Hà Nội mùa sấu
Phố Phan Đình Phùng còn có hai hàng thẳng tắp. Không chỉ khu vực nội đô cũ, sấu cũng được trồng trên nhiều tuyến phố mới phía tây như Dương Đình Nghệ, Phạm Văn Bạch, Mạc Thái Tổ...
Ngược dòng lịch sử thực vật Hà Nội, cây sấu xuất hiện ở đây khoảng cuối thế kỷ 19. Dù sấu là một loài cây ăn quả nhưng mục đích trồng loài cây này của những nhà quy hoạch Hà Nội lại là lấy bóng mát. Về mặt này, cây sấu mang vô cùng nhiều ưu điểm.
Thân sấu khỏe, rễ cắm sâu xuống lòng đất, đủ sức đương đầu với gió bão đủ cấp. Thực tế, trong những trận bão lớn từng xảy ra ở Hà Nội, rất hiếm cây sấu bị quật ngã. Lá sấu nhỏ nhưng đan dày nên tạo bóng mát rất tốt. Cây sấu lại chẳng bao giờ bị sâu bọ bám vào.
Đó mới chỉ là ưu điểm về mặt bóng mát. Cây sấu còn mang lại nhiều giá trị tinh thần. Mỗi cuối xuân, lá sấu lại thảm vàng những con phố Phan Đình Phùng, Trần Phú... đẹp đến nao lòng, đẹp đến mức ghi thành dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi người từng một lần đặt chân đến đất Hà Thành.
Lá già vừa rụng, lá sấu non đã kịp mơn mởn. Cây sấu xù xì, đen đúa chợt khoác lên mình tấm áo của thanh tân. Rồi cái sự thanh tân ấy đơm hoa. Hoa sấu đáng được coi là một sản vật tinh túy của trời đất. Trắng nhè nhẹ, bé xíu, hoa sấu nở thành từng chùm, bẽn lẽn ẩn trong những đám lá.
Ai đó một lần bắt gặp hương hoa sấu, chắc sẽ rất khó quên. Ở mỗi thời điểm, hương loài hoa nhỏ bé này lại mang một phong vị khác. Đêm và sáng sớm, hương hoa sấu chua chua, lành lạnh, thanh sạch. Nắng lên, nhất là vào buổi trưa, hương hoa trở nên chua nồng, những vẫn dịu dàng, dễ chịu.
Thời điểm ấn tượng nhất của hương hoa sấu có lẽ là lúc trời vừa mưa xong. Hoa sấu rụng thảm trắng đường phố. Đi giữa cái thảm trắng ấy, cái hương chua thanh lấp đầy khứu giác, cái màu vàng nhẹ làm nhòa thị giác.
Còn đang ngẩn ngơ với hương hoa sấu, lũ quả bé bằng đầu đũa ăn cơm đã lấp ló từ hồi nào. Rồi một ngày bất chợt, những quả sấu đầu mùa đã ùa vào căn bếp quen thuộc. Sấu đầu mùa được gọi là sấu non. Vỏ sấu xanh tươi, hột sấu còn mềm. Vị chua lúc ấy mới êm ái, chưa gắt như sấu già.
Phổ biến nhất là canh nước rau muống dầm sấu. Vớt ra khỏi nồi những cọng rau xanh ngắt, bà nội trợ mới bỏ vài quả sấu đã nạo vỏ vào. Đun sôi thêm chốc lát, sấu mềm ra là vừa. Một nửa số sấu dầm cho bát canh thanh lành, một nửa dầm vào bát nước mắm. Chẳng cần cao lương mỹ vị, cũng đủ hấp dẫn rồi.
Lẽ tự nhiên, sấu non rồi sấu sẽ già. Sấu già mang phong vị khác đáng kể sấu non. Quả to hơn, cứng hơn, da sậm màu, có thêm ít đốm thâm. Hạt sấu già thâm nâu và cứng. Vị sấu già khiến bất cứ ai cũng phải nhăn mặt.
