Cải cách tiền lương - không để phụ cấp vượt lương | Hà Nội tin mỗi chiều

Cải cách tiền lương - không để phụ cấp vượt lương; Tạo thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận nhà ở... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Cải cách tiền lương - không để phụ cấp vượt lương

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 của Quốc hội, từ ngày 1/7/2024 sẽ tiến hành cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Khi cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu) và nhiều loại phụ cấp khác. Như vậy, sẽ không còn câu chuyện phụ cấp vượt cả lương.

Trước đây, lương thấp nhưng phụ cấp cao, có khi phụ cấp chiếm đến 70-80% thu nhập. Bởi, khi lương thấp thì thường tăng thêm các loại phụ cấp, nên phụ cấp có khi còn cao hơn cả lương. Ví dụ, cán bộ công chức khi được giao việc xây dựng văn bản pháp luật chẳng hạn, thì được chi thù lao, tiền bồi dưỡng, hội họp, hội thảo… Nhưng nhiệm vụ này thực chất là nhiệm vụ của công chức, đã được chi trả trong tiền lương.

Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa 12 đã xác định rất rõ về cơ cấu tiền lương mới. Theo đó, lương sẽ được tính theo vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ được giao, khắc phục được những điểm lạc hậu, hạn chế, bất hợp lý của cách tính lương hiện hành. Cơ cấu tiền lương mới sẽ bao gồm lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương. Bổ sung tiền thưởng vào lương. Quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.

Từ ngày 1/7/2024 sẽ tiến hành cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Ảnh minh họa

Do đó, cách tính lương mới sẽ có sự công bằng, hợp lý hơn khi cùng một vị trí việc làm sẽ được hưởng mức lương như nhau. Các bộ phận làm công việc phục vụ lái xe, nhân viên phụ trách điện nước, lao công, tạp vụ...sẽ được tách khỏi thang bảng lương của hệ thống công chức, viên chức. Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 27, xác định tiền lương là thu nhập chính, giá trị của sức lao động được đo bằng tiền lương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng khoảng 30%, là mức tăng đáng kể so với con số tăng bình quân mỗi năm 7% khi chưa thực hiện cải cách tiền lương. Với chính sách cải cách tiền lương lần này, kỳ vọng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được hưởng lương trong khu vực công sẽ hài lòng.

Tuy nhiên, muốn đảm bảo chính sách cải cách tiền lương một cách công bằng, minh bạch trong khu vực công thì cần phải phân tích các nhóm đối tượng; cần tính toán khu vực vùng sâu, vùng xa… Cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước một cách hài hòa nhằm tạo động lực để các địa phương có đủ sức tự cân bằng ngân sách, thu đủ chi, giảm gánh nặng về ngân sách nhà nước. Đồng thời, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn và giám sát để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024. Trong đó có những chỉ đạo quan trọng liên quan đến cải cách tiền lương. Nghị quyết nêu rõ, hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính Nhà nước trước ngày 31/3/2024; đồng thời xác định rõ trách nhiệm từng bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu để làm cơ sở thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Tạo thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận nhà ở

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, giai đoạn từ năm 2021 - 2023, cả nước có gần 500 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô trên 400 nghìn căn. Tuy nhiên, một số địa phương trọng điểm dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của đề án đến năm 2025. Cụ thể, Hà Nội 3 dự án, 1.700 căn, đáp ứng 9%; TP Hồ Chí Minh có 7 dự án, gần 5.000 căn đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án, gần 3.000 căn đáp ứng 43%...Như vậy, tỷ lệ đáp ứng tại các địa phương vẫn rất thấp. Đặc biệt với Hà Nội, mới chỉ 9%.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề vướng mắc, trong đó có thủ tục, tính pháp lý của địa điểm phát triển nhà ở xã hội và nguồn vốn. Bên cạnh đó là việc thiếu quỹ đất, nguồn vốn tín dụng từ ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, thủ tục xây dựng còn chưa đồng bộ và thời gian thực hiện kéo dài. Ngoài ra, một số địa phương đang xuất hiện tình trạng nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng các cấp chính quyền cũng chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai xây dựng. Một số dự án nhà ở xã hội đã khởi công nhưng các doanh nghiệp không triển khai thi công hoặc thi công chậm tiến độ... Vẫn có tình trạng nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội chưa đảm bảo tiêu chí, điều kiện được vay theo pháp luật về tín dụng; một số địa phương cũng chưa công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay.

Ông Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý bất động sản cho hay, nhà ở xã hội chủ yếu là vốn tư nhân, tư nhân làm chứ không phải nhà nước làm, do đó Nhà nước không chủ động được kết quả hoàn thành. Từ lúc khởi công cho đến lúc bàn giao, đưa vào sử dụng với chung cư khoảng 15 tầng trở xuống thì cũng phải mất 18-24 tháng để thực hiện. Hiện tại không có dự án nào ở giai đoạn hoàn thành. Tại các địa phương hiện có rất ít dự án đang giai đoạn thi công hoàn thành.

Hơn nữa, vấn đề tiếp cận nguồn vay để mua nhà ở của khách hàng rất đáng lưu tâm. Những đối tượng vay vốn để mua nhà ở xã hội là những đối tượng nghèo, không có tài sản thế chấp và các quy định pháp luật chưa thực sự cởi mở, nếu cởi mở như luật vừa thông qua thì phải chờ đợi. Liệu ngân hàng có đồng ý sẽ đồng hành với các bộ ngành trong việc mở rộng đối tượng để thông thoáng hơn, dễ dàng hơn, hỗ trợ nhiều hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn hay không thì vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nếu cho vay để xây dựng và phát triển nhà ở xã hội nhưng đầu ra lại không đảm bảo cho các dự án này thì chủ đầu tư sẽ e ngại bởi việc tiêu thụ “sản phẩm” sẽ chậm trễ và lâu thu hồi vốn. Đây là một cản trở lớn.

Bộ Xây dựng đặt mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024. Ảnh minh họa

Trước thực tế trên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết thời gian tới sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Mục tiêu xây dựng 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024 không phải dễ thực hiện nếu không có sự quyết tâm, quyết liệt và sự phối hợp đồng bộ, đặc biệt là sự phối hợp giữa bộ Xây dựng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại.

Nhà ở xã hội, câu chuyện không mới và vẫn mãi là mối quan tâm không chỉ với công nhân xa quê mà còn với không ít công chức làm công ăn lương. Đó vẫn là khát khao về một chốn "an cư lạc nghiệp". Làm sao để khát khao ấy không mãi chỉ là ước mơ xa tầm với của bao người? Nó phụ thuộc vào các cơ quan chức năng cùng với một trách nhiệm với cộng đồng với xã hội ngay từ lúc này./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tối 17/11, ở chùa Bái Đính, một chương trình đặc biệt - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một lần nữa khiến hàng ngàn khán giả cả nước rơi nước mắt.

Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.

Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.

Khoảng 40 nghìn khách tham quan trong một ngày - gần bằng những ngày đông khách nhất tại Bảo tàng Louvre của Pháp năm 2019, với 45.000 lượt người. Đó là con số ấn tượng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - cũng là lượng khách cao kỷ lục mà một bảo tàng có thể thu hút được.

Hiện nay, tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Lối đi dành riêng cho người đi bộ giờ lại hoá thành nơi buôn bán.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.