'Viễn ca' một khúc, dặm trường Thanh qua

Dấu ấn mới trong lĩnh vực thi ca của Nguyễn Tiến Thanh - một người vừa giã từ nghiệp làm báo để chuyển sang làm Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, khiến Chủ tịch Hội Nhà văn VN Nguyễn Quang Thiều không khỏi bất ngờ.

“Tôi đã sinh hoạt trong một câu lạc bộ thơ với Tiến Thanh từ năm anh còn là một sinh viên. Tôi cứ nghĩ rằng với công việc quản lý báo chí nhiều bận rộn, anh đã rời bỏ thi ca. Nhưng không. Đến một ngày, anh đã xuất hiện trở lại. Thực ra đúng hơn là xuất hiện trong một tinh thần khác, một giai đoạn khác, một nhịp độ khác.” – Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều tiết lộ trong sự kiện ra mắt tập thơ mới nhất của Nguyễn Tiến Thanh mang tên “Viễn ca”, vào sáng 28/8 tại Hà Nội.

Tập thơ khởi đầu thời kì xuất bản sau 30 năm làm báo của Nguyễn Tiến Thanh mang một giá trị đặc biệt với tác giả và độc giả yêu thơ anh.

“Viễn ca” là tập thơ thứ 3 của Nguyễn Tiến Thanh, sau 2 tập thơ “Chiều không tên như vết mực giữa đời”, và “Loạn bút hành”. Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh xem “Viễn ca” như là một chặng đường mà con người đã đi qua trong hành trình số phận của mình. Trên chặng đường đó, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều phong cảnh, và Tiến Thanh ghi lại những phong cảnh trong chặng hành trình cuộc đời của ông, bằng ngôn từ, và bằng cảm xúc.

Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh ngẫu hứng đọc bài “Guitar” trong tập “Viễn ca” mới ra mắt.

“Thơ của tuổi U60 khác với tuổi 20. Hai tập thơ trước thì có tập tôi viết từ thời sinh viên, một tập khác thì nối tiếp những cảm hứng mình viết từ thời sinh viên. Sau đó mình bỏ thơ cũng đã gần 30 năm và đến 5,6 năm gần đây mới quay lại. “Viễn ca” vì thế chính là ghi chép của một chặng hành trình của thời gian gần đây, của một người trung niên từng trải, rất khác so với thời thanh niên.”

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều ví von quá trình sáng tác của Nguyễn Tiến Thanh giống như một dòng sông chảy trên đồng bằng, chợt biến mất trong những dãy núi, hay dưới lòng sâu, và cuối cùng lại hiện ra ở phía bên kia, với nhịp điệu khác, chiều kích khác. Hóa ra không phải thơ ca biến mất, hay Nguyễn Tiến Thanh biến mất, mà chẳng qua ông phải đi qua một đoạn nào đó trong đường hầm của đời sống này, để cuối cùng hiện ra với một tinh thần khác, một vẻ đẹp khác.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều (ngoài cùng bên phải) có tới 2 liên tưởng thú vị về Nguyễn Tiến Thanh (đứng cạnh)

Tôi (PV) thì lại thích hình ảnh liên tưởng khác mà nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ ngay sau đó: “Tôi cũng nghĩ đến hình ảnh một cây trầm, rằng lá vẫn vậy, cây vẫn vậy, nhưng càng ngày bên trong ruột cây, nó làm nên trầm tích lũy. Tiến Thanh đi qua cuộc đời này, những buồn vui, những được mất, những cảm hứng. Và với con mắt mở rộng để nhìn thế gian này, nhìn đời sống này, nó đã mang lại cho anh những trải nghiệm, tích lũy. Vẫn phong cách đó, sự lãng mạn, phiêu lưu đó,… nhưng mỗi một ngày, thơ Tiến Thanh mang một thông điệp lớn hơn.”

PGS.TS Phùng Gia Thế từng nhận xét: “Thơ Nguyễn Tiến Thanh trước hết là kiểu thơ dành cho những người lãng mạn, yêu kỷ niệm, yêu những ngày tháng cũ. Tiến Thanh say mà tỉnh. Chất lãng mạn, lãng du không khiến những suy tư nhân thế và trách nhiệm công dân của anh khuất lấp. Nhưng Tiến Thanh cũng tỉnh mà say. Bởi có lẽ, thơ mãi mãi là chân trời huyễn mộng để anh được sống tận cùng với bản lai diện mục của mình.”

