Chiếc neo cuộc đời

Có một cô gái liên tưởng những sóng gió cuộc đời chẳng khác nào cơn mưa giông bất thần trên biển, rất cần một chiếc neo để giữ lòng mình trở về với bình yên. Và cô ấy kể cho Hường một câu chuyện mà chính cô ấy đã trải qua. Chiều nay để Hường kể bạn nghe những dòng tự sự của Kim Loan.

Một lần gia đình tôi đi du lịch biển. Ở đây có dịch vụ đi thuyền câu mực ban đêm. Chiều hôm ấy trời mưa lâm râm. Chúng tôi lên thuyền trong trạng thái phấn khởi, không ai nói cho chúng tôi biết thời tiết như thế là xấu và có thể sẽ ảnh hưởng đến chuyến câu đêm.

Thuyền ra đến nơi câu mực chưa được bao lâu thì mưa gió ập đến, nước tạt khắp nơi, nước tràn cả vào khoang thuyền, chiếc thuyền chao đảo. Trên thuyền lúc đó 15 thành viên gia đình tôi có cả trẻ em đều hoảng loạn cực độ. Mưa gió, sóng biển khiến ai nấy lạnh cóng. Anh phụ lái chạy tới chạy lui thả tấm che mưa và liên tục tát nước. Trẻ con trên tàu tỏ ra hoảng loạn. Tôi chỉ biết ôm hai đứa con nhỏ, che chắn cho chúng khỏi lạnh. Chỉ có một người vẫn bình tĩnh từ lúc biển động, đấy là bác tài công. Bác ấy trấn an, khuyên chúng tôi bình tĩnh và cùng hợp tác. Tôi nghe bác tài công và anh phụ lái nói về chuyện thả neo, nhưng không hiểu sao vài lần mà neo vẫn không bám đất. Con thuyền rung lắc mạnh, hết nghiêng bên này lại ngả bên kia. Đồ đạc và người trên thuyền cũng dạt về theo hướng nghiêng của thuyền, có người mất thăng bằng loạng choạng té ngã. Tôi chỉ biết cầu khấn thần linh trời phật. Một lúc sau chiếc thuyền khựng lại bớt chòng chành. Thì ra bác tài công đã thả neo thành công, thuyền trở lại trạng thái cân bằng chờ mưa tạnh vào bờ.

Sóng gió cuộc đời chẳng khác nào cơn mưa giông bất thần trên biển. Ảnh minh họa

Trong cơn giông bão, giữa mênh mông trời biển hôm đó tôi thực sự ngộ ra vai trò của chiếc neo quan trọng biết dường nào. Tôi liên tưởng những sóng gió cuộc đời chẳng khác nào cơn mưa giông bất thần trên biển, rất cần chiếc neo như thế để neo giữ lòng mình và trở về với bình yên.

Chiếc neo đó có thể là ngôi nhà, nơi có cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, họ hàng, bạn bè, những người thương yêu ta vô điều kiện. Chỉ cần tình yêu đó thôi cũng đủ cho ta thấy có niềm tin để tựa vào những khi mệt mỏi.

Chắc nhiều người đã từng xem bộ phim “Về nhà đi con”. Hãy về nhà thôi, nếu một ngày nào đó thấy mệt mỏi giữa cuộc đời còn không ít những bất trắc khó lường này.

Chiếc neo đó có thể là đức tin của chúng ta. Với tôi đó là Đức Phật. Tôi thường tìm về nơi cửa Phật thắp nén hương hoặc ngồi trong căn phòng tĩnh lặng, lắng nghe những lời Phật để biết thế nào là sống tỉnh thức, để biết buông, biết nắm, biết nặng, biết nhẹ, biết xoa dịu vết thương cho mình và người. Khi tiếp thu những lời Phật dạy, tâm trí càng tập trung thì đầu óc càng minh mẫn, những đau buồn tự động rời xa. Bạn sẽ trở lại trạng thái an nhiên khi ngồi dưới hiên chùa, ngắm nhìn những bông sen hương thơm ngát trên mặt hồ lăn tăn sóng gợn.

Chiếc neo đó có thể là một nơi có phong cảnh đẹp, dòng suối vắng trong khu rừng bình yên, một khu vườn đầy hoa cỏ. Thiên nhiên luôn là liều thuốc tốt nhất cho tâm hồn con người. Con người đến từ thiên nhiên, từ đất, cát và nước mà tái sinh thành. Đến với thiên nhiên, con người không phải dè dặt bất cứ điều gì vì thiên nhiên luôn lắng nghe ta như bà mẹ rộng lượng và bao dung. Đất nâng đỡ chúng ta, cây cối che chở chúng ta. Nước cho ta tắm mát, gột rửa tâm hồn với nhiều cát bụi hồng trần. Bạn có thể neo vào âm thanh của tiếng nước chảy róc rách, thả chân vào làn nước mát rượi, ngửa mặt ngắm mây trắng bay qua. Bạn có thể neo vào tiếng gió trên tán cây xào xạc, tiếng chim hót trong khu vườn. Trong mỗi âm thanh đó dường như chứa đựng những liều thuốc chữa lành. Nó cũng giống như một khúc nhạc thiền trong không gian không bị vẩn đục bởi nhân tình thế thái.

