Làng gốm Bát Tràng nhộn nhịp Xuân

Như một nếp văn hóa, cứ Tết đến là người Việt lại tất bật sắm sửa, trang hoàng nhà cửa để đón một năm mới thật sung túc. Gốm Bát Tràng dường như là địa chỉ đầu tiên người dân nghĩ đến mỗi khi Tết đến xuân về.

Trải qua bao thăng trầm cùng thời gian nhưng đến nay, sản phẩm gốm Bát Tràng vẫn được đánh giá cao về chất lượng với nhiều kiểu dáng, mẫu mã và chủng loại như: gốm gia dụng, đồ thờ tự, gốm mỹ thuật, gốm xây dựng và gốm trang trí... và có mặt trên khắp mọi miền đất nước cũng như khu vực và trên thế giới.

Tết cũng là dịp để các nghệ nhân nơi đây “phô diễn” sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của mình, thổi hồn vào mỗi sản phẩm.

Sản phẩm gốm Bát Tràng luôn được đánh giá cao về mẫu mã.

Bát Tràng – Điểm văn hoá du lịch làng nghề nổi bật

Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 15 km, qua cầu Chương Dương hoặc Vĩnh Tuy hay Thanh Trì đều được cả, đi trên con đê lộng gió nằm ven sông Hồng, bên tay phải có tấm biển “Làng gốm Bát Tràng”. Biển treo chỉ là điểm nhấn, phân định cho những ai chưa từng tới xã Bát Tràng, chứ với người Hà Nội thì từ lâu làng Bát Tràng đã là một địa chỉ quá quen thuộc.

Khi cuộc sống công nghiệp hối hả, những thiết bị điện tử hiện đại liên tục ra đời, thời đại công nghệ 4.0 lên ngôi thì những làng nghề truyền thống lại được người ta yêu thích. Điển hình như làng trống Đọi Tam, Duy Tiên, mỗi năm xuất khẩu hàng nghìn chiếc sang các nước châu Âu. Hay làng lụa Vạn Phúc vào cuối năm 2018 đã hình thành tuyến phố đi bộ. Làng Bát Tràng, một quần thể thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội là một địa chỉ cho người xa xứ tìm về mỗi khi có dịp về thăm quê nhà.

Gốm sứ Bát Tràng.

Trước đây, để đến Bát Tràng, người ta thường đi đò xuôi theo sông Hồng, hoặc xe buýt nếu đi đường bộ. Nhiều năm nay, con đường từ trung tâm thành phố đến đây được mở rộng, đổ bê tông nên việc đi lại thêm thuận tiện. Bước qua cổng làng là một cuộc sống nhộn nhịp như một khu đô thị sầm uất với những cửa hàng, cửa hiệu san sát.

Các quần thể của làng gốm với gian hàng, cửa hiệu san sát cùng hàng nghìn mẫu mã phong phú, từ những con thú, lọ hoa, chén, bát, nồi đất nung, lư hương, đèn thơm tinh dầu, chậu hồ cảnh, tượng Phật, tượng La hán với kiểu dáng bắt mắt. Lạc vào đây như chốn mê cung đủ các vật dụng: từ con rùa sứ bé xíu với giá 7.000đ/con đến đôi bình có hoa văn tinh xảo độc đáo, cao trên 1 mét giá hàng chục triệu đồng. Những chiếc xe chở đồ vào ra liên hồi, trên xe là bình hoa, đôn, chậu cảnh, lư hương...với giá tiền từ bình dân đến cao cấp.

Những người trẻ tâm huyết với nghề tổ.

Bát Tràng nhiều năm nay đã trở thành một trong những điểm văn hóa du lịch làng nghề nổi bật nhất của Việt Nam. Và, trên con đường hội nhập ra trường quốc tế không thể thiếu sự đóng góp của những người trẻ tâm huyết với nghề tổ - gốm sứ Bát Tràng.

Làng Bát Tràng vào vụ Xuân

Chỉ còn hơn tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2024. Những ngày này về xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm), không khí sản xuất, mua bán đồ gốm sứ đang diễn ra sôi động. Không chỉ có hàng hóa cung cấp cho thị trường, Bát Tràng hôm nay còn thu hút rất đông khách thăm quan, du lịch.

Làng Bát Tràng vào vụ Xuân.

Những ngày cận Tết, các cơ sở gốm sứ trở nên rộn ràng hơn với lượng khách tìm về mua các sản phẩm chuyên sản xuất đồ thờ, đồ phong thủy, bình hút lộc. Những nhóm thợ tập trung, chăm chú vào việc đắp, tô sản phẩm; thợ nhào trộn nguyên liệu làm việc không ngơi tay. Ở các gian nhà ngoài, nơi trưng bày và giới thiệu sản phẩm, khách đến xem mẫu mã và đặt mua sản phẩm khá nhiều.

