Mồ hôi cha tưới những mầm cây

Chiều đông, có một người con gái nơi Hà Nội thấp thỏm lo cho cha mình. Ở quê xa ấy, cha sẽ một mình trong khu vườn, giữa căm căm gió bấc.

Chiều nay, Hường mời bạn nghe Xuân Chinh bộc bạch về cha trong nỗi niềm thương nhớ của đứa con xa.

Một người nông dân thực thụ. Đó là những gì người ở làng hay nói về ba tôi. Từ sáng tinh mơ tới tối mù trời, không lúc nào thấy ba tôi ngơi tay. Nắng, làm tất bật đã đành, ông trời đổ mưa thì ba vẫn có việc để làm. Nghề nông chọn người, người chọn nghề nông. Không làm bứt rứt tay chân - ba tôi hay đùa vậy mỗi khi tôi khuyên ba nên dành ra buổi nghỉ ngơi trong tuần.

Nhà tôi ở cuối làng, vườn rộng rãi như bao nhà trong xóm. Nhưng giờ các cô chú trong xóm bỏ ruộng vườn đi làm công ty gốm, nếu không thì cũng đi làm than. Đó là những nghề nhanh có đồng tiền nhất ở địa phương tôi. Đi làm công nhân có phong trào, giàu nhanh cũng thành phong trào. Hồi nhỏ tôi thắc mắc sao ba không kiếm nhiều tiền như các cô chú. Hồi ấy cũng còn quá nhỏ để tôi có thể nhớ và hiểu ba tôi giảng giải những gì. Chỉ biết giờ trí nhớ của tôi chỉ còn đọng lại cái xoa đầu trìu mến và nụ cười hiền của ba. Từ đó tới giờ tôi không hỏi ba thêm lần nào nữa.

Mùa nào thức nấy, ruộng đất, vườn tược nhà tôi cần mẫn nuôi những mầm cây lớn lên, hoa thơm đơm, quả ngọt kết. Ngoài giờ học, tôi lăng xăng khắp vườn tập tành chăm chút đây hạt giống cam mới, kia cành hoa hồng xinh - những sự sống nhỏ bé nhưng là sự đầu tư to lớn tâm huyết của tôi. Nhìn mầm cam đội đất nhú lên, những cánh hoa hồng đựng sương hứng nắng, tôi phần nào hiểu được nguồn động lực để ba gắn bó với mảnh vườn và cây trái.

Nắng hè như thiêu như đốt, ba dường như không quan tâm đến mồ hôi ướt đầm tấm áo, nhễ nhại khuôn mặt. Từng giọt, từng giọt nhỏ xuống những luống đất ba xới. Mồ hôi mặn. Ba bảo ăn cơm, thức ăn ngon đến đâu cũng không thể thiếu vị mặn của muối. Làm việc gì cũng vậy, không nếm trải vị mặn của mồ hôi thì không có tâm với nghề. Những hôm mưa, tôi mong sao ba có thể ngồi xem ti vi hay thưởng trà vãn cảnh, cho tâm trạng hợp thời tiết như nhiều chú bác vẫn thường. Nhưng không, ba bảo người không làm việc, chứ việc không chờ người. Ba đội nón, khoác áo mưa, xắn quần, vác cuốc ra vườn khơi nước trong vườn chảy đổ ra suối. Cây trái khát nước thì héo mà ứ nước cũng úng. Người ta sống cũng vậy, phải giữ tâm thế và mọi sự ở trạng thái cân bằng thì mới thoải mái được. Ba hay bảo tôi vậy. Có lúc tôi thầm nghĩ ba như một triết gia. Nếu ngày xưa ba không theo nghề nông mà đi làm một triết gia, thì giờ có lẽ ba cũng đã thành công ở lĩnh vực đó.

Vun xong hết loạt mấy sào na bở, ba lên Hà Nội thăm con gái. Phố xá đông đúc làm ba ngỡ ngàng. Ba tay xách nách mang đủ thứ quà quê. Căn phòng trọ chật chội làm ba đổ mồ hôi. Ba tựa lan can ngoài ban công, nhìn ra những xa xa là đua nhau nhà cao tầng, chung cư. Mắt ba nói ba nhớ về vườn quê yên ả. Trái cây vườn nhà, ba gửi lên cho con gái, tôi nếm như thấy có cả vị mặn của mồ hôi. Các bạn cùng phòng tôi ăn chỉ toàn thấy ngọt lịm. Các bạn ấy chưa đến ngắm khu vườn nhà tôi, chưa được thấy mồ hôi ba tôi đổ xuống cho từng mầm cây, bông hoa, chiếc lá trong vườn.

Đông về, ở nơi Hà Nội, tôi thấp thỏm lo mùa đông này ba làm ngoài vườn một mình, không ai trò chuyện, không ai nhắc ba mặc ấm, nhắc ba giờ về ăn tối. Tôi sợ mồ hôi ba đổ ngay cả vào những ngày gió đông, dù tôi biết ba chẳng ngại đâu./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Dường như hầu hết ở các làng quê Việt bây giờ, cùng với những thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thì cổng làng gắn với tên làng đã tạo nên nét riêng dáng dấp của một làng lưu dấu trong tâm khảm mỗi người. Những tên gọi của làng thường hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa nhân văn sâu xa, mang cả ước vọng khát khao của cha ông một thuở lập làng với sự bình an, ấm no đầy đủ. Vì thế, danh xưng những tên làng cứ lưu mãi qua từng thế hệ…

Hà Nội đón tôi đương vào khoảnh khắc giao mùa. Gánh hoa loa kèn trắng tinh khôi tỏa mùi hương dịu nhẹ giao hòa trong làn gió nhè nhẹ khiến tâm hồn đa cảm thêm khắc khoải giao cảm với đời, để mênh mang thương nhớ hương vị cà phê Giảng - thức uống trở thành một phần thân thương, một phần văn hóa của Hà Nội phố.

Mẹ tôi không nghiện trầu cau nhưng mẹ vẫn trồng một giàn trầu xanh mơn mởn. Mẹ bảo nhà có giàn trầu mới ấm áp. Nhưng tôi hiểu mẹ đã gửi gắm vào đó biết bao nhiêu ân tình và cả nỗi nhớ về ngoại khôn nguôi.

Sống nhẩn nha giữa đời vội vã có thể chưa từng dễ dàng với chúng ta. Nhưng khi bước đi dưới những tán lá xanh xào xạc theo con gió, dưới bầu trời một màu ngăn ngắt xa xôi, tôi cảm giác hồn mình như cánh bồ công anh mảnh khảnh tự do bay mãi, chẳng nghĩ ngợi gì. Có những ngày như thế, những khoảnh khắc như thế. Chỉ cần im lặng hít thở thôi cũng đủ hạnh phúc.

Hà Nội với tôi là những thương nhớ đầu tiên từ hồi tôi đi thi đại học. Hà Nội đã lấy đi của tôi bao nhiêu nước mắt và còn là giấc mơ mà tôi chẳng thể chạm vào. Hà Nội là nhưng kỷ niệm của tôi khi biết người thương nhập viện, là khoảnh khắc thót tim khi đưa con ra cấp cứu viện nhi, là khoảnh khắc cháy lòng khi cha bệnh trọng. Và là khoảnh khắc đi chơi về muộn, thấy những người dân lầm lũi ngủ ngon lành nơi gầm cầu, trong lòng cống...

Trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đất nước ta đã sản sinh ra những thế hệ thanh niên đại diện cho mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Như thế hệ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; thế hệ một thời hoa đỏ 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'; thế hệ 'sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử' trong chiến tranh bảo vệ biên giới...