Miền hoa ban trắng vùng cao

Không hồng dịu như đào phai hay mộc mạc như tam giác mạch, không rực rỡ như đỗ quyên cũng không vàng tươi như dã quỳ phố núi. Có một loài hoa nở trắng núi trắng rừng mỗi độ tháng Ba về đó là hoa ban. Ban trắng là linh hồn của Tây Bắc. Hoa ban đã đi vào đời sống văn hóa - tâm linh bao đời nay của người dân nơi đây, nhất là cộng đồng người Thái.

Chiều nay, mời bạn cùng Hường và Lê Minh về với vùng cao Tây Bắc ngắm hoa ban.

Khi hoa ban nở, gần như cả Tây Bắc chìm trong sắc trắng miên man, các thảm hoa lô xô trên đỉnh núi nối dài, chảy từ sườn núi này qua trảng đồi khác. Tất cả đều mang một màu trắng sáng tinh khôi đến nao lòng. Ban sà từ trên núi soi dáng mình nơi thung lũng ăm ắp nước đầy, ban hút hồn lữ khách. Ngày hoa ban nở cũng là lúc người vùng cao bắt đầu vụ mùa tươi tốt cho các thửa ruộng của mình. Tôi nhớ Tây Bắc với những cung đường quanh co hết dốc lại đến đèo, có những đoạn khúc khuỷu, gập ghềnh. Có cả những đoạn chạy thẳng rồi bất ngờ như ngút lên trời xanh.

Hoa ban nở trắng một vùng. Ảnh: Ngọc Thành

Tháng Ba, hoa ban thổi hồn vào gió, gửi sắc vào không gian, gửi ấm nồng dịu ngọt của mình vào trời đất. Bỗng nhiên tôi thấy mình thật hạnh phúc giữa đất trời Tây Bắc tràn một sắc hoa ban. Loài hoa trắng núi trắng rừng nở khắp lưng núi ven đồi, tỏa hương gọi mời vừa dịu dàng vừa thuần khiết. Giữa bao la lộc biếc, chồi non nơi đại ngàn, ban khoe từng chùm trắng như bông, xốp tựa mây, bồng bềnh trôi trong không gian, chảy tràn xuống thung lũng…Hoa ban Tây Bắc lặng lẽ nở, lặng lẽ dâng hiến trong đời thực, trong thi ca.

Lên Tây Bắc đến Điện Biên, ghé Mường Then, thăm Mường Trời, tôi như được hòa vào trong sắc trắng bừng ngàn ngạt của hoa ban. Bắt gặp đâu đó nơi lưng chừng núi, lưng chừng đèo thấp thoáng chiếc khăn piêu cùng lấp lánh dải cúc bạc trong bạt ngàn hoa ban.

Từ khi sinh ra người con gái Thái đã thấy cội ban, lớn lên được người mình yêu tặng nhánh ban làm kỷ vật hẹn ước thủy chung. Đến ngày cưới, hoa ban cài mái tóc. Những món ăn đãi khách từ hoa, từ lá non loài hoa núi cũng nhẹ nhàng tinh tế như tình người Tây Bắc. Người con gái Thái nâng niu mái tóc của mình, dưỡng tóc từ thời thiếu nữ đến khi lấy chồng, họ thường ủ tóc với nước vo gạo và gội đầu bằng nước lá chanh, lá sả. Chiếc khăn piêu, trâm bạc và hoa ban cài tóc đã tôn vinh nét đẹp của những cô gái vùng cao, giúp các cô giữ được bản sắc rất riêng. Khăn piêu như hoàn hảo hơn khi có thêm sắc trắng của hoa ban.

Ảnh minh họa

Trong tiếng suối tiếng rừng, tôi như nghe lời thì thầm huyền thoại về loài chim lông vàng lẻ bầy suốt đời suốt kiếp đi tìm người yêu Ô Quy Hồ và thủ thỉ bên tai về sự tích loài hoa ban. Đó là câu chuyện tình yêu của nàng Ban và chàng Khum. Người Tây Bắc có một tình yêu nồng thắm với loài hoa ban có lẽ cũng bắt đầu từ câu chuyện này. Những cánh trắng mỏng manh mà bền bỉ như chắt chiu từ khí trời, từ nguồn năng lượng khoáng đạt đá núi của đại ngàn. Tôi nhìn thấy trong hoa ban hình ảnh của mảnh đất vùng cao Tây Bắc, thấp thoáng bóng hình người con gái Thái chịu thương chịu khó, gùi mây dưới cành ban trắng bình yên.

Tôi nhớ mùa hoa ban nở cũng là bắt đầu mùa lễ hội lớn nhất trong năm của người Thái. Đó là sên bản, sên mường - cúng bản, cúng mường, cầu mưa nắng thuận hòa, cầu mọi điều tốt đẹp cho bản Mường. Loài hoa ban mỏng manh ấy lại mang trong mình huyền thoại về tình yêu, tình vợ chồng và còn là biểu tượng cho đạo hiếu của con cái với đấng sinh thành. Mùa ban, những đôi trai gái tìm gặp nhau bày tỏ tình cảm, cùng tính chuyện trăm năm.

Mùa ban là mùa yêu, mùa ấm áp, mùa đoàn viên. Ảnh: Vnexpress

Những người già miền ban trắng trải lòng, từ khi sinh ra và lớn lên, người dân đã gắn đời mình với cội hoa ban. Khi những cánh ban bung nở cũng là lúc người Tây Bắc chuẩn bị cho vụ gieo trồng trên nương. Người dân nơi đây dựa vào thiên nhiên quan sát những thay đổi của các loài cây, đặc biệt là sự thay đổi của cây ban để biết được khoảng thời gian gieo trồng mùa vụ. Đến Tây Bắc, tôi được cảm nhận từng hơi thở về loài ban trong truyền thuyết, qua cuộc sống của người dân thấy được dòng chảy lịch sử văn hóa của dân tộc qua thăng trầm thế sự. Khi mùa hoa ban khép lại, cũng chính là lúc đất trời Tây Bắc chào đón những cơn mưa đầu mùa. Mùa nối mùa rồi mùa ban sẽ trở lại./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.

Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.

Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.

Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.

Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....

Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?