McDonald's liên tiếp dính bê bối về thực phẩm
90 người nhiễm khuẩn E.coli do sản phẩm của McDonald's
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ CDC, trong số 90 ca bệnh nhiễm khuẩn E.coli do ăn các sản phẩm của McDonald's, một cụ ông ở bang Colorado đã tử vong, ít nhất 27 người khác phải nhập viện và hai người mắc hội chứng urê huyết tán (HUS), một tình trạng nghiêm trọng có thể gây suy thận. Hầu hết các ca bệnh đều được báo cáo ở bang Colorado và Nebraska.
CDC Mỹ cho biết số ca mắc bệnh vẫn có thể sẽ tiếp tục tăng vì thường phải mất từ 3 đến 4 tuần để xác định liệu một căn bệnh có liên quan đến một đợt bùng phát hay không. Ngoài ra, con số trong thực tế có thể cao hơn vì nhiều người hồi phục mà không cần chăm sóc y tế và không được xét nghiệm vi khuẩn E.coli.
“Thời gian ủ bệnh của E.coli 157 thường là mười ngày. Và loại trường hợp được báo cáo cuối cùng là vào tuần trước. Vì vậy, vấn đề là có những trường hợp khác có thể xảy ra nhưng vẫn có liên quan đến đợt bùng phát. Và điều rất thường xảy ra là các con số sẽ tăng lên.”
Ông Keith Warriner, Giáo sư Khoa học Thực phẩm của Đại học Guelph.
Trong số những trường hợp mắc bệnh, hầu hết đều cho biết đã ăn bánh burger Quarter Pounder tại McDonald's trước khi phát bệnh. Hành tươi thái lát và thịt bò trong bánh burger Quarter Pounder bị nghi ngờ nhiễm khuẩn E.coli gây ra đợt bùng phát này.
Sở Nông nghiệp bang Colorado đã tiến hành xét nghiệm tất cả các mẫu thịt được lấy từ nhiều lô thịt bò viên tươi và đông lạnh mang nhãn hiệu McDonald’s. Kết quả xét nghiệm cho các mẫu đều âm tính với vi khuẩn E.coli. Cơ quan này dự kiến không tiến hành kiểm tra thêm mẫu mới. Vi khuẩn E.coli trong thịt bò sẽ bị tiêu diệt khi được nấu chín đúng cách. Bánh Quarter Pounder được phục vụ với hành tây sống thái mỏng và loại thực phẩm này cũng bị nghi là nguồn lây nhiễm. Những củ hành đặc biệt này được cung cấp bởi trang trại Taylor. Nhà cung cấp này đã tự nguyện thu hồi sản phẩm của họ. McDonald's cũng đã rút Quarter Pounder khỏi khoảng 1/5 số nhà hàng ở Mỹ, bao gồm ở Colorado, Kansas, Utah và Wyoming, cũng như ở các vùng của Idaho, Iowa, Missouri, Montana, Nebraska, Nevada, New Mexico và Oklahoma.
“Sau khi tham khảo ý kiến chặt chẽ với các cơ quan quản lý, bao gồm CDC, USDA và FDA, chúng tôi đã thực hiện các bước để chủ động loại bỏ hành tây thái lát, được sử dụng trong món ăn Quarter Pounders, khỏi các nhà hàng ở một số bang chọn lọc. Quyết định được đưa ra với sự tham vấn chặt chẽ của CDC”.
Ông Joe Erlinger, Chủ tịch McDonald's tại Mỹ.
Tập đoàn McDonald's cho biết họ sẽ tiếp tục phân phối nguồn cung cấp hàng tươi của Quarter Pounder và dự kiến sản phẩm này sẽ có mặt tại tất cả các nhà hàng trong tuần tới.
CDC Mỹ khuyến nghị những người có các triệu chứng nghiêm trọng của vi khuẩn E.coli - bao gồm tiêu chảy ra máu, sốt cao hơn 38 độ C và nôn mửa thì hãy liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngay lập tức.
CDC cho biết rủi ro hiện tại đối với công chúng là "rất thấp" do các hành động của McDonald's và Taylor Farms nhằm loại bỏ hành tươi thái lát màu vàng khỏi các nhà hàng McDonald's và các nhà điều hành dịch vụ thực phẩm khác cũng sử dụng hành từ Taylor Farms.
Ô nhiễm đất trồng ảnh hưởng tới sản phẩm của McDonald's
Nghiên cứu của Tổ chức y tế thế giới WHO cho thấy nhiễm khuẩn E.coli gây ra 2,8 triệu ca mỗi năm trên thế giới và khoảng 63.000 ca viêm đại tràng xuất huyết ở Mỹ. Những đợt bùng phát lớn dịch bệnh E.coli có thể ám ảnh các chuỗi nhà hàng trong nhiều năm. Vào năm 2015, một đợt bùng phát vi khuẩn E.coli tại chuỗi nhà hàng ăn nhanh của Chipotle Mexican Grill ở nhiều tiểu bang nước Mỹ đã khiến hơn 1.100 người mắc bệnh. Vào tháng 8 năm 2022, món rau diếp được phục vụ tại hàng trăm cửa hàng của Wendy's có liên quan đến hàng chục ca nhiễm khuẩn E.coli ở vùng Trung Tây nước Mỹ. Đợt bùng phát dịch bắt đầu từ ngày 22/10 tại McDonald’s được cho là do hành bị nhiễm khuẩn trên đồng ruộng.
