Đoàn viên xa xứ cùng Tiến sĩ Nguyễn Anh Hào

Trong không khí Tết Nguyên đán, khi mọi người sum vầy bên gia đình, vẫn có những người con xa xứ luôn hướng về quê hương với bao nỗi niềm. Hôm nay, cùng BTV Quang Minh, chúng ta sẽ gặp gỡ một vị khách mời đặc biệt - Tiến sĩ Nguyễn Anh Hào, Trợ lý Giáo sư, Tiến sĩ tại Đại học Waseda, Nhật Bản.
Video Player is loading.
Current Time 0:00
Duration -:-
Loaded: 0%
Stream Type LIVE
Remaining Time -:-
1x

Anh Hào là một trong số ít người Việt Nam nhận được học bổng MEXT danh giá từ Chính phủ Nhật Bản để theo học tiến sĩ tại Đại học Quốc lập Yokohama. Trước đó, anh đã tốt nghiệp cử nhân tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, hoàn thành thạc sĩ tại Trường Đại học Việt Nhật và chỉ trong một thời gian ngắn sau khi tốt nghiệp, anh đã trở thành giảng viên tại một trong những trường đại học hàng đầu Nhật Bản.

Một hành trình đầy nỗ lực, kiên trì và đam mê với tri thức. Hãy cùng lắng nghe câu chuyện của Nguyễn Anh Hào - một trí thức trẻ Việt Nam đang không ngừng chinh phục những đỉnh cao mới.

Phóng viên: Tết luôn là một dịp đặc biệt trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Thế nhưng, với những người xa quê hương như anh, cảm giác đón Tết ở Nhật Bản như thế nào? Và không biết đây là cái Tết thứ bao nhiêu anh đã đón xa quê rồi ạ?

Tiến sĩ Nguyễn Anh Hào: Tính từ năm 2019, khi mình sang Nhật bắt đầu học tiến sĩ, đến nay là năm thứ sáu mình đón Tết xa quê. Cảm giác đón Tết ở một đất nước không phải quê hương mình luôn có những cảm xúc buồn và cô đơn. Mình thường xuyên có những cuộc gọi về nhà, nơi gia đình chia sẻ về không khí Tết, những câu chuyện ngày Tết ở quê hương nên giúp mình cảm thấy đỡ nhớ nhà hơn phần nào.

Phóng viên: 6 năm quả là một khoảng thời gian không hề ngắn. Nhưng tôi tin rằng, dù không ở Việt Nam, những người con xa xứ vẫn luôn tìm cách để giữ gìn hương vị Tết của mình. Vậy với anh, anh thường làm gì để có thể tạo không khí Tết tại Nhật Bản?

Tiến sĩ Nguyễn Anh Hào: Ở Nhật Bản, cộng đồng người Việt Nam khá đông và cá nhân mình cũng có những người bạn Việt Nam hiện đang học tập và làm việc tại đây. Vào những ngày Tết, đặc biệt là đêm Giao thừa mọi người thường tụ tập, nấu những món ăn Việt Nam, rồi quây quần bên nhau, cùng đón khoảnh khắc năm mới.

Trong những ngày đầu năm, đặc biệt là mùng 1 Tết, khi còn ở Việt Nam mình thường cùng gia đình đi chùa, thắp hương và cầu chúc năm mới bình an. Ở bên Nhật, mình vẫn giữ thói quen này. Vào ngày mùng 1, mình thường đến chùa ở Nhật để thắp hương, thỉnh thoảng cũng tìm đến chùa Việt Nam tại Nhật, thực hiện các nghi lễ đầu năm, như bốc quẻ may mắn, cầu mong một năm mới thuận lợi.

Dù đón Tết xa quê, nhưng những khoảnh khắc ấy giúp mình cảm nhận được không khí Tết thân thuộc và duy trì những nét văn hóa truyền thống của người Việt, dù ở bất cứ đâu.

Phóng viên: Thưa anh, chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm thì anh đã hoàn thành chương trình cử nhân, thạc sĩ, sau đó là tiến sĩ và một thời gian ngắn sau đó anh đã trở thành giảng viên tại một trường đại học danh tiếng tại Nhật Bản. Nhưng chắc chắn đó không phải là một hành trình quá dễ dàng. Anh có thể chia sẻ một chút về hành trình tri thức này?

Tiến sĩ Nguyễn Anh Hào: Nhớ lại hành trình mà sang Nhật học tiến sĩ thực sự đó là một khoảng thời gian thách thức đối với bản thân. Vì khi mình bắt đầu sang Nhật học tiến sĩ là thời điểm năm 2019 và sau nửa năm mình sang Nhật thì đại dịch Covid bùng phát. Khối lượng công việc liên quan đến nghiên cứu rất nhiều, thực sự mình cũng rất là stress trong khoảng thời gian đó, nhưng cũng rất may mắn là mình nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của giảng viên tại Nhật cũng như sự ủng hộ của bạn bè, người thân ở Việt Nam. Sau gần 5 năm, mình đã hoàn thành chương trình học tiến sĩ. Một thách thức sau đó là phải tìm kiếm công việc tại Nhật. Công việc tại Nhật liên quan đến ngành giáo dục thực ra rất cạnh tranh và sau một năm cố gắng mình cũng đã tìm được một vị trí tại một trường đại học.

