Khúc củi nói lời tình yêu

Tục lệ “củi hứa hôn” được người Xơ Đăng truyền từ đời này sang đời khác. Từ bao đời nay, chưa thấy chàng trai nào đem bán hoặc đổi củi hứa hôn. Và khi được tình yêu đôi lứa “chạm” vào, vật bình thường cũng trở nên có giá, nhiều khi vô giá.

Nếu cứ quẩn quanh Hà Nội, hẳn chúng ta sẽ nghĩ cứ đám cưới là tráp nọ tháp kia dẫn lễ. Nhưng hóa ra cuộc đời phong phú và tinh tế hơn nhiều. Một lần đi ngang qua làng của người Xơ Đăng, Giẻ Triêng trên đường Hồ Chí Minh, tôi bắt gặp những bó củi chồng trước hiên nhà, tạo hình như những đóa hoa.

Mỗi dân tộc có một cách tỏ tình khác nhau và cũng có cách “đặt vấn đề hôn nhân” khác nhau. Nhưng cách tỏ tình, đồng thời “đặt vấn đề” hôn nhân của người Xơ Đăng, Giẻ Triêng là một sự lạ. Người Xơ Đăng, Giẻ Triêng sống tập trung ở vùng bắc Tây Nguyên, đời sống còn mang nhiều dấu ấn của một thời mẫu hệ với đặc điểm người phụ nữ nắm quyền định đoạt những vấn đề quan trọng, trong đó có tình yêu, hôn nhân.

Sống cùng làng cùng buôn, cùng uống nước một con suối cùng đi chung một đoạn đường, con gái con trai mến nhau, thương nhau. Đêm đêm, người con gái ngồi bên bờ suối, thổi nỗi lòng mình vào tiếng đàn K'lông Pút gửi đến chàng trai mà mình đem lòng thương thầm nhớ trộm. Bằng linh cảm thần diệu, người con trai làng nhận ra tín hiệu tình yêu và cũng đáp lại bằng tiếng đàn K’lông Pút. Như vậy là họ đã qua bước ướm lòng nhau.

Ngoài công việc hàng ngày, người con gái Xơ Đăng không quên trèo đồi lội suối, tìm đến những khu rừng có nhiều cây gỗ lon cô sa, người Kinh gọi là cây gỗ dẻ, lựa những cây vừa ý chặt thành đoạn đem về. Cái sự chặt, chẻ này mới công phu, một cây củi phải dài vừa phải, khoảng từ nửa mét hoặc dài hơn chút, lóng củi phải suôn sẻ. Đặc biệt, một đầu khúc củi phải được chặt phẳng như cưa; mặt kia phải được chặt vát thành ba mặt phẳng. Theo người xưa truyền lại, ba mặt phẳng chính là tượng trưng cho vợ - chồng - con cái quấn quýt bên nhau. Người già cũng dạy phải tìm được cây gỗ lon cô sa, vì đó là cây gỗ vươn thẳng, thớ dọc, mùi thơm. Và ngày tháng qua, đống củi cứ cao dần như tình yêu mỗi ngày thêm tròn đầy. Dân làng nhìn vào đống củi, biết cô gái của làng đã tìm được người thương mến; biết một ngày kia dân làng sẽ được dự cuộc vui.

Bó củi tình yêu của người Xơ Đăng. Ảnh: Baodansinh

Rồi cuộc vui cũng đến. Là một ngày đẹp trời, tiếng chim hót trong hơn, dòng suối chảy êm đềm hơn và má cô gái Xơ Đăng hừng đỏ hơn. Cô cùng các cô gái đồng lứa thân tình, xếp những bó củi tình yêu vào từng chiếc gùi, gùi sang nhà chàng trai mà mình yêu thương. Nhà trai đón nhận những bó củi như đón nhận lễ vật một cuộc dạm hỏi như lễ vật hứa hôn mang nhiều ý nghĩa. Chàng trai nhận củi và tặng cô gái bộ váy áo và chiếc gùi xinh xinh do chính tay chàng chuốt từng sợi giang sợi mây kết nối.

Sau lễ trao củi này, chuyện yêu đương giữa cô gái và chàng trai coi như đã công khai, coi như dân làng đã biết. Cô gái năng đến với chàng trai hơn, chàng trai cũng không bỏ lỡ cơ hội để cùng đi rẫy tuốt lúa, xuống suối bắt cá, vào rừng hái rau với người yêu. Cho đến khi lễ cưới diễn ra, họ thành vợ thành chồng.

