Ukraine toan tính gì khi tấn công khu vực biên giới Kursk?
Cuộc đột kích bất ngờ của Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga cho biết vào rạng sáng ngày 6/8, khoảng 1.000 binh sĩ và hàng chục thiết giáp Ukraine tràn sang biên giới Nga, tấn công tỉnh Kursk từ nhiều hướng.
Đài RT dẫn lời quyền Tỉnh trưởng tỉnh Kursk - ông Aleksey Smirnov rằng Ukraine đã tấn công các trường học, bệnh viện và nhà dân ở Nga, khiến 5 dân thường thiệt mạng và hơn 60 người bị thương.
Không giống các đợt xâm nhập trước thường do các đơn vị hoạt động ngầm hoặc nhóm vũ trang thân Ukraine thực hiện, đây là lần đầu tiên Kiev tấn công bằng lực lượng chính quy tinh nhuệ bên trong lãnh thổ Nga.
Được yểm trợ bởi các dàn máy bay không người lái, hỏa lực pháo hạng nặng và các thiết bị tác chiến điện tử tiên tiến, các đơn vị Ukraine đã di chuyển nhanh chóng để chiếm một phần lãnh thổ phía Tây của Nga bên cạnh biên giới, trong khi một số đơn vị khác đột nhập sâu hơn vào bên trong nước Nga.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ, tính đến ngày 9/8, quân đội Ukraine đã tiến xa tới 35 km vào lãnh thổ Nga ở khu vực Kursk. Tuy nhiên, Kiev không kiểm soát hoàn toàn khu vực này. Lực lượng Ukraine cũng đã chiếm giữ một trạm đo khí đốt mà Nga sử dụng để giao dịch năng lượng với Hungary và Slovakia. Điều này làm gia tăng lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu.
Cuộc tấn công bất ngờ đã đạt được những hiệu quả bước đầu như kỳ vọng của Ukraine, đó là đẩy quân Nga vào thế bị động. Sau nhiều tháng gia tăng áp lực về phía Pokrovsk và Sloviansk thuộc Ukraine, đây là lần đầu tiên, Nga phải vật lộn để củng cố tiền tuyến quan trọng nhất của mình - biên giới giữa hai nước.
Trong bối cảnh Ukraine đang rơi vào tình cảnh thiếu hụt binh lực và vũ khí trầm trọng, do thời gian giao tranh kéo dài và những khó khăn trong việc tuyển quân cũng như tiếp nhận khí tài quân sự từ phương tây. Trong bối cảnh ấy, chuyên gia nghiên cứu quân sự Chris Steven của tờ The Independent nhận định, cuộc đột kích vào Kursk có nhiều mục tiêu.
Một mặt, chiến dịch tấn công này có thể nâng cao tinh thần của binh sĩ Ukraine vốn đang ở mức thấp suốt nhiều tháng, do quân đội nước này liên tục ở thế bị dồn đuổi trong các cuộc giao tranh với Nga. Mặt khác, Moscow có lẽ sẽ phải phân tán lực lượng nhằm cản bước tiến của đối phương, trong khi phương Tây cũng sẽ suy nghĩ lại về việc tăng cường viện trợ.
Ông Chris Steven - Chuyên gia nghiên cứu quân sự.
Nhiều học giả cũng chỉ ra rằng chiến dịch diễn ra vào thời điểm lần đầu tiên trong suốt hơn hai năm giao tranh, Nga và Ukraine đang cân nhắc nhiều hơn đến khả năng đàm phán. Nga có thể được mời tham dự hội nghị hòa bình tiếp theo do Ukraine và các đồng minh tổ chức.
Trong nước, gần một nửa người dân Ukraine ủng hộ việc hai nước chấm dứt giao tranh thông qua đàm phán, trong khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người luôn tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt giao tranh, có khả năng đắc cử. Trong bối cảnh ấy, việc Ukraine kiểm soát lãnh thổ Nga có thể là một nước đi mặc cả mạnh mẽ.
Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, cũng từng nói rằng bất kỳ hoạt động nào của Ukraine tại “các khu vực biên giới Nga” đều có “nguyên nhân gốc rễ” từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Các cuộc tấn công như vậy sẽ tác động đến xã hội Nga và cải thiện vị thế của Kiev tại các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.
Bất chấp thành công ban đầu, cuộc đột kích xuyên biên giới của Ukraine vào Kursk vẫn đi kèm những rủi ro nghiêm trọng. Trước mắt, cuộc tiến công nhanh chóng của Kiev đã kéo dài các tuyến tiếp tế của họ và có thể tạo ra các mắt xích yếu dễ bị Nga phản công. Nếu Nga đưa lực lượng đáng kể vào trước khi Ukraine có thể tổ chức phòng thủ vững chắc tại những địa điểm này, tuyến tiếp tế của quân đội Ukraine sẽ bị cắt đứt.
Một số người suy đoán rằng mục tiêu của Kiev tại Kursk có thể là chiếm nhà máy điện hạt nhân. Đó sẽ là một phần thưởng lớn và rủi ro về bụi phóng xạ sẽ cản trở nghiêm trọng các nỗ lực của Nga nhằm giành lại nhà máy. Tuy nhiên, trên thực tế Ukraine hiện đang chiến đấu cách nhà máy khoảng 40 km khiến mục tiêu này gần như chắc chắn trở nên ngoài tầm với.
Kịch bản tệ nhất đối với Ukraine là Nga có thể đẩy lui và làm suy yếu nghiêm trọng các đơn vị Ukraine ở Kursk mà không khiến vị thế của mình trên các mặt trận khác bị suy yếu đáng kể. Với lợi thế về lực lượng của Nga, điều đó không phải là không thể. Ngay cả khi Ukraine có thể giữ được lãnh thổ ở Kursk, những lực lượng đó sẽ không thể được triển khai ở nơi khác. Chiến dịch này có thể sẽ khiến Kiev phải dành nhiều nguồn lực hơn dự kiến ban đầu.
Phản ứng của Nga
Bình luận về vụ việc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có phát biểu cho rằng, cuộc đột kích là “sự khiêu khích toàn diện của chính quyền Kiev". Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích "đây là một vụ tấn công khủng bố nhằm vào những người dân thường ôn hòa"; đồng thời nhấn mạnh, chính quyền Ukraine tấn công vùng Kursk nhằm thể hiện rằng, lực lượng Kiev vẫn hoạt động trong bối cảnh họ liên tục gặp thất bại trên chiến trường.
Bộ Quốc phòng Nga, ngày 11/8, tuyên bố: "Trong một ngày qua, các hoạt động tích cực của các đơn vị thuộc nhóm chiến đấu phía Bắc và lực lượng dự bị, các cuộc không kích của không quân, máy bay không người lái và hỏa lực pháo binh tại các khu định cư Tolpino, Zhuravli và Obshchy Kolodez đã ngăn chặn các nỗ lực của các nhóm cơ động của đối phương nhằm xâm nhập sâu hơn vào lãnh thổ Nga bằng xe bọc thép".
Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong 24 giờ qua, quân đội Nga đã phá hủy bốn xe bọc thép chở quân của Ukraine, bao gồm ba xe chiến đấu bọc thép Stryker do Mỹ sản xuất.
Trong 24 giờ qua, lực lượng vũ trang Ukraine đã mất tới 230 quân nhân và 38 xe bọc thép, bao gồm 7 xe tăng, ba xe chiến đấu bọc thép Stryker, một xe chiến đấu bộ binh, 28 xe chiến đấu bọc thép, cùng 7 xe ô tô, bốn khẩu pháo dã chiến, một bệ phóng tự hành của hệ thống tên lửa phòng không Buk-M1, ba bệ phóng và một radar AN/MPQ-65 của hệ thống tên lửa phòng không Patriot.
Theo Bộ Quốc phòng Nga.
Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Nga, thương vong của quân đội Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến dịch đột kích vào vùng Kursk của Nga hôm 6/8 lên tới 1.350 quân nhân.
Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: "Tổng cộng, trong các hoạt động quân sự theo hướng Kursk, đối phương đã mất tới 1.350 quân nhân, 29 xe tăng, 23 xe bọc thép chở quân, 9 xe chiến đấu bộ binh, 116 xe chiến đấu bọc thép, 20 xe ô tô, ba bệ phóng tự hành của hệ thống tên lửa phòng không Buk M1, ba bệ phóng và một radar AN/MPQ-65 của hệ thống tên lửa phòng không Patriot, một bệ phóng của hệ thống tên lửa phóng loạt Grad và 10 khẩu pháo dã chiến".
Trong khi đó, theo hãng tin Tass, quyền thống đốc vùng Kursk Alexey Smirnov cho biết Bộ Quốc phòng Nga đang thúc đẩy các biện pháp ổn định tình hình trong bối cảnh các cuộc tấn công của Ukraine.
Hỏa hoạn tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia
Ngày 11/8, đám cháy đã xảy ra tại một tháp làm mát của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở phía nam Ukraine. Hiện cả Nga và Ukraine đều đổi lỗi cho nhau về vụ việc này. Phía Nga thông báo các vụ bắn phá và tấn công của quân đội Ukraine nhằm vào nhà máy Zaporizhzhia đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Trong khi đó, Ukraine cáo buộc Nga chủ động gây ra vụ cháy.
Trước đó, theo hãng tin TASS, Thống đốc tỉnh Zaporizhzhia do Nga chỉ định, ông Evgeniy Balitsky cho biết cả 6 tổ máy của nhà máy đều ở trạng thái ngừng hoạt động, không có nguy cơ nổ hơi nước, trong khi mức phóng xạ xung quanh nhà máy điện hạt nhân và thành phố Energodar vẫn bình thường.
Ông Balitsky cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tăng cường các biện pháp an ninh tại tất cả các cơ sở có tầm quan trọng chiến lược ở tỉnh Zaporizhzhia, trong đó có nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Vụ cháy ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia xảy ra trong bối cảnh vào ngày 10/8, Cơ quan hạt nhân Liên bang Nga Rosatom cho biết cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk gây ra "mối đe dọa trực tiếp" đối với nhà máy điện hạt nhân của khu vực này.
Trước đó, vào hôm 8/8, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đã kêu gọi Ukraine và Nga kiềm chế khi giao tranh leo thang ở khu vực Kursk của Liên bang Nga, nơi có một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của nước này.
Hai chuyến bay từ Thủ đô Beirut đã đến thành phố Larnaca, Cộng hòa Síp vào 2/10, chở theo những công dân Liban chạy trốn khỏi các cuộc không kích đang diễn ra ở đất nước họ.
Quân đội Israel cho biết, 8 binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh trên bộ với Hezbollah ở miền Nam Liban. Ba trong số những người thiệt mạng là chỉ huy và bảy binh sĩ khác bị thương nặng.
Rạng sáng ngày 3/10, theo giờ Việt Nam, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp về tình hình Trung Đông, liên quan tới leo thang căng thẳng giữa Israel và Iran. Tại cuộc họp, đại sứ Israel và Iran đã cảnh báo về khả năng trả đũa nhau, bất chấp những lời kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng của cộng đồng quốc tế.
Liên quan tới tình hình ở Trung Đông, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Mỹ cùng các đồng minh đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt Iran sau khi nước này phóng gần 200 quả tên lửa vào Israel. Tuy nhiên nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định, ông không ủng hộ Israel không kích các cơ sở hạt nhân của Iran.
Tính đến nay, số người thiệt mạng do bão Helene ở Mỹ đã tăng lên 189, trong khi vẫn còn hàng trăm người mất tích. Đây được xem là cơn bão gây thiệt hại về người lớn thứ hai tại Mỹ trong 50 năm qua.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Ukraine đang nỗ lực tăng cường năng lực quân sự, sản xuất nhiều loại vũ khí và đạn dược, nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn viện trợ từ các đối tác và đồng minh phương Tây.
0