Những phát thanh viên truyền hình Hà Nội đầu tiên

Nhắc đến Truyền hình Hà Nội từ những năm 1990, khán giả Thủ đô thường nhớ đến những gương mặt phát thanh viên mang đậm chất Hà Nội như Thanh Vân, Lệ Diễm, Lâm Phúc. Họ chính là những phát thanh viên truyền hình đầu tiên của Đài Hà Nội - một “thế hệ vàng” tạo nên hình ảnh của Đài trong lòng khán giả Thủ đô và cả nước.

Chất hào hoa, thanh lịch vốn là đặc trưng của Hà Nội, của chốn kinh kỳ phải được thể hiện từ trang phục, diện mạo, phong thái đến giọng điệu, ngôn ngữ của những người dẫn chương trình, đặc biệt, phát âm phải ra chất người Hà Nội.

Phát thanh viên Thanh Vân

Phát thanh viên Thanh Vân.

Tôi vẫn ghi lòng tạc dạ về giai đoạn mở đầu đầy khó khăn và thử thách. Xin được mượn câu thơ của cụ Thế Lữ để nói về tâm tình của mình khi nhớ lại ngày xưa ấy: "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên."

Năm 1978, tôi vừa tốt nghiệp Cao đẳng Sư Phạm Hà Nội và đi dạy ở Cổ Loa, Đông Anh. Đích thân ban lãnh đạo Đài, cụ thể là bác Đặng Văn Thú và chú Bùi Dư đã đạp xe đến Sở Giáo dục để xin cho tôi chuyển ngành. Nhờ ân tình đó, tôi rẽ ngang từ một cô giáo sang làm phát thanh viên.

Thời điểm năm 1989, truyền hình còn khá mới mẻ, cả với người xem và người làm. Dù có thời gian gần 10 năm trước đó làm phát thanh viên phát thanh, nhưng làm phát thanh viên truyền hình lại là một chuyện hoàn toàn khác. Và tôi không có cách nào hơn là phải vừa cố gắng thích nghi với những yêu cầu mới vừa học hỏi thêm nhiều ở các anh chị đài truyền hình Trung ương.

Buổi đầu lên hình mà không run mới là lạ. Vừa run, vừa hồi hộp, và kể cả lo sợ... nhưng tất cả giấu kín trong lòng mà không bộc lộ trên sóng, trên hình, cố làm sao để mình hiện ra trước mắt người xem thật tự nhiên, chủ động. Cứ cố gắng, cứ tự khắc phục hạn chế của bản thân...để dần hoàn thiện, trưởng thành.

Thủa ban đầu ấy, mọi thứ còn rất sơ khai, mà thế hệ sau này nghe kể lại có lẽ cũng khó mường tượng được. Thời kỳ đầu khi ghi hiện hình phải học bên Đài truyền hình Trung ương. Lúc đó người dẫn nhóm chúng tôi đi là anh Khiếu Quang Bảo - người dìu dắt tôi từ những ngày đầu làm truyền hình.

Nhưng chúng tôi đã động viên nhau cùng vượt qua khó khăn. Cũng từ đó mà tôi gắn bó với nghề, trưởng thành nhờ nghề.

Dù nghỉ hưu đã lâu, nhưng tôi vẫn dõi theo các chương trình của Đài, mừng vui với sự phát triển của Đài và suy tư với những thử thách mới của Đài. Bây giờ, người ta nói rất nhiều đến sự pha loãng, sự phai nhạt chất Hà Nội trong cuộc sống xô bồ, vội vã, gấp gáp. Và người ta cũng nói, đâu đó trong cách thể hiện của các MC truyền hình hiện tại còn chưa rõ chất Hà Nội.

Riêng tôi, tôi thấy nên công bằng hơn trong cách nhìn, vì mỗi thời kỳ có logic riêng, có khó khăn và thuận lợi riêng. Không thể đòi hỏi và thực tế là sẽ không bao giờ chúng ta có thể sống đúng hệt lối sống, phong thái sống của các thế hệ đã qua trong lịch sử. Nhưng cái gì là căn cốt của một dân tộc, một đất nước, một đô thị, một ngành nghề thì không thể mất. Đó là cái phải được các thế hệ kế thừa, tiếp thu, gìn giữ và phát triển. Chất hào hoa, thanh lịch vốn là đặc trưng của Hà Nội, của chốn kinh kỳ phải được thể hiện từ trang phục, diện mạo, phong thái đến giọng điệu, ngôn ngữ của những người dẫn chương trình, những người dẫn chương trình hiện nay. Đặc biệt, phát âm phải ra chất người Hà Nội.

