Chạm vào văn hoá ở bảo tàng

Nếu như trước đây bảo tàng chỉ là một cuốn sách lịch sử đóng kín thì nay đã trở thành một cuốn phim sống động, nơi mọi người có thể tự do khám phá và trải nghiệm.

Việc mở cửa Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam vào ngày 1/11 là cơ hội để công chúng tham gia vào việc lật mở những trang sách lịch sử, để cùng nhau chiêm ngưỡng những câu chuyện hào hùng của dân tộc.

Đến Hà Nội, ngoài những danh lam thắng cảnh thường được nhắc đến, hãy thử một lần tìm hiểu sâu hơn về quá trình hình thành, phát triển, những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của mảnh đất nghìn năm văn hiến thông qua các bảo tàng đặc sắc nhất Hà Nội.

Ở Hà Nội có khoảng 20 bảo tàng cùng nhiều phòng trưng bày lớn nhỏ, được chia theo hai chủ đề: chủ đề lịch sử, quân sự và chủ đề văn hóa, nghệ thuật, xã hội. Việc gắn kết di sản văn hóa và nghệ thuật với cuộc sống hiện đại, làm cho bảo tàng trở nên gần gũi hơn với công chúng. Ý tưởng này có thể triển khai thông qua nhiều cách thức sáng tạo, nhằm thay đổi nhận thức rằng bảo tàng chỉ là nơi tĩnh lặng để chiêm ngưỡng quá khứ, biến nó thành một không gian sống động, mang tính tương tác cao.

Học và trải nghiệm ở bảo tàng

Trong một buổi học trải nghiệm thực tế tại Nhà trưng bày Khu di tích Cổ Loa của các em học sinh trường THCS Cổ Loa, các em đã có cơ hội tìm hiểu về lịch sử của thành Cổ Loa với ba chức năng kinh thành, quân thành, thị thành và biết tới quân đội của thời kỳ nhà nước Âu Lạc với vũ khí đặc biệt "nỏ thần".

Em Phạm Hoàng Anh, Trường THCS Cổ Loa, chia sẻ: "Sau khi được tìm hiểu về di tích Cổ Loa, em nhận thấy Cổ Loa là kinh thành được đắp bằng ba vòng thành bằng đất vững chắc, tạo nên căn cứ quân sự kết hợp với bộ binh và thủy binh. Đặc biệt khi tìm hiểu về nỏ thần, em biết được nỏ thần giúp tạo nên sự phòng thủ vững chắc, bảo vệ nhà nước Âu Lạc".

Còn tại Bảo tàng Hà Nội, từ khoá "Dành cho cả gia đình" chính là một trong những yếu tố làm nên thành công của những hoạt động giáo dục di sản và lịch sử tại đây. Với lợi thế lưu giữ một kho tàng quý giá trên 73.000 tài liệu, hiện vật gốc về lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội của Hà Nội, khuôn viên rộng, hiện đại, Bảo tàng Hà Nội đã và đang xây dựng các hoạt động trải nghiệm giáo dục gắn liền với di sản văn hóa phi vật thể, trở thành điểm đến của nhiều gia đình, trường học.

Ông Đặng Minh Vệ, Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, cho biết: "Giới trẻ, học sinh, sinh viên ở trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía bắc là đối tượng chúng tôi hướng đến trong công tác giáo dục. Với thế mạnh có những hiện vật gốc, chúng tôi giáo dục trực quan dựa trên những hiện vật bảo tàng".

Xu hướng giáo dục và tìm hiểu về những giá trị lịch sử ở các bảo tàng hiện nay ngày càng được chú trọng, mang đến nhiều trải nghiệm ý nghĩa cho công chúng tham quan. Việc phát triển, tổ chức các hoạt động giáo dục lịch sử tại bảo tàng không chỉ góp phần đưa chương trình trải nghiệm di sản văn hóa Việt Nam đến gần hơn với công chúng, giúp các em thêm yêu và tự hào về lịch sử nước ta mà còn góp phần đưa bảo tàng thành điểm đến lý thú và bổ ích.

Những điểm mới thu hút của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam

Tòa nhà chính với diện tích 23.000m², cao 4 tầng, nổi bật ở lối vào là chiếc máy bay "Én bạc" MIG-21 mang số hiệu 4324. Điều đặc biệt ấn tượng là chiếc MIG-21 khổng lồ này được treo lơ lửng với các sợi cáp kéo từ mái nhà, tạo cảm giác như đang xuất kích bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đang lưu giữ hơn 150.000 hiện vật quý. Không gian trưng bày tại tầng 1 được sắp xếp theo 6 chủ đề, theo tiến trình lịch sử, từ giai đoạn dựng nước, giữ nước, đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc và giai đoạn hòa bình, phát triển hiện nay thông qua các mô hình, sa bàn, mapping.

Bảo tàng là không gian trưng bày hiện vật lịch sử một cách trực quan, sống động, có khả năng tương tác cao với người dân và du khách nước ngoài. Cách làm mới của bảo tàng cũng là cách tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ trẻ thêm yêu và tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc. Từ đó, có trách nhiệm để dựng xây đất nước ngày một văn minh, hiện đại hơn.

