Lang thang phố
Khi tôi còn bé, phố Hà Nội chưa dài rộng như bây giờ. Mấy cô gái quàng khăn đỏ mỗi sáng rủ nhau đi học, mỗi chiều rủ nhau đi chơi. Bé bỏng lắm, líu ríu lên Bờ Hồ nhặt cánh hoa rơi, giữ nhau thò tay khoắng thử nước hồ.
Hồ Gươm năm xưa chưa được cạp bờ. Cứ thoai thoải tạo vẻ đẹp tự nhiên của nó. Nhành cổ thụ xoãi ra, ngả vòm lá xanh mê đắm. Huyền bí lắm Tháp Rùa. Linh thiêng lắm khi bước qua cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn. Hình như cảm giác ấy không có trong những cô bé hôm nay. Cuộc sống hiện đại với Google, với game làm nhạt đi những tưởng tượng, những linh cảm. Bây giờ hồ Gươm ban ngày còn đôi nét trầm tư và khi tối lung linh sắc màu. Thứ Bảy, Chủ nhật nơi đây là phố đi bộ, là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng đông vui.
Phố Hàng Bài có rạp Kim Ðồng cho các cô, cậu bé náo nức. Bây giờ nhà nhà có TV, người người có điện thoại, rạp vắng khách rồi. Tiện nghi sống đến từng gia đình, đến các đối tượng. Năm xưa cứ đi bộ trên hè vắng, phố thưa xe cộ, xin bố mẹ, dành dụm tiền ăn sáng năm xu, một hào để mua vé xem phim.
Một Hà Nội với những con phố hẹp mà an toàn cho các cô bé rủ nhau đi chơi. Rồi lớn lên, những chiều lang thang đạp xe rong ruổi. Ðường Cổ Ngư đổi tên thành đường Thanh Niên mà ngơ ngẩn tiếc.
Thèm ngắm tà áo dài nữ sinh đạp xe bay theo chiều gió. Thế mà áo dài cũng vắng bóng một thời gian. Áo dài Hà Nội thanh lịch mới quay lại mươi năm nay, nhưng không thể bay như vậy được nữa. Người đông, phố chật. Xe máy, ô tô lẫn bụi đường. Áo dài cất túi đi đến nơi cần mới thay, mới mặc. Cuộc sống bây giờ là tốc độ.
Niềm vui lang thang phố theo tôi suốt chuỗi ngày cuộc đời. Những chiều muộn vào những siêu thị lớn, vào Tràng Tiền Plaza cùng con cháu lại nhớ Bách hóa tổng hợp thời của mình. Cả Hà Nội có nơi này to đẹp nhất. Hà Nội bây giờ nóng hơn xưa, vào chơi siêu thị ngắm hàng hóa, ngắm thời trang, lại mát rượi.
Thay đổi. Thay đổi cả khí hậu. Những năm 60 thế kỷ trước mà nóng nực như ngày nay thì thật sợ. Quạt máy ai có? Ðiều hòa mấy ai biết là gì? Lâu rồi không là 36 phố phường nữa. Lâu rồi không nhắc đến ven nội, nhắc đến ngoại thành.
Hà Nội mở nhiều con đường. Một lần đặt xe máy Grab lên chợ Ðồng Xuân, cháu lái xe lại nhờ chỉ đường. Phố cổ ngắn và nhiều giao cắt, nhiều làn đường một chiều nên dễ lạc. Nhưng nếu đi mạn Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ... thì tôi mù tịt lối phố. Cũ rồi, như Hà Nội cũ cần đổi thay.
Hà Nội mở rộng phải lang thang bằng taxi, bằng xe buýt thôi. Thuê taxi để biết cầu Nhật Tân, cầu Ðông Trù, để biết khu Ecopark... Rồi bao công viên hoa cũng đi cho biết. Không khép kín, mở bước chân, mở lòng theo bao đổi thay của Hà Nội để hòa nhập vào dòng chảy Hà Nội.
Lang thang phố bây giờ khó thư thả lắm. Ðường mở ra, nhưng người đông, xe nhiều quá, dù đã có bao cầu vượt giảm ùn tắc giao thông. Công trình lớn làm được mà vỉa hè lại chưa thông thoáng. Hà Nội bao buồn vui lang thang trong ký ức, lang thang tâm tưởng, trong ước muốn.
Thèm được thấy học trò các lứa tuổi cắp sách đi bộ trên hè tới trường. Ði bộ giẫm lên những hạt cây cơm nguội lách tách, cúi xuống nhặt bông hoa sấu trắng li ti chứ không giẫm lên rác bẩn, giấy rác vương khắp hè đường. Các cụ già thư thả đi, không lo lên xuống hè đường để tránh xe...
Cứ muốn nói gì đó để nhắc nhở mà ngại ngần làm sao! Vậy thôi, nhớ cứ nhớ về một Hà Nội thư thả, tĩnh lặng đã qua và vẫn cần phải thích nghi với một Hà Nội năng động, phát triển hôm nay.
Nói đến nhiếp ảnh về Hà Nội thì không thể không nói tới nhà nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo. Ông đã tạo dựng được tên tuổi bằng một phong cách chụp riêng về Hà Nội mà thời gian càng trôi qua, người xem càng thấy giá trị của từng khung hình.
Giáng Sinh đang đến gần, không khí lễ hội tràn ngập khắp nơi, đặc biệt tại Nhà thờ Lớn Hà Nội, nơi đây đã được trang hoàng lộng lẫy, thu hút du người dân và du khách đến tham quan, thưởng thức không khí đặc biệt mùa lễ hội.
Với nghệ nhân Nguyễn Đức Bình, giò chả Ước Lễ không chỉ là một món ăn mà còn chứa đựng trong đó tinh hoa văn hóa. Hơn 40 năm qua, ông đã góp phần gìn giữ, lưu truyền nét tinh hoa ẩm thực này một cách vừa khoa học lại đầy chất nghệ thuật.
Với nhiều người, việc dạy và học ngoại ngữ là một cách để nhìn cuộc sống và thế giới rộng mở hơn. Bên cạnh đó, ngoại ngữ còn giúp mỗi người hiểu chính mình, hiểu mọi người một cách sâu sắc hơn.
Không phải vô cớ mà nhiều người lại mong ngóng Noel đến vậy. Có người nói, đó là bởi Giáng sinh có nhiều hoa và đèn rực rỡ, hay tại bởi không khí vui vẻ, sum vầy mà Giáng sinh đem lại…
Với múa rối nước, người nghệ sĩ phải hoạt động nghệ thuật trong môi trường đặc biệt, có yêu cầu khắt khe hơn so với những hình thức biểu diễn nghệ thuật khác. Để theo đuổi được bộ môn nghệ thuật này, NSƯT Bạch Quốc Khanh - Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, không chỉ có hành trình dài học hỏi, trau dồi kiến thức mà còn là cả sự khổ luyện, cùng một tình yêu cháy bỏng với văn hóa truyền thống.
0