Iran - Israel: từ đối tác đến đối đầu

Mối quan hệ giữa Iran và Israel đang rơi vào tình trạng căng thẳng leo thang chưa từng có, với việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đe dọa sẽ trả đũa vụ Iran bắn khoảng 180 quả tên lửa vào Israel hôm 1/10. Từ chỗ là đối tác thân cận trước cách mạng Hồi giáo, đến nay, hai nước đã trở thành kẻ thù “không đội trời chung”.

Cuộc không kích trả đũa của Iran nhằm vào Israel diễn ra sau khi hàng loạt thủ lĩnh cấp cao của các nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas và Hezbollah thiệt mạng trong các vụ tấn công của Israel gần đây. Hezbollah và Hamas là hai trong số những đồng minh thân cận nhất của Iran.

Trong 1 năm qua, Iran là một trong những quốc gia lên tiếng mạnh mẽ phản đối Israel tấn công vào dải Gaza với lý do tiêu diệt Hamas. Điều này phù hợp với chính sách đối ngoại kiên quyết chống Israel của nước này.

Trong nhiều thập kỷ qua, vấn đề Palestine là tâm điểm của sự thù địch giữa hai bên. Iran đã cảnh báo Israel và đồng minh thân cận nhất của họ là Mỹ rằng cuộc chiến giữa Israel với Hamas tại dải Gaza có thể trở thành chiến tranh toàn diện trong khu vực khi Israel cố tình leo thang các cuộc tấn công ra phạm vi bên ngoài Gaza. Trong khi đó, trong những ngày qua, Israel liên tục ném bom các vị trí ở Liban và Syria, nơi Iran có ảnh hưởng đáng kể.

Đối tác trải qua nhiều thăng trầm

Iran là 1 trong 11 thành viên của Ủy ban đặc biệt của Liên hợp quốc được thành lập năm 1947 nhằm đưa ra giải pháp cho vấn đề Palestine sau khi kết thúc sự ủy trị của Anh. Iran là một trong ba quốc gia bỏ phiếu phản đối kế hoạch của Liên hợp quốc về phân chia lãnh thổ ủy trị Palestine thành hai nhà nước mới, phần lớn là vì Iran lo ngại kế hoạch này sẽ làm gia tăng bạo lực về lâu dài trong khu vực.

Nhà sử học Eirik Kvindesland của Đại học Oxford nói với phóng viên của Al Jazeera rằng: “Iran, cùng với Ấn Độ và Nam Tư đã đề xuất một kế hoạch thay thế nhằm duy trì quốc gia Palestine với một quốc hội nhưng chia thành hai phần Ả Rập và Do Thái”.

"Đây là một sự thỏa hiệp mà Iran đã thực hiện để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước phương Tây ủng hộ chủ nghĩa Phục quốc Do Thái và với chính phong trào Phục quốc Do Thái cũng như các nước láng giềng Ả Rập và Hồi giáo."

Hai năm sau, sau khi Chiến tranh Ả Rập-Israel lần thứ nhất nổ ra vào năm 1948, Israel đã chiếm giữ nhiều lãnh thổ hơn diện tích mà Liên hợp quốc đã phê duyệt. Iran, lúc đó đang dưới sự cai trị của vương triều Pahlavi, trở thành quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi nhiều thứ hai, sau Thổ Nhĩ Kỳ, chính thức công nhận Israel.

Nhà sử học Eirik Kvindesland cho biết việc Iran công nhận Nhà nước Isarel chủ yếu là để bảo vệ tài sản của mình ở Palestine, nơi có khoảng 2.000 người Iran sinh sống và tài sản của nhiều người trong số đó đã bị quân đội Israel tịch thu trong chiến tranh.

Ngược lại, việc thiết lập quan hệ với Iran cũng có lợi cho Israel.

Kvindesland chỉ ra rằng: "để chấm dứt thế cô lập của Israel ở Trung Đông, Thủ tướng Israel khi đó là Ben Gurion đã tìm cách thiết lập quan hệ với các quốc gia phi Ả Rập ở “ngoại vi” của Trung Đông, điều này sau đó được gọi là “chủ nghĩa ngoại vi”. Trong số các quốc gia này có cả Ethiopia, nhưng  Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là những nỗ lực thành công nhất của Israel cho đến nay.”

Nhưng tình hình đã thay đổi khi Mohammad Mossadegh trở thành Thủ tướng Iran vào năm 1951. Khi đó, ông dẫn đầu việc quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ của đất nước vốn đang chịu sự lũng đoạn của Anh. Ông Mossadegh đã cắt đứt quan hệ của Iran với Israel - một mối quan hệ mà ông tin rằng phục vụ lợi ích của phương Tây trong khu vực.