Những bảo tàng thú vị trên thế giới

Bảo tàng Miraikan, nằm ở quận Odaiba, Tokyo, là một bảo tàng độc đáo từ hình thức đến nội dung. Tên "Miraikan" nghĩa là "Bảo tàng Tương lai" bởi nơi đây trưng bày tinh hoa trí tuệ về khoa học kỹ thuật tiên tiến của tương lai.

Biểu tượng của bảo tàng Miraikan là quả địa cầu nổi tiếng Geo-Cosmos. Quả cầu này bao gồm hơn 10.000 tấm màn hình OLED với độ phân giải cực cao, có khả năng cập nhật dữ liệu thời gian thực từ vệ tinh, bao gồm các thay đổi về khí hậu, dòng chảy đại dương cũng như các hiện tượng tự nhiên như bão, sóng thần.

Khi đến đây, du khách có dịp tận mắt chứng kiến những chú robot hải cẩu trị liệu Paro giúp đỡ người cao tuổi, robot trợ lý Nadine biểu cảm giống hệt con người, được sử dụng như người bạn đồng hành với người tự kỷ và người già mất trí nhớ. Nổi bật trong đó là Robot ASIMO từng trò chuyện và chơi bóng với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2014. Với thông điệp "Khám phá tương lai của chúng ta cùng nhau", bảo tàng hướng đến việc xây dựng một cộng đồng hiểu biết về khoa học, nơi mọi người có thể đặt câu hỏi, tìm hiểu và đóng góp ý tưởng về những vấn đề lớn trên toàn cầu.

Arte Museum tại đảo Jeju được biết đến là bảo tàng nghệ thuật kỹ thuật số lớn nhất Hàn Quốc với diện tích rộng gần 4600m². Được phát triển bởi công ty D'strict, Arte Museum đưa du khách vào một trải nghiệm đa chiều, nơi các tác phẩm nghệ thuật kết hợp giữa kỹ thuật số và yếu tố tự nhiên, từ các khu rừng, thác nước, vườn hoa, biển cả đến không gian vũ trụ.

Bảo tàng sử dụng các màn hình LED cỡ lớn, hệ thống chiếu sáng động và âm thanh 3D để tạo nên các cảnh quan kỹ thuật số tuyệt đẹp. Du khách có thể tương tác với các tác phẩm nghệ thuật bằng cách di chuyển trong không gian, chạm vào các cảm biến để kích hoạt hiệu ứng hình ảnh hoặc tham gia vào các trò chơi tương tác. Điều này tạo nên một trải nghiệm độc đáo, kích thích cả thị giác, thính giác và khứu giác cho người tham quan ở mọi lứa tuổi. Chỉ trong vòng 2 tháng sau khi khai trương, Arte Museum tại đảo Jeju đã thu hút hơn 120.000 du khách đến thăm. Hiện có 8 địa điểm Arte Museum ở Hàn Quốc và trên toàn cầu.

Bảo tàng Quốc gia Thụy Sĩ tại Zurich là nơi lưu giữ và trưng bày các di sản lịch sử và văn hóa đặc sắc của nước này từ thời tiền sử đến hiện đại. Một trong những điểm nổi bật của bảo tàng là các cuốn sách tương tác, kết hợp thực tế tăng cường (AR). Các cuốn sách được thiết kế dưới dạng màn hình cảm ứng lớn, cho phép khách tham quan lật từng trang như một cuốn sách thật.

Trải nghiệm thú vị này là sự kết hợp của 3 yếu tố: máy chiếu trên trần chiếu các hình ảnh xuống bề mặt sách được làm từ vật liệu đặc biệt; các cảm biến trên bệ đỡ theo dõi vị trí của tay người khi lật sách; máy ảnh trên trần ghi lại chuyển động để đảm bảo rằng hệ thống phản hồi nhanh và chính xác theo từng cử chỉ của người xem.

Các cuốn sách tương tác trình bày sống động các đoạn phim tài liệu, hình ảnh 3D, mô phỏng hoạt hình và dữ liệu văn hoá, lịch sử, ngoại giao phong phú của Thuỵ Sĩ. Khi chạm vào nút ngôn ngữ ở góc, văn bản sẽ chuyển đổi giữa tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp. Các cuốn sách cho phép người dùng tự chọn phần nội dung mà họ muốn tìm hiểu sâu hơn, giúp mỗi người tự tạo nên hành trình khám phá riêng của cá nhân.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Với nhiều giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hóa, Đình làng Thành Công thuộc phường Thành Công (quận Ba Đình) đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp thành phố.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phối hợp với Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức Hội nghị cơ chế chính sách và giải pháp thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Dấu ấn Di sản công nghiệp là chuyên đề đang gây sự chú ý cho du khách khi đến thăm Bảo tàng Hà Nội những ngày này.

Trong chuyến thăm tới các địa điểm được xem là biểu tượng cho quan hệ Việt - Pháp, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Olivier Brochet đã tới thăm Cầu Long Biên và Đại học Dược Hà Nội. Đây là hai trong số nhiều công trình kiến trúc Pháp cổ được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20.

Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 5 điểm dịp Tết Dương lịch năm 2025 và 30 điểm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 .

Sáng 20/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khai mạc Triển lãm "Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ".