Tháng 7 khai thác tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội | Hà Nội tin mỗi chiều
Vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội từ tháng 7
Tuyến Metro Nhổn – ga Hà Nội dài 12,5 km với 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm, qua 6 quận gồm: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm. Dự án khởi công năm 2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2016, nhưng sau nhiều lần lùi tiến độ mốc hoàn thành mới toàn tuyến là năm 2027, đoạn trên cao tháng 7/2024 vận hành thương mại. Hiện tiến độ tổng thể toàn tuyến đạt khoảng 78%, trong đó đoạn trên cao gần 100% và đoạn ngầm 37%.
Hình thành mạng lưới đường sắt đô thị được xem là một trong những trọng tâm ưu tiên trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của các thành phố lớn. Trong đó, Hà Nội đã quy hoạch 10 tuyến đường sắt đô thị với mục tiêu tăng cường kết nối, giảm ùn tắc giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù vậy cần nhìn nhận thực tế, tốc độ mở rộng của mạng lưới đường sắt đô thị ở Hà Nội vẫn còn chậm, chưa gánh vác được vai trò chủ đạo của vận tải công cộng. Trong khi đó, dân số Thủ đô không ngừng gia tăng, áp lực lên hạ tầng giao thông hiện hữu ngày càng lớn, tình trạng ùn tắc giao thông còn diễn biến phức tạp. Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội đang nghiên cứu áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Theo đó sẽ lấy giao thông công cộng làm trung tâm, tăng khả năng tiếp cận và sự thuận tiện cho người dân khi đến các điểm trung chuyển, ga đường sắt đô thị. Ưu tiên khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng sẽ giúp giảm dần nhu cầu đi xe cá nhân, hướng tiến xây dựng đô thị văn minh, thân thiện và phát triển bền vững.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cũng cho rằng, mô hình TOD chính là lời giải “bài toán” khó cho giao thông đô thị hiện nay. Phát triển đô thị theo mô hình TOD lấy đầu mối giao thông công cộng (thường là các nhà ga đường sắt) để tích hợp các chức năng sử dụng khác như khu nhà ở, văn phòng, tài chính, thương mại vào bên trong nhà ga và khu vực chung quanh nhà ga trong phạm vi bán kính tối đa 800-1.000m (tương đương với 10-15 phút để người dân đi bộ đến nhà ga).
Muốn hiện thực hóa mục tiêu hình thành mạng lưới đường sắt đô thị rộng khắp, theo ý kiến chuyên gia giải pháp quan trọng là thu hút nguồn lực và ưu tiên hàng đầu về quy hoạch. Tiến sĩ Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật Vietthink nhìn nhận, quy hoạch là linh hồn của đô thị. Quy hoạch tốt không chỉ giúp đô thị văn minh hiện đại, trật tự mà còn mở ra không gian phát triển tạo tiền đề thu hút nguồn lực. Trong phát triển TOD cần lưu ý tới vấn đề quy hoạch đồng bộ của các dự án thành phần, các không gian liên quan và quá trình triển khai cũng cần thực hiện đồng bộ.
Theo PGS, TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường đại học Việt Đức), muốn khai thác TOD hiệu quả thì quy trình thu hồi đất, cơ chế bồi thường cũng phải thay đổi. Chính phủ nên cho các thành phố áp dụng cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng, theo nguyên tắc giá đền bù phải đúng với giá thị trường. Vừa qua, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thí điểm triển khai tuyến đường sắt đô thị số 5 từ Văn Cao đến Hòa Lạc theo mô hình TOD. Thành phố có thể áp dụng mô hình TOD để xây dựng cơ chế đặc thù thực hiện đấu giá quyền sử dụng các quỹ đất, ô đất để tạo nguồn thu ngân sách thực hiện dự án.
Hệ thống đê điều ở Hà Nội sẽ chịu tải như thế nào trong “cuộc chiến” với mưa lũ?
Theo Chi cục Thuỷ lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội, trong năm 2023 trên địa bàn TP đã phát sinh 20 sự cố về đê điều. Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội tiếp tục ghi nhận hai sự cố đê điều. Cụ thể, hai vị trí sạt lở bờ sông Cà Lồ tại huyện Đông Anh và vụ sạt lở bờ bãi giữa sông Hồng thuộc địa bàn xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín). Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn trên hệ thống đê điều dọc các tuyến sông chảy qua địa bàn TP Hà Nội thường xuyên gặp sự cố do thiên tai. Dù các sự cố được phát hiện báo cáo, đề xuất xử lý kịp thời và chưa để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng điều này cho thấy nguy cơ lũ lụt là không thể chủ quan.
