Lưng chừng tiếc nuối
Phòng trọ đối diện với phòng của chúng tôi có một đôi trai gái thuê. Họ đến khu nhà trọ này đã hơn một năm. Người con trai học trường Đại học Thương mại, cao ráo, đẹp trai. Ngoài ra anh còn có ngón đàn guitar rất cừ. Đêm đêm anh bập bùng mấy bản tình ca như “Romance” hay “Thư gửi Elise” thì đảm bảo cả khu trọ cứ im phăng phắc thưởng thức. Người con gái học năm thứ nhất trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội hồn nhiên, nhí nhảnh và rất chăm học. Mỗi lần cô đi học về đều ríu rít chào hỏi mọi người xung quanh. Đặc biệt, lúc nào cô cũng giắt đôi tai nghe vào tai. Ai hỏi cô đều bảo, phải làm như thế để khỏi phải nghe tiếng đàn của anh trai.
Họ nói là anh em ruột nhưng chúng tôi không tin. Theo điều tra của chúng tôi thì hai người khác họ nhau. Có rất nhiều đôi yêu nhau đi thuê nhà ở chung nói là anh em ruột, chị em ruột để đỡ ngại, để che giấu, để qua mặt chủ nhà, bạn bè, người cùng khu trọ. Ngày thường họ đi học như những sinh viên khác. Chỉ đến tối mới hay thấy hai người ở nhà. Lúc ở nhà họ tỏ ra rất thân thiết với nhau. Cùng nhau nấu ăn, trò chuyện, cùng nhau xem phim trên máy tính, cùng đùa nghịch, ôm vai bá cổ nhau tình cảm lắm... Mối quan hệ có vẻ tốt đẹp, yên bình.
Khổ nỗi những người khác trong khu trọ thì không yên bình. Các cô gái thì say mê tiếng đàn, chết mê chết mệt dáng vẻ đẹp trai, hào hoa, phong nhã của anh con trai. Cái dáng anh ta ngồi vắt vẻo trên lan can tỉa tót các cung đàn khiến trái tim các cô gái tan chảy. Chị Khánh cùng phòng tôi say mê anh nhất. Chị là hoa khôi của trường, con trai xếp hàng theo đuổi nhưng chị không thèm quan tâm. Thế mà chị lại rung động trước chàng trai hàng xóm đã có người yêu. Chị làm thơ về anh kín quyển sổ tay. Nhưng chị không để cho anh biết.
Các chàng trai thì bị vẻ trẻ trung, đáng yêu của cô gái chinh phục. Nhiều chàng hay liếc trộm mỗi lần cô đi qua. Có cậu chiều nào cũng chờ cô ở góc đường chỗ cô rẽ vào khu nhà trọ. Nhưng chỉ dám âm thầm dõi theo không dám ra mặt, không dám thổ lộ. Vì người ta đã là hoa có chủ, làm sao còn có cơ hội. Biết không có cơ hội nên xung quanh bắt đầu kiểu không ăn được thì đạp đổ. Họ xầm xì bàn tán về hai người. Nào là đóng kịch, nào là sống thử, ăn cơm trước kẻng, nào là không biết xấu hổ... Làm sao anh em ruột mà mỗi người một họ. Anh em ruột gì mà thân mật, tình cảm.
Hình như những lời nói đó cũng đến tai hai người. Họ ít khi nói chuyện với những người xung quanh hơn. Không tham gia những buổi tụ tập ăn uống chung. Tiếng đàn cũng thưa thớt dần. Cô gái đi về không còn vui vẻ chào hỏi xung quanh nữa. Cửa cũng ít khi mở hơn. Rồi họ chuyển đi từ lúc nào không ai biết. Để lại một khoảng trống trong lòng bao người. Các cô gái thẫn thờ. Các chàng trai lặng lẽ. Hình như mọi người nhớ tiếng đàn, nhớ tiếng chào ríu rít, nhớ những bóng dáng quen thuộc. Chị Khánh phòng tôi là người đau khổ nhất. Chị ốm hơn một tuần, bỏ cả thi.
Hơn mười năm sau. Tình cờ tôi gặp lại người con trai. Anh giờ chững chạc, công việc cũng ổn định. Tôi hỏi, anh và cô gái ấy cưới nhau chưa? Anh ngạc nhiên giải thích đó là em gái của mình. Gia đình anh là người dân tộc Thái, nên con trai theo họ bố, con gái thường theo họ mẹ. Nhiều gia đình các anh em không cùng họ là chuyện bình thường.