Nhiều người tự hỏi, vì đâu tục lệ củi hứa hôn kỳ lạ này lại được người Xơ Đăng truyền từ đời này sang đời khác? Phải chăng tục lệ này phản ánh quá trình sinh sống gắn bó với cây rừng của người Xơ Đăng, hay là quá trình cô gái chọn cây rừng tạo củi là quá trình tự khẳng định độ chín về nhân cách cũng như tình yêu của cô? Củi hứa hôn không còn là thứ củi thông thường nữa. Từ bao đời nay, chưa thấy chàng trai nào đem bán hoặc đổi củi hứa hôn. Vậy là khi được tình yêu đôi lứa “chạm” vào, vật bình thường cũng trở nên có giá, nhiều khi vô giá.

Sống cùng địa bàn bắc Tây Nguyên, người Giẻ Triêng cũng có tục lệ củi hứa hôn, nhưng không “nghệ thuật hoá” cây củi như người Xê Đăng. Cây củi hứa hôn của người Giẻ Triêng chỉ cần chặt bằng hai đầu; không nhất thiết phải là từ cây gỗ lon cô sa và không nhất thiết do người con gái kiếm tìm tích cóp, mà dân làng có thể giúp sức ngay trong ngày cận kề lễ dạm hỏi.

Thời gian không dừng lại. Đối với người Xơ Đăng, Giẻ Triêng, cũng như nhiều dân tộc sống ở Tây Nguyên khác, bao sự thay đổi đã diễn ra, làm phai dần những tục lệ một thời của chế độ mẫu hệ. Tục “củi hứa hôn” cũng không cưỡng lại được sự tàn phá của thời gian. Nhưng rải rác trên địa bàn Kon Tum, nơi có người Xơ Đăng, Giẻ Triêng sinh sống, vẫn còn các cô gái ngày ngày vào rừng tìm cây lon cô sa, chờ đợi một ngày kia tình yêu sẽ tròn đầy./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Dường như hầu hết ở các làng quê Việt bây giờ, cùng với những thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thì cổng làng gắn với tên làng đã tạo nên nét riêng dáng dấp của một làng lưu dấu trong tâm khảm mỗi người. Những tên gọi của làng thường hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa nhân văn sâu xa, mang cả ước vọng khát khao của cha ông một thuở lập làng với sự bình an, ấm no đầy đủ. Vì thế, danh xưng những tên làng cứ lưu mãi qua từng thế hệ…

Hà Nội đón tôi đương vào khoảnh khắc giao mùa. Gánh hoa loa kèn trắng tinh khôi tỏa mùi hương dịu nhẹ giao hòa trong làn gió nhè nhẹ khiến tâm hồn đa cảm thêm khắc khoải giao cảm với đời, để mênh mang thương nhớ hương vị cà phê Giảng - thức uống trở thành một phần thân thương, một phần văn hóa của Hà Nội phố.

Mẹ tôi không nghiện trầu cau nhưng mẹ vẫn trồng một giàn trầu xanh mơn mởn. Mẹ bảo nhà có giàn trầu mới ấm áp. Nhưng tôi hiểu mẹ đã gửi gắm vào đó biết bao nhiêu ân tình và cả nỗi nhớ về ngoại khôn nguôi.

Sống nhẩn nha giữa đời vội vã có thể chưa từng dễ dàng với chúng ta. Nhưng khi bước đi dưới những tán lá xanh xào xạc theo con gió, dưới bầu trời một màu ngăn ngắt xa xôi, tôi cảm giác hồn mình như cánh bồ công anh mảnh khảnh tự do bay mãi, chẳng nghĩ ngợi gì. Có những ngày như thế, những khoảnh khắc như thế. Chỉ cần im lặng hít thở thôi cũng đủ hạnh phúc.

Hà Nội với tôi là những thương nhớ đầu tiên từ hồi tôi đi thi đại học. Hà Nội đã lấy đi của tôi bao nhiêu nước mắt và còn là giấc mơ mà tôi chẳng thể chạm vào. Hà Nội là nhưng kỷ niệm của tôi khi biết người thương nhập viện, là khoảnh khắc thót tim khi đưa con ra cấp cứu viện nhi, là khoảnh khắc cháy lòng khi cha bệnh trọng. Và là khoảnh khắc đi chơi về muộn, thấy những người dân lầm lũi ngủ ngon lành nơi gầm cầu, trong lòng cống...

Trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đất nước ta đã sản sinh ra những thế hệ thanh niên đại diện cho mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Như thế hệ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; thế hệ một thời hoa đỏ 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'; thế hệ 'sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử' trong chiến tranh bảo vệ biên giới...