Thách thức và kinh nghiệm phòng chống bão trên thế giới

Với sự biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, hàng năm, thế giới phải hứng chịu rất nhiều cơn bão với sức tàn phá khủng khiếp, kéo theo tình trạng lũ lụt trên diện rộng, các vụ sạt lở, lũ quét gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Nhiều nước đã có các biện pháp vừa tình thế vừa dài hạn để phòng, tránh, chống và phản ứng nhanh, nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra.

Thách thức trong việc phòng chống bão của Mỹ

Các chuyên gia dự báo thời tiết của chính phủ Mỹ ước tính, có đến 7 cơn bão lớn sẽ hình thành trong mùa bão Đại Tây Dương được cho là "siêu bất thường" bắt đầu từ đầu tháng 6 năm nay. Một trong những nguyên nhân chính gây ra những cơn siêu bão bất thường là tác động của biến đổi khí hậu. Hiện tượng nóng lên toàn cầu là nguyên nhân khiến các cơn bão nhiệt đới xảy ra với cường độ mạnh hơn và tần suất nhiều hơn.

Mỹ vốn là quốc gia thường xuyên hứng chịu các cơn bão siêu lớn như: Katrina (2005), Sandy (2012), Ian (2022)… ở các vùng ven biển Đại Tây Dương và Vịnh Mexico. Những cơn bão này đã để lại hậu quả tàn khốc về cả người và tài sản. Cuối tháng 9 vừa qua, bão Helene đổ bộ vào nước Mỹ đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 người. Đây là cơn bão gây chết chóc nhất tấn công vào đất liền Mỹ kể từ bão Katrina vào năm 2005 khiến gần 1.400 người chết. Bão Helene di chuyển quá nhanh, đến nỗi tạo ra một vùng thiệt hại do gió rộng lớn xuyên sâu vào đất liền, làm đổ những cây cổ thụ lớn và gây mất điện trên diện rộng.

Bão Helene đổ bộ vào nước Mỹ cuối tháng 9 vừa qua, đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 người.

"Hiện tại, hầu hết mọi người đều không có điện, cũng không có nước. Và tôi nghe nói rằng phải mất một tháng nữa nước mới có thể cung cấp trở lại cho người dân. Dịch vụ viễn thông cũng rất hạn chế, vì vậy việc liên lạc gặp khó khăn. Hầu hết mọi người không thể nấu ăn ngay tại nhà, do họ không có gas. Chúng tôi đang hỗ trợ các bữa ăn cho người dân".

Ông Dave Jackson, Người đứng đầu một tổ chức phi Chính phủ ở Asheville, bang North Carolina

Trung tâm Nước quốc gia của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) ước tính, lượng mưa trên khắp Appalachia khiến bão Helene thành cơn bão 1.000 năm có một. Theo ước tính từ AccuWeather, tổng thiệt hại kinh tế có thể lên tới 160 tỷ USD. Con số này đưa Helene thành một trong năm cơn bão gây thiệt hại kinh tế nặng nề nhất trong lịch sử nước Mỹ. Các chuyên gia tin rằng biến đổi khí hậu đang khiