Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2021

(HanoiTV) - Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2021 sẽ diễn ra từ ngày 18 - 23/11 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Các hoạt động trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” góp phần phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam trong việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức mong muốn khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, lan tỏa những giá trị nhân văn, tinh thần tương thân tương ái, tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam.

Đây cũng là hoạt động góp phần tuyên truyền, giới thiệu về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, nhất là sau thời gian dài cơ sở này tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19.

Sự kiện góp phần tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc thiết thực chào mừng Ngày Truyền thống - Ngày Thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11); chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11). 

Trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2021 dự kiến diễn ra 4 nhóm hoạt động chính. Điểm nhấn là chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc Di sản Văn hóa Việt Nam” diễn ra vào tối 18/11. Tiếp đó là hoạt động thăm hỏi, tặng quà đồng bào các dân tộc; Triển lãm Quy hoạch, giới thiệu các khu chức năng kêu gọi xúc tiến đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Cùng với đó là các hoạt động khác của đồng bào 13 dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng miền, trải nghiệm của du khách. Trong đó đáng chú ý là phần tái hiện Lễ hội Xuân (Nào pê chầu) và biểu diễn nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

Theo Cục Di sản văn hóa, Nào pê chầu (còn gọi là Nào chía pê chầu) của đồng bào Mông chính là ăn Tết ngày 30. “Nào” là ăn, “chía” là tết, “pê chầu” là ngày 30. Đây là ngày diễn ra các nghi lễ chính để bước sang năm mới và được hiểu là ăn Tết chính, Tết cổ truyền của người Mông. Tết năm mới không cố định vào một ngày cụ thể mà do hội đồng già làng trưởng bản ấn định thời điểm trên cơ sở giao thời mùa vụ giữa năm cũ và năm mới, lúc mùa vụ thu hoạch xong, thời tiết thuận lợi. Vì vậy, Tết chính của người Mông dựa vào thiên thời, địa lợi, nhân hòa để ấn định, từng bản, từng vùng có thể ăn Tết vào những ngày khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định.

Bên cạnh những nghi thức tạ ơn tổ tiên, đất trời và cầu mong cuộc sống luôn bình yên hạnh phúc, Tết Nào pê chầu cũng là ngày hội đoàn kết của người Mông, đưa mọi người xích gần nhau hơn với các hoạt động văn nghệ như hát ống (cha xái), thổi khèn (tsua kênh), thổi sáo (tsua cha), kéo nhị (ko tra), thổi đàn môi (tsua chà) hay các môn thể thao dân gian như đánh cù (tù lu), ném pao (pó po)… 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
User
Ý KIẾN

Ngày 29/11/2022, tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Sáng 29/11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Chiều 28/11, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Hiệp hội ẩm thực Việt Nam -Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, tổ chức không gian tinh hoa ẩm thực tôm và muối Bạc Liêu, trong đó công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 122 món ăn được chế biến từ tôm và muối.

Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ VIII - năm 2022 với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú trải dài từ tháng 10 cho đến hết tháng 12 trên khắp vùng cao nguyên đá nhằm mục đích quảng bá và thúc đẩy du lịch Hà Giang. Du khách đến với lễ hội ngoài việc được thưởng ngoạn vẻ đẹp của hoa tam giác mạch còn được tham quan, khám phá những nét đẹp đặc trưng của văn hóa và con người nơi cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ và nên thơ.

Ngày 27/11, tại Bạc Liêu khai mạc “Không gian Hội tụ tinh hoa Di sản văn hóa phi vật thể đại diện các vùng, miền”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa – Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022.

Tối 26/11, tại huyện Đồng Văn (Hà Giang), Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ VIII - năm 2022 đã chính thức khai mạc. Lễ hội hoa tam giác mạch năm nay mang chủ đề “Sức sống cao nguyên đá”, nhằm mục đích quảng bá và thúc đẩy du lịch Hà Giang.