Ký ức màu hoa

Trong ký ức của một cô gái yêu hoa luôn lung linh những sắc màu. Và loài hoa để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tâm trí cô gái ấy là hoa dong riềng. Bởi đó là loài hoa đã đi liền với ký ức tuổi thơ của cô, gắn bó, vấn vít, không thể quên, không thể phai mờ về một thời nghèo khó và vất vả.

Hường có quen một cô gái, cô ấy tên là Phương Lan. Cô rất yêu những bông hoa, Vì thế trong ký ức của cô lung linh sắc màu của hoa. Có lẽ loài hoa để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tâm trí cô ấy là loài hoa dong riềng. Đó là loài hoa đã đi liền với ký ức tuổi thơ của cô, gắn bó, vấn vít, không thể quên, không thể phai mờ về một thời nghèo khó, vất vả. Bố mẹ cô là công chức nhà nước nhưng vì đông con, đồng lương eo hẹp nên nhà lúc nào cũng ở trong tình trạng thiếu thốn, giật gấu vá vai. Bố mẹ cô khai khẩn một cái thung, vùng đất bằng ở giữa chân các ngọn núi, rộng tầm hơn 2ha làm nương rẫy để thêm việc làm và tăng thu nhập cho gia đình. Đường đi vào thung phải leo qua một triền núi không quá dốc nhưng có nhiều mỏm đá tai mèo sắc nhọn, rễ cây ngoằn nghoèo vắt qua, có đoạn còn phải luồn dưới bụi cây rậm rạp. Mỗi lần đi qua con đường đó để vào thung là một lần trải nghiệm thú vị. Lúc thì cô tìm được chùm quả mây ngọt lịm, lúc lại bắt được con bổ củi cánh nâu biếc, lúc lại là con cuống chiếu cuộn tròn như cái bánh xe tí xíu, lúc lại ngẩn ngơ vì một chùm hoa lạ có mùi thơm như kẹo... Những thứ đó giúp cô quên đi cái bắp chân đang mỏi nhừ, hơi thở đứt quãng vì leo dốc.

Qua đỉnh dốc là có thể nhìn thấy cái thung thân yêu của gia đình cô. Thung trồng nhiều loại cây cối, hoa màu như ngô, khoai, sắn, lạc, đậu… Nhưng chiếm diện tích nhiều nhất đó là những vạt dong riềng xanh tím rậm rạp. Dong riềng có loại lá xanh hoa vàng và loại lá hơi tía hoa đỏ. Nhà cô chỉ trồng loại lá tía hoa đỏ vì năng suất cao hơn, cho nhiều tinh bột hơn. Đất thung tự nhiên không tưới tắm, bón lót gì mà cây cỏ cứ tốt ngun ngút. Những bụi dong riềng ở đây cao lớn hơn hẳn dong riềng trồng ở vườn nhà. Cây cao có khi lên đến hơn một mét rưỡi, thân mập mạp, lá to như lá dong gói bánh chưng, màu xanh ánh tím, mướt mát dưới nắng mặt trời. Cụm củ dong riềng phát triển tối đa có thể có đường kính đến nửa mét.

Mùa hoa dong riềng nở trên cung đường đi Xím Vàng (Sơn La). Ảnh: Trọng Chính

Đến mùa hoa dong riềng nở thì cả thung như một tấm thảm đỏ rực. Màu đỏ của hoa tạo nên một cảm xúc rất lạ. Xao xuyến, bồi hồi. Đến tận bây giờ, mỗi khi bất chợt bắt gặp một bông hoa dong riềng bên đường, cô vẫn còn nguyên cảm xúc ấy. Cô vẫn có thể ngắm nhìn chúng mê đắm, bồi hồi, quên hết mọi thứ xung quanh. Đến mùa hoa dong riềng nở thì cả thung như mở đại tiệc mật hoa. Cả người, cả ong, cả bướm đều say sưa hút mật. Lũ trẻ bẻ những bông hoa, rút nhẹ ra khỏi đài, dùng miệng hút phần cuống hoa. Một vài giọt nước ngọt lịm như mật đọng lại trên lưỡi, cảm giác sảng khoái, như xua tan mệt mỏi. Mật hoa dong riềng ngọt ngào nên lũ ong, bướm cứ quấn quýt suốt ngày. Hút mật chán chê, cô lại thái nhỏ cánh hoa giả làm thức ăn, chơi đồ hàng hay ngắt các bông hoa xâu vào cọng cỏ thành một xâu hoa rực rỡ làm vòng cổ, vòng hoa đội đầu…Hoa dong đẹp, mật hoa thì ngọt, cảnh vật thơ mộng mà cuộc sống thời ấy quá cực nhọc. Mùa thu hoạch củ dong, anh em cô rất vất vả. Cô và các anh em phải đi vào thung từ sáng sớm tinh mơ, mang cả cơm đi để ăn trưa. Cây dong được chặt gần sát gốc. Bố mẹ và anh lớn bổ những nhát cuốc chắc nịch và chính xác xung quanh bụi dong, lật lên những tảng củ to, nặng. Đám trẻ con dỡ đất bám ở củ, tẽ từng củ, chất thành đống.

