này của Israel bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ vì cho rằng một động thái như vậy có thể sẽ cướp đi sinh mạng của một số lượng lớn dân thường và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, nơi đang trên bờ vực nạn đói.

Mỹ đã soạn thảo một nghị quyết và có thể đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi lệnh ngừng bắn tạm thời ở Dải Gaza. Dự thảo nghị quyết của Mỹ nhấn mạnh sự ủng hộ đối với lệnh ngừng bắn tạm thời ở Gaza, trọng tâm là trả tự do cho tất cả các con tin đồng thời dỡ bỏ mọi rào cản đối với việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo trên quy mô lớn ở Gaza. Dự thảo của Mỹ cũng cảnh báo Israel không tiến hành một cuộc tấn công trên bộ ở Rafah, nhấn mạnh một cuộc tấn công trên bộ lớn như vậy không nên được tiến hành trong hoàn cảnh hiện tại.

Trước đó, Tổng thống Mỹ cũng lên tiếng phản đối chiến dịch trên bộ của Israel vào Rafah.

Trong cuộc họp các Ngoại trưởng của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ), các Ngoại trưởng EU ngoại trừ Hungary đã cảnh báo Israel không tiến hành một cuộc tấn công ở Rafah mà họ cho rằng sẽ làm trầm trọng thêm thảm họa ở khu vực này. Tuyên bố được đưa ra dưới danh nghĩa Bộ trưởng Ngoại giao của 26 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết thêm sẽ khó có thể ngăn chặn được tình trạng dân thường thiệt mạng do các cuộc tấn công.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng kêu gọi Israel tôn trọng luật nhân đạo, nhưng nói rằng Israel có quyền tự vệ vì rõ ràng các binh sĩ Hamas vẫn đang hoạt động từ Rafah.

Cho đến nay, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đỏ và Israel lên kế hoạch tấn công vào thành phố Rafah miền nam Gaza, cục diện Trung Đông vẫn rơi vào bế tắc, bất chấp những nỗ lực hòa giải của quốc tế. Nếu Israel thực sự tấn công trên bộ vào Rafah, chưa biết mục tiêu xóa sổ Hamas có thể đạt được hay không, nhưng trước mắt, hơn 1 triệu người dân Palestine trú ẩn tại đây sẽ tiếp tục phải hứng chịu khủng hoảng nhân đạo tồi tệ. Bên cạnh đó, cuộc tấn công cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa Israel và Ai Cập vốn đã căng thẳng trở lại kể từ khi xảy ra xung đột tại Dải Gaza.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Theo nhận định của giới chuyên gia, nguyên nhân khiến giá đồng Bitcoin tăng chóng mặt là do các nhà đầu tư mong đợi về một môi trường tài chính cởi mở hơn với tiền kỹ thuật số dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Chiến thắng áp đảo của Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh dấu một chiến thắng lớn cho tỷ phú Elon Musk, người đã chi ít nhất 119 triệu đô la cho một nhóm ủng hộ ứng viên của Đảng Cộng hòa.

Liên minh cầm quyền tại Đức đã sụp đổ, kinh tế trì trệ, cùng với căng thẳng địa chính trị và áp lực bên ngoài có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào giai đoạn bất ổn. Nước Đức đang ở thời điểm bước ngoặt cho những cải cách và đổi mới để mạnh mẽ vươn lên.

Trong gần ba năm diễn ra xung đột Nga - Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine và luôn khẳng định rằng sẽ sát cánh cùng Kiev cho đến chừng nào có thể. Tuy nhiên, sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump khiến nhiều người đặt câu hỏi ông sẽ giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine như thế nào?

Trung Quốc là điểm dừng chân đầu tiên ở nước ngoài của Tổng thống Indonesia kể từ khi nhậm chức cách đây ba tuần. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào thứ Bảy, ông cam kết duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.

Du lịch được xác định là ngành mũi nhọn, đóng góp lớn cho nhiều nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển du lịch mà không làm ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và cuộc sống của người dân địa phương là điều cần được chú trọng. Nhiều quốc gia đã nhận thấy rằng, gắn phát triển du lịch với bảo tồn và hài hòa lợi ích của người dân là yêu cầu cấp thiết hiện nay để có thể phát triển một nền du lịch bền vững.