Theo nhà sử học Eirik Kvindesland, lúc đó, Thủ tướng Mossadeq và Mặt trận Quốc gia Iran nỗ lực quốc hữu hóa dầu mỏ, đánh bật quyền lực thuộc địa của Anh và làm suy yếu chế độ quân chủ. Để làm được điều đó, Iran chấp nhận tổn hại trong quan hệ với Israel.

Tại Iran có một số lực lượng vận động chống chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. Trong số này có giáo sĩ người Shia có ảnh hưởng Nawab Safavi, một trong những nhân vật nổi bật nhất phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa Phục quốc Do Thái và việc thành lập nhà nước Israel. Nhưng đối với Thủ tướng Mossadegh lúc bấy giờ, mục đích chính của ông là nhận được sự hỗ trợ từ các nước Ả Rập láng giềng nhằm chống lại sự kiểm soát của Anh đối với ngành dầu mỏ của Iran”, nhà sử học Kvindesland nói với Al Jazeera.

Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái nổi lên vào cuối thế kỷ 19 như một hệ ý thức chính trị, kêu gọi thành lập một quốc gia cho những người Do Thái phải chịu đựng sự tàn bạo ở châu Âu.

Chỉ hai năm sau, mọi chuyện thay đổi đáng kể khi chính phủ của Thủ tướng Mossadegh bị lật đổ vào năm 1953 trong một cuộc đảo chính. Cuộc đảo chính đã khôi phục quyền cai trị của nhà vua Mohammad Reza Pahlavi và ông trở thành đồng minh trung thành của phương Tây trong khu vực.

Nhà vua Mohammad Reza Pahlavi trị vì Iran từ năm 1953 đến khi bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Dưới thời Pahlavi, Israel đã thành lập một đại sứ quán ở Tehran và hai bên đã trao đổi đại sứ vào những năm 1970. Quan hệ thương mại song phương không ngừng phát triển và Iran nhanh chóng trở thành nhà cung cấp dầu chính của Israel. Hai nước đã thiết lập một đường ống được thiết kế để vận chuyển dầu của Iran đến Israel và sau đó đến châu Âu.

Tehran và Tel Aviv cũng có hợp tác quân sự và an ninh sâu rộng, nhưng sự hợp tác đó phần lớn mang tính bí mật để tránh chọc giận các quốc gia Ả Rập trong khu vực.

Ông Kvindesland cho rằng, "Israel cần Iran nhiều hơn Iran cần Israel. Israel luôn là bên chủ động. Nhưng Nhà vua Iran muốn tìm cách cải thiện quan hệ Iran với Mỹ, mà vào thời điểm đó, Israel được coi là cách tốt nhất để thực hiện điều đó”.

“Ngoài ra còn có triển vọng thành lập một cơ quan an ninh. Cơ quan Tình báo và An ninh Iran (SAVAK) được cơ quan tình báo Mossad của Israel đào tạo một phần. Iran có thể nhận sự đào tạo từ đối tác khác, nhưng Israel rất mong muốn làm điều này cho Iran vì Israel cần một đối tác ở Trung Đông, khu vực có xu hướng chống chủ nghĩa Do Thái và chống Israel”.

Theo nhà phân tích, các quyết định của Nhà vua Iran chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu liên minh, an ninh và thương mại, chứ không quan tâm đến quyền lợi của người Palestine.

Trước khi thành lập nhà nước Israel vào năm 1948, hơn 700.000 người Palestine đã bị lực lượng dân quân theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái thanh lọc sắc tộc tại chính quê hương của họ.

Điều gì đã xảy ra sau cuộc cách mạng Hồi giáo Iran?

Tuy nhiên, kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, quan hệ giữa hai nước đã chuyển từ đối tác thành kẻ thù “không đội trời chung.

"Cuộc cách mạng Hồi giáo là bước chuyển lớn trong lịch sử Iran hiện đại, đem đến thay đổi lớn cả trong tình hình nội bộ lẫn tầm nhìn đối ngoại. Trong số các nước bị phong trào cách mạng Hồi giáo Iran coi là đáng trách, Israel mang nhiều “tội” hơn bất cứ quốc gia nào", giáo sư David Menashri, chuyên gia về Iran tại Đại học Tel Aviv (Israel) nói.

Năm 1979, vua Mohammad Reza Pahlavi bị lật đổ trong một cuộc cách mạng Hồi giáo và nước Cộng hòa Hồi giáo Iran mới ra đời.

