Đường Lâm ‘cổ trấn’
Chiều nay, Hường mời bạn cùng nghe những cảm xúc của Thu Thủy trong một lần về thăm làng cổ Đường Lâm.
Sơn Tây không sầm uất như đô thị lớn, mang dáng dấp đô thị trung du kín đáo e lệ của thôn nữ xứ Đoài vùng núi Tản sông Đà êm đềm như dải lụa. Về Sơn Tây không thể không ghé quê hương của hai vua Bố Cái Đại Vương - Phùng Hưng và Tiền Ngô Vương - Ngô Quyền cùng sinh ra tại một làng "Thế hữu hưng ngơi đại" (Đời nào cũng có người tài giỏi)- dòng chữ được khắc ở cổng ngôi làng mang tên Đường Lâm.
Đường Lâm - làng cổ duy nhất nằm ven thị xã Sơn Tây chưa hề phai nhạt văn hoá làng xã của Bắc Bộ, những mái nhà cong cong lợp ngói âm dương thâm thấp, tường xây đá ong nâu đậm thời gian, giếng khơi trong vắt ngọt lành xung quanh mọc đầy cây dương xỉ...
Ở Đường Lâm, những ngôi nhà san sát. Đi qua cổng làng, vào đình làng rồi mới vào nhà. Cây đa, bến nước, sân đình ở Đường Lâm vừa đặc trưng hồn Việt, vừa riêng có không lẫn vào đâu được. Mọi ngôi nhà quần tụ, nối nhau bằng những đường xương cá lát gạch chỉ nho nhỏ sạch sẽ đến tận cổng từng nhà.
Đến Đường Lâm, qua đình Mông Phụ nghe cô gái thuyết minh, ngỡ mình về với ngày xưa, bao lễ hội tập trung ở đình làng, thoả chí nhìn nhau mớ ba mớ bảy áo tứ thân, nón ba tầm, chơi cờ người những bước tần ngần sang sông. Sân đình xưa bao đôi trai gái phải lòng nhau, quấn quít ngày mở hội làng, bịn rịn lúc trăng hiển hiện giữa trời như một nét móc câu thề hẹn.
Ở Đường Lâm vẫn còn những quán mẹt với dăm cái kẹo dồi, cốc nước lá vối. Ngồi trên chõng tre kẽo kẹt, nghe cụ già đầu vấn khăn mỏ quạ kể chuyện lịch sử hai vua lừng lẫy, kể chuyện thám hoa Giang Văn Minh – vị sứ thần tài hoa đi vào sử sách, dễ hình dung hơn khi đọc cả pho sách dày nghìn trang.
Mỗi người dân làng cổ ở năm thôn Mông Phụ, Cam Thịnh, Cam Lâm, Đoài Giáp, Đông Sàng tự hào mình được sinh ra trên cùng mảnh đất với các hào kiệt của non sông, nơi văn hóa của vùng châu thổ sông Hồng hiển hiện từ các di tích, từ lịch sử hào hùng của một miền quê.
Đến Đường Lâm dùng bữa với những món ăn thuần Việt, dưới mái nhà gỗ xưa, bên vườn xanh mướt còn nguyên cối xay lúa, chum làm tương... thì bất kể người sinh ra từ phố hay từ làng đều không thể quên được miền đất này, dù là mới đến hay quay lại. Cao lương mĩ vị đều từ những sản vật trên ruộng dưới sông, qua bàn tay con người lam lũ. Đặt chân về Đường Lâm thấy cả hồn Việt lưu giữ ngàn năm tại nơi đây đầy đủ và vẹn nguyên, trong một ngôi làng có 956 ngôi nhà cổ tồn tại từ thế kỷ 17 đến nay.
Người Đường Lâm thủ thỉ chuyện xưa, chuyện nay với chất giọng nhỏ nhẹ, cực kỳ nho nhã và thanh lịch. Duyên của người Đường Lâm không dễ phô ra với người lạ, nhưng với bạn bè thâm giao, họ gửi gắm nghĩa tình vào sự tinh tế từ cử chỉ đến lời nói.
Đến Đường Lâm, vứt bỏ những lo toan, quên đi những tiện nghi sang trọng để trở về làng Việt. Người ta chẳng còn chông chênh với những bữa tiệc triền miên những lời khách sáo, mà đắm chìm trong lòng bao dung, nhân ái. Bông lúa, bắp ngô, vạt áo nâu giản dị cho ta kết dính giá trị của gia đình "trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa"…
Dẫu biết ngược đường, dẫu biết còn bao làng quê khác quyến rũ bước chân lữ khách, nhưng sao có thể không nặng lòng với Đường Lâm? Một lần đến đã chẳng muốn rời đi, đến lần hai lại quyến luyến hơn lần đầu. Hay trái tim ta đã một lần nữa đi về phía nguồn cội mà yêu, mà say Đường Lâm đến vậy./.
Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.
Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.
Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.
Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.
Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....
Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?
0