Sống chậm cùng không gian di sản

Chỉ cần chậm lại một chút, sẽ cảm nhận được ẩn sâu dưới vẻ sôi động là một Hà Nội khác – một Hà Nội với chiều sâu văn hóa và di sản phong phú.

Những ngôi đình, đền, chùa, những nếp nhà cổ kính chứa đựng những câu chuyện riêng, đặc biệt, phản ánh hành trình lịch sử và đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Những phố nghề xưa đã tạo nên một bức tranh đa dạng về đời sống của mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Hà Nội, chỉ xướng cái tên lên đã gợi lên muôn ngàn cái hay cái đẹp. Những con đường, mái nhà, hàng cây, góc phố. Hay một quán trà đá, một gánh hàng rong, một chiếc xích lô tràn hoa vào phố. Những sắc, những hương, những thanh âm xốn xang bốn mùa, giao hòa, luân chuyển…

Hãy cùng nhau khám phá và sống chậm lại giữa lòng Hà Nội, để cảm nhận những điều bình dị nhưng sâu sắc của không gian văn hóa di sản của Thủ đô.

Vẻ đẹp không gian kiến trúc tâm linh nơi phố phường Hà Nội

Những ngày Hà Nội chuyển mùa, thời tiết se lạnh lại, chị Tú Anh lại tìm đến không gian tâm linh tại phố cổ Hà Nội, nơi có ngôi đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, một trong những ngôi đền trong Thăng Long Tứ Trấn.

Ngôi đền mang vẻ đẹp cổ kính và trang nghiêm, được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, các cột gỗ được chạm khắc tinh xảo, thể hiện tài hoa của các nghệ nhân xưa. Bên trong cung cấm, tượng thần Bạch Mã trong thế uy nghi. Chị thắp nén hương, cung kính dâng lên thần linh.

Chị Trần Thị Tú Anh (phường Xuân Đỉnh, quận Tây Hồ) cho biết: "Trước khi đến đây, em đã tìm hiểu về ngôi đền này khá là kỹ, qua đó em biết được ngôi đền có lịch sử hàng nghìn năm, có rất nhiều di tích mang trong mình nét đặc trưng văn hóa của người Việt. Khi mà đến đây, em thấy ngôi đền Bạch Mã có không gian rất linh thiêng, trang trọng".

Năm 1986, ngôi đền Bạch Mã được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa.

Nhiều lớp đắp bồi và trầm tích lịch sử, văn hóa được lưu giữ tại những ngôi đền như đền Bạch Mã. Ngôi đền thành điểm đến tâm linh, thu hút du khách trong và ngoài nước. Năm 1986, đền được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa, xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Chị Carina Alves, du khách Bồ Đào Nha, cho biết: “Tôi cảm thấy kiến trúc của ngôi đền rất đẹp, cổ kính. Tôi rất yêu nét văn hóa tại đây, một cảm giác thư thái khi bước vào đền. Tôi đã có một trải nghiệm thú vị. Nếu có dịp, nhất định tôi sẽ quay lại nơi đây”.

Đền Bạch Mã đã chứng kiến sự đổi thay của kinh đô Thăng Long - Hà Nội. Trải qua nhiều lần trùng tu, đền vẫn giữ nguyên giá trị kiến trúc, là một di sản kiến trúc và nghệ thuật tiêu biểu của Hà Nội.

Chuỗi không gian văn hóa cuối tuần hấp dẫn

Những mái ngói nhuốm màu thời gian, những mảng tường rêu phong trong những khu phố xưa tạo nên sự khác biệt của đô thị Hà Nội. Những công trình nhà ở nhiều đời được tôn tạo, vẫn giữ nét cổ xưa, bây giờ thành địa điểm giao lưu, hội họp của cộng động, thành điểm hẹn của du khách mối khi ghé thăm Hà Nội.

Thăm Ngôi nhà Di sản ở phố Mã Mây, chị Valentina, du khách Tây Ban Nha, cho biết: “Tôi thực sự bất ngờ khi đến đây. Kiến trúc bên trong ngôi nhà được sắp xếp gọn gàng, có cả một giếng trời ở giữa để ánh nắng chiếu xuống, tạo cảm giác dễ chịu. Đây là một địa điểm tuyệt vời để khám phá văn hóa truyền thống của Hà Nội”.

Chị Zhang Li, du khách Singapore: “Tôi rất thích tìm hiểu văn hóa truyền thống thông qua kiến trúc nhà cổ ở các quốc gia mà tôi đến du lịch. Khi tới đây, tôi không chỉ tham quan những kỷ vật cũ mà còn được thưởng thức trà trong không gian nhà cổ. Đây là một trải nghiệm thú vị mà tôi sẽ không bao giờ quên”.