Nhà lãnh đạo cách mạng Iran Ayatollah Khomeini đã mở ra một thế giới quan mới, trong đó phần lớn chấp nhận Hồi giáo và chủ trương đối đầu với các cường quốc "ngạo mạn" trên thế giới và các đồng minh của họ trong khu vực. Bởi vì những thế lực này đàn áp người khác - kể cả người Palestine - để phục vụ lợi ích cá nhân.

Thủ lĩnh Ayatollah Khomeini, người sáng lập ra Nhà nước Hồi giáo Iran,  sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Iran cắt đứt mọi quan hệ với Israel. Công dân Iran không được phép đến Israel nữa, các đường bay giữa hai nước bị hủy và đại sứ quán Israel ở Tehran được chuyển đổi thành đại sứ quán của người Palestine.

Thủ lĩnh Khomeini cũng tuyên bố ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng chay Ramadan của người Hồi giáo là "Ngày Al-Quds". Kể từ đó, các cuộc biểu tình lớn đã được tổ chức trên khắp Iran vào ngày này để ủng hộ người Palestine. Cần lưu ý rằng Jerusalem được gọi là Thành phố Thánh trong tiếng Ả Rập.

Ông Trita Parsi, Phó chủ tịch điều hành của Viện các quốc gia có trách nhiệm ở Quincy nói rằng, Thủ lĩnh Khomeini phản đối việc coi vấn đề Palestine là sự nghiệp chính nghĩa dân tộc Ả Rập, mà tìm cách biến nó thành sự nghiệp chính nghĩa của Hồi giáo, để Iran không chỉ có khả năng ủng hộ chính nghĩa của người Palestine mà còn có khả năng lãnh đạo sự nghiệp này.

“Để xóa bỏ sự chia rẽ giữa người Ả Rập và người Ba Tư, cũng như giữa người Sunni và người Shia, Iran đã áp dụng lập trường tích cực hơn về vấn đề Palestine để thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong thế giới Hồi giáo và đặt các quốc gia Ả Rập đồng minh với Mỹ vào thế phòng thủ”.

Trong nhiều thập kỷ, cả hai bên đã tìm cách củng cố và mở rộng quyền lực cũng như ảnh hưởng của mình trong khu vực. Sự thù địch lẫn nhau ngày càng gia tăng.

Iran hiện hỗ trợ một mạng lưới các nhóm chính trị và vũ trang ở một số quốc gia trong khu vực, bao gồm Liban, Syria, Iraq và Yemen, được gọi là "trục kháng chiến". Những nhóm này ủng hộ chính nghĩa của người Palestine và coi Israel là kẻ thù.

Trong nhiều năm, Israel đã ủng hộ nhiều nhóm phản đối chính quyền Iran. Tehran tuyên bố một số nhóm trong số đó được coi là "các tổ chức khủng bố", bao gồm Mujaheddin al-Qaeda (MEK) có trụ sở ở châu Âu và các nhóm Sunni có trụ sở tại tỉnh Sistan-Baluchistan phía đông nam Iran, cũng như một số nhóm vũ trang người Kurd có trụ sở tại khu vực Kurdistan của Iraq.

Xung đột trên nhiều mặt

Căng thẳng giữa Iran và Israel không chỉ giới hạn ở ý thức hệ hoặc các nhóm ủy nhiệm.

Hai nước được cho là đã tiến hành hàng loạt cuộc tấn công trong và ngoài nước nhằm vào lợi ích của nhau, nhưng cả hai đều công khai phủ nhận điều này. Đây được gọi là "cuộc chiến tranh trong bóng tối", nhưng khi tình trạng thù địch ngày càng gia tăng, nó dần dần lộ rõ.

Chương trình hạt nhân của Iran là trung tâm của một số cuộc tấn công lớn nhất. Israel, quốc gia được cho là đang bí mật sở hữu hàng chục vũ khí hạt nhân, từng tuyên bố sẽ không bao giờ cho phép Iran phát triển bom hạt nhân. Trong khi đó, Iran khẳng định chương trình hạt nhân của mình là vì mục đích dân sự.

Israel và Mỹ được cho là đứng sau phần mềm độc hại "Stuxnet" gây thiệt hại đáng kể cho các cơ sở hạt nhân của Iran trong thế kỷ 21.

Các cơ sở hạt nhân và cơ sở quân sự của Iran đã nhiều lần hứng chịu các cuộc tấn công tàn khốc, trong đó Tehran đổ lỗi cho Israel. Iran cũng thường xuyên công bố tin tức về việc ngăn chặn các cuộc tấn công tàn khốc.

Ngoài ra, có nhiều cuộc tấn công nhằm vào công dân Iran, trong đó có hàng loạt nhà khoa học hạt nhân nổi tiếng. Một trong những vụ ám sát xảy ra vào năm 2020, khi nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran Mohsin Fakhrizadeh bị sát hại bởi súng máy điều khiển bằng vệ tinh kết hợp nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo được cài đặt trên một chiếc xe bán tải. Sau đó, vũ khí này phát nổ để tiêu hủy bằng chứng.