Nghệ nhân Phạm Duy Cương - chủ cơ sở sản xuất Gốm sứ Cương Duyên cho biết, sản phẩm của ông rất đa dạng, độc đáo. Dù giá có mắc hơn các cửa hàng khác nhưng mỗi sản phẩm lại mang một ý nghĩa cũng như tâm huyết riêng của những người thợ. Được biết, nghệ nhân Duy Cương là người duy nhất tại làng Bát Tràng mang truyền thống thêu trên lụa của người Huế về thêu lên các sản phẩm của gốm. Vì vậy, dù giá có cao nhưng lượng khách đổ về đây dịp Tết là vô cùng đông.

Chợ Tết ở Bát Tràng.

Tương tự, tại cửa hàng Gốm sứ Hùng Hậu những ngày giáp Tết cũng tấp nập khách đến mua hàng. Chủ cơ sở sản xuất cho biết, sản phẩm của cơ sở chủ yếu là đồ thờ, các loại lọ lộc bình, bảo bình cỡ 60 – 70cm được trang trí vẽ tay, phù hợp với cả không gian hiện đại lẫn truyền thống. Năm 2023, doanh thu của cơ sơ đạt khoảng 4 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động với mức lương từ 9 – 30 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm được bán ra thị trường qua các kênh phân phối, đa phần đặt hàng trước. Đặc biệt, xưởng sản xuất liên tục có các mẫu mới, trung bình mỗi mẻ hàng ra lò có khoảng 5 – 7 mẫu mới.

Hiện nay, toàn xã Bát Tràng có khoảng 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ, chiếm khoảng 80% số hộ dân tại Bát Tràng.

Rất đông gia đình đến đây để sắm những bình gốm cho dịp Tết.

Đặc biệt từ năm 2019, Bát Tràng được công nhận là điểm du lịch của Thủ đô, UBND xã đã xây dựng các kế hoạch, giải pháp nhằm phát triển du lịch tại làng nghề. Qua đó, lượng khách đến thăm quan, du lịch trên địa bàn tăng cao, có thời điểm có ngày đạt từ 5.000 – 7.000 khách đến thăm quan du lịch Bát Tràng. Đặc biệt, đã có những đoàn khách nước ngoài đến Bát Tràng, điều mà trong thời điểm dịch Covid-19 không có.

Các em nhỏ thích thú với các sản phẩm làm bằng gốm.

Với những dịp lễ Tết này, UBND xã Bát Tràng đã phối hợp với một số công ty lữ hành khảo sát và đưa ra các sản phẩm du lịch như: Dấu chân làng cổ; du lịch Sông Hồng. Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt có dịch vụ lưu trú, trải nghiệm cùng nghệ nhân, du lịch đêm.

Cũng trong đợt Tết này, người dân trên địa bàn đang tích cực tham gia quảng bá các hoạt động du lịch như: Thăm quan làng cổ, thưởng thức ẩm thực đặc trưng của Bát Tràng. Tổ chức một số hoạt động văn hóa du lịch như: Chợ Xuân Bát Tràng, Lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng Xuân Giáp Thìn,…

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Làng Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) là làng rèn nổi tiếng và lâu đời. Mặc dù nghề rèn truyền thống đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ bị mai một nhưng ở đó, với đôi bàn tay tài hoa của mình, nghệ nhân Đỗ Thị Tuyến vẫn bền bỉ ngày đêm “giữ lửa” cho chiếc lò rèn.

Với khát khao tạo nên những sản phẩm gốm khác biệt, một vài nghệ nhân của làng gốm Bát Tràng kiên trì theo đuổi cách làm gốm thủ công, trong đó có nghệ nhân trẻ Nguyễn Tuấn Minh. Đôi bàn tay của Tuấn Minh đã đã tạo tác những sản phẩm gốm đặc biệt.

Làng Vạn Phúc thuộc địa phận quận Hà Đông, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 10 km, nổi tiếng với nghề dệt lụa từ ngàn đời. Những năm gần đây, bên cạnh việc sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng dệt may truyền thống, làng Vạn Phúc còn phát triển du lịch, trở thành một địa điểm được du khách trong và ngoài nước ghé thăm.

Với bề dày truyền thống, Lễ hội làng cổ Bát Tràng là nơi lưu giữ những nét tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam kết tinh trong từng sản phẩm gốm nói riêng và mỹ nghệ nói chung. Đây cũng là dịp để thế hệ sau thể hiện sự tự hào và tưởng nhớ các bậc tổ nghiệp đã truyền dạy cách để tạo ra các sản phẩm thực sự tinh xảo mang tầm hồn người Việt.

Sở NN&PTNT Hà Nội đã triển khai kế hoạch tổ chức Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2024.

Vân Hà là một trong những làng nghề sản xuất gỗ nổi tiếng, sản phẩm được tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Các sản phẩm gỗ Vân Hà được Hà Nội lựa chọn làm quà lưu niệm, quà tặng cho các đoàn khách trong và ngoài nước.