Với người Hà Nội, ngôi nhà ở phố Mã Mây lưu giữ bao nhiêu ký ức, bao nhiêu câu chuyện về Hà Nội ngày xưa. Quá khứ như đang song hành trong đời sống phố phường thời hiện đại.

Di tích thành di sản, thành tài sản có giá trị, phục vụ nhu cầu đời sống của người Hà Nội.

Bà Trần Thị Hằng Nga (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Trong phố cổ mà có những không gian mở như thế này thì phải nói đây là một cách giải tỏa căng thẳng cho người dân xung quanh đây. Vì khu phố cổ mọi người quanh đây đều biết là rất chật hẹp".

Chị Phạm Quỳnh Trang (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai): “Không gian ở đây cổ kính, mang nét Hà Nội xưa, hòa với đó là những kiến trúc mang tính cổ điển của Pháp, cùng với cách bài trí của nhân viên ở đây mang vẻ đẹp cổ kính của Hà Nội xưa”.

Di tích thành di sản, thành tài sản có giá trị, phục vụ nhu cầu đời sống của người Hà Nội. Trong không gian đậm đặc các giá trị di sản, các di tích sau khi tu bổ, tôn tạo đã trở thành không gian trình diễn, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, hội thảo. Đó cũng là nơi lưu giữ những câu chuyện về lịch sử làng nghề, phố nghề từ trăm năm trước.

Ông Đặng Xuân Khuê, Phó trưởng Phòng TTTT Hợp tác quốc tế BQL phố cổ Hà Nội, cho biết: “Từ năm 2005 đến bây giờ, được đón lượng khách du lịch rất là đông đến tham quan, đặc biệt khi họ muốn tìm hiểu về lịch sử phát triển của khu phố cổ. Ngoài ra, nơi đây cũng tổ chức rất nhiều buổi tọa đàm, hội thảo giới thiệu rất nhiều nét đẹp văn hóa của thế giới. Hằng năm, ở đây cũng tổ chức một số sự kiện như ngày Trung thu, thì chúng tôi bố trí những món đồ chơi trung thu cho trẻ em khu phố cổ đến tham quan. Du khách đến với phố cổ vào những dịp Tết truyền thống thì chúng tôi cũng bày một không gian Tết Việt để du khách có thể tham quan".

Ông Đỗ Anh Đức, Phó Chủ nhiệm Thường trực CLB Bonsai phố cổ Hà Nội, cho biết: “Đây là 1 kiến trúc rất đặc biệt nằm trong lòng phố cổ. Không chỉ có hội quán Quảng Đông mà ở ngay trên phố Lãn Ông, chúng ta có hội quán Phúc Kiến thì đây cũng giống như một minh chứng về lịch sử, những giá trị văn hóa của Kinh thành Thăng Long xưa. Chính vì vậy mà chúng tôi muốn lựa chọn địa điểm này để tạo ra dấu ấn, gửi gắm thông điệp cho thế hệ sau. Và chúng ta cần có những sự gìn giữ và tôn vinh những giá trị di sản cũng như các giá trị lịch sử để chúng ta nhớ về nguồn cội, từ đó chúng ta mới có thể phát triển văn hóa nghệ thuật cây cảnh đến với nhiều bạn bè quốc tế hơn".

Không thể phủ nhận, trong tiến trình phát triển qua hơn 10 thế kỷ của Hà Nội, khu vực phố cổ như một thực thể sống mạnh mẽ, là nơi chứa đựng nhiều giá trị di sản đặc sắc. Trước thách thức của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập, với bản sắc riêng có của mình, khu phố cổ Hà Nội luôn thích nghi để tồn tại và phát triển.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Với nhiều giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hóa, Đình làng Thành Công thuộc phường Thành Công (quận Ba Đình) đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp thành phố.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phối hợp với Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức Hội nghị cơ chế chính sách và giải pháp thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Dấu ấn Di sản công nghiệp là chuyên đề đang gây sự chú ý cho du khách khi đến thăm Bảo tàng Hà Nội những ngày này.

Trong chuyến thăm tới các địa điểm được xem là biểu tượng cho quan hệ Việt - Pháp, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Olivier Brochet đã tới thăm Cầu Long Biên và Đại học Dược Hà Nội. Đây là hai trong số nhiều công trình kiến trúc Pháp cổ được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20.

Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 5 điểm dịp Tết Dương lịch năm 2025 và 30 điểm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 .

Sáng 20/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khai mạc Triển lãm "Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ".