Ký ức điện thoại bàn

Đã từng có một thời điện thoại bàn là một điều gì đó rất xa xỉ và kỳ diệu. Ở cách xa nhau hàng ngàn kilomet vẫn nghe được tiếng nói của nhau. Không cần phải đợi hàng tháng trời mới nhận được một lá thư, mới biết được tin tức của người thân. Đấy là chưa kể không may có những lá thư còn bị vòng vèo thất lạc. Cỗ máy be bé, kỳ diệu đó đã đưa mọi người đến gần nhau hơn và xung quanh nó cũng có những câu chuyện khiến người ta cười ra nước mắt…

Nhà tôi may mắn có điện thoại bàn sớm nhất trong xóm, vậy nên bất đắc dĩ trở thành một điểm nghe gọi điện thoại công cộng của cả xóm. Bất cứ thời gian nào trong ngày, dù đang ăn cơm hay đang ngủ, kể cả nửa đêm gà gáy, một thành viên nào đó trong nhà sẽ phải chạy đi gọi người đến nghe. Gần thì chạy bộ, xa thì đạp xe. Có cú điện thoại thì họ chờ cho đến khi người nghe đến, có cú lại hẹn giờ gọi lại. Thế là người được gọi đến nghe điện thoại cứ cà kê ngồi chờ và buôn chuyện với gia đình tôi, kể cả khi mâm cơm đang dang dở, người nói cứ nói, người ăn cứ ăn. Ban đầu người nghe còn ngượng ngùng giữ ý, ra ngoài sân ngồi đợi hoặc gia đình tôi nhanh chóng dọn mâm cơm đi, sau thì mặc kệ, cứ tiếp tục ăn uống như không có chuyện gì xảy ra. Khách thì kê nón, kê dép ngồi nói chuyện ngay cạnh mâm cơm. Nghe xong điện thoại, nhiều người lại tiếp tục ngồi nói chuyện tiếp, nội dung chủ yếu là về cuộc điện thoại vừa nghe. Vậy là, chỉ một cú điện thoại ngắn ngủi cũng có bao nhiêu là chuyện.

Đi gọi người đến nghe điện thoại cũng có nhiều chuyện để nói. Có khi họ không có nhà, có khi họ đến nghe nhưng đầu dây bên kia không biết vì lý do gì đó mà không thấy gọi lại. Thế là cả mấy người cùng mất công chờ đợi. Có người này đến thì lại nhận được điện thoại của người nhà khác, nghe mãi mới hiểu ra là nhầm... Những người đến nghe điện thoại đa phần biết ý, để lại một khoản tiền nhỏ gọi là thù lao đi gọi, mặc dù bố mẹ tôi không đòi hỏi. Ngày ấy, mỗi cú điện thoại gọi đi sẽ tùy thuộc vào thời lượng mà thu 3000 - 5.000 đồng. Lúc đó cước phí điện thoại còn rất cao, không rẻ như bây giờ. Gọi, nghe điện thoại là một công việc quan trọng và là một cái thú mà người ta sẵn sàng bỏ ra khoản tiền tương đối lớn so với thu nhập hàng ngày của mình để thực hiện nó. Tình yêu thương, sự háo hức lúc đó sẽ che lấp mọi sự căn ke, tính toán.

Là trạm điện thoại công cộng của cả xóm nên mọi chuyện thâm cung bí sử của mọi người gia đình tôi đều nắm được hết. Anh Tuấn nhà bác Bàng được học bổng. Chị Tuyến nhà chú Kim thi lại ba môn. Anh Thắng nhà ông Cự bị đuổi khỏi trường Đại học Bách Khoa, ngôi trường mà gia đình ông đã vô cùng hãnh diện, đi khoe khắp nơi và làm cỗ ăn mừng rất lớn khi biết tin con trai đỗ vào trường... Rồi nhà cô Linh đã bán xong mảnh đất ở quê. Mẹ chú Tình mất đột ngột. Bố chú Trọng ốm nặng...

Cách nói chuyện điện thoại của mỗi người cũng muôn hình vạn trạng. Bác Bàng luôn nói to nhất xóm. Giọng bác oang oang: “A lô, Tuấn à. Bố đây. Bố Bàng đây”. Có người lại rủ rỉ rù rì như nói thầm. Điển hình là cô Oanh. Hình như cô có người yêu ở Thái Nguyên, thỉnh thoảng lại có điện thoại, cô thì thào bên cái điện thoại đến ba mươi phút, trong khi những người khác thường sợ đối phương hoặc bản thân tốn tiền, chỉ nói qua loa chớp nhoáng trong mỗi cú điện thoại. Tuy nghe không rõ câu chuyện của họ nhưng nhìn ánh mắt lấp lánh, nét mặt rạng rỡ, e ấp, ngón tay xoắn đến nhàu vạt áo của cô cũng có thể đoán được nội dung câu chuyện.

Có người đến nghe không biết cầm điện thoại, cầm ngược ống nghe, đến khi nghe xong cuộc điện thoại bèn trách điện thoại nhà tôi bị hỏng, nghe bập bà bập bõm. Đến khi bố tôi đến kiểm tra và chỉ cho họ cách cầm điện thoại đúng, họ mới ậm ừ và bẽn lẽn cười ngượng ngùng. Có chú thì dùng cả hai tay khum lại che chắn xung quanh ống nghe, cứ như bộ đội thông tin thời chiến tranh, mặc dù xung quanh lặng im như tờ và âm thanh qua điện thoại rất tốt. Nói kiểu gì chú cũng không bỏ được thói quen đó. Có người đến nhưng không chịu cầm điện thoại, bảo cứ hãi hãi, run rẩy làm sao ấy. Thế là bố mẹ, anh em tôi bất đắc dĩ phải nghe hộ. Cứ như vậy, nhà tôi lúc nào cũng có khách. Khi thì vài ba người, có lúc lại rất đông, nhộn nhịp, ồn ào như trạm điện thoại công cộng thực sự. Có người đến cầm theo nải chuối, chùm vải, gói kẹo cho trẻ con, có người đến tay không. Có người để lại tiền công đi gọi, có người cứ thế ra về…

Cỗ máy be bé, kỳ diệu đó đã đưa mọi người đến gần nhau hơn và xung quanh nó cũng có những câu chuyện khiến người ta cười ra nước mắt

Trạm điện thoại công cộng nhỏ sẽ cứ thế hoạt động nếu như không có một sự cố xảy ra. Không hiểu sao một dạo nhà tôi cứ thi thoảng lại nhận được một cuộc điện thoại vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Các cuộc điện thoại này tôi không phải chạy đi gọi ai đến nghe vì nó gọi cho... bố tôi. Các cuộc điện thoại vu vơ, lúc thì nhá máy, nhấc ống nghe lên lại thấy im lặng hoặc vội vàng dập máy, lúc lại ậm ừ hỏi bố có nhà không? Tất cả đều là giọng của một phụ nữ. Thế là mẹ tôi nổi cơn tam bành lên, tra hỏi, dằn dỗi bố. Bố tôi ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra. Suốt ngày đầu tắt mặt tối, làm gì có thời gian mà giao du với ai, vậy mà không hiểu tại sao lại có người cứ gọi cho mình. Giải thích kiểu gì cũng không được, thế là bố tôi cấm nghe các cuộc điện thoại. Kể cả các cuộc điện thoại dịch vụ cũng không. Cứ như thế. Những người đến nghe điện thoại cứ thưa dần, thưa dần rồi mất hẳn.

Mãi sau này gia đình tôi mới biết nguyên nhân. Hóa ra có một nhà cùng xóm cũng bắt đầu lắp điện thoại bàn. Và đó là một người đàn ông giả giọng phụ nữ. Ban đầu là để trêu chọc bố tôi, sau đó ngày càng sa đà, cuối cùng là để chiếm mối khách đến nghe và gọi điện thoại. Và họ đã toại nguyện, tất cả những người đã từng sang nhà tôi để nghe gọi điện thoại đều đã chuyển sang nhà người đó. Tuy nhiên, họ cũng không duy trì hoạt động dịch vụ của mình được lâu, bởi một thời gian sau, gần như nhà nào cũng có điện thoại bàn. Sau này, bố mẹ tôi cũng biết chuyện, nhưng đều bỏ qua, coi như không có chuyện gì.