Hiện đại, nhanh gọn phù hợp với nhịp điệu gấp gáp của thời đại mới mà không làm mất đi chất Hà Nội tinh tế, hào hoa, thanh lịch là đích đến của những người làm nghề.

Tôi đến với nghề bởi yêu Hà Nội. Và khi đến với nghề, chính nghề tạo cơ hội cho tôi được thể hiện tình yêu với Hà Nội, được gặp những người Hà Nội, rất Hà Nội, được hiểu hơn về Hà Nội, làm dày lên vốn sống và tình yêu Hà Nội trong tôi.

Phát thanh viên Lâm Phúc

Phát thanh viên Lâm Phúc.

Năm 1989, tôi thi tuyển vào Đài Hà Nội. Thời điểm đó, ít ai biết nghề truyền hình là thế nào. Không có trường lớp đào tạo chính quy. Bản thân tôi cũng rẽ ngang từ kỹ sư xây dựng sang làm phát thanh viên. Ở thời điểm đó, biên chế là thứ gì đó rất khó khăn. Tôi vượt qua 4 vòng thi tuyển để có một suất chính thức của Đài, cả gia đình tôi đều mừng rỡ. Mừng rỡ bởi có một suất biên chế, chứ thực sự công việc như thế nào, thời điểm đó, tôi cũng chưa hình dung ra được. Bởi vậy, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn cảm thấy biết ơn các bậc đàn anh, cô chú phát thanh viên kỳ cựu rèn dũa tôi hoàn thiện hơn về kỹ thuật.

Truyền hình thời đó vất vả lắm, nhưng tất cả mọi người đều rất yêu nghề, yêu lắm. Hồi đó, tôi cứ lên hình, rồi lại xem lại chương trình mình thể hiện, trăn trở làm sao truyền đạt thông tin đến khán giả vừa rõ ràng, dễ tiếp cận, lại vừa thể hiện được cái chất Hà Nội trong từng giọng nói, khuôn hình. Đài Hà Nội là hơi thở cuộc sống của người Hà Nội, đi sâu vào lòng người dân Hà Nội. Bản thân là một người Hà Nội, yêu Hà Nội, tôi cố gắng thể hiện tin bài như là chuyện của mình vậy, để nội dung truyền cảm, dễ tiếp cận khán giả hơn.

Tôi không dám nói mình đã cống hiến thế nào cho nghề, nhưng tôi hiểu rõ nghề đã cho tôi rất nhiều. Niềm vui, niềm hạnh phúc vì được khán giả biết đến và đón nhận có lẽ là phần thưởng cao quý nhất mà những người phát thanh viên như chúng tôi có được.

Tôi đạp xe về nhà và xung quanh vang lên giọng đọc của chính tôi, phát ra từ loa truyền thanh hai bên đường và vô tuyến của các gia đình: “Chào quý vị, chào các bạn, chương trình thời sự chiều nay…gồm những nội dung sau…”. Cảm xúc đó thật khó diễn tả bằng lời.

Phát thanh viên Lệ Diễm

Phát thanh viên Lệ Diễm.

Là một trong những người bén duyên với Đài qua cuộc thi tuyển năm 1989, tôi từ một sinh viên tốt nghiệp khoa Tiếng Anh, trường Đại học ngoại ngữ, rẽ ngang sang một công việc hoàn toàn mới lạ: phát thanh viên truyền hình.

Thời điểm đó, không có trường lớp nào đào tạo phát thanh viên bài bản, chúng tôi đều tự học lẫn nhau. Bản thân tôi học hỏi những người đi trước, như chị Thanh Hương, chị Kim Yến, chị Thanh Vân. Người sau học người trước. Tất cả đều giản dị, nhưng mang màu sắc riêng của Hà Nội.