Khi ấy, các bà nội trợ mới làm món sấu ngâm. Những quả sấu già được tiện hình xoáy ốc, trần qua nước sôi. Mỗi lớp sấu, một lớp đường vàng, thêm mấy lát gừng thái mỏng, rồi đậy kín để chừng 1-2 tuần là có thể ăn. Một cốc nước sấu ngâm, thêm vài viên đá từ lâu đã trở thành đặc sản của mảnh đất Hà Thành.
Dưới bàn tay tài hoa của các bà nội trợ, sấu còn được làm thành ô mai, là nguyên liệu cho những món ăn hút hồn như sấu om vịt, canh sườn sấu, sấu dầm mắm.
Sấu già rồi sấu chín. Hiếm có cô cậu học trò Hà Nội nào không biết đến những quả sấu chín dầm. Khi ấy, da sấu chuyển sang màu vàng đậm. Thịt sấu chuyển từ màu trắng sang trong. Độ chua đã giảm đi nhiều, thay vào đó là vị ngọt. Với sấu chín, có lẽ món duy nhất hợp là dầm. Cũng tiện quả sấu hình xoáy ốc, rồi trộn với hỗn hợp gồm muối, đường, ớt, để ngấm rồi thành món mê muội mọi tuổi thơ.
Những phố đầu tiên trồng sấu là các phố phía đông Hồ Gươm mà ngày nay là các phố Lê Phụng Hiểu, Lê Thánh Tôn, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền... Sau khi khu phố phía nam Hồ Gươm xây dựng vào đầu thế kỷ 20 mà nay là phố Hai Bà Trưng, đoạn đầu Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, người ta cũng trồng sấu. Và thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, các phố ở phía tây gồm Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Trần Phú... mọc lên cũng được trồng sấu.
Theo số liệu của Công ty Công viên cây xanh, thời bao cấp, sấu chiếm khoảng 1/3 tổng số cây xanh của 4 quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình và Hoàn Kiếm.
Hơn một thế kỷ trôi qua, cây sấu đã gắn với tuổi thơ của nhiều lớp người Hà Nội. Những cây sấu đầu tiên vẫn xanh tốt, đứng vững qua rất nhiều trận bão lớn nhỏ. Mùa sấu lại về, lòng người con xa nhà lại diết nhớ.
Nhớ món ăn dân dã canh chua dầm sấu, nhớ thức quà vặt hấp dẫn tuổi thơ, nhớ bước chân qua con đường quen trải lá vàng với bao kỉ niệm một thời đã qua…
Không khí Xuân đang tràn ngập trên từng con phố Hà Nội, tạo nên một bức tranh sống động đầy sắc màu, vừa ấm áp vừa rộn ràng.
Mùa đông đến, những con phố Hà Nội vốn nhộn nhịp bỗng trở nên trầm lắng, mang một màu sắc riêng vô cùng đặc biệt. Nhiều cây bàng cổ thụ trên khắp các con phố như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu đang thay màu lá.
Với người Việt Nam, Hà Nội vừa là Thủ đô, vừa là mảnh đất trữ tình yêu thương từ hàng ngàn năm trước. Bốn mùa ở Hà Nội chậm rãi luân phiên nhau, gieo vào lòng người những nỗi nhớ. Mỗi một mùa làm cho ta cảm nhận về cuộc sống khác nhau và một cách yêu Hà Nội khác nhau
Thời tiết chuyển dần sang Đông, cũng là lúc những cánh đồng hoa cải ở ngoại thành Hà Nội đồng loạt bung nở, trải một màu vàng rực rỡ.
Nhiều con phố, các điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Hà Nội đã được trang hoàng lộng lẫy, tạo nên một không gian vừa quen thuộc, vừa mới mẻ, ngập tràn không khí mùa Noel.
Giáng sinh đang rất gần. Phố Hàng Mã, Nhà thờ Lớn hay những khu vực trung tâm đều trở thành những điểm được du khách đổ về tham quan, chụp ảnh và tận hưởng bầu không khí vui tươi, ấm áp của dịp lễ hội cuối năm.
0