Tôi và ba

Khi xưa, có một người con đất phương Nam tập kết ra Bắc, gắn bó với Hà Nội bằng một mối tình rất đẹp và tình yêu Hà Nội đã được ông truyền lại cho cô con gái của mình.

Mời bạn nghe câu chuyện của Lan Quy, một cô gái Bình Định gửi cho Hường những ký ức đẹp về Hà Nội và người cha của mình…

Hà Nội “Trái tim của cả nước” - câu nói đó tôi nghe từ lâu lắm. Từ hồi còn là cô bé mười tuổi, chiều chiều đi chăn bò với chiếc đài bán dẫn nhỏ bằng bàn tay là quà tặng của ba, tôi đã say mê những bài hát về Hà Nội như “Mùa xuân làng lúa làng hoa”, “Em ơi Hà Nội phố”… Buổi tối, ba thường hát ru đứa em gái nhỏ của tôi bằng một ca khúc cũng nói về Hà Nội, mà giai điệu rất hùng tráng “trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về…”. Tình yêu Hà Nội trong tôi bắt nguồn từ ba, một chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, đã từng gắn bó với Hà Nội bằng một mối tình rất đẹp. Sau khi thống nhất đất nước, ba trở về quê Bình Định, cưới má rồi sinh ra chị em tôi, tình yêu Hà Nội còn khắc khoải hoài trong từng câu chuyện kể.

Tàu hỏa đi qua đèo Hải Vân. Ảnh: Văn Dũng

Tôi còn nhớ mãi lần đầu cùng ba ra Hà Nội. Năm đó tôi vừa 13 tuổi, một thiếu nữ mới chớm dậy thì, nhưng da sạm đen và tóc vàng khét nắng. Hai ba con xuống ga Diêu Trì, mua vé tàu thống nhất ra Hà Nội. Ba thích đi tàu vì từng gắn bó với ngành đường sắt từ khi là một cầu thủ tiền vệ trong đội bóng đá của Tổng cục đường sắt nổi tiếng một thời, cho tới khi chuyển sang làm quản lý một cung đường sắt ở Diêu Trì rồi về hưu. Tôi thích đi tàu hoả vì sự tò mò thích thú khám phá vẻ đẹp của đất nước, náo nức qua từng câu hát của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa. “ Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay/ Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi”.

Tàu đến ga Hà Nội, tôi lén nhìn ba, giả vờ như không thấy cảnh ông vừa quay mặt đi, lén lau nước mắt. Ở nhà mẹ thường nói ba mày hay hoài cổ, động chút là “mít ướt”. Nhưng tôi vẫn thích sự hoài cổ ấy của ba. Nếu không có những giọt nước mắt kia, thì làm sao biết được nỗi buồn? Làm sao hiểu được giá trị của niềm vui, của hạnh phúc khi hội ngộ phải không ba?

Tôi bị ngợp giữa một Hà Nội 36 phố phường. Hà Nội nhộn nhịp đông vui, rợp màu đỏ của cờ và băng rôn. Người dân đang chuẩn bị lễ kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô...Tôi chạnh nhớ nhà và thương ba, với quê mình chỉ có những đụn cát mênh mông, bãi dứa dại và đồi núi trập trùng. Ba hứa với tôi, lần này  sẽ dẫn đi ăn bún ốc Phố Cổ, kem Tràng Tiền, phở gánh Hàng Vải. Ba sẽ dẫn đi thăm lăng Bác, chơi hồ Gươm, ngắm hồ Tây.

Phố cổ Hà Nội

Ra tới Hà Nội, tự nhiên Ba thèm uống vài chén chè nóng, ăn kẹo vừng rồi đọc hết một tờ báo. Ba kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện về Hà Nội. Hơn hai mươi năm ngoài Bắc, tuổi trẻ của ba đã gắn liền với rất nhiều kỷ niệm, trong đó có thói quen uống nước chè mạn vỉa hè buổi sáng và đọc nhật báo. Sáng hôm sau, ba dẫn tôi đi ăn bún ốc, tô bún vàng ngậy có kèm đĩa rau muống chẻ thật giòn, thêm lọ dấm tỏi và ớt xào bên cạnh. Mây mùa thu chợt thoảng qua một không gian hẹp giữa hai dãy phố, cũng đủ ấm lòng cùng tô bún hương vị đậm đà Hà Nội. Ba dẫn tôi qua ngồi hàng nước vỉa hè, uống ba cốc nước chè và mua một tờ báo An Ninh Thủ đô, như một công dân Hà thành chính hiệu. Nên lâu nay, Hà Nội trong kí ức của tôi là những sạp báo ...Rất nhiều những sạp báo và hình như ai cũng đọc báo. Hôm trước tôi hỏi một người bạn là hoạ sĩ ở Hà Nội: "Hà Nội giờ người ta còn sạp bán báo không?". Bạn tôi trả lời: “Hết rồi chị ơi! Đâu còn nữa!”.