Giọng điệu chủ đạo trong thơ Nguyễn Tiến Thanh là buồn. Đến với “Viễn ca”, tinh thần ấy vẫn không thay đổi: thơ chính là một nơi náu trú của cảm xúc, đặc biệt là nỗi buồn. Hãy thử đọc vài đoạn trong bài “Dạ ca”:

“...Gió bấc thổi oằn cong tóc mỏi

Vẽ tàn đêm dấu hỏi ngang trời

Vì sao hỡi, chớp muôn vàn gươm sắc

Nắm tay vào, nghe vết cắt ngọt sâu

Mùa thế đó, cứ mỗi lần tháng chạp

Mọc lên từ hốt hoảng mắt ai

Đêm chợt giống một khu vườn khô khát

Uống trăng suông trong run rẩy mưa phùn

Ta bỗng hiểu cách lụi tàn của cỏ

Nên chẳng hề mơ mộng cánh sen khô

Niềm vui gục trên tận cùng bóng tối

Mây trắng bay, dù đêm vẫn không màu”

Hoặc hai khổ cuối của bài thơ “Viễn ca” - bài thơ được lấy làm tên chung cho cả thi tập:

“...Ta đi rời rã cánh đồng

Lúa chưa thiếu phụ đã đòng đòng thơm

Xin dừng chân trước chiều hôm

Thắp hoàng hôn suốt một cơn say dài

Ta đi tái nhợt chân trời

Đường chưa thăm thẳm đã vời vợi mây

Xin dừng chân trước mai ngày

Viễn ca một khúc mà đày đọa nhau”

Nỗi buồn đã đem đến một không khí riêng trong thơ Nguyễn Tiến Thanh, để những người yêu thơ anh, khi đọc, tách được khỏi đời sống xô bồ.

Nguyễn Tiến Thanh viết riêng một bài thơ có nhan đề là “Hỏi buồn”, liệt kê rất nhiều buồn trên cơ thể và trong tâm não con người, cũng như rất nhiều buồn trong không gian tự nhiên và không gian đời sống: môi buồn, tóc buồn, mắt buồn, tay buồn, chân buồn, tim buồn, mưa buồn, nước buồn, sông buồn, đò buồn, biển buồn, cánh buồm buồn, giọt sương buồn... Rồi, sau khi đã thể hiện một mỹ học của nỗi buồn, nhà thơ tự đặt câu hỏi cho riêng mình, kiểu câu hỏi không cần lời giải đáp:

“Buồn là tê tái miên man?

Buồn im tháng đợi, buồn vang năm chờ?

Tình buồn, ta trót làm thơ

Ta buồn, tình có thờ ơ với buồn?

Buồn là vui giữa vô thường

Hay mê mải cuối con đường mù sương?

Một mai giã biệt nhé buồn

Còn nghe chớp bể mưa nguồn tiễn đưa...”

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội đã xuất sắc nhận ba giải thưởng danh giá tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới - WTA năm 2024, khẳng định vị thế dẫn đầu của điểm đến du lịch đặc sắc với những giá trị văn hóa ngàn năm trên bản đồ du lịch thế giới. Những giải thưởng này một lần nữa tạo thêm động lực cho du lịch Thủ đô phát triển bền vững.

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình "Những ngày Hà Nội tại tỉnh Điện Biên" diễn ra từ ngày 13-15/9.

Thị xã Sơn Tây nay thuộc thành phố Hà Nội là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử. Trong suốt chiều dài phát triển của minh thị xã Sơn Tây luôn giữ vai trò quan trọng, là một trong bốn vùng đất phên giậu của Thăng Long - Hà Nội, là trung tâm của xứ Đoài và nay được coi là thành phố di sản của Thủ đô.

UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định công nhận điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn (thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội).

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chương trình "Vui tết Trung thu 2024" diễn ra từ ngày 6/9 đến ngày 15/9.

Festival thu Hà Nội lần thứ hai năm 2024 sẽ diễn ra tại không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và một số điểm đến du lịch của Hà Nội từ ngày 12 đến 15/9.