Từ thói quen tích vàng đến tâm lý đám đông

Có nhiều lý do để người dân đổ xô xếp hàng, chấp nhận chờ đợi nhiều giờ mua vàng như tận dụng giá vàng thấp, tâm lý đám đông, sợ mất cơ hội, thói quen tích sản bằng vàng mỗi tháng…

>> Ai đang đi mua vàng?

>> Dòng người mua vàng chuyển hướng

Thói quen găm vàng phòng thân

Không chỉ dừng lại ở việc phòng thân, tích trữ vàng còn là một phần không thể thiếu trong tâm lý và văn hóa của người Việt.

Trong văn hóa Việt Nam, vàng từ lâu đã được coi là một biểu tượng của sự giàu có và may mắn. Vậy nên nhiều người Việt vào dịp đầu năm cũng đổ xô đi mua vàng vào ngày thần tài để cầu may mắn, dù giá vàng ngày này cao hơn hẳn so với ngày bình thường.

Còn theo các chuyên gia tâm lý, thói quen tích trữ vàng của người Việt xuất phát từ nhiều yếu tố, tuy nhiên phần lớn từ tâm lý “ăn chắc mặc bền”, khi người Việt luôn có xu hướng dự phòng cho tương lai do ảnh hưởng từ văn hóa truyền thống.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Linh, người Việt Nam cũng như nhiều dân tộc châu Á khác luôn coi vàng là nơi "trú ẩn" an toàn. Người Việt Nam cũng rất thích sử dụng vàng là đồ trang sức làm đẹp, thể hiện bản thân. Hơn nữa, vàng cũng được nhiều người Việt coi là tài sản có nhiều công dụng như làm của hồi môn, trao tặng…

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Linh.

Mua vàng theo tâm lý đám đông

Những ngày qua, tại các điểm bán vàng của 4 ngân hàng thương mại nhà nước, gồm: Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank, rất nhiều người dân đã đến xếp hàng từ tờ mờ sáng, thậm chí là qua đêm để mua vàng. Không ít người, đã bỏ dở công việc, kiên nhẫn xếp hàng liên tiếp 3-4 ngày để có thể mua được vàng miếng SJC. Nhiều người trong số này đi mua vàng với tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội. Và cũng không ít người trong đó “săn vàng” theo hiệu ứng đám đông.

Việc mua vàng theo tâm lý đám đông không chỉ gây khó khăn cho người mua khi phải chờ đợi lâu mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế. Trong bối cảnh thị trường vàng thế giới biến động, dường như nhiều người đang nhắm mắt "mua lấy được". Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi mua vàng thời điểm này.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam.

"Hiện nay, giá vàng do Ngân hàng Nhà nước bán ra so với quốc tế chênh lệch khoảng 7-8 triệu, nhưng mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức 3-5 triệu đồng. Bởi vậy, việc người dân đổ xô đi mua vàng thời điểm này chưa chắc đã tốt. Mặt khác, nếu người dân chỉ chạy theo đám đông để mua vàng thì càng cần phải thận trọng", ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam khuyến cáo.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, người dân cần hết sức thận trọng khi mua vàng ở thời điểm này, bởi giá vàng trong nước sẽ còn tiếp tục hạ hơn nữa. Hiện nay, so với mức giá vàng thế giới nhập khẩu khoảng 72-73 triệu đồng/lượng, thì giá vàng trong nước đang còn chênh rất lớn, vẫn còn không gian để giảm tiếp. Do đó người mua không nên mua theo kiểu tích trữ hoặc lướt sóng trong bối cảnh hiện nay. Theo dự đoán của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, thời gian tới, rất có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ còn tiếp tục nới quy mô bán vàng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Lãng phí khi để vàng “ngủ đông”

Hiện chưa có con số thống kê đầy đủ về lượng vàng tích trữ trong dân. Tuy nhiên, theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, con số này có thể lên tới 500 tấn vàng. Nếu huy động được khoảng một nửa số vàng này trong dân thì ít nhất cũng có hơn 10 tỷ USD đưa vào nền kinh tế đất nước.

Các chuyên gia cho rằng, nếu số vàng này nằm trong két sắt ngân hàng thì có thể dùng làm dự trữ quốc gia, bảo đảm giá trị tiền đồng. Nếu chính phủ có vàng thì có thể dùng vàng như một bảo đảm để vay tiền thế chấp tại các tổ chức tài chính thế giới. Bởi vậy nếu người dân tích giữ tiền vàng, không giao dịch là lãng phí.

Chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, theo ước tính, hiện có khoảng 400 - 500 tấn vàng được găm giữ ở trong dân và không được đưa vào nền kinh tế. Đây là một sự lãng phí. Bởi vậy, ông Hiếu đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên xem xét việc phát hành chứng chỉ vàng (tức là Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng ra huy động số vàng trong dân và trao lại cho người dân chứng chỉ vàng với một mức lãi suất cụ thể). Từ đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ dùng số vàng đó giao cho Bộ Tài chính để sử dụng vào các mục đích như dùng vàng đó làm tài sản bảo đảm để đi vay ngoại tệ từ nước ngoài để phát triển quốc gia.

Chuyên gia kinh tế-tài chính Nguyễn Trí Hiếu.