Trong tôi chợt dấy lên một nỗi buồn khó tả. Nếu một ngày nào đó tôi có dịp quay lại Hà Nội, chắc hẳn những kí ức xa xưa trong ba con tôi là những vệt mờ xa. Nhưng khi ra Hà Nội lần đó, tôi lại nghĩ ba tôi sao rảnh chuyện quá, cứ pha trà trong nhà anh ba rồi ngồi uống có ấm áp hơn không ? Sao cứ phải ra ngoài quán của bà cụ đầu ngõ uống ba chén trà, đọc báo rồi về?

Sau này, tôi có dịp lang thang ngoài Bắc một thời gian. Tôi cũng thử ngồi quán chè bà cụ ở bến phà Then ven Sông Lô gần thành phố Việt Trì. Cũng uống ba li chè mạn mỗi li 2.000 đồng, ăn thanh kẹo lạc, rồi nhìn ra sông Lô. Dòng sông thì trong xanh, nhưng ven bờ  đục ngầu bởi người đang khai thác cát. Tôi nhớ tới bài hát của Văn Cao mà ba tôi hay hát. “ Sông Lô…sóng ngàn việt Bắc, bãi dài ngô lau, núi rừng âm u..”, tôi cảm nhận được nỗi đau của dòng Lòng sông kiệt quệ đau đớn vì bị dày xéo đào xới, nhưng vẫn cố vươn mình về ngã ba Hạc Trì hợp lưu với sông Hồng, sông Đà, xuôi về Hà Nội.

Ba tôi sắp bước qua tuổi 88, nhưng khí chất của người lính Cụ Hồ vẫn còn vẹn nguyên. Ba vẫn ước ao một lần nữa về với Hà Nội vào một ngày thu rực nắng. Tôi cầu cho ba được mạnh khoẻ, để cùng người thực hiện chuyến đi ấy./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Dường như hầu hết ở các làng quê Việt bây giờ, cùng với những thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thì cổng làng gắn với tên làng đã tạo nên nét riêng dáng dấp của một làng lưu dấu trong tâm khảm mỗi người. Những tên gọi của làng thường hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa nhân văn sâu xa, mang cả ước vọng khát khao của cha ông một thuở lập làng với sự bình an, ấm no đầy đủ. Vì thế, danh xưng những tên làng cứ lưu mãi qua từng thế hệ…

Hà Nội đón tôi đương vào khoảnh khắc giao mùa. Gánh hoa loa kèn trắng tinh khôi tỏa mùi hương dịu nhẹ giao hòa trong làn gió nhè nhẹ khiến tâm hồn đa cảm thêm khắc khoải giao cảm với đời, để mênh mang thương nhớ hương vị cà phê Giảng - thức uống trở thành một phần thân thương, một phần văn hóa của Hà Nội phố.

Mẹ tôi không nghiện trầu cau nhưng mẹ vẫn trồng một giàn trầu xanh mơn mởn. Mẹ bảo nhà có giàn trầu mới ấm áp. Nhưng tôi hiểu mẹ đã gửi gắm vào đó biết bao nhiêu ân tình và cả nỗi nhớ về ngoại khôn nguôi.

Sống nhẩn nha giữa đời vội vã có thể chưa từng dễ dàng với chúng ta. Nhưng khi bước đi dưới những tán lá xanh xào xạc theo con gió, dưới bầu trời một màu ngăn ngắt xa xôi, tôi cảm giác hồn mình như cánh bồ công anh mảnh khảnh tự do bay mãi, chẳng nghĩ ngợi gì. Có những ngày như thế, những khoảnh khắc như thế. Chỉ cần im lặng hít thở thôi cũng đủ hạnh phúc.

Hà Nội với tôi là những thương nhớ đầu tiên từ hồi tôi đi thi đại học. Hà Nội đã lấy đi của tôi bao nhiêu nước mắt và còn là giấc mơ mà tôi chẳng thể chạm vào. Hà Nội là nhưng kỷ niệm của tôi khi biết người thương nhập viện, là khoảnh khắc thót tim khi đưa con ra cấp cứu viện nhi, là khoảnh khắc cháy lòng khi cha bệnh trọng. Và là khoảnh khắc đi chơi về muộn, thấy những người dân lầm lũi ngủ ngon lành nơi gầm cầu, trong lòng cống...

Trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đất nước ta đã sản sinh ra những thế hệ thanh niên đại diện cho mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Như thế hệ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; thế hệ một thời hoa đỏ 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'; thế hệ 'sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử' trong chiến tranh bảo vệ biên giới...