Hiện trường vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsin Fakhrizadeh tại ngoại ô Teheran của Iran năm 2020.

Ở phía ngược lại, Israel và các đồng minh phương Tây đã cáo buộc Iran đứng sau một loạt cuộc tấn công chống lại lợi ích của Israel, bao gồm một số cuộc tấn công bằng UAV và tấn công mạng nhằm vào các tàu chở dầu thuộc sở hữu của Israel.

Quan hệ giữa hai bên có thể bình thường hóa?

Một số quốc gia Ả Rập trong khu vực đã chọn bình thường hóa quan hệ với Israel nhằm tìm kiếm thêm sự hỗ trợ của phương Tây.

Cùng lúc đó, vào tháng 3/2023, Ả Rập Xê Út, một quốc gia hùng mạnh trong khu vực, đã đạt được thỏa thuận với Iran thông qua trung gian của Trung Quốc và khôi phục quan hệ ngoại giao song phương. Trước đó, hai nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao trong 7 năm.

Hoa Kỳ đã cố gắng làm trung gian cho một thỏa thuận tương tự giữa Ả Rập Xê Út và Israel. Tuy nhiên, mọi triển vọng trở lại quan hệ bình thường giữa Tel Aviv và Riyadh đã bị tạm dừng, ít nhất là vào thời điểm hiện tại, trong bối cảnh Israel tiếp tục ném bom vào Gaza gây ra thảm họa nhân đạo khiến hơn 41.600 người, trong đó có gần 16.500 trẻ em thiệt mạng

Nhưng đối với cơ chế hiện tại của Iran, bất kỳ sự hòa giải nào với Israel đều không thể thực hiện được.

Iran phản đối quyền bá chủ của Mỹ ở Trung Đông, trong khi Israel phản đối bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm rút quân khỏi khu vực. Các nhóm liên kết với Iran thường xuyên tấn công các căn cứ của Mỹ ở Iraq và Syria.

Ông Trita Parsi, Phó chủ tịch điều hành của Viện các quốc gia có trách nhiệm ở Quincy cho rằng đây là một "cuộc cạnh tranh giành quyền thống trị và quyền lực trong khu vực, và hai nước đã mắc kẹt trong một cuộc chiến tranh cấp độ thấp kéo dài hơn một thập kỷ".

Với những căng thẳng đang gia tăng trong những ngày gần đây, khả năng bình thường hóa quan hệ giữa hai nước là hoàn toàn không thể. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Người đứng đầu cơ quan y tế của Liên hợp quốc cho biết hôm thứ Năm rằng, hàng chục nhân viên y tế đã thiệt mạng trong vòng 24 giờ tại Liban. Đồng thời ông nêu rõ về những điều kiện "khó khăn và nguy hiểm" ở một số khu vực của Liban đang chịu sự ném bom của Israel.

Không quân Israel vào đêm qua đã tiến hành cuộc không kích vào thành phố Tulkarem ở khu Bờ Tây. Thông tin ban đầu cho biết, ít nhất 18 người Palestine thiệt mạng trong cuộc tấn công, trong đó có một thủ lĩnh cấp cao của phong trào Hồi giáo Hamas ở Tulkarem tại Bờ Tây, ông al-Razeq Oufi.

Nhiều vụ nổ lớn đã làm rung chuyển thủ đô Beirut, Liban vào rạng sáng 4/10. Theo thông tin cập nhật của Bộ Y tế Liban, ít nhất 37 người thiệt mạng và 151 người bị thương trong các cuộc tấn công của Israel vào Liban trong 24 giờ qua.

Mối quan hệ giữa Iran và Israel đang rơi vào tình trạng căng thẳng leo thang chưa từng có, với việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đe dọa sẽ trả đũa vụ Iran bắn khoảng 180 quả tên lửa vào Israel hôm 1/10. Từ chỗ là đối tác thân cận trước cách mạng Hồi giáo, đến nay, hai nước đã trở thành kẻ thù “không đội trời chung”.

Dựa trên kết quả quý III/2024, Nga tiếp tục vượt Mỹ về nguồn cung khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU) với 13,3 tỷ m³.

"Giai đoạn tự kiềm chế đơn phương đã kết thúc"! Iran được cho là vừa gửi một thông điệp khá lạnh lùng tới Mỹ, hai ngày sau khi thực hiện một cuộc tấn công tên lửa đạn đạo quy mô lớn vượt qua các hệ thống phòng không hiện đại của Israel.