Trạm âm thanh - Chạm ký ức

"Trạm âm thanh - Chạm ký ức" là sự góp ý tưởng và công sức của phần lớn các bạn trẻ, những người luôn dành tình yêu đặc biệt với văn hóa dân gian truyền thống.

Bờ Hồ những ngày diễn ra Lễ hội Thiết kế Sáng tạo đều đông đúc, nhộn nhịp từ sáng sớm. Nhóm các bạn thuộc Trung tâm Xúc tiến, quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam bận rộn với những bước chuẩn bị cuối cùng. Nhiều trò chơi dân gian cùng đồ chơi truyền thống được tái hiện trong không gian khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm. Phố đi bộ Hà Nội đã trở thành sân khấu đặc biệt cho sự kiện "Trạm âm thanh - Chạm ký ức", một không gian mang đậm hơi thở tuổi thơ.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 mang đến một diện mạo mới cho Thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi những giá trị truyền thống được hòa quyện cùng tinh thần sáng tạo hiện đại. Với chủ đề "Giao lộ sáng tạo", sự kiện đã thu hút đông đảo các bạn trẻ, trong đó có 300 tình nguyện viên đầy nhiệt huyết. Kết hợp âm nhạc hiện đại với những trò chơi dân gian truyền thống đã tạo nên một sức hút đặc biệt, lôi cuốn khán giả ở mọi lứa tuổi. Những giai điệu sôi động hòa quyện cùng nét đẹp của các trò chơi xưa trở thành cầu nối gắn kết các thế hệ, đưa mọi người xích lại gần nhau hơn qua những ký ức chung.

Chị Đinh Thị Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH) chia sẻ: "Có thể nói, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm nay là sân chơi cho tất cả những người làm việc sáng tạo về nghệ thuật và văn hóa. Với chủ đề 'Giao lộ' cùng với một tinh thần đưa thiếu nhi là một trong những nhân vật trung tâm để phát triển, từ đó khơi lại những trò chơi dân gian của thiếu nhi ngày xưa, để làm sống lại đứa trẻ trong tâm hồn của mỗi con người".

"Đội ngũ các bạn nghệ sĩ trẻ rất tài năng và có nhiều cảm hứng với các chất liệu văn hóa dân gian như xẩm hay các cái dòng nhạc hiện đại hơn mà chúng ta có thể không nghĩ là có liên quan đến âm nhạc dân gian như rap hay EDM", chị Thảo cho biết.

Những nụ cười sảng khoái, nhiều người tham gia trò chơi, đặc biệt là những người lớn tuổi như được thấy lại tuổi thơ của mình. 

"Trạm âm thanh - Chạm ký ức" không chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ với các khách tham quan người Việt mà còn rất thu hút các du khách nước ngoài. Họ quan sát, họ tham gia và dù không hiểu nhiều lắm về ý nghĩa của mỗi điệu múa, mỗi câu chuyện, nhưng chắc chắn, họ cảm nhận được sự hào hứng, thân thiện của không gian văn hóa Hà Nội.

Chị Lisa Tarasova, du khách Nga chia sẻ: "Tôi đã sống ở Hà Nội được 10 năm. Tôi nghĩ rằng Hà Nội tổ chức ngày càng nhiều sự kiện như thế này thật là tuyệt vời. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi đến Hà Nội là vào năm 2014, Hà Nội không có sự kiện nào như thế này cả, đó là theo quan sát của tôi. Những sự kiện hay như thế này không chỉ dành cho người lớn, trẻ nhỏ mà còn dành cho tất cả mọi người cùng tham gia, bao gồm cả các gia đình".

"Trạm âm thanh - Chạm ký ức" là sự góp ý tưởng và công sức của phần lớn các bạn trẻ, những người luôn dành tình yêu đặc biệt với văn hóa dân gian truyền thống. Chính vì vậy, sức lan tỏa của các hoạt động này cũng trở nên mạnh mẽ và sâu rộng hơn. 

Nhiều người lên Bờ Hồ chơi trong những bộ quần áo thuận tiện cho vận động, nhiều người lại chọn cho mình tà áo dài thướt tha. Bờ Hồ những ngày này đẹp hơn bởi sắc màu rực rỡ của trang phục và bầu không khí rộn ràng của các hoạt động trò chơi dân gian.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Những ngày này, Hà Nội bắt đầu có cúc họa mi. Trên những con đường Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã, Thụy Khuê, Thanh Niên hay giữa lòng phố cổ, cúc họa mi e ấp trong những giỏ, những thúng con con làm ngây ngất những người Hà Nội.

Làm việc ở những công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện và sử dụng giàn giáo, chổi quét sơn, con lăn, đó là công việc hết sức thú vị và đầy sắc màu của những người hoạ sĩ vẽ tranh tường.

Bún Mạch Tràng, từ lâu đã trở thành một phần ký ức ấm áp của vùng ngoại thành Hà Nội, là món ăn giản dị nhưng lại mang trong mình một câu chuyện lịch sử đầy huyền bí. Nhắc đến bún Mạch Tràng, người ta không chỉ nhớ về những sợi bún trắng ngà, dai mềm mà còn là một món ăn truyền thống được gìn giữ qua bao thế hệ ở làng Mạch Tràng, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh.

Ở Hà Nội có những con phố cổ đông đúc cả ngày. Phố Hàng Chiếu cũng không phải ngoại lệ. Đây là một trong số những con phố hiếm hoi buôn bán đúng mặt hàng gắn với tên gọi "Hàng Chiếu".

Cùng sử dụng chất liệu sợi tơ tằm giống như lụa nhưng "the" hay "sa" dường như đã trở nên khá xa lạ trong đời sống ngày nay. Với khát khao gìn giữ hơi thở của the lụa từng vang danh gắn với mảnh đất quê hương mình, nghệ nhân Lê Đăng Toản (La Khê, Hà Đông) đã miệt mài canh cửi trong suốt gần 20 năm, dù hành trình đó có không ít gian nan.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống bốn đời làm gốm sứ, chị Vũ Như Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Vạn An Lộc (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã có 9 năm bươn chải với nghề. Thời gian 9 năm không dài đối với một nghệ nhân, vậy nhưng chị Vũ Như Quỳnh đã xây dựng được một vị thế vững chắc cho thương hiệu gốm sứ Vạn An Lộc trên thị trường.