Cuối buổi chiều, khi cô và đám trẻ con vẫn đang tiếp tục cắt nốt chỗ rễ củ còn lại thì bố cô và anh lớn lần lượt vác từng bao củ ra khỏi thung. Mọi người vác theo kiểu luân phiên, đưa một bao lên trước, đến khi thấm mệt thì bỏ xuống, quay trở lại vác bao của người đi sau, người đi sau lại vác bao của người đi sau nữa, cứ thế cho đến hết. Thời gian quay trở lại để vác bao tiếp theo chính là thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe. Đến khi những bao dong cuối cùng đi ra khỏi thung cũng là lúc cả nhà kéo nhau ra về.

Hoa dong riềng bung nở đỏ rực.

Củ dong thu hoạch về được chất đống ở sân. Phần thì sẽ bán cho những người có nhu cầu, phần làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, phần thì được xay xát để lắng lọc lấy tinh bột. Tinh bột dong riềng có thể dùng làm miến dong, làm bột bánh, gia vị. Các công việc đó đều rất vất vả, mất nhiều thời gian, công sức do thời đó chưa có nhiều loại máy móc hỗ trợ như bây giờ. Bàn tay anh em cô ố vàng, chai sạn vì nước ngâm dong riềng và vì cắt gọt, xay xát, vắt bã, phơi phóng. Và sau cùng, phần không thể thiếu trong mùa thu hoạch là những nồi củ dong luộc nóng hôi hổi. Những củ dong tim tím, già đanh, nứt vỏ, để lộ lớp bột bên trong. Cắn một miếng củ dong thấy bở tơi trong miệng, vị ngọt nhẹ và không bị ngán như ăn khoai, ăn sắn. Tuy nhiên, dong riềng chỉ là thứ để ăn chơi chứ không thể cứu đói như củ khoai, củ sắn.

Ngày nay đời sống sung túc hơn, cây dong riềng trở nên hiếm thấy ở nhiều vùng quê. Hoa dong riềng cũng vắng bóng trong vườn, bên hàng rào mọi nhà. Từ lâu rồi, nhà cô không làm nương nữa. Thung xưa giờ đã trở nên hoang hóa, cây rừng mọc che lấp lối đi. Nhưng những dấu ấn tuổi thơ, trong đó có màu đỏ của hoa dong riềng sẽ mãi mãi còn lại trong tâm trí cô. Êm đềm, yên ả và cũng không khỏi có chút chạnh lòng, tiếc nuối./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Dường như hầu hết ở các làng quê Việt bây giờ, cùng với những thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thì cổng làng gắn với tên làng đã tạo nên nét riêng dáng dấp của một làng lưu dấu trong tâm khảm mỗi người. Những tên gọi của làng thường hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa nhân văn sâu xa, mang cả ước vọng khát khao của cha ông một thuở lập làng với sự bình an, ấm no đầy đủ. Vì thế, danh xưng những tên làng cứ lưu mãi qua từng thế hệ…

Hà Nội đón tôi đương vào khoảnh khắc giao mùa. Gánh hoa loa kèn trắng tinh khôi tỏa mùi hương dịu nhẹ giao hòa trong làn gió nhè nhẹ khiến tâm hồn đa cảm thêm khắc khoải giao cảm với đời, để mênh mang thương nhớ hương vị cà phê Giảng - thức uống trở thành một phần thân thương, một phần văn hóa của Hà Nội phố.

Mẹ tôi không nghiện trầu cau nhưng mẹ vẫn trồng một giàn trầu xanh mơn mởn. Mẹ bảo nhà có giàn trầu mới ấm áp. Nhưng tôi hiểu mẹ đã gửi gắm vào đó biết bao nhiêu ân tình và cả nỗi nhớ về ngoại khôn nguôi.

Sống nhẩn nha giữa đời vội vã có thể chưa từng dễ dàng với chúng ta. Nhưng khi bước đi dưới những tán lá xanh xào xạc theo con gió, dưới bầu trời một màu ngăn ngắt xa xôi, tôi cảm giác hồn mình như cánh bồ công anh mảnh khảnh tự do bay mãi, chẳng nghĩ ngợi gì. Có những ngày như thế, những khoảnh khắc như thế. Chỉ cần im lặng hít thở thôi cũng đủ hạnh phúc.

Hà Nội với tôi là những thương nhớ đầu tiên từ hồi tôi đi thi đại học. Hà Nội đã lấy đi của tôi bao nhiêu nước mắt và còn là giấc mơ mà tôi chẳng thể chạm vào. Hà Nội là nhưng kỷ niệm của tôi khi biết người thương nhập viện, là khoảnh khắc thót tim khi đưa con ra cấp cứu viện nhi, là khoảnh khắc cháy lòng khi cha bệnh trọng. Và là khoảnh khắc đi chơi về muộn, thấy những người dân lầm lũi ngủ ngon lành nơi gầm cầu, trong lòng cống...

Trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đất nước ta đã sản sinh ra những thế hệ thanh niên đại diện cho mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Như thế hệ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; thế hệ một thời hoa đỏ 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'; thế hệ 'sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử' trong chiến tranh bảo vệ biên giới...