Tôi vẫn nhớ ngày đó, trang thiết bị, máy móc đều còn rất đơn sơ. Trường quay khi đó là một căn phòng chừng 12 m2 tại tầng 2 trụ sở 47 phố Hàng Dầu. Trang bị cũng mộc mạc: một cái bàn, một cái ghế, một cái mic để bàn, một cái đèn tròn chiếu thẳng vào mặt phát thanh viên, một máy quay, và một cái quạt nhỏ để bật ngày hè cho đỡ nóng. Thế mà từ trường quay đó, rất nhiều bản tin, nhiều chương trình của Đài Hà Nội đã được thể hiện, phát sóng phục vụ khán giả Thủ đô. Ngày đó chưa có Cue. Văn bản đều viết tay. Phát thanh viên một lần cúi xuống tranh thủ nhớ liền 2,3 dòng và ngẩng lên vừa đọc vừa giao đãi với khán giả.

Ngày đầu gian khó đơn sơ là thế, nhưng việc được lên hình phục vụ khán giả Thủ đô là một điều rất vinh dự đối với những phát thanh viên chúng tôi.

Bản tin thời sự chính của Đài từ ngày đó đã phát sóng lúc 18h30 hàng ngày. Thời điểm đó chưa phát trực tiếp, 18h00 là phải hoàn thành việc ghi hình bản tin.

Xong nhiệm vụ, trên đường về, khi đồng hồ điểm đúng 18h30, nhất loạt các nhà hai bên đường bật Tivi kênh Hà Nội, bắt đầu chương trình thời sự. Tôi đạp xe giọng mà nghe giọng đọc của chính mình: "Xin kính chào quý khán giả đang theo dõi bản tin thời sự của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội…" Cảm xúc đó thật khó diễn tả bằng lời. Dẫu biết khán giả Thủ đô bật Tivi là vì yêu thích chương trình của Đài, dẫu biết mình chỉ là một cá nhân nhỏ bé góp phần thực hiện chương trình, nhưng trong lòng tôi vẫn dâng lên niềm vinh hạnh xen lẫn tự hào.

Hồng Hạnh

Ghi theo lời kể của các Phát thanh viên

Những gương mặt PTV một thời của Đài Hà Nội (từ trái qua): Thanh Vân, Thu Hiền, Thu Vân, Quỳnh Hoa, Lệ Diễm, Lâm Phúc, Thế Hà.
PTV Thanh Vân Phát thanh viên Thanh Vân và lứa phát thanh viên kế cận được chị hướng dẫn, đào tạo (Đô Thành, Vũ Tuấn, Phan Quyên, Diễm Hương).
Phát thanh viên Thanh Vân cùng Nghệ sĩ ưu tú Kim Tiến - “người thầy” từng dìu dắt chị trưởng thành từ những ngày đầu tiên làm PTV Đài Hà Nội, năm 1978.
Phát thanh viên Thanh Vân, Lệ Diễm trong buổi gặp gỡ đồng nghiệp cũ của Đài Hà Nội.
PTV Lệ Diễm trong những ngày cuối cùng làm việc trước khi nghỉ hưu (năm 2018) vẫn dành sự quan tâm đối với thế hệ người dẫn chương trình kế tiếp của Đài Hà Nội.
Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống bốn đời làm gốm sứ, chị Vũ Như Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Vạn An Lộc (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã có 9 năm bươn chải với nghề. Thời gian 9 năm không dài đối với một nghệ nhân, vậy nhưng chị Vũ Như Quỳnh đã xây dựng được một vị thế vững chắc cho thương hiệu gốm sứ Vạn An Lộc trên thị trường.

Từ những bó hoa tươi có mặt vào những dịp lễ đặc biệt, những khoảnh khắc đáng nhớ, qua bàn tay khéo léo đã trở thành sản phẩm hộp hoa khô, khung ảnh hay đèn hoa... để kỷ niệm được lưu giữ.

Hà Nội với vẻ đẹp cổ kính và những phố phường rộn rã nhịp sống, từ lâu đã là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ. Trong không gian tĩnh lặng của những bức tranh, Thủ đô hiện lên dịu dàng và thơ mộng.

Hà Nội không chỉ có bốn mùa quen thuộc xuân - hạ - thu - đông, mà còn có cả một mùa để lưu giữ những bức ảnh, những thước phim, những xúc cảm và kỷ vật vô giá của một thời học trò dấu yêu sẽ không bao giờ trở lại.

Trong môi trường học đường, các thầy, cô giáo Tổng phụ trách Đội không chỉ là một giáo viên mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc dìu dắt các thế hệ đàn em thân yêu, góp phần hình thành nhân cách và những giá trị tốt đẹp cho thế hệ măng non đất nước, giúp các em rèn luyện, phấn đấu để trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ.

Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.