Phóng viên: Khi nhìn vào hành trình học tập của anh Hào từ những ngày đầu tiên tại Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho đến chương trình thạc sĩ tại trường Đại học Việt Nhật và sau đó thì tiến sĩ tại Đại học Quốc lập Yokohama, có thể thấy đó là một hành trình dấn thân. Vậy điều gì đã thôi thúc anh kiên trì theo đuổi con đường học thuật?

Tiến sĩ Nguyễn Anh Hào: Hồi khi mình bắt đầu vào đại học, thực ra mình không nghĩ sẽ theo con đường học thuật. Lúc đầu mình nghĩ học ngành quản trị kinh doanh thì sau này mình sẽ ra làm công ty, làm quản lí, làm sếp. Nhưng trong quá trình học đại học mình nhận ra một điều bản thân mình thích việc chia sẻ tri thức với người khác và những tri thức mình chia sẻ giúp được mọi người giải quyết những vấn đề của họ mình cảm thấy rất vui. Chính động lực đó đã giúp mình tiếp tục con đường học thạc sĩ ngay sau khi kết thúc chương trình học đại học và sau khi học thạc sĩ xong mình đã quyết tâm nộp hồ sơ đi học tiếp tiến sĩ tại Nhật.

Phóng viên: Là một người đã học tập và giảng dạy trong một môi trường giáo dục tiên tiến như Nhật Bản, theo anh điều gì ở giáo dục và tri thức có thể giúp Việt Nam phát triển nhanh chóng hơn trong thời gian tới?

Tiến sĩ Nguyễn Anh Hào: Nhìn từ những bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản, mình nghĩ là con người với một cái tri thức tiên tiến thì chắc chắn sẽ khiến xã hội trở nên văn minh hơn. Tri thức là một tài sản quan trọng, khi mà con người có tri thức mình có thể sử dụng nhân lực một cách hiệu quả hơn; có thể dùng tri thức để phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Để có thêm những đóng góp cho nền kinh tế của đất nước, mình nghĩ với tri thức và giáo dục chúng ta sẽ đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Phóng viên: Dù đang làm việc tại Nhật Bản, nhưng mà anh vẫn luôn mong muốn có những cơ hội để kết nối với quê hương. Vậy theo anh, làm sao để những người Việt Nam xa xứ sống ở nước ngoài có thể đóng góp cho đất nước và đặc biệt là trong lĩnh vực của anh là lĩnh vực học thuật và nghiên cứu?

Tiến sĩ Nguyễn Anh Hào: Theo ý kiến cá nhân, hiện tại mình đang công tác tại một trường đại học tại Nhật nên mình luôn sẵn sàng với những cơ hội để hỗ trợ các bạn sinh viên tại Việt Nam hoặc là cụ thể hơn là những bạn sinh viên ở Việt Nam mà có thể sang Nhật sang những trường đại học của Nhật để trao đổi ngắn hạn. Mình luôn dành những sự hỗ trợ nhất định cho những bạn đó.

Phóng viên: Vậy trong năm mới 2025, anh có những dự định gì đặc biệt?

Tiến sĩ Nguyễn Anh Hào: Hiện tại mình đang có những cái dự án cộng tác với các bạn sinh viên ở một vài trường đại học tại Việt Nam như Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Kinh tế quốc dân. Trong năm 2025, mình mong muốn về Việt Nam nhiều hơn để trao đổi sâu hơn với các bạn sinh viên và công bố những dự án đó ở trong hội thảo quốc tế hoặc tạp chí khoa học quốc tế. Một dự định cá nhân là 6 năm rồi mình không được về nhà để đón Tết Nguyên đán cùng gia đình, nên năm sau mình quyết định là mình sẽ có kế hoạch về để dành trọn vẹn ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 bên gia đình thân yêu của mình.

Phóng viên: Một lần nữa xin được chúc Tiến sĩ Nguyễn Anh Hào một năm mới bình an, sức khỏe và tiếp tục thành công trên con đường nghiên cứu và giảng dạy.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
User
Ý KIẾN

Hùng rơi vào một cái bẫy không lường trước do Hoạch - người từng mang ơn anh sắp đặt. Cảm giác căm phẫn và thù hận dâng lên, Hùng quyết định đi tìm Hoạch để trả thù. Sau một thời gian điều tra, anh và Thư lần ra tung tích Hoạch tại một ngôi nhà trong ngõ vắng bên kia sông.

"Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh" - tiết Thanh minh nhắc nhở người Việt Nam ta hướng về cội nguồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Thành phố Hà Nội đã quyết định lắp đặt thêm 3.700 camera AI. Đây chính là một bước đi quan trọng trong lộ trình xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh.

Hùng cầm đầu một nhóm người chuyên lừa bịp và trấn cướp trên chiếu bạc và Thư là đồng đội thân cận của gã. Tuy nhiên, Thư lo ngại rằng nếu tiếp tục họ sẽ không còn đường quay lại, mất đi nhân tính. Câu nói này khiến Hùng Karo quyết định đẩy nhanh kế hoạch để sớm kết thúc phi vụ.

Vào những ngày giữa tháng Ba, mùa xuân ấm áp khẽ khàng làm sáng bừng sắc đỏ rực rỡ của hoa gạo ở ven sông. Ở một nơi xa, có một người con lại thao thức nhớ sắc hoa gạo quê nhà.

UBND Thành phố Hà Nội đã có quyết định giao hơn 70.500 m² đất cho quận Long Biên để thực hiện dự án xây dựng công viên, hồ nước, mở ra một không gian xanh cho người dân khu vực.