Một chiếc neo vững chãi nhất, nơi nương náu tốt nhất mà ai cũng sẵn có, đó chính là tâm mình. Ảnh minh họa

Tâm bình yên nhất định sẽ vững như bàn thạch, không  bao giờ bị bất cứ thứ gì làm cho lung lay. Về với chính mình và sống trong phút giây hiện tại là lời mà Đức Phật thường dạy chúng ta. Để thấy mỗi phút giây hiện tại là quý giá và chúng ta không phí hoài thời gian vào những quá khứ không tìm lại được, hoặc tương lai chưa hề biết được. Hãy giữ cho tâm chúng ta là ngôi nhà bình yên chứa đựng lòng yêu thương, nuôi dưỡng niềm hạnh phúc. Đôi khi những mối họa có thể đến từ chính sự chủ quan của ta, cũng như trong trường hợp của tôi lần đó, sự nguy hiểm đến từ việc thiếu hiểu biết về các cơn bão biển.

Trở về chính mình, rèn tâm, luyện trí đó chính là những chiếc neo hạnh phúc cho mỗi chúng ta trong cuộc đời này./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Con đường ngày xưa chúng tôi đi học, lòng đường bé tin hin bằng hai gang bàn tay người lớn, thêm sỏi đá mấp mô ngáng bánh xe đạp không thương tiếc. Bữa nào vừa nhấn bàn đạp mải miết, vừa ngúc ngoắc đầu nói chuyện là gặp hòn đá xóc nảy người, chiếc cặp nhẹ tênh có khi giật mình rơi khỏi giỏ xe cà tàng. Con đường “huyền thoại” ấy chưa đi vào thơ ca nhạc họa của văn nghệ sĩ bao giờ nhưng nó đi vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi cho tới tận hôm nay.

Sự hiện hữu của thời gian trở nên rõ rệt là khi trên khuôn mặt xuất hiện thêm những nếp gấp, một vài vết tàn nhang cùng màu tóc dần ngả bạc. Thời gian vô tình khiến những hoạt động mà mình vốn yêu thích bỗng trở nên khó thực hiện, mặc dù lòng nhiệt huyết vẫn còn nhưng tuổi tác và khuôn mặt đã không còn phù hợp nữa rồi.

Phố bắt đầu ngày mới bằng những sắc hoa thuỳ mị trong chợ hoa Quảng Bá. Đường Âu Cơ tươi xinh màu sắc trong tia nắng dịu nhẹ chưa vương mùi bụi khói. Tâm thức anh chợt lạc về câu chuyện em nói với anh ngày xưa khi anh cùng em ngang qua đoạn đường này.

Thấm thoắt, ngoại tôi đã về miền mây trắng đoàn tụ với ông bà tổ tiên được mười sáu năm rồi. Từ ngày ngoại mất, số lần tôi theo mẹ về quê chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi năm tới ngày giỗ ngoại, tuy không nói ra nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn nghẹn lại trong lồng ngực mẹ nếu năm đó mẹ không thể sắp xếp về quê thắp cho ngoại nén hương.

Thuở bé, mỗi lần được nằm gối đầu lên đùi mẹ, lắng tai nghe những giai điệu trong trẻo mà sâu lắng từ những câu hát ầu ơ quen thuộc, lòng tôi mỗi lúc ấy đều cảm thấy dễ chịu và ấm áp lạ thường. Sau này, khi năm tháng trôi đi, bôn ba trên khắp các nẻo đường xuôi ngược, hễ vô tình được nghe thấy thứ âm thanh giản dị và thân thương ấy, thì những ký ức tuổi thơ trong tôi lại nối tiếp theo tiếng hát tìm về.

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Trên những mảnh đất bom đạn ngày xưa, cỏ đã tô xanh màu máu đỏ. Màu xanh của hòa bình. Cỏ đã đắp da thịt lên vết thương chiến tranh, cỏ đã sống xanh hộ phần người. Nếu có một lần đến thăm nơi đó, xin đừng giẫm chân lên cỏ bởi mỗi một ngọn cỏ là một mặt trời, dưới mỗi ngọn cỏ là một trái tim đỏ thắm.