Ánh sáng đô thị - không chỉ là chiếu sáng
Khi thành phố lên đèn, từng con đường, mái phố sẽ mang một diện mạo khác, sắc màu khác. Không gian đô thị sẽ thay đổi và cảm xúc con người cũng sẽ đổi thay.
Ánh sáng nơi đô thị không chỉ đơn thuần là nguồn chiếu sáng, thắp sáng, mà là nghệ thuật và khoa học, hướng tới sự phù hợp và hài hòa, tôn lên vẻ đẹp của kiến trúc cảnh quan. Ánh sáng trở thành linh hồn của kiến trúc đô thị.
Và Hà Nội về đêm thật đẹp khi ánh sáng không phải chỉ để thắp sáng, chiếu sáng…
Chiếu sáng đêm Hà Nội
Những con phố cổ dưới ánh đèn rực rỡ, hòa quyện với âm thanh nhộn nhịp, tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới cho Thủ đô. Trong khoảnh khắc tĩnh lặng về khuya, Hà Nội như thở sâu hơn, êm đềm hơn, để lại trong lòng mỗi người ấn tượng khó quên, níu kéo du khách quay trở lại. Hà Nội - Thủ đô ta sở hữu thứ ánh sáng rất riêng, rất Hà Nội, khác với thứ ánh sáng ở những đô thị Sài Gòn hay Đà Nẵng.
Vào tháng 4/1936, danh hài Charlie Chaplin cùng vợ ghé thăm Hà Nội và ở tại khách sạn Sofitel Metropole. Báo chí Đông Dương lúc bấy giờ đã theo dõi chuyến đi của ngôi sao điện ảnh nổi tiếng này. Nhà văn Thạch Lam từng phỏng vấn ông và khi được hỏi cảm nhận về Hà Nội, ông đã nói: "Hà Nội êm đềm, êm đềm lắm!" Hai chữ êm đềm ấy đã khắc họa một bức tranh Hà Nội không chói gắt, không xao động.
Chúng ta đang sống giữa Thủ đô, nhưng đôi khi vì nhịp sống hối hả mà không thể cảm được hai chữ "êm đềm" ấy. Danh hài Charlie Chaplin cảm nhận thứ ánh sáng của Hà Nội thời ấy, chính là từ khách sạn Sofitel Metropole. Đây cũng là nơi chiếu bộ phim của Chaplin, bộ phim có tên "City Lights" - Ánh sáng đô thị, kể về mối tình giữa một chàng lang thang nghèo khổ và cô gái mù bán hoa. Âm nhạc trong bộ phim sau này còn được đặt lời thành một bài hát rất được yêu thích.
Chúng ta biết Paris là kinh đô ánh sáng, nơi ánh sáng tôn vẻ sang trọng và hào hoa. Trong câu chuyện "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam, ánh sáng từ đoàn tàu phía xa rọi tới chính là điều mà đứa trẻ nơi huyện nhỏ luôn khát khao. Đó không chỉ là ánh sáng mà còn là hy vọng về một tương lai tươi sáng. Không chỉ trẻ nhỏ, mà ngay cả chúng ta cũng luôn mơ ước đến những nơi tràn ngập ánh sáng.
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là chúng ta sẽ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Và sẽ như Paris hay những đô thị hiện đại ở các châu lục khác, Thủ đô của chúng ta cũng sẽ là Thủ đô ánh sáng, theo cách của chúng ta, từ chiều sâu văn hiến, thứ ánh sáng về đêm, êm đềm và yên bình bên dòng sông Hồng.
Là một trong những con phố nổi tiếng bậc nhất của Thủ đô, phố Tràng Tiền không chỉ là trung tâm văn hóa nghệ thuật, thương mại, mà còn là nơi lưu giữ ký ức lịch sử đô thị và kiến trúc của Hà Nội.
Phố Tràng Tiền, nằm giữa lòng quận Hoàn Kiếm, vào ban đêm trở nên quyến rũ với không gian nhộn nhịp và ánh sáng lung linh. Những dãy đèn vàng ấm áp từ các quán cà phê, cửa hàng và các tòa nhà xung quanh tạo nên một bức tranh sống động, hòa quyện giữa hiện đại và truyền thống.
