356 ngày cùng 'Nhịp sống Hà Nội'

365 ngày trong năm, 365 câu chuyện sinh động, gần gũi và bình dị về Hà Nội được khán giả đón đợi vào 20h45 mỗi tối trên Truyền hình Hà Nội. Đó là “Nhịp sống Hà Nội”.

Nhắc đến Hà Nội, phần nhiều người ta nghĩ đến nét thâm trầm của khu phố cổ, vẻ cổ kính của các di tích, là những món ngon Hà thành nức tiếng gần xa. Nhưng có một Hà Nội hiện đại hơn, năng động hơn và cũng gần gũi hơn, đó là nhịp sống Hà Nội mỗi ngày, qua mỗi mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhịp sống ấy tạo nên một Hà Nội vừa nhẹ nhàng vừa sôi động, vừa xưa cũ vừa hiện đại.

Một góc nhìn mới về Hà Nội

Khán giả từng yêu thích những chương trình rất quen thuộc trên Truyền hình Hà Nội như: Hà Nội của chúng ta, Người Tràng An - người Hà Nội, Khám phá Hà Nội. Mỗi chương trình đều có cách làm riêng để giới thiệu với khán giả về Hà Nội xưa và nay. Những chương trình này đã có thời gian dài lên sóng và đã có chỗ đứng trong lòng khán giả. Bởi thế, khi xây dựng một chương trình mới hoàn toàn khác biệt là một thách thức thực sự khó khăn.

- Cách thể hiện như thế nào cho mới lạ?

- Làm như thế nào để hấp dẫn người xem?

Những câu hỏi liên tục được đặt ra và cần có lời giải đáp.

Và rồi, “Nhịp sống Hà Nội” đã ra đời bằng những cảm nhận mới.

365 ngày là 365 câu chuyện được kể vào 20h45 phút mỗi ngày với thời lượng 12 phút một tập. Những câu chuyện về cuộc sống Hà Nội, con người Hà Nội được kể một cách dung dị như nó vốn đang diễn ra hàng này. Không có quá nhiều lời bình mà chủ yếu là hình ảnh, những khoảnh khắc và âm thanh của cuộc sống. Với cách thể hiện hiện đại và mới mẻ, “Nhịp sống Hà Nội” đã đem tới cho khán giả cảm nhận về sự gần gũi xem ti vi cũng giống như ngoài đời, không có sắp đặt, không cần đạo diễn.

Nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên đang vẽ bức "Cá chép trông trăng".

“Càng ngày tôi càng thích thú khi xem Nhịp sống Hà Nội”; “Tôi yêu một Hà Nội đa dạng hơn qua các chương trình Nhịp sống Hà Nội”; “Tôi ngóng chương trình mỗi ngày”; “Cảm ơn Nhịp sống Hà Nội đã cho tôi thêm yêu Hà Nội”…Hơn một năm lên sóng với sự đón đợi cùng những lời bình luận của khán giả mỗi ngày đã trở thành động lực để những ê-kíp thực hiện chương trình ngày càng cố gắng hơn.

Cảm nhận Hà Nội qua từng nhịp sống

Với “Nhịp sống Hà Nội”, khán giả không chỉ thấy một Hà Nội xưa qua sự ứng xử của con người Hà Nội với các di tích mà còn là vẻ đẹp của Hà Nội. Người ta thấy một phong vị Hà Nội qua từng nhịp sống. Sự chuyển động của đất trời, của thời gian lên con người, lên cây cối, hoa lá đều trở thành những chủ thể, những “nhân vật” chính trong mỗi chương trình.

BTV Phan Quyên và quay phim Lương Thường ghi hình trên phố cổ Hà Nội.
Gopro được gắn trên mũ của nhân vật trong "Nhịp sống Hà Nôi" để có những cảnh quay sinh động.

Nhịp sống Hà Nội được kể bằng những câu chuyện bình dị mỗi ngày, như Mùa đi ngang phố, Sống trong ngõ hẹp, Hà Nội sau 12h00 đêm, Xem kịch cuối tuần, Ăn phở gánh, Bà nội nghỉ hè, Nhảy hiphop nơi công cộng, Cosplay trong giới trẻ,…

Và một chút gì đó lãng mạn của cái nắng đầu hè, của mùi hương hoa sữa mùa thu, vẻ đẹp cao quý của sen bách diệp, cách đan hương dệt vị trà của người Hà Nội, vẻ độc đáo của kiến trúc nhà cổ cùng lối sống bình dị của những con người sống nơi phố Hàng đều lần lượt xuất hiện trong mỗi chương trình “Nhịp sống Hà Nội”.

Và không chỉ có thế, đó còn là những câu chuyện thường ngày của những người cắt cây mùa mưa bão, những người công nhân làm việc nơi cống ngầm, người lao động trong khu công nghiệp, sự hối hả khẩn trương của những bác sĩ phòng cấp cứu…

BTV Hồng Hạnh và quay phim Minh Tú trong cảnh quay chương trình "Nhịp sống Hà Nội".

Hà Nội, nơi có sự đan xen của cái cũ và mới, là nơi tập trung của nhiều giá trị. Nhưng giá trị nhất vẫn là con người.

“Nhịp sống Hà Nội” là sự tổng hòa từ rất nhiều mảnh ghép cuộc sống ở Hà Nội. Mỗi chương trình phát sóng hàng ngày sẽ là một mảnh ghép, ghép vào bức tranh tổng thể về một Hà Nội đa dạng sắc màu, của quá khứ, hiện tại và tương lai.

Yêu Hà Nội cũng là yêu từng nhịp sống của Hà Nội!

Phan Quyên

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bước ra từ cuộc chiến khốc liệt, hơn ai hết, những cựu chiến binh hiểu rõ giá trị của hòa bình cho Tổ quốc và giá trị của yên bình với mỗi người. Bình yên của người cựu chiến binh, chẳng cần to tát hay xa vời, chỉ là những buổi chiều đi bộ trên phố phường tấp nập, nhìn nắng nhạt xuyên qua những tán cây.

Nói đến nhiếp ảnh về Hà Nội thì không thể không nói tới nhà nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo. Ông đã tạo dựng được tên tuổi bằng một phong cách chụp riêng về Hà Nội mà thời gian càng trôi qua, người xem càng thấy giá trị của từng khung hình.

Giáng Sinh đang đến gần, không khí lễ hội tràn ngập khắp nơi, đặc biệt tại Nhà thờ Lớn Hà Nội, nơi đây đã được trang hoàng lộng lẫy, thu hút du người dân và du khách đến tham quan, thưởng thức không khí đặc biệt mùa lễ hội.

Với nghệ nhân Nguyễn Đức Bình, giò chả Ước Lễ không chỉ là một món ăn mà còn chứa đựng trong đó tinh hoa văn hóa. Hơn 40 năm qua, ông đã góp phần gìn giữ, lưu truyền nét tinh hoa ẩm thực này một cách vừa khoa học lại đầy chất nghệ thuật.

Với nhiều người, việc dạy và học ngoại ngữ là một cách để nhìn cuộc sống và thế giới rộng mở hơn. Bên cạnh đó, ngoại ngữ còn giúp mỗi người hiểu chính mình, hiểu mọi người một cách sâu sắc hơn.

Không phải vô cớ mà nhiều người lại mong ngóng Noel đến vậy. Có người nói, đó là bởi Giáng sinh có nhiều hoa và đèn rực rỡ, hay tại bởi không khí vui vẻ, sum vầy mà Giáng sinh đem lại…