Thưởng chén trà đông
Chiều nay, Hường mời bạn cùng thư thái thưởng trà với Thu Thuỷ - một người bạn phương Nam.
Thú tản trà giờ không dành riêng cho các cụ, hay cánh nam giới. Phụ nữ cũng có nhu cầu tận hưởng những hương vị đắng chát, nồng nàn hay dịu dàng qua chén nước nhỏ bé. Phụ nữ cũng dành thời gian tụm năm tụm ba ngồi ngắm mây trời bảng lảng qua thành phố. Tiếng còi xe rền rĩ chẳng làm mùa đông ấm hơn, nó làm cho cái nhíu mày thêm sâu, để hằn thêm một nét suy tư dọc đầu lông mày do thói quen và tuổi tác.
Chiếc áo khoác mỏng vừa đủ cản tiết trời hơi lành lạnh, lại muốn minh chứng thứ thời trang không chạy theo xu hướng mà yêu nét hoài cổ xa xăm của chủ nhân. Bài hát xưa lạc lõng với mùa "anh ở trong này chưa thấy mùa đông/ nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ..." còn văng vẳng nhưng tâm hồn người thì lạnh, mang cả mùa đông xứ Bắc để phương Nam dùng dằng nỗi nhớ mùa lạnh se sắt?
Chén trà mạn nóng mà người Nam gọi là trà Bắc ủ cả tình cảm vào trong bình trà. Trà Ô Long, trà Tân Cương, trà đen, trà sen, trà nhài, trà hoa cúc... vô số loại trà được người trồng chè và người chế biến mang hết tâm huyết dành cho người thưởng thức. Nghệ thuật châm trà chẳng cầu kỳ như trà đạo của Nhật Bản để đưa việc thưởng trà thành thứ văn hoá đậm chất tôn giáo hoà - kính - thanh - tịch nhưng cũng đủ để người thưởng trà không thể vội vã, không thể hấp tấp phán xét chuyện đời, chuyện người một cách bâng quơ.
Người đưa tôi đến thú uống trà là một người bạn thời thơ ấu. Nó “cụ non" từ lúc còn cắp sách tới trường, cho nên đến bây giờ chưa là cụ "già" nó vẫn là "cuốn từ điển" sống và điểm cân bằng cho lũ bạn đầu không tới trời, chân chưa đạp đất như chúng tôi. Trong lúc tôi ngờ nghệch để nước sôi già đưa cho nó thì nó lại từ tốn dùng nước đó tráng lại các dụng cụ pha trà một cách tỷ mẩn và đi nấu một ấm nước khác để hãm.
Ấm trà được lau khô, gói trà mở ra đổ vào lòng bàn tay để đong một lượng vừa đủ đổ vào ấm rồi dùng nước sôi non tráng qua một lượt trà trong bình đổ vào một cái chén. Lần thứ hai, nước sôi đã già nhấc ra để ba phút mới châm vào bình trà để hãm. Nước trà đầu tiên được rót đều vào các chén trên bàn trà đủ với số lượng người thưởng thức. Kiểu rót cũng rất đều như chia hương vị cho từng người, một chút một từ chén này đến chén khác đến 3, 4 vòng mới đủ lượng nước trà trong chén. Mỗi người nhận lấy phần trà của mình ủ trong tay để tự cảm nhận hương trà. Phần nước trong chén lúc thì xanh như lá chè non, lúc lại nhàn nhạt như nắng chiều nhưng không hề vẩn đục một xác trà nào. Vị trà, hương trà tuỳ vào bàn tay người hãm để ra những cung bậc mùi vị khác nhau. Phần nữa là tâm trạng người thưởng trà, tuy ngồi cùng bàn nhưng đâu đã giống nhau. Người thì nhớ quê man mác, người còn dư âm nỗi lòng cha mẹ héo hon, người lại ngổn ngang chuyện gia đình... Hơi nóng chén trà như làm tan ra một chút nỗi niềm.
Chợt nhớ một chiều đông xưa ngồi thưởng trà cùng với người bạn trên tầng hai ngôi nhà cổ bên Phủ Tây Hồ. Hôm đó chủ nhà hãm ấm trà sen do gia đình tự chế để dành cho khách quý cùng với mấy thanh kẹo lạc mua ở cổng phủ. Câu chuyện bên tách trà sen cũng thơm như chén trà của những người tri âm, tri kỷ hữu duyên từ Bắc - Trung - Nam hội tụ. Hương vị trà sen thoát tục, ấm áp tình bằng hữu nên không để ý tiết đông chí, hoàng hôn sầm sập đóng cửa cuộc vui từ lúc nào, mãi mới lưu luyến chia tay.
Giờ ngồi uống trà với bạn để thấy mùa đông không lạnh, thấy biết đủ, để khỏi sân si , biết buông bỏ để khỏi kéo dài nỗi đau tự cứa lòng mình. Vẫn còn vị đắng chát đầu lưỡi nhưng khi trôi vào vòm họng, vị ngọt của trà lan toả. Thứ ngọt của trà phải "sâu", phải "tĩnh" mới nhận ra, như cuộc sống nếu cứ gấp gáp thì đâu thấy lắng đọng những tình cảm rất đời thường luôn quấn quít, để một ngày nhận ra, muộn màng níu kéo bằng thứ tình đã được ủ men thời gian trải nghiệm.
Trà đã được châm mấy tuần, rồi được thay ấm trà mới mà cuộc hàn huyên vẫn còn tiếp diễn. Chén nghĩa tình chẳng hề cạn dù còn khuyết sót những điều đã qua. Chén trà Bắc giữa mùa đông phương Nam sao mà lắm vị, nhưng nổi nhất vẫn là vị chát ngọt yêu thương của bạn bè. Nhấp ngụm trà Bắc, bình thản đón những ngọn gió lạc mùa vào phương Nam./.
Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.
Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.
Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.
Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.
Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....
Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?
0