Hà Nội có thể được cắt điện, nước đối với công trình vi phạm | Hà Nội tin mỗi chiều

Đề xuất các công trình vi phạm ở Hà Nội bị cắt điện, nước; Bộ Xây dựng kỳ vọng dẹp "loạn" số nhà với đề xuất mới ... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Đề xuất các công trình vi phạm ở Hà Nội bị cắt điện, nước

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Đây là yêu cầu được đặt ra từ thực tiễn nhằm bảo đảm tính khả thi, nghiêm minh trong xử lý vi phạm hành chính đối với các công trình, lĩnh vực xảy ra vi phạm.

Tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đề xuất: với các công trình đang thi công có vi phạm thì cách tốt nhất để dừng lại là cắt điện, nước, không cho thi công.

Ví dụ như một số công trình chung cư mini ở huyện Thạch Thất, địa phương buộc phải có biện pháp là phân công công an canh chừng, không để người dân vào ở. Và như vậy, giải pháp hiệu quả nhất chính là cắt điện, nước.

Cũng theo đề xuất của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, chỉ chủ tịch UBND xã, huyện, thành phố mới được trao thẩm quyền này. Tinh thần là không có gì cao hơn mạng sống của con người. 

Công trình tại hồ Đồng Đò, Sóc Sơn, có một số hạng mục vi phạm đất rừng phòng hộ, nhưng khó xử lý do quy định hiện không cho phép cắt điện, nước. Ảnh: Hoàng Phong/ VnExpress.

Theo Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cơ sở pháp lý trong việc xem xét, xử lý công trình vi phạm hiện đang thiếu đồng bộ, nhất là trong xử phạt vi phạm hoạt động xây dựng hạ tầng.

Hà Nội hiện nay là thành phố đông dân, đô thị phát triển rất nhanh chóng. Việc ngừng cung cấp điện, nước với những hộ dân vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy đã bị xử phạt vi phạm hành chính cho thấy quyết tâm chính trị rất cao. Vấn đề là khi áp dụng biện pháp cắt điện, nước cần chú ý không làm ảnh hưởng cư dân xung quanh để đảm bảo quyền lợi cho họ.

Việc trao quyền cho Hà Nội có biện pháp hành chính đặc thù trong Luật Thủ đô sẽ giúp chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả hơn chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố. Trong đó, cắt điện, nước đối với công trình vi phạm chính là một trong những công cụ ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa; hướng tới mục tiêu bảo vệ sinh mạng cho người dân.

Bộ Xây dựng kỳ vọng dẹp "loạn" số nhà với đề xuất mới

Tình trạng nhà trùng số, phố loạn tên đã diễn ra trong nhiều năm tại Thành phố Hà Nội và một số thành phố lớn trên cả nước. Điều này gây ra nhiều rắc rối, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân và cả vấn đề quản lý đô thị.

Đơn cử như tại đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, chiều từ cầu Thăng Long về Cầu Giấy, trụ sở Bộ Công an ở địa chỉ số 47 nhưng liền kề bên cạnh các số nhà rất lộn xộn, nhảy cóc, chẵn lẻ xen kẽ. Thậm chí có căn nhà gắn tới hai biển số.

Anh Thái Bá Thắng, một tài xế công nghệ ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, cho hay đã rất nhiều lần anh phải đi lòng vòng trên con đường này để tìm địa chỉ giao hàng cho khách. 

Con phố Trần Hữu Tước ở phường Nam Đồng, quận Đống Đa, trên đoạn đường dài 700 m từ Nguyễn Lương Bằng tới hồ Xã Đàn, có đến hàng chục ngôi nhà trùng số. Thứ tự các số nhà rất lộn xộn, không theo một nguyên tắc nào. 

Một ngôi nhà nhưng hai số 182 và 181 trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Việt An/ VnExpress.

Nhà không số, phố không tên là tình trạng mà gần bốn năm nay những người dân tại một con đường thuộc xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, buộc phải chấp nhận. Để thuận tiện cho việc tìm kiếm, hàng chục căn nhà đành lấy tên khu Đầu Sầy để dễ phân biệt. Điều này cũng gây ra nhiều bất tiện, đặc biệt trong trường hợp nguy cấp như gọi xe cấp cứu cho người bệnh.

Lý giải nguyên nhân về việc chậm trễ cấp số nhà cho người dân, cán bộ UBND xã Đan Phượng cho biết hiện các hộ dân này nằm trong quy hoạch đường mới của huyện. Đồng thời việc huyện Đan Phượng định hướng lên quận, nếu cấp số nhà trong thời gian này sẽ chồng chéo và gây phiền hà về thủ tục sau đó.

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo thông tư về quy định đánh số và gắn lại biển số nhà. Thông tư này dự kiến sẽ được áp dụng trên toàn quốc từ tháng 8 tới, được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng kéo dài suốt nhiều năm qua.

Theo Bộ Xây dựng, cơ quan chức năng cần đánh lại số nhà cho các tuyến đường có nhiều nhà xây mới hoặc số nhà tự phát; chưa có nhà xây liên tục nhưng có đoạn mới xây kéo dài tuyến đường đã đánh số nhà; đường đã đặt tên, đánh số nhưng được mở rộng, cải tạo, giải phóng mặt bằng hoặc mở rộng ngõ thành đường, phố mới; nơi nối dài từ phía đầu đường mà phần nối dài không được đặt tên đường, phố mới.

Đề xuất mới với kỳ vọng chấm dứt tình trạng "nhà trùng số, phố loạn tên". Ảnh minh họa: IN.

Ngoài ra, Bộ đề xuất đánh lại số nhà cho các ngõ, ngách, hẻm có lối ra đường, phố mới mở rộng và đã được đặt tên; đánh lại số nhà cho các trường hợp một đường, phố cũ được chia thành nhiều đường, phố mới hoặc nhiều đường, phố cũ được nhập thành đường phố mới và các nhà chung cư sử dụng số căn hộ sai nguyên tắc đánh số. 

Việc đánh số và gắn biển số nhà tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân thực hiện yêu cầu giao tiếp, tiếp nhận thông tin, thư tín, liên lạc, giao dịch dân sự, thương mại và các giao dịch khác. Điều này góp phần chỉnh trang đô thị và điểm dân cư nông thôn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính; phòng cháy, chữa cháy, an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc đánh số và gắn biển số nhà được quản lý, tích hợp, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu khác có liên quan khi có yêu cầu.

Việc đánh lại số nhà sẽ kéo theo nhiều thay đổi về thông tin của người dân, cũng như đời sống thường nhật, hoạt động kinh doanh. Do đó, theo các chuyên gia, quy định này khi triển khai cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ban ngành, tạo thuận lợi nhất cho người dân sau khi đổi số nhà.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tối 17/11, ở chùa Bái Đính, một chương trình đặc biệt - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một lần nữa khiến hàng ngàn khán giả cả nước rơi nước mắt.

Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.

Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.

Khoảng 40 nghìn khách tham quan trong một ngày - gần bằng những ngày đông khách nhất tại Bảo tàng Louvre của Pháp năm 2019, với 45.000 lượt người. Đó là con số ấn tượng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - cũng là lượng khách cao kỷ lục mà một bảo tàng có thể thu hút được.

Hiện nay, tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Lối đi dành riêng cho người đi bộ giờ lại hoá thành nơi buôn bán.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.