Trung Quốc, Ấn Độ quản lý chặt thị trường vàng

Thị trường vàng Trung Quốc được coi là chuyên nghiệp nhất thế giới khi đã mở cửa cho các ngân hàng, doanh nghiệp vốn nhà nước và tư nhân được phép mua vàng nguyên liệu của thế giới về sản xuất thành sản phẩm mang thương hiệu riêng. Cũng là một trong những nước có nhu cầu lớn về vàng, Ấn Độ cũng ban hành nhiều chính sách liên quan đến vàng nằm duy trì ổn định thị trường.

Tuy có sự chênh lệch giữa giá vàng Trung Quốc và giá vàng thế giới, nhưng ngân hàng trung ương nước này có quy định biên độ chênh lệch rõ ràng. Cụ thể, sàn vàng Thượng Hải hiện là trung tâm giao dịch vàng lớn nhất của Trung Quốc. Đây là sàn vàng vật chất giao ngay và là pháp nhân độc lập do Nhà nước đầu tư 100% vốn. HĐQT của sàn vàng này sẽ do ngân hàng trung ương Trung Quốc tiến cử và các vị trí chủ chốt cũng sẽ do cơ quan này bổ nhiệm.

Sản phẩm được phép giao dịch trên sàn vàng Thượng Hải là vàng miếng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thông qua cơ chế khớp lệnh tập trung, giá cả sẽ do cung cầu thị trường quyết định.

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Trung Quốc sẽ được định giá bán vàng trên cơ sở giá sàn vàng Thượng Hải công bố mỗi ngày cộng thêm biên độ tối đa 15%. Thực tế, để tranh giành thị phần, các doanh nghiệp bán vàng tại Trung Quốc thường cố gắng đưa ra giá bán hấp dẫn, thấp hơn nhiều so với mức trần cộng thêm 15%.

Sàn vàng Thượng Hải ra đời cũng đánh dấu việc chính phủ Trung Quốc chấm dứt cơ chế độc quyền đối với thị trường vàng. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Trung Quốc sẽ được định giá bán trên cơ sở giá sàn vàng Thượng Hải công bố mỗi ngày cộng thêm tối đa 15%.

Trung Quốc, Ấn Độ quản lý chặt thị trường vàng.

Với Ấn Độ, chính phủ nước này đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến vàng nhằm duy trì thị trường ổn định. Ấn Độ đã trải qua hai xu hướng chính sách. Trước năm 1990, nhà quản lý kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng và sau năm 1990 thì nới lỏng.

Trước năm 1990, Ấn Độ đã thu hồi tất cả khoản vay bằng vàng, cấm giao dịch bằng vàng, quy định các cá nhân chỉ được giữ vàng trang sức và ngân hàng trung ương Ấn Độ giữ thế độc quyền trong việc xuất, nhập khẩu vàng…

Song, chính sách này bộc lộ nhiều hạn chế. Để khắc phục bất cập, vào năm 1990, Ấn Độ đã coi vàng như một loại ngoại tệ và áp dụng các giải pháp huy động vàng trong dân.

Ngân hàng trung ương nước này phát hành trái phiếu vàng và cứ đến hạn thanh toán người mua sẽ được hoàn trả bằng vàng thỏi cộng thêm với một khoản tiền lãi. Loại trái phiếu này giúp Ấn Độ hút được 41 tấn vàng trong dân chúng.

Tiếp sau, nước này áp dụng cơ chế huy động tiền gửi bằng vàng. Mục tiêu nhằm giảm lượng vàng nhập khẩu, đưa vàng nắm giữ tư nhân vào sử dụng và tạo cơ hội cho dân chúng có thu nhập từ lượng vàng đang nắm giữ. Các ngân hàng được trao quyền sẽ thực hiện cơ chế huy động tiền nhưng phải dựa trên khung pháp lý của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI). Tuy nhiên, hiệu quả của giải pháp này không cao.

Từ đó đến nay, quốc gia này liên tục thực hiện các biện pháp huy động vàng nhàn rỗi trong dân cư thông qua các hình thức gửi vàng lấy lãi, đưa vàng như một sản phẩm hàng hóa vào Sở Giao dịch hàng hóa Ấn Độ, ra mắt Quỹ giao dịch vàng (ETF)...

Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, nhiều quốc gia châu Á như Thái Lan, Singapore hay Malaysia cũng đang nỗ lực trong công tác quản lý thị trường vàng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Số người tiêu dùng tại Eurozone sở hữu tiền điện tử đã tăng hơn gấp đôi trong hai năm qua, với phần lớn người sử dụng loại tiền này như một kênh đầu tư.

Trong báo cáo "Hướng tới 2025", VinaCapital nhận định xuất khẩu của Việt Nam sẽ chậm lại trong năm tới và tăng trưởng nước ta sẽ phụ thuộc các yếu tố bên trong như tiêu dùng, đầu tư công.

Để ngăn chặn “sốt” hàng và giữ giá ổn định dịp cuối năm, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa lớn phục vụ Tết Nguyên đán 2025.

Tại công điện mới ban hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, quản chặt thu - chi.

Với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, góp phần kích cầu tiêu dùng, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) sẽ tổ chức chương trình "Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2024".

Nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các vùng sản xuất trọng điểm, Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức, mở rộng diện tích các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.