Sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi đầu
Chiều nay, Hường mời bạn nghe những dòng tự sự của Bích Ngọc gửi về từ Bà Rịa Vũng Tàu.
Càng trưởng thành tôi thấy mình càng trở nên điềm tĩnh. Không còn mải mê chạy theo những hào nhoáng vật chất, cũng chẳng còn cố chứng tỏ bản thân hay cố chiến thắng trong mỗi lần tranh luận. Mình là ai giữa cuộc đời này? Để trả lời câu hỏi ấy thật ra chẳng cần phải làm điều gì to tát. Trải nghiệm càng nhiều ta càng thấy mình nhỏ bé trước cuộc đời rộng lớn, trước vũ trụ bao la, trước thiên nhiên hùng vĩ. Thiên nhiên chẳng phải đã dạy ta những bài học quá rõ ràng "sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu".
Ký ức của tôi chưa từng gắn liền với con sông nào. Đó luôn là một tiếc nuối suốt những năm tháng tuổi thơ của tôi mỗi khi đọc những bài thơ, bài văn viết về con sông quê hương. Vì vậy, khi lập gia đình, tôi đã chọn sống ở miền biển để các con được lớn lên trong tiếng vỗ về của những cơn sóng dập dìu, trong sự ôm ấp của biển bao la, trong hơi ấm của ánh hoàng hôn rực rỡ. Mỗi ngày ngắm mặt biển ở tít phía chân trời, nhìn mặt nước phẳng lặng ngoài xa, tôi lại thấy sao dịu dàng đến thế, chẳng giống những con sóng đang đập mạnh tung bọt trắng xoá vào bờ. Tôi nghĩ tới những con sông lớn đang âm thầm đưa nước về biển kia. Hàng trăm con sông, con suối nhỏ từ trên cao róc rách chảy về con sông sâu nhất, lớn nhất. Trải qua hành trình vạn dặm, đi qua bao thác ghềnh, nước trở về với sông mẹ yên bình. Giờ đây, nước đã không còn ào ào, xối xả mà trở nên lặng lẽ, âm thầm, từ dưới lòng sông sâu thẳm, thong dong theo dòng đi ra biển lớn. Dòng sông êm ả, dịu dàng từ từ bồi đắp phù sa cho đất thêm màu mỡ, cho cây cối tươi xanh.
Nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, tôi thấy bản thân đã trải qua bao thăng trầm, bao buồn vui, bao vấp ngã của tuổi trẻ bồng bột, để giờ đây tôi có thể như nước ở dưới lòng sông sâu, tự lắng lại, hiền hoà và nhẹ nhàng tận hưởng hành trình đưa mình về với đại dương mênh mông. Trước mỗi cuộc tranh luận, tôi đã trở nên điềm tĩnh và biết thoái lui, đã không còn cố gắng chứng minh ai sai ai đúng để còn lại chỉ là những tổn thương. Tôi cũng không còn khao khát thứ gọi là thành đạt hay danh vọng để mang lại sự hãnh diện, tự hào cho bố mẹ ở quê. Những thứ ấy liệu có thực sự quan trọng nếu tâm mình vẫn chưa hẳn bình an, thời gian cho gia đình cũng phải cân đo tính toán, còn bản thân thì bị áp lực cuốn đi.
Giờ đây tôi mới thực sự nhận ra mình vốn cũng chỉ như một giọt nước nhỏ, chẳng thấm gì so với sông với biển ngoài kia. Tôi chỉ là một chú chim nhỏ bay giữa trời kiến thức bao la. Đọc bao nhiêu cũng là chưa đủ, học bao nhiêu cũng chẳng thấm tháp gì. Tôi chỉ biết chăm chỉ từng ngày, thu về mình những bài học của người đi trước. Biết ơn cuộc đời đã trao cho tôi bao mối duyên lành, như những bông lúa chín trĩu hạt mùa thu hoạch đang cúi đầu cảm tạ đất trời đã yêu thương. Dù mưa to, gió lớn, trời vẫn cho lúa ánh sáng để vươn lên, cho lúa tinh chất để trưởng thành. Đất mẹ đã cưu mang lúa từ khi lúa chỉ là một cây mạ non yếu ớt rung rinh trước gió đến khi lúa lên đòng, trổ bông. Vậy nên, khi đã tới độ trưởng thành nhất của đời mình, lúa chỉ biết cúi đầu thể hiện lòng biết ơn.
Tôi của những năm tuổi hai mươi đã từng coi mình là nhất, luôn nhìn đời bằng con mắt ngạo nghễ, tự tin như những bông lúa non và xanh luôn ngẩng cao đầu trước những giông bão, nắng mưa, thách thức với trời. Tôi lúc ấy có khác gì một chú ếch đang nhìn lên bầu trời qua miệng giếng nhỏ hẹp phía trên, như chú dế mèn trong truyện ngắn của nhà văn Tô Hoài luôn cao mạn, ngạo nghễ, coi thường kẻ khác. Chỉ khi thực sự đã trải qua những thất bại đớn đau, tôi mới có thể tự mình chiêm nghiệm để tìm ra giá trị cốt lõi của bản thân.
Tôi là ai giữa cuộc đời này? Câu hỏi ấy với tôi đã chẳng còn quan trọng. Tôi chỉ cần sống một cuộc đời thật trọn vẹn với chính mình và với những người mà tôi thương yêu, như dòng sông bồi đắp phù sa cho đất, như cây lúa trổ bông cho người./.
Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.
Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.
Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.
Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.
Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....
Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?
0