Đến bây giờ, khi mỗi người đã có trong tay hai đến ba chiếc điện thoại di động, nghĩ lại quãng thời gian đó tôi không khỏi cảm thấy buồn cười và khắc khoải nhớ nhung. Những lần vắt chân lên cổ chạy đi gọi người đến nghe điện thoại mãi là những kỷ niệm không thể nào quên. Cảm giác có lỗi khôn tả nếu để người khác bị lỡ một cuộc điện thoại quan trọng, có thể là cuộc điện thoại quyết định vận mệnh của họ. Đó là một giai đoạn khó khăn nhưng anh em chúng tôi học được sự sẻ chia và giúp đỡ mọi người xung quanh. Cuộc sống thiếu thốn nhưng đầy ắp tình người, tình làng nghĩa xóm.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Con đường ngày xưa chúng tôi đi học, lòng đường bé tin hin bằng hai gang bàn tay người lớn, thêm sỏi đá mấp mô ngáng bánh xe đạp không thương tiếc. Bữa nào vừa nhấn bàn đạp mải miết, vừa ngúc ngoắc đầu nói chuyện là gặp hòn đá xóc nảy người, chiếc cặp nhẹ tênh có khi giật mình rơi khỏi giỏ xe cà tàng. Con đường “huyền thoại” ấy chưa đi vào thơ ca nhạc họa của văn nghệ sĩ bao giờ nhưng nó đi vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi cho tới tận hôm nay.

Sự hiện hữu của thời gian trở nên rõ rệt là khi trên khuôn mặt xuất hiện thêm những nếp gấp, một vài vết tàn nhang cùng màu tóc dần ngả bạc. Thời gian vô tình khiến những hoạt động mà mình vốn yêu thích bỗng trở nên khó thực hiện, mặc dù lòng nhiệt huyết vẫn còn nhưng tuổi tác và khuôn mặt đã không còn phù hợp nữa rồi.

Phố bắt đầu ngày mới bằng những sắc hoa thuỳ mị trong chợ hoa Quảng Bá. Đường Âu Cơ tươi xinh màu sắc trong tia nắng dịu nhẹ chưa vương mùi bụi khói. Tâm thức anh chợt lạc về câu chuyện em nói với anh ngày xưa khi anh cùng em ngang qua đoạn đường này.

Thấm thoắt, ngoại tôi đã về miền mây trắng đoàn tụ với ông bà tổ tiên được mười sáu năm rồi. Từ ngày ngoại mất, số lần tôi theo mẹ về quê chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi năm tới ngày giỗ ngoại, tuy không nói ra nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn nghẹn lại trong lồng ngực mẹ nếu năm đó mẹ không thể sắp xếp về quê thắp cho ngoại nén hương.

Thuở bé, mỗi lần được nằm gối đầu lên đùi mẹ, lắng tai nghe những giai điệu trong trẻo mà sâu lắng từ những câu hát ầu ơ quen thuộc, lòng tôi mỗi lúc ấy đều cảm thấy dễ chịu và ấm áp lạ thường. Sau này, khi năm tháng trôi đi, bôn ba trên khắp các nẻo đường xuôi ngược, hễ vô tình được nghe thấy thứ âm thanh giản dị và thân thương ấy, thì những ký ức tuổi thơ trong tôi lại nối tiếp theo tiếng hát tìm về.

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Trên những mảnh đất bom đạn ngày xưa, cỏ đã tô xanh màu máu đỏ. Màu xanh của hòa bình. Cỏ đã đắp da thịt lên vết thương chiến tranh, cỏ đã sống xanh hộ phần người. Nếu có một lần đến thăm nơi đó, xin đừng giẫm chân lên cỏ bởi mỗi một ngọn cỏ là một mặt trời, dưới mỗi ngọn cỏ là một trái tim đỏ thắm.