‘Cô gái giao thông’ - Giảm áp lực giờ cao điểm

“Mỗi sáng, khi thành phố bắt đầu thức giấc, tôi ngồi vào vị trí quen thuộc trước micro. Những con đường Hà Nội vào giờ cao điểm có lẽ là nỗi ám ảnh đối với nhiều người, nhưng đó cũng là lúc tôi thấy công việc của mình trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết”, Hoài Linh - người dẫn chương trình giao thông trên kênh FM90 chia sẻ.

Trong nhịp sống sôi động của Thủ đô Hà Nội, nơi mà các con đường luôn chật kín người xe, việc cung cấp thông tin giao thông kịp thời đã trở thành một phần không thể thiếu, hỗ trợ cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người dân Thủ đô. Tuy nhiên, giữa những thông tin về tình trạng tắc đường, thời gian di chuyển, sự cố hành trình, liệu có bao giờ bạn tự hỏi, làm sao để những thông tin khô khan này trở nên sống động và gần gũi hơn? Đó chính là nhiệm vụ đặc biệt của một Host giao thông.

Hoài Linh - người dẫn giao thông rất quen thuộc và ấn tượng trong giờ cao điểm trên kênh FM90, Đài Hà Nội.

Là người dẫn chương trình giao thông tại Thủ đô, tôi may mắn được trở thành cầu nối giữa những con đường đông đúc và hàng triệu thính giả đang mong đợi những thông tin chính xác. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc truyền tải thông tin, tôi còn mong muốn mang đến cho thính giả những cảm xúc chân thật, giúp họ không chỉ nắm bắt tình hình giao thông mà còn cảm nhận được sự ấm áp và đồng cảm từ giọng nói của mình.

Mỗi sáng, khi thành phố bắt đầu thức giấc, tôi ngồi vào vị trí quen thuộc trước micro. Những con đường Hà Nội vào giờ cao điểm có lẽ là nỗi ám ảnh đối với nhiều người, nhưng đó cũng là lúc tôi thấy công việc của mình trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Bằng việc cập nhật kịp thời thông tin về tình hình giao thông, tôi biết rằng mình đang giúp hàng nghìn người có những quyết định di chuyển hợp lý, tránh được những cung đường tắc nghẽn và tiết kiệm được thời gian quý báu.

Cùng đồng nghiệp đồng hành với người tham gia giao thông mỗi ngày.

Tuy nhiên, công việc này không chỉ đơn thuần là việc truyền đạt thông tin một cách máy móc. Đối với tôi, mỗi thông tin giao thông không chỉ là một chuỗi các dữ liệu khô khan mà còn là cơ hội để chia sẻ, để kết nối với thính giả. Giữa những cập nhật về tình trạng đường sá, tôi luôn cố gắng lồng ghép những câu chuyện đời thường, những cảm xúc chân thật để làm dịu đi không khí căng thẳng của giờ cao điểm. Chẳng hạn, khi cập nhật giao thông, tôi thường dùng những cụm từ dí dỏm bằng ngôn ngữ của các bác tài như “ăn phở bò” và “uống trà tắc” để mô tả về một cung đường vừa đông đúc vừa di chuyển chậm. Hoặc khi thông báo về một cơn mưa bất chợt, tôi có thể nhắc nhở thính giả nhớ đi chậm lại, và nếu không vội, có thể dừng lại bên đường để thưởng thức một tách cà phê nóng, để thấy mưa Hà Nội cũng có lúc đáng yêu đến lạ thường.

Sự kết hợp giữa thông tin kịp thời và đan xen những câu chuyện không chỉ giúp thính giả dễ dàng tiếp nhận thông tin hơn mà còn khiến họ cảm thấy gắn bó với chương trình. Những câu chuyện đan xen trong từng bản tin đã biến mỗi chuyến đi trên đường trở thành một hành trình cảm xúc, giúp thính giả không còn cảm thấy cô đơn giữa dòng xe cộ đông đúc, mà thay vào đó là một cảm giác được đồng hành, được chia sẻ.