Vi khuẩn E.coli tồn tại trong ruột động vật và thường vô hại. Trên thực tế chủng Ecoli O157:H7 là dạng vi khuẩn có khả năng gây tổn hại cao tới sức khỏe con người. Nó có thể lây lan qua tiếp xúc với thực phẩm bị ô nhiễm. Theo ông Keith Warriner - Giáo sư Khoa học Thực phẩm của Đại học Guelph, thì nguyên nhân khiến hành tây cắt lát trong món bánh burger của Mcdonald’s có thể bị nhiễm khuẩn từ trên đồng ruộng. Phân bò có chứa vi khuẩn E.coli tiếp xúc với nguồn nước và sau đó nước này được tưới cho hành tây.
“Vi khuẩn E.coli 157 tồn tại ruột ở gia súc. Nó không gây ảnh hưởng gì đến gia súc. Phân gia súc nhiễm E.coli có thể trôi vào nguồn nước tưới cho cây trồng, hoặc có thể xâm nhập vào đất. Vi khuẩn E.coli 157 tồn tại rất dai dẳng nên dễ dàng phát triển trên ruộng hành.”
Ông Keith Warriner, Giáo sư Khoa học Thực phẩm của Đại học Guelph.
Giáo sư Warriner nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu gây lũ lụt và nắng nóng là điều kiện thuật lợi để các mầm bệnh như E.coli tồn tại lâu hơn
E.coli thường tồn tại trên thịt sống hoặc nấu chưa chín. Nó cũng có thể lây truyền qua trái cây và rau quả. Việc nấu chín thức ăn có thể tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh đường ruột này. Tuy nhiên hành tươi lại được người Mỹ ưa chuộng trong món bánh burger.
Những đợt bùng phát vi khuẩn E.coli trước đây tại các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh lớn của Mỹ đã khiến người tiêu dùng tránh xa những sản phẩm đó trong nhiều tháng do lo ngại những ảnh hưởng về sức khỏe. Người tiêu dùng ngày 29/10 đã đệ đơn kiện tập thể đối với McDonald's xuất phát từ đợt bùng phát vi khuẩn E.coli liên quan đến hành tây có trong bánh mỳ kẹp thịt bò Quarter Pounders của chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh này.
Đơn kiện đã được đệ trình lên Tòa án Liên bang Chicago nhằm đòi bồi thường thiệt hại chưa xác định, nhưng vượt 5 triệu USD, đối với tất cả những khách hàng ở Mỹ đã mua bánh Quarter Pounders bị nhiễm E.coli.
McDonald's đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh này cũng phải đối mặt với các vụ kiện khác của những cá nhân cho biết họ cũng có những vấn đề về sức khỏe.
Tuy nhiên có những người tiêu dùng lại bày tỏ sự tin tưởng đối với những động thái của McDonald’s.
“Tôi không hề lo lắng về McDonald’s. Tôi làm việc trong lĩnh vực y tế công cộng, vậy tôi biết rằng họ đã xác định được mặt hàng cần quan tâm và họ đã rút nó ra khỏi kệ để đảm bảo rằng mọi người đều được an toàn như mong muốn.”
Chị Jackie Lawler, người dân New York.
Sau khi thịt bò trong đồ ăn nhanh được khẳng định không nhiễm khuẩn, McDonald’s cho biết sẽ nối lại việc phân phối các nguyên liệu tươi của sản phẩm Quarter Pounder và sản phẩm này dự kiến sẽ có mặt tại tất cả các nhà hàng trong tuần tới. Tuy nhiên, họ sẽ phục vụ burger mà không có hành tây tại 900 cửa hàng bị ảnh hưởng của McDonald’s.
Hoạt động kinh doanh của McDonald’s sụt giảm
Theo dữ liệu của LSEG, công ty thông tin tài chính và giao dịch chứng khoán Vương quốc Anh, chiến lược đổi mới thực đơn và ưu đãi bữa ăn 5 USD đã mang lại sự phục hồi 0,3% cho McDonald’s tại thị trường Mỹ trong quý III năm nay. Tuy nhiên, doanh số toàn cầu của công ty lại giảm 1,5% và là mức giảm mạnh nhất trong 4 năm. Thu nhập ròng giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, xuống 2,26 tỷ USD. Các chuyên gia lo ngại tốc độ tăng trưởng của tập đoàn đồ ăn nhanh toàn cầu sẽ tiếp tục bị cản trở bởi đợt bùng phát vi khuẩn E.coli liên quan đến bánh mì kẹp thịt Quarter Pounder.
