Mẹ tôi và những ngày mùa

Những ngày mùa màng ở thôn quê bao giờ cũng gợi lại trong ta cả một vùng ký ức. Ký ức ấy, dù có là hình ảnh hay âm thanh nào đi nữa, thì cũng luôn gắn với mẹ - người đàn bà của làng quê Việt Nam nắng mưa, tần tảo...

Tôi nhớ những ngày mùa đông, rét tê tái, gió như con ngựa phi nước đại trên cánh đồng trơ trọi. Gió luồn bàn tay rét mướt của nó vào khắp các khe kẽ của những ngôi nhà tranh, những chái bếp trong làng.

Thóc ngâm không gieo được giữa cánh đồng nữa vì những thân mạ non nớt, mảnh dẻ không đủ sức chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Mẹ tôi phải lấy bùn từ dưới ao lên, đổ ra sân gạch, rồi xếp các viên gạch xung quanh làm bờ, cán bùn cho phẳng rồi gieo thóc giống đã nảy trắng mầm lên đó.

Ảnh minh hoạ: Vĩnh Phúc Edu.

Mẹ vừa lo gieo mạ, vừa lo mua bán, sắm sửa, làm bánh làm trái sao cho gia đình có một cái Tết đủ đầy nhất có thể. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in khoảng sân xanh rì mạ non và những bộ quần áo mới mẹ mua cho chị em tôi vào mỗi dịp Tết đến.

Ra Giêng, khi không khí Tết vẫn còn phảng phất đâu đó trong những chiếc bánh chưng cuối cùng, những cánh hoa đào thưa thớt ngoài vườn và cái lạnh vẫn còn rong ruổi khắp nơi, mẹ tôi đã lại tất bật ra đồng.

Một mình mẹ gánh mạ, be bờ, lấy nước, cào cuốc rồi cấy hái. Ông bà tôi đã già, bố tôi quanh năm đi làm xa nhà. Mấy chị em tôi còn nhỏ, đâu đỡ đần được gì cho mẹ.

Ảnh minh hoạ: Báo Kon Tum.

Những hôm mẹ ở đồng về khuôn mặt nằng nặng. Mẹ cúi mặt xuống ruộng cả ngày nên máu dồn xuống mặt. Hai bàn tay mẹ cũng to hơn, thô hơn thường ngày. Nhưng ở mẹ vẫn toát lên sự bình yên, vui vẻ.

Về đến nhà là gọi con, thủ thỉ hỏi han rồi cũng chẳng mấy khi ngồi yên, lại sà vào bếp hoặc bê chậu quần áo ra cầu ao ngồi giặt. Tôi còn nhỏ, chỉ biết và quen với việc mẹ tôi lúc nào cũng làm việc chứ nào có hiểu hết nỗi vất vả của mẹ.

Ảnh minh hoạ: Báo Đắk Nông.

Mẹ dậy từ 3,4 giờ sáng, ăn vội bát cháo đậu đen nấu sẵn từ tối hôm trước rồi sửa soạn liềm hái, quang gánh xong rồi mới vào lay tôi dặn dò rồi ra đồng. Tôi còn thèm ngủ, mắt nhắm mắt mở vâng vâng dạ dạ.

Tôi ăn xong ra đến ruộng thì nắng đã lên, mẹ một mình lúi húi cắt xong cả gần nửa ruộng. Mẹ mặc áo nâu, dáng hao gầy, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, cái khăn che mặt dưới vành nón lá cũ cũng đẫm mồ hôi.

Thời đó, mượn được chiếc xe bò để kéo lúa cũng khó khăn vì cả xóm tôi chỉ vài nhà có. Mẹ tôi cứ kĩu kịt đồng xa, đồng gần hết gánh lúa này tới gánh lúa khác trong cái nắng hè như đổ lửa.

Ảnh minh hoạ: Internet.

Nhà tôi neo người, có những buổi người làng về tránh nắng hết rồi mẹ tôi còn cố cắt nốt đám lúa dở. Thấy mẹ lâu về, tôi chạy ra ruộng tìm. Nắng hoa cả mắt, nắng đến nỗi lũ chim bình thường vẫn chao liệng trên đồng cũng vắng bóng, chỉ thỉnh thoảng xa xa đâu đó vẳng lên một tiếng lích chích rồi mất hút trong không gian yên ắng.

Trên cánh đồng mênh mông nắng chỉ còn bóng dáng lam lũ của mẹ tôi và tiếng liềm xoàn xoạt. Tự nhiên tôi thấy khóe mắt mình cay cay.

Ấy vậy mà vào những ngày gặt lúa, mẹ tôi vẫn không quên bắt về cho con khi thì cả xâu muồm muỗm cài ở vành nón, khi thì cả một xà cạp đựng đầy cua, có lúc một vài con ếch buộc rơm ngang bụng.

Ảnh minh hoạ: Báo Thanh niên.

Lớn lên một chút, tôi biết cùng mẹ lấy lá xoan ủ làm phân, biết ra đồng rải phân cho mẹ trồng khoai. Khi dây khoai rạc đi cũng là lúc khoai dỡ được rồi.

Những củ khoai tây tròn lông lốc, củ bé như hòn bi, củ to bằng nắm tay em bé. Mẹ dặn tôi chọn khoai rồi phân loại. To để người ăn, khoai bi cho lợn, khoai nhỡ để giống. Cứ thế, mẹ dạy bảo tôi từ việc nhà tới việc đồng, đến cách nói năng, đi đứng.

Mẹ tôi lúc nào cũng vậy, luôn là ngọn lửa sưởi ấm căn nhà, sưởi ấm cuộc đời chị em tôi. Mỗi khi thấy mình còn thiếu sót với ai đó tôi lại nghĩ về mẹ. Tôi nghĩ mình chẳng cần học ai và học ở đâu cho xa xôi mà chỉ cần học mẹ. Đức hy sinh, sự quan tâm, thấu hiểu và sẻ chia của mẹ với những người quanh mình đủ để tôi tự hào và học hỏi suốt đời.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.

Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.

Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.

Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.

Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....

Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?