Theo ông Võ Văn Hoà - Giám đốc Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ cho biết, sẽ có khả năng xuất hiện 3 - 5 đợt lũ trong năm nay trên hệ thống sông của Hà Nội. Đỉnh lũ năm các sông phổ biến thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm và cao hơn đỉnh lũ năm 2023. Nguy cơ lũ lên trên các sông thuộc Hà Nội được nhận định sẽ còn phức tạp trong những tháng tới.
Đề cập về vấn đề hệ thống đê ở khu vực miền Bắc, đặc biệt là hệ thống đê thuộc lưu vực sông Hồng, ông Trần Công Tuyên - Trưởng phòng Quản lý đê điều (Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỏ ra băn khoăn cho rằng, dù những năm gần đây chúng ta đã đầu tư nâng cấp các tuyến đê nhưng hiện còn khoảng 274km đê ở khu vực này thuộc loại xung yếu, chưa đủ cao trình chống lũ phổ biến từ 20-30cm. Thậm chí có nơi đê chưa đủ cao trình chống lũ tới hàng mét. Tại Hà Nội, gần 38 km đê sông Hồng cấp đặc biệt có nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội, dù đã bảo đảm yêu cầu chống lũ nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro từ các cống bị xuống cấp như: cống Liên Mạc (Bắc Từ Liêm) đã gần 100 năm tuổi, cống Yên Sở...
Đáng lo ngại hiện có khoảng 11.500 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, nhưng đến nay mới xử lý được khoảng 30% số vụ vi phạm. Lý giải điều này, ông Trần Công Tuyên cho rằng, một số vụ vi phạm tồn đọng có nguyên nhân do lịch sử để lại rất khó giải quyết. Tuy nhiên, số vụ vi phạm mới phát sinh còn lại do các cấp chính quyền địa phương chưa thực sự kiên quyết trong công tác xử lý vi phạm dẫn đến tình trạng “nhờn luật”.
Hành vi vi phạm chủ yếu và phổ biến hiện nay là xây dựng công trình nhà ở, nhà xưởng trái phép lấn chiếm bãi sông gây cản trở thoát lũ, không phù hợp với quy định của Luật Đê điều. Thêm vào đó là các hình thức vi phạm như xe quá tải trọng đi trên đê xảy ra phổ biến ở hầu hết các địa phương; tình trạng khai thác cát sỏi trái phép cũng là một nguyên nhân gây sạt lở, đe dọa an toàn đê điều. Việc tập kết nguyên vật liệu trên bãi sông vào mùa lũ cũng gây ra những cản trở đối với hành lang thoát lũ.
Song song với đó, việc hệ thống đê điều lâu ngày không được “thử tải” bởi mưa lũ đã trở thành một nỗi lo hiện hữu với ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, người nhiều năm gắn bó với lĩnh vực quản lý đê điều. Lo lắng của ông Luận là có cơ sở, bởi biến đổi khí hậu khiến thiên tai trong đó có mưa lũ ngày càng bất thường, khó dự báo và để lại hậu quả nặng nề nếu chúng ta chủ quan, mất cảnh giác.
Để kịp thời ứng phó với mọi tình huống thiên tai, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các quận huyện, thị xã tổ chức xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại các xã phường, thị trấn. Thường xuyên kiểm tra, xác định những khu vực nguy hiểm trên địa bàn và xây dựng phương án bảo vệ tính mạng, tài sản, hoạt động sản xuất của nhân dân trước thiên tai có thể xảy ra. Bên cạnh đó, các địa phương cần triển khai thực hiện nghiêm túc phương án cứu trợ đã được UBND TP phê duyệt. Đặc biệt là dự trữ lương thực, thuốc men, cây, con giống, hàng hóa, vật tư thiết yếu để sẵn sàng hỗ trợ đảm bảo đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi thiên tai hay sự cố xảy ra. Người dân cũng cần đề cao cảnh giác, không nên chủ quan trong công tác phòng chống, ứng phó với mưa lũ.
Theo ông Đào Xuân Dũng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, Cấp ủy, chính quyền cơ sở phải xác định nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, sự cố là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng nhất là trong mùa mưa bão.
Hà Nội muốn mời đầu tư 16 dự án nhà ở vốn hơn 117.000 tỷ đồng
Thực tế, nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội là rất lớn, tuy nhiên đến nay thành phố mới chỉ đáp ứng được 9%. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Thời gian qua, mặc dù các bộ ngành đã tập trung triển khai Đề án nhà ở xã hội đạt hiệu quả cao nhất, song theo cơ quan chức năng, việc phát triển nhà ở xã hội còn một số tồn tại và hạn chế. Đó là cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời như trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, quản lý mua - bán, việc thực hiện các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội phải trải qua nhiều bước nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư bị kéo dài. Chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư… Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở đặc biệt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình.