Theo trang tin Placer.ai chuyên theo dõi lượng khách đến các nhà hàng và các nhà bán lẻ, thì chỉ một ngày sau khi vụ bùng phát vi khuẩn E.coli của McDonald’s được công bố, số lượt ghé thăm của khách hàng đến McDonald's đã giảm 6,4% trên toàn nước Mỹ và giảm 24% ở Colorado, nơi dịch bệnh bùng phát lớn nhất. Cổ phiếu của hãng cũng giảm tới 7%. Nhiều khách hàng tránh xa McDonald's hơn trong những ngày tiếp theo. Đến ngày 24/10, số lượt ghé thăm McDonald’s đã giảm 9% trên toàn quốc và 31% ở Colorado. Và vào thứ Sáu (25/10), số lượt truy cập đã giảm 10% trên khắp đất nước và 33% ở Colorado. Trong cuộc họp báo cáo thu nhập hàng quý của McDonald’s, Giám đốc tài chính của hãng, ông Ian Borden cho biết đã có “tác động đến hoạt động kinh doanh ở Mỹ do sự cố an toàn thực phẩm” và doanh số bán hàng cũng như số lượt ghé thăm của khách hàng đều giảm.
Ngày 29/10, Giám đốc điều hành McDonald’s, ông Christopher Kempczinski bày tỏ lo ngại về các ca nhiễm E.coli gần đây, đồng thời xin lỗi các thực khách vì trải nghiệm tiêu cực liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm này. Ông cho biết đây là đợt bùng phát vi khuẩn E.coli lớn đầu tiên gắn liền với McDonald's trong hơn 40 năm và hãng sẽ nỗ lực hết sức để lấy lại lòng tin.
Theo Công ty thông tin tài chính và giao dịch chứng khoán Vương quốc Anh LSEG, cuộc khủng hoảng này đã làm lu mờ những nỗ lực của McDonald’s trong thu hút người tiêu dùng có thu nhập thấp quay trở lại với hãng. Giá trung bình của các món trong thực đơn của McDonald’s đã tăng khoảng 40% trong 5 năm qua. McDonald's đã tung ra bữa ăn trị giá 5 USD vào cuối tháng 6 vừa qua và giới thiệu món ăn mới Big Mac thịt gà. Kế hoạch này giúp doanh số McDonald's tại Mỹ tăng 0,3% trong quý kết thúc ngày 30/9. Tuy nhiên diễn biến ngược lại trên thị trường quốc tế, doanh số của McDonald's đã giảm 2,1%, giảm mạnh hơn so với mức ước tính 1,21%, chủ yếu do nhu cầu sụt giảm tại Anh và Pháp. Bên cạnh đó, chi tiêu tiêu dùng cũng yếu hơn tại Trung Quốc và căng thẳng tại Trung Đông ảnh hưởng. Doanh số của các cửa hàng tại đây giảm 3,5%, ngược lại mức tăng 10,5% vào cùng kỳ năm ngoái.
Được thành lập năm 1940, McDonald's là một trong những tập đoàn lớn nhất hành tinh với doanh thu hơn 20 tỷ USD mỗi năm. Chuỗi ăn nhanh này tuyển dụng hơn một triệu người trên khắp thế giới; gần gấp đôi toàn bộ dân số của Luxembourg. Mc Donald’s không chỉ là một chuỗi nhà hàng mà còn là một hiện tượng văn hóa và một tổ chức toàn cầu với sức mạnh thương hiệu đáng mơ ước với những đối thủ cạnh tranh của họ. Trước bê bối an toàn thực phẩm này, McDonald's cho biết ưu tiên hàng đầu của họ là "phục vụ khách hàng một cách an toàn" và các thành phần bị ảnh hưởng "rất có thể" đã bị lẫn vào chuỗi cung ứng của họ.
Động thái của Tòa án Hình sự quốc tế ICC khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có nguy cơ bị giam giữ nếu ông đi đến một số quốc gia khác.
Lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ vùng Astrakhan miền Nam nước này nhắm vào thành phố Dnipro của Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng một tên lửa có tầm bắn xa và mạnh như vậy trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Một chàng trai người Ai Cập đã trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội, thu hút hơn 750.000 người theo dõi trên Instagram khi anh thực hiện hành trình đường bộ dài hơn chu vi trái đất từ Ai Cập tới Nhật Bản trong vòng 274 ngày.
Mỹ đã công bố gói viện trợ an ninh mới trị giá 275 triệu USD cho Ukraine, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã vượt qua mốc 1.000 ngày và được dự báo sẽ còn kéo dài.
Lực lượng không quân Ukraine thông báo Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa vào Ukraine hôm thứ Năm. Đây là lần đầu tiên trong cuộc chiến, Nga sử dụng một loại vũ khí mạnh mẽ, có khả năng hạt nhân với tầm bắn hàng nghìn km.
Nvidia vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 ấn tượng và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh khi nhu cầu chip AI vẫn còn rất cao.
0