Tản mạn về Tết

Tết sắp đến, ký ức xưa cũ lại vô tình chạm vào trái tim của nhiều người. Có phải khi con người ta có tuổi thường hay nghĩ về quá khứ, càng lớn lên thì niềm vui háo hức mong đợi Tết về càng nhỏ lại, hay vì khi ta lớn lên, biết lo toan, suy nghĩ thì những lo toan, suy nghĩ đó chiếm dần sự vô ưu, hồn nhiên của con trẻ?

Chiều nay, Hường mời bạn nghe những dòng ký ức của Hà Kim Quy về những ngày Tết đã xa.

Chẳng biết có phải vì tôi thuộc tuýp người ưa hoài niệm nên mỗi Tết về tôi lại nhớ quay nhớ quắt những khoảng không gian Tết xa vời vợi ngày xưa. Ngày khi tôi còn niên thiếu, những cái Tết còn khốn khó về vật chất trong đời, nhưng lại còn đủ đầy ông, bà, cha, mẹ và các anh, chị, em, con cháu quây quần bên nhau. Ấm áp và vui vẻ, hạnh phúc và vô tư, chúng tôi hưởng trọn niềm vui khi Tết về. Tôi đâu biết rằng, khi đó người lớn cũng nghĩ về những cái Tết xa xưa khi mọi người còn bé mà tiếc nuối mà nhớ thương như chúng tôi bây giờ. Suy cho cùng, những cái Tết của tuổi ấu thơ là những ngày vui vẻ, hạnh phúc nhất trong cuộc đời, bởi khi đó ta vô lo vô nghĩ, trong đầu đầy ắp những ước mong và lấp lánh những niềm vui. Cứ thế, đời này nhớ về đời kia mà giữ được cái hồn cốt về cái Tết cổ truyền của mỗi gia đình và của cả dân tộc.

Tôi nhớ vu vơ từ chái bếp rạ xưa mỗi chiều khói tỏa lan trên mái, quẩn quanh chẳng chịu bay đi làm người ta cay mắt. Tôi nhớ những chiếc bánh chưng chỉ sau mười hai tháng trong năm tôi mới được ăn lại một lần. Cũng là bánh đủ gạo nếp, đỗ xanh, đủ cả thịt lợn, nhân hành như bây giờ, muốn ăn lúc nào cũng có mà sao vẫn nhớ? Những chiếc bánh bé xinh buộc lạt xâu toòng teeng vào ký ức vật sở hữu Tết cho riêng mình vẫn còn nguyên đó. Nỗi nhớ háo hức được bà, được mẹ hứa cho đi chợ Tết mà cả đêm thấp thỏm mong trời mau sáng, chỉ sợ ngủ quên. Khi bà chỉ khẽ gọi là mắt tỉnh như sáo, loẹt quẹt đôi dép lê vui sướng theo bà ra chợ. Ra chợ chỉ là ngắm đồ đạc bày bán Tết, ngắm người đi chợ mà vui, đôi lúc đứng trông đồ cho bà đi mua hàng vì chợ đông, không chen chân nổi. Cuối chợ được bà mua cho một chiếc bánh đa vừng, một con lợn đất hay đặc biệt hơn là một bộ quần áo, như thế cũng đã đủ vui đến tận Tết năm sau. Niềm vui bé nhỏ mà nhớ mãi trong đời. Lúc đó đâu đã biết nghĩ thương bà, thương mẹ chẳng có tiền mua manh áo mới nào đón Tết mà chỉ mải lo chăm chút cho cháu, cho con..

Mỗi khi dọn dẹp ban thờ sau ngày ông Công, ông Táo lên trời, tôi lại nhớ về ông nội. Hình ảnh ông cẩn thận, chỉn chu lau rửa từng đồ thờ vài chục năm trước còn đó như mới hôm qua thôi. Tôi học được tính cẩn thận, nghiêm túc của ông trong công việc dù là việc nhỏ nhất, từ mài dao đến cách sắp xếp mâm cơm, cách ngồi, cách ăn nói, đứng, đi ... Tôi nhớ cả những đêm rét buốt được ngồi luộc bánh chưng cùng ông và các anh chị em là những khoảnh khắc vui vẻ nhất trong những ngày giáp Tết.

Nhớ ông, tôi nghĩ về chiếc roi mây của ông nội vẫn còn đó, nó không còn mềm mại mà bóng màu xưa cũ, hiền lành ngủ quên trên mái nhà. Tôi chưa một lần nào phải nếm mùi roi, chỉ nghe các cô, các chú kể lại mà sợ uy quyền của nó. Hóa ra nhiều thứ chỉ cần có nó làm biểu tượng đã đủ răn đe, nhắc nhở ta biết phân biệt đúng sai mà hành xử cho phải phép.

Ngoài kia, hoa đào, hoa mai đang chờ bung nụ biếc, quất đang vàng tươi dần lên quả chào đón một mùa xuân mới. Những ngày này sương giá, rét buốt tràn ngập không gian. Khăn áo dày vẫn không ngăn nổi băng giá ngoài kia. Điều đó nhắc ta rằng mùa đông vẫn còn đang ngự trị trần gian. Thiên nhiên sắp xếp một mùa đông cằn khô, lạnh lẽo bên cạnh mùa xuân ấm áp, căng tràn sức sống mãnh liệt đâu phải vô tình. Mùa đông là mùa khắc nghiệt nhất trong năm, là mùa để cây cối trưởng thành, thích nghi và tích tụ nhựa sống, chờ xuân tới, để dòng nhựa chảy tràn trề hồi sinh sức sống. Tôi nghe thoảng trong tiếng lá bàng đỏ rụng cuối mùa đông hơi thở mùa xuân trong tiếng cựa mình tí tách nứt vỏ của cây cối đâm chồi nảy lộc.

Cuối đông, những ngày giáp Tết là lúc lòng người lắng lại để nhớ về quá khứ mà tri ân ông bà tiên tổ, để dọn lại lòng mình, bỏ lại sau lưng những nỗi âu lo, phiền muộn, đem theo những ký ức trong trẻo vui tươi dâng đón mùa xuân mới, để mỗi mùa xuân còn đọng mãi trong ký ức của con người./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.

Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.

Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.

Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.

Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....

Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?