Phố Tràng Tiền không chỉ là nơi giao thương mà còn là điểm hẹn của những tâm hồn yêu thích cái đẹp, nơi mà những khoảnh khắc giản dị trở nên đáng nhớ hơn bao giờ hết.
Tháp Hòa Phong (quận Hoàn Kiếm) về đêm hiện lên với vẻ đẹp huyền bí và lãng mạn. Ánh đèn chiếu sáng từ dưới chân tháp tỏa ra ánh sáng vàng ấm, làm nổi bật những đường nét kiến trúc tinh tế và cổ kính. Các chi tiết trang trí trên tháp được tôn lên một cách hoàn hảo, khiến cho tháp như một tác phẩm nghệ thuật giữa lòng Hà Nội. Dưới ánh sáng dịu nhẹ, mỗi đêm, tháp vẫn đứng vững, tiếp nối câu chuyện của quá khứ và hiện tại, thu hút mọi ánh nhìn và trái tim.
Kiến trúc chiếu sáng tại Hà Nội không chỉ đơn thuần là việc lắp đặt đèn, mà còn là một nghệ thuật tinh tế, tôn vinh vẻ đẹp của các công trình lịch sử và không gian đô thị. Không phải cứ nhiều ánh sáng, cứ màu mè mới là đẹp.
Là địa điểm tham quan quen thuộc ở Thủ đô Hà Nội, Ô Quan Chưởng trở nên lung linh về đêm với những màn trình diễn nghệ thuật ánh sáng đã khiến nhiều cư dân và du khách không khỏi bất ngờ, thích thú. Ô Quan Chưởng, với ánh đèn vàng ấm áp, mang lại cảm giác cổ kính và lãng mạn, khiến du khách có thể cảm nhận được từng lớp lịch sử.
Trải qua bao nhiêu đổi thay, đến nay Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn lại, mang trên mình nhiều vết tích lịch sử. Nơi đây không chỉ sở hữu vẻ đẹp kiến trúc độc đáo mà còn ghi dấu hình ảnh lịch sử hào hùng của Kinh thành Thăng Long xưa.
Ngoài ra, một địa điểm nữa cũng làm cho chúng ta không khỏi ngất ngây trước hệ thống chiếu sáng chính là Hoàng thành Thăng Long, khi lên đèn, trở thành một không gian huyền bí, gợi nhớ đến những truyền thuyết xưa. Những ánh sáng được thiết kế một cách hài hòa không chỉ làm nổi bật kiến trúc mà còn tạo ra những trải nghiệm cảm xúc sâu sắc cho người xem.
Nhờ sự sáng tạo trong chiếu sáng, Hà Nội trở thành một thành phố vừa hiện đại, vừa lưu giữ nét truyền thống, mời gọi mọi người khám phá và trải nghiệm vẻ đẹp của nó từ những góc nhìn mới mẻ.
Kiến trúc ánh sáng đô thị thay đổi
Nhắc đến cây cầu Nhật Tân là nhắc đến một trong những biểu tượng của Hà Nội với hệ thống ánh sáng hiện đại đã góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp của công trình này. Cầu Nhật Tân là cửa ngõ phía Đông của Hà Nội, kết nối Thủ đô với các tỉnh thành phía Bắc, bởi vậy ánh sáng của cây cầu không chỉ giúp nổi bật trong đêm, mà còn là một điểm nhấn kiến trúc, khẳng định vị thế của Hà Nội là một đô thị hiện đại và năng động.
Ánh sáng không chỉ có tác dụng thẩm mỹ mà còn đảm bảo an toàn giao thông, giúp người tham gia giao thông dễ dàng quan sát và điều khiển phương tiện. Để làm nên một công trình chiếu sáng đẳng cấp và hiện đại như cầu Nhật Tân, toàn bộ hệ thống chiếu sáng đèn đường đã được đầu tư bằng hệ thống đèn LED nhập khẩu chất lượng cao với 16 triệu gam màu.
