Giữ gìn nghề đậu bạc Định Công

Trong hàng trăm nghề ở đất Thăng Long có 4 nghề tinh hoa nổi tiếng đã được khẳng định qua câu ca "Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã".

Nghề đậu vàng Định Công đã có những thời kỳ phát triển rực rỡ nhưng cũng có lúc thăng trầm và mai một. Hiện nay, nghề đậu bạc tại làng Định Công vẫn đang được gìn giữ bởi tâm huyết của dòng họ Quách. 

Làng Định Công nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, là một trong 3 làng nghề kim hoàn của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Không giống với những làng nghề kim hoàn khác, nghề đậu bạc Định Công có kỹ thuật đạt đến độ tinh xảo. Các sản phẩm với những hoa văn, họa tiết trang trí rất tỉ mỉ, thể hiện tính kiên trì, sự thông minh, khéo léo và sáng tạo của những người thợ đậu bạc Định Công.

Toàn bộ sản phẩm đậu bạc của Định Công gần như là độc bản. Có thể vẫn cùng một bản thiết kế, tuy nhiên, qua tay từng người thợ, sẽ vẫn có những nét riêng trong từng sản phẩm và không một sản phẩm nào giống sản phẩm nào tuyệt đối.

Mỗi tác phẩm đều đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề cao. (Ảnh: Lê Bích)

Trong kỹ thuật đậu bạc đòi hỏi người làm phải có kỹ năng, tay nghề cao. Người làm nghề phải nắm chắc kỹ thuật cơ bản là trơn, đấu, chạm, đậu. Mỗi sản phẩm đậu bạc đạt yêu cầu phải đậu đều tay, không đọng vảy và các chi tiết hài hòa, cân xứng với nhau.

Kỹ thuật trơn là làm những đồ vàng bạc không cần chạm trổ mà chỉ cườm cho nhẵn, bóng, kết hợp gò sao cho hình khối đúng tiêu chuẩn. Đấu là lắp ráp các chi tiết hài hòa, cân đối. Chạm là khắc hình vẽ, hoa văn, hoạ tiết lên mặt vàng, bạc. Đậu là kéo bạc đã nung chảy thành sợi nhỏ, sau đó se thành sợi mảnh để tạo những họa tiết, hoa văn gắn vào đồ trang sức.

Trong các kỹ thuật trơn, đấu, chạm, đậu, kỹ thuật đậu bạc được coi là công phu nhất, đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ và có bàn tay thật sự khéo léo.

"Từ cục bạc nguyên chất mình sẽ nấu thành một thanh bạc trong khoảng 4 - 5 phút. Từ thanh bạc to mình sẽ đưa qua máy cán cho nó nhỏ dần. Máy cán cán những sợi bạc nhỏ hơn. Nó rất nóng, mình sẽ phải làm nguội trước khi đưa vào máy cán. Để kéo được bạc không bị đứt sợi chỉ thì mình sẽ phải biết cách ra chỉ. Mình sẽ kéo qua từng lỗ một. Khi còn to thì sẽ không bị rối. Tuy nhiên càng nhỏ dần thì rất dễ bị xoắn các vòng lại với nhau, nên trong quá trình kéo này phải rất cẩn thận, tránh để bị đứt", anh Tuấn Anh, một trong những người thợ đậu bạc cuối cùng của làng Định Công, chia sẻ.

Một sản phẩm đậu bạc từ xưởng của nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh. (Ảnh: Lao động Thủ đô)

Nghề đậu bạc ở làng Định Công có từ thế kỷ thứ 7, do 3 ông tổ nghề là Trần Điền - Trần Điện - Trần Hòa truyền lại cho dân làng. Với niềm đam mê và đức tính cần cù, chịu khó, họ đã học được nghề làm vàng bạc và mở cửa hàng lấy tên là "kim hoàn". Những sản phẩm vàng bạc do ba anh em làm ra đều rất tinh xảo với những hoa văn, họa tiết trang trí rất tỉ mỉ, nức tiếng gần xa.

Sau này, cả ba anh em đã dạy lại nghề cho dân làng Định Công và truyền thống làm vàng bạc ở Định Công được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Để ghi nhớ công ơn, dân làng Định Công đã lập đền thờ ba anh em họ Trần và vào ngày 12/2 âm lịch hàng năm tổ chức lễ hội tri ân ba vị tổ nghề rất trang trọng.

Theo sách sử, nghề đậu bạc làng Định Công đã có khoảng 1500 năm. Sản phẩm đậu bạc của Định Công nức danh khắp đất kinh kỳ xưa và nhiều nghệ nhân được vời vào kinh thành làm đồ trang sức cho triều đình.

Cuộc sống hiện đại đang khiến nhiều làng nghề của Hà Nội, nhất là các làng nghề truyền thống gặp nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ mai một. Làm gì để bảo tồn, phát triển làng nghề đậu bạc Định Công, giữ mạch nguồn văn hóa trong dòng chảy hàng nghìn năm là điều mà nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh luôn trăn trở.

Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh. (Ảnh: Lao động Thủ đô)

Anh Tuấn Anh cho biết: "Mình mong muốn là nhiều người làm nghề hơn nữa để giới thiệu được sản phẩm đậu bạc của Định Công ngày một rộng hơn, để vừa xây dựng hình ảnh của làng nghề truyền thống Định Công mà vừa  tạo ra công ăn việc làm cho những bạn có nhu cầu".

Nghệ nhân làng đậu bạc Định Công nói chung và nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh đã và đang kế thừa nghề truyền thống, đồng thời cho ra mắt nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội trong suốt dặm dài lịch sử không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, mà còn nổi tiếng là "đất trăm nghề". Sự tồn tại của các làng nghề không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 17/11, với nhiều hoạt động sáng tạo tại các không gian di sản văn hóa và làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nghề làm giấy sắc phong không chỉ là nghề truyền thống của dòng họ Lại ở phường Nghĩa Đô mà đã vượt ra khỏi khuôn khổ gia đình, dòng họ, trở thành nét văn hoá của dân tộc Việt Nam một thuở.

Tại Không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ, UBND quận Tây Hồ phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động vui trung thu ý nghĩa cho trẻ em trong khuôn khổ chương trình “Đêm hội Trăng rằm và xúc tiến thương mại gắn kết du lịch và văn hóa địa phương”.

Bao đời nay, đồ chơi Trung thu truyền thống được nhiều thế hệ thợ thủ công, nghệ nhân gìn giữ, tiếp nối, đó là những món đồ chơi giản dị nhưng chứa đựng nhiều giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

Chùa Tảo Sách hay còn gọi là Tào Sách có tên chữ là Linh Sơn tự. Chùa tọa lạc ở số 386 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội; là một trong số ít những ngôi cổ tự ở Hà Nội vừa giữ được vẻ cổ kính, trang nghiêm không gian Phật đài.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là một trong những tác giả được vinh danh tại giải thưởng Văn học Điền Trì do Tạp chí Văn học Điền Trì (Trung Quốc) tổ chức.