Để khắc phục những tồn tại lâu nay, thực hiện đúng mục tiêu phát triển nhà ở của Hà Nội đến năm 2030, ngoài việc tập trung phát triển đô thị vệ tinh Hà Nội sẽ cân đối nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ các dự án (DA) đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, nhà ở xã hội. Theo danh sách thu hút đầu tư đợt một năm nay, TP Hà Nội có 36 dự án, trong đó có 16 dự án xây dựng khu đô thị mới, nhà ở xã hội với hơn 117 tỷ đồng vốn. Tiến độ thực hiện từ nay đến năm 2033.
Nhà ở xã hội hiện là loại hình chiếm đến 80% nhu cầu của người dân. Tuy nhiên trong thời gian qua, nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó đẩy mạnh thực hiện các dự án nhà ở xã hội là việc làm rất cần thiết, cần vào cuộc mạnh mẽ từ các địa phương.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, để bổ sung thêm quỹ nhà ở xã hội, phục vụ cho những người dân có thu nhập thấp, TP. Hà Nội đang tiếp tục rà soát những quỹ đất, đề xuất phương án xây nhà ở xã hội mới. Đồng thời rà soát điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất đồng bộ với các thiết chế công đoàn phục vụ cho nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp, công nhân và người lao động. Sở Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở ngành liên quan, các quận huyện, thị xã tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho công nhân với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của TP. Hà Nội đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân và người lao động. Bên cạnh đó khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, dự án trên đường Tố Hữu thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm đang được thi công và dự kiến sẽ là một trong 22 dự án Hà Nội đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trước năm 2025.
Tăng tốc xây dựng và phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn hiện nay là việc làm rất cần thiết. Đây là một vấn dề dân sinh, không chỉ bảo đảm an cư cho người dân, cải thiện đời sống cho người dân, góp phần ổn định xã hội mà còn góp phần thúc đẩy đầu tư, tác động tích cực đến phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng. Và còn động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững, toàn diện trên địa bàn Thủ đô Hà Nội./.
- Hà Nội sẽ có hai quận mới | Hà Nội tin mỗi chiều
- Phạt tới 500 triệu nếu để lộ thông tin cá nhân | Hà Nội tin mỗi chiều
- Tỷ lệ chọi lớp 10 công lập ở Hà Nội cao nhất 1/3,1 | Hà Nội tin mỗi chiều
- Bãi giữa sông Hồng sẽ thành công viên văn hóa | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hà Nội mở rộng gấp đôi đường Láng, giải bài toán ùn tắc Ngã Tư Sở | Hà Nội tin mỗi chiều
Đó là một đêm dài với thành phố Hà Nội. Rất nhiều lực lượng cứu hộ, cứu nạn và y tế đã được huy động để nỗ lực dập tắt vụ hoả hoạn xảy ra ở số 258 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm. Trước ngọn lửa dữ, đã có nhiều người không thể thoát thân. Một vụ cháy khiến nhiều người bàng hoàng, đau xót và cả phẫn nộ. Từ sáng sớm tới tận chiều muộn, ở đâu người ta cũng theo dõi tin tức về vụ việc này.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 không chỉ là sân chơi lớn cho các quốc gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng mà còn là cơ hội để Việt Nam ta thể hiện năng lực tổ chức và khẳng định vai trò, sức mạnh quân sự Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Thông tư 47/2024 của Bộ Giao thông Vận tải (có hiệu lực từ 1/1/2025), quy định xe mô tô, xe gắn máy có tuổi đời từ 5 đến 12 năm phải kiểm định khí thải hai năm một lần, xe trên 12 năm tuổi phải kiểm định hàng năm.
Hơn một tháng nữa, Tết đến xuân về. Những trận mưa phùn cuối tuần trước cộng với tiết trời lạnh đặc trưng của mùa đông, mầm xanh trên cành đào bừng tỉnh, báo hiệu người dân đã sẵn sàng cho vụ Tết đang cận kề. Ở những làng hoa ven đô như Tây Tựu, Ngọc Hà từng tốp người chăng đèn sưởi ấm cho hoa để phục vụ nhu cầu chơi Tết của người Hà Nội.
Là một người yêu Hà Nội, hẳn chúng ta luôn thấy hạnh phúc vì những thứ mình đang có và cả những thứ Thành phố này đem lại cho mình. Ở Hà Nội, ta sẽ quen với cảm giác được thức giấc bởi tiếng loa phường thân thuộc chào ngày mới "Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội".
Những ngày vừa qua, dư luận không khỏi hoang mang khi đọc tin về vụ TikToker Phó Đức Nam (biệt danh Mr.Pips) và Lê Khắc Ngọ (biệt danh Mr Hunter) đã trở thành tác giả của một vụ lừa đảo "vô tiền khoáng hậu" tại Việt Nam và có lẽ cũng là hiếm có trên thế giới. Câu hỏi đặt ra liệu đâu đó còn những Mr.Pips tương tự như thế nữa không?
0