Anh hỏi thăm tôi về chị Khánh bây giờ ở đâu, làm gì. Ngày xưa anh mê chị Khánh lắm nhưng không dám thổ lộ vì chị ấy là hoa khôi, nhiều người theo đuổi. Chị lại lạnh lùng, kiêu sa, khó gần, không biết chị ấy nghĩ gì nên không dám nói ra, sợ bị từ chối thẳng thừng. Chỉ dám đêm đêm tỏ tình qua tiếng đàn, mà hình như không ăn thua.
Tạm biệt anh mà tôi vẫn thấy ngẩn ngơ. Tất cả chỉ là những suy nghĩ chủ quan cố chấp, không chịu tìm hiểu kỹ, cứ thích suy diễn theo ý muốn của mình. Nhưng cũng may để cho mọi người hiểu nhầm anh em họ, mà chị Khánh cùng những người trong khu trọ yên ổn trải qua thời kỳ sinh viên mà không bị quấy rầy, không bị sao nhãng học hành bởi những màn yêu đương nông nổi của tuổi trẻ. Những mối tình đẹp không có cơ hội phát triển nhưng cũng hạn chế những khổ đau khi tình yêu không thành. Vì cuộc đời phía trước mỗi người còn quá dài, không ai biết có chuyện gì xảy ra./.
Có một vẻ đẹp rất riêng của Hà Nội mà chỉ những người yêu nơi này mới cảm nhận rõ - vẻ đẹp của sáng sớm những ngày giao mùa. Khi đất trời chưa dứt hẳn khỏi thu mà đông đã lấp ló đâu đó, cả thành phố như trôi trong một tầng không gian mờ ảo, nơi sắc vàng nhạt của nắng sớm hòa lẫn với làn sương mỏng, giăng kín những con đường, len lỏi vào từng góc phố.
Có một người được sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất phương Nam đầy nắng gió. Cô luôn ao ước được chiêm ngưỡng vẻ rêu phong cổ kính, được đắm mình trong tiết thu se sắt hay cái giá rét của ngày đông phố cổ, được ngắm nhìn những phụ nữ Hà Thành với nét duyên dáng đặc trưng của mình… Và rồi cô cũng có dịp đến thăm mảnh đất kinh kỳ với bao háo hức, mong chờ.
Thời tiết năm nay khác hẳn năm trước. Năm trước mưa thường ghé lúc chiều chiều, mưa từng hồi nặng hạt kéo theo nước dâng ngập lối. Năm nay mưa đỏng đảnh và bất chợt, cứ đến rồi đi, bất kể thời gian nào trong ngày. Mưa đi ngang tưới mát con phố nhỏ, mưa vô tình làm ướt góc sân mới hôm trước còn đắm mình trong cái nắng oi ả. Có người cũng quen dần với sự thất thường ấy của những ngày mưa.
Có một người nhìn vườn thu qua ô cửa sổ, thấy cây lá reo vui, trái chín gọi mời. Mùi hương quen thuộc mỗi mùa thu lại dậy lên trong gió thoảng. Cây thị góc vườn, cây ổi bờ ao bao năm nay vẫn đúng hẹn đơm hoa kết trái để mỗi khi thu về lại lặng lẽ tỏa hương. Gió thu xao động, trái chín đung đưa.
Mùi hương hoa sử quân tử trong đêm mưa luôn dịu dàng ôm ấp tôi sau ngày dài mỏi mệt. Có một người cũng như tôi, vẫn nhìn thấy loài hoa quen thuộc ấy hằng ngày, thế mà phải vào một đêm mưa tan, cô ấy mới nhận ra hương thơm của sử quân tử có thể khiến người ta thấy bình an đến vậy.
Một ngày cuối hạ ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, khi những tán cây ngô đồng dần trở nên vàng vọt, lòng một người không khỏi nao nao nhớ mùa thu Hà Nội. Đó cũng là lý do dẫu sống xa xứ nhưng người đó thường giữ thói quen quay trở về Hà Nội vào mùa thu. Cũng bởi, mùa thu trong ký ức của nhiều người Hà Nội có một hương vị rất riêng biệt, chẳng thể trộn lẫn với bất kỳ nơi nào.
0