Lịch sử là môn thi thứ 4 vào lớp 10: Thí sinh không nên quá lo lắng

(HanoiTV) - “Nhìn chung, môn lịch sử không khó. Còn thời gian hơn hai tháng nữa mới thi nên nếu các em học nghiêm túc, phân bổ thời gian học các môn hợp lý sẽ đạt kết quả cao,” tiến sỹ Lê Thị Thu Hương chia sẻ.

Việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lựa chọn lịch sử là môn thi thứ tư trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 khiến một số học sinh và cả phụ huynh không khỏi bất ngờ.

Vẫn đủ thời gian chuẩn bị

Đây là năm thứ ba Hà Nội thực hiện tuyển sinh lớp 10 theo phương án mới với bốn bài thi. Trong đó, ba bài thi bắt buộc gồm toán, ngữ văn và ngoại ngữ và một bài thi thứ tư sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lựa chọn theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên trong các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, hóa học, vật lý và sinh học.

Ở năm 2019, năm đầu tiên áp dụng phương án thi mới, lịch sử được lựa chọn là một thứ tư. Năm 2020, do học sinh phải nghỉ học ba tháng vì dịch COVID-19 nên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã quyết định chỉ thi ba môn bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, bỏ bớt môn thứ tư nhằm giảm áp lực cho thí sinh.

Vì lịch sử đã là môn được chọn trong năm 2019 nên năm nay, một số học sinh chủ quan cho rằng môn này sẽ không tiếp tục được lựa chọn làm môn thi thứ tư.

Tuy nhiên, theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, việc lựa chọn môn thứ tư được thực hiện theo hình thức bốc thăm nên học sinh không nên có tư tưởng loại trừ. Lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô cho hay việc chọn môn thứ tư theo hình thức bốc thăm cũng là giải pháp để chống việc học lệch, học tủ và đảm bảo các nhà trường, giáo viên, học sinh phải dạy và học toàn diện các môn.

Theo tiến sỹ Lê Thị Thu Hương, giảng viên Trường Đại học Thủ đô, trong chương trình phổ thông môn học nào cũng quan trọng, nhiệm vụ của học sinh là phải học đều các môn, không được chủ quan và bỏ qua môn học nào. Vì vậy, việc lịch sử được chọn là môn thi thứ tư có chút ít bất ngờ với một số học sinh nhưng không gây khó khăn cho đại đa số các em học sinh lớp 9, có chăng chỉ khó khăn với các em có chủ quan, học lệch từ đầu năm.

Tuy nhiên, tiến sỹ Lê Thị Thu Hương khuyên thí sinh không nên quá lo lắng và nên bình tĩnh để lên kế hoạch học và ôn tập hợp lý cho từng môn, trong đó có lịch sử.

“Nhìn chung, môn lịch sử không khó. Còn thời gian hơn hai tháng nữa mới thi nên nếu các em học nghiêm túc, phân bổ thời gian học các môn hợp lý sẽ đạt kết quả cao,” tiến sỹ Lê Thị Thu Hương chia sẻ.

Bí quyết để ôn thi tốt

Với kinh nghiệm nhiều năm dạy ôn thi cho học sinh, tiến sỹ Lê Thị Thu Hương cho hay, để có kết quả thi môn lịch sử tốt trong kì thi vào lớp 10, học sinh cần đọc kỹ các bài học, phân bổ thời gian hợp lý và luyện đề.

Cụ thể, học sinh đọc kỹ sách giáo khoa để nắm được kiến thức cơ bản của mỗi bài học, cần hiểu các sự kiện lịch sử, chú ý trả lời các câu hỏi cuối mục, cuối bài. Sau mỗi chương cần luyện tập bằng việc trả lời các câu hỏi trắc nghiệm do giáo viên cung cấp hoặc từ các tài liệu tham khảo chính thống, các nhà xuất bản có uy tín.

Học sinh cũng cần phân bố thời gian học cho từng phần của môn lịch sử tương ứng với kết cấu đề thi. Kiến thức phần lịch sử Việt Nam chiếm nhiều điểm trong bài thi nên tập trung thời gian ôn tập nhiều hơn, kiến thức lịch sử thế giới chiếm khoảng 1/3 bài thi nên dành thời gian ít hơn.

Hai tuần trước khi thi, các em tập trung luyện đề tổng hợp cả kiến thức lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam.

Không nên quá lo lắng cũng là lời nhắn nhủ của thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết Trinh, giáo viên môn lịch sử tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI với các thí sinh. Lấy dẫn chứng thực tế từ kỳ thi vào lớp 10 năm 2019, cô Trinh cho biết phổ điểm của môn lịch sử trong kỳ thi này khá cao.

Chia sẻ về cách học tốt môn lịch sử, cô Trinh cho hay học sinh cần chú trọng vào phương pháp ôn tập hiệu quả, sử dụng các phương pháp như sơ đồ tư duy để ghi nhớ tổng thể, khái quát tiến trình lịch sử. Học sinh học theo công thức 5W1H (What-Where-When-Why-Who và How, tạm dịch: cái gì-ở đâu-khi nào-tại sao-là ai và làm thế nào) để ghi nhớ hiểu bản chất sự kiện, lập các công thức để ghi nhớ các loại kiến thức như nguyên nhân sự kiện, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm...

Thí sinh cũng cần luyện tập với đề thi tham khảo, đề thi chính thức năm 2019 để nắm rõ cấu trúc đề. “Thời gian còn lại là đủ để các em hệ thống lại kiến thức và chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới. Khi có phương pháp ôn tập tốt, học sinh sẽ ôn tập nhanh, hiệu quả và tự tin làm bài,” cô Trinh nói.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
User
Ý KIẾN

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ diễn ra vào ngày 26-27/6 với hai lịch thi và địa điểm thi riêng, dành cho thí sinh học chương trình mới và chương trình cũ.

Dù đã cố gắng triển khai từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên nhưng mô hình giáo dục chất lượng cao trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đang “hụt hơi” so với thời điểm ban đầu áp dụng.

Cuộc thi AI for Good Việt Nam 2025 - sân chơi đầu tiên tại Việt Nam dành cho học sinh cả ba cấp trên toàn quốc vừa khởi động, giúp ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giải quyết những thách thức thực tế trong học tập và đời sống.

Cuộc thi FPTU AI & Robotics Challenge 2025 do trường Đại học FPT tổ chức nhằm tạo cơ hội cho học sinh THPT trải nghiệm, ứng dụng AI và Robotics vào thực tiễn, khơi dậy đam mê nghiên cứu và sáng tạo.

Nhân lực chính là yếu tố quyết định và cũng là lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu và dự kiến từ nay đến năm 2030, sẽ có khoảng 50.000 kỹ sư bán dẫn được đào tạo.

Nhiều trường đại học Mỹ đã trực tiếp đến Việt Nam nhằm tăng cường tuyển sinh sinh viên mới với nhiều cơ chế rộng mở.