Hoài Linh, Hồng Hạnh, Ngọc Bách trong buổi dẫn trực tiếp tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc 7/2024. Chương trình mang về huy chương Bạc cho Đài Hà Nội.

Tôi rất hạnh phúc về những lần nhận được những phản hồi tích cực từ thính giả trong và sau mỗi ca dẫn. Họ nói rằng những lời chia sẻ chân thành từ tôi đã giúp họ cảm thấy được thấu hiểu. Tôi như thay họ nói lên được tiếng lòng của mình, làm dịu đi sự mệt mỏi trong những giờ phút căng thẳng. Điều đó đã khẳng định với tôi rằng, công việc này không chỉ là việc đưa tin, mà còn là việc tạo ra một mối liên kết đặc biệt giữa tôi và thính giả.

Trong thời đại công nghệ số, nơi mà thông tin có thể dễ dàng được tìm kiếm chỉ bằng vài cú click chuột, vai trò của một Host giao thông càng được nâng cao hơn. Thính giả không chỉ cần thông tin, mà họ còn cần cảm giác được đồng hành trong mỗi chuyến đi. Và đó chính là lý do vì sao tôi luôn nỗ lực hết mình để mang lại những bản tin giao thông không chỉ tức thời, chính xác mà còn có giá trị về mặt xúc cảm. Việc biết cách lồng ghép những câu chuyện, những cảm xúc vào trong cách truyền tải tin tức chính là chìa khóa để tạo nên sự khác biệt, khiến thính giả không chỉ nghe, mà còn cảm nhận được tình cảm từ người dẫn chương trình. Từ đó họ dễ dàng có thể ấn tượng và phân biệt phong cách dẫn của mình với những giọng nói khác.

Không chỉ có kiến thức tốt, những người dẫn chương trình còn mang lại nhiều cảm xúc tích cực cho những thính giả tham gia giao thông.

Phát thanh là loại hình truyền thông chỉ có âm thanh, không có hình ảnh. Với tôi, việc không có hình ảnh cũng chính là điểm mạnh của phát thanh. Việc người nghe chỉ có thể nghe được tiếng nói của người dẫn qua radio. Việc không thể thấy hình ảnh buộc họ phải vừa nghe vừa đoán, và tưởng tượng. Tôi thích cái cách thính giả tập trung nghe đài, mọi người cảm nhận mọi điều thông qua thính giác và thoả sức liên tưởng đến những điều họ nghe thấy, khiến cảm xúc của thính giả trở nên mãnh liệt và thăng hoa hơn. Nghề phát thanh viên có lẽ không hào nhoáng như những công việc trong lĩnh vực truyền hình, giải trí, nhưng giá trị và sức ảnh hưởng mà nó mang lại cho bản thân tôi không hề nhỏ.

Với tôi, làm Host giao thông không chỉ là một nghề, mà còn là một sứ mệnh - sứ mệnh mang lại sự an toàn và cảm xúc cho những người tham gia giao thông ở Thủ đô. Tôi đã từng khát khao việc mình trở thành một người nói tốt. Giờ đây, tôi mong giọng nói của mình có thể ngày ngày mang bình an tới mọi người.

Hoài Linh

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội không chỉ có bốn mùa quen thuộc xuân - hạ - thu - đông, mà còn có cả một mùa để lưu giữ những bức ảnh, những thước phim, những xúc cảm và kỷ vật vô giá của một thời học trò dấu yêu sẽ không bao giờ trở lại.

Trong môi trường học đường, các thầy, cô giáo Tổng phụ trách Đội không chỉ là một giáo viên mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc dìu dắt các thế hệ đàn em thân yêu, góp phần hình thành nhân cách và những giá trị tốt đẹp cho thế hệ măng non đất nước, giúp các em rèn luyện, phấn đấu để trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ.

Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.

Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.

Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.