Cần luật hóa việc hiến mô, tạng từ người chết tim
Hiện nay, thế giới tận dụng hai nguồn tạng hiến để ghép cho người bệnh là từ người chết tim và chết não. Tuy nhiên, Luật Hiến ghép mô tạng năm 2006 chỉ đề cập hiến mô tạng từ người chết não. Luật chưa đề cập hiến mô tạng từ người chết tim. PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: "Hơn 10 năm vừa qua, nguồn hiến tạng từ người chết tim được nhiều nước quan tâm và tăng tỷ lệ lên cao. Sau vài tiếng chết tim, các chuyên gia sẽ vẫn hồi sức lấy được phổi, thận, gan, tụy, giác mạc, da, xương, mạch máu nên nguồn tạng hiến cũng tương đương như người chết não. Ở Việt Nam hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim… những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tặng thời gian qua đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại lợi ích và ý nghĩa cho xã hội".
Để có đầy đủ hành lang pháp lý đưa người hiến mô, tạng từ chết tim vào luật, TS.BS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đề xuất, quy trình xác định chết tim cần làm nghiêm túc. Để xây dựng bộ tiêu chí chẩn đoán chết tim của Việt Nam, chúng ta tham khảo và áp dụng bộ tiêu chí chuẩn đã áp dụng trên thế giới. “Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ làm hồi sức cho bệnh nhân với người tư vấn hiến tạng, vì người ảnh hưởng nhiều nhất đến người nhà bệnh nhân là bác sĩ hồi sức, nhưng lại không được phép tư vấn hiến tạng, còn người tư vấn thì gần như không có mối quan hệ cũng như hiểu biết gì về gia đình bệnh nhân”. TS.BS Dương Đức Hùng cho hay.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia với quan điểm phải thay đổi tư duy của người tư vấn hiến tạng trước, phải hiểu được câu chuyện của người bệnh, trân trọng họ và đặt mình vào vị trí hoạt động họ để hỗ trợ, thuyết phục mới thành công. Đó là con đường mà thế giới đã làm. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc đánh giá cao việc các nhà chuyên môn đi đầu trong việc phân tích và nhất trí đưa vấn đề hiến mô tạng từ người chết tim vào luật. Vấn đề còn lại là cách làm cần có sự đồng thuận của các nhà pháp luật, nhà quản lý, các nhà làm luật, ý kiến các đại biểu Quốc hội…cũng như các tổ chức quốc tế, các nước có nhiều thành công trong vấn đề này như Tây Ban Nha, Mỹ, Hàn … để học tập kinh nghiệm.
Còn theo ông Hà Trường Giang, chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, hoàn toàn có cơ sở để tăng cường nguồn tạng từ người cho chết tim xuất phát từ quy định có trong Hiến pháp và Luật hiến ghép mô tạng. Cần xây dựng quy trình và tiêu chuẩn chẩn đoán chết tim thành một chương, mục trong luật để tạo tiền đề và hành lang vững chắc đề xuất trong tương lai.
Ghép mô, tạng là phương pháp cuối cùng trong chữa bệnh, với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như: suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc... Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành y tế. Tính đến đầu tháng 10/2023, sau 31 năm ghép tạng và 13 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện gần 8.000 ca ghép, song chỉ gần 6% số ca được ghép từ nguồn tạng là người cho chết não, chết tim (tương đương gần 500 ca). Hiện cả nước có gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép tạng, và con số trong thực tế còn lớn hơn rất nhiều.
Hội thảo về hiến mô tạng từ người chết tim, đã nhận được ý kiến từ các nhà khoa học, các chuyên gia về các nội dung như: Hiến tạng sau chết não tuần hoàn và triển vọng áp dụng tại Việt Nam; Lấy bảo quản, điều phối, ghép tạng từ người chết tim; Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất quy định hiến, lấy, ghép tạng từ người chết tim tại Việt Nam… Từ các ý kiến này, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia sẽ tổng hợp và đề xuất bổ sung chết tim và hiến mô tạng từ người chết tim vào Luật sửa đổi tới đây. Qua đó, giúp người bệnh bị suy mô tạng tiếp thêm hy vọng vượt qua căn bệnh hiểm nghèo và gia tăng tỷ lệ hiến mô, tạng sau chết não và chết tim trên cả nước trong thời gian tới./.
Với thiết kế bắt mắt, hình thức quảng bá hấp dẫn khiến cho thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng dễ dẫn dắt thế hệ người sử dụng nicotin mới, đặc biệt là thanh thiếu niên và nữ giới.
Ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên tỷ lệ chữa khỏi một số bệnh ung thư của Bệnh viện K và một số bệnh viện ở Việt Nam đã ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế là một trong những nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đang diễn ra. Dự án luật bổ sung thêm nhiều quy định mới nhằm tăng thêm quyền lợi cho người tham gia khi đi khám, chữa bệnh.
Người đi khám chữa bệnh có thẻ bảo hiểm y tế phải đúng tuyến với nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, nên việc chuyển tuyến vốn đang gặp nhiều khó khăn. Đây là vấn đề cử tri kỳ vọng Quốc hội sẽ sửa đổi trong kỳ họp lần này.
Virus đậu mùa khỉ đang gây ra mối lo ngại mới ở Trung Phi khi chủng clade Ia, vốn chỉ lây từ động vật sang người, đang có xu hướng tiến hóa cho thấy khả năng lây truyền liên tục từ người sang người
Một trong bốn mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 - 2025, là nâng cao năng lực, hiệu quả trong dự phòng, giám sát, phát hiện và điều trị các bệnh không lây nhiễm. Hiện nay, tuyến y tế cơ sở đang tăng cường công tác sàng lọc để phát hiện và điều trị hiệu quả các bệnh này.
0