Việc áp dụng công nghệ chiếu sáng hiện đại như đèn LED sẽ giúp tiết kiệm năng lượng và tăng tuổi thọ của hệ thống. Ngoài ra, việc sử dụng phần mềm điều khiển ánh sáng cũng sẽ tạo ra những hiệu ứng ánh sáng đa dạng và độc đáo giúp cây cầu Nhật Tân đẹp lung linh vào mỗi buổi tối. Với ánh sáng đẹp mắt, cây cầu Nhật Tân sẽ góp phần phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ tại khu vực xung quanh cầu và nhờ đó cũng đóng góp vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Ánh sáng Hà Nội có thực sự xanh
Tuy nhiên, việc trang trí quá nhiều đôi khi lại phản tác dụng, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của cảnh quan đô thị. Hơn nữa, việc sử dụng quá nhiều đèn màu sắc rực rỡ cũng không tốt cho mắt, đặc biệt là trẻ em.
Và cũng có nhiều ý kiến cho rằng ánh đèn quá chói gây ảnh hưởng đến đến mắt và đến giấc ngủ của người dân sống xung quanh. Có lẽ các cơ quan chức năng nên có những quy định chặt chẽ hơn về việc trang trí công trình công cộng, tránh tình trạng quá lạm dụng ánh sáng và màu sắc. Thay vào đó, chúng ta có thể tìm những giải pháp trang trí sáng tạo, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường hơn.
Hiện tượng ô nhiễm ánh sáng không chỉ làm mờ đi vẻ đẹp của bầu trời đêm mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe của con người. Giấc ngủ bị rối loạn, hormone bị ảnh hưởng và các bệnh lý liên quan đến căng thẳng tăng cao. Chính vì vậy, việc nhận thức về những tác động này và tìm kiếm giải pháp bền vững cho ánh sáng đô thị là điều cấp thiết.
Chúng ta cần cân nhắc và điều chỉnh cách chiếu sáng để không chỉ bảo vệ sức khỏe con người mà còn gìn giữ sự hài hòa của hệ sinh thái, tạo ra một môi trường sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi loài.
Với nghệ nhân Nguyễn Đức Bình, giò chả Ước Lễ không chỉ là một món ăn mà còn chứa đựng trong đó tinh hoa văn hóa. Hơn 40 năm qua, ông đã góp phần gìn giữ, lưu truyền nét tinh hoa ẩm thực này một cách vừa khoa học lại đầy chất nghệ thuật.
Với nhiều người, việc dạy và học ngoại ngữ là một cách để nhìn cuộc sống và thế giới rộng mở hơn. Bên cạnh đó, ngoại ngữ còn giúp mỗi người hiểu chính mình, hiểu mọi người một cách sâu sắc hơn.
Không phải vô cớ mà nhiều người lại mong ngóng Noel đến vậy. Có người nói, đó là bởi Giáng sinh có nhiều hoa và đèn rực rỡ, hay tại bởi không khí vui vẻ, sum vầy mà Giáng sinh đem lại…
Với múa rối nước, người nghệ sĩ phải hoạt động nghệ thuật trong môi trường đặc biệt, có yêu cầu khắt khe hơn so với những hình thức biểu diễn nghệ thuật khác. Để theo đuổi được bộ môn nghệ thuật này, NSƯT Bạch Quốc Khanh - Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, không chỉ có hành trình dài học hỏi, trau dồi kiến thức mà còn là cả sự khổ luyện, cùng một tình yêu cháy bỏng với văn hóa truyền thống.
Bên bãi ven sông Hồng có một không gian công cộng kết hợp giữa vườn hoa và khu vui chơi mà những người lớn đã dựng lên từ bãi đất hoang lúc trước ở ven sông. 4 giờ chiều trước cổng trường Tiểu học Phúc Tân, lũ trẻ tan học ùa ra như đàn chim sẻ, từ trường chạy thẳng ra bãi đất sát mé sông ở cuối đường.
Chẳng phải sơn hào hải vị hay những món ăn với nguyên liệu quá cầu kỳ, thức quà bình dị với ngô, khoai, chuối trên các con phố mới là bữa xế quen thuộc của nhiều người ở Hà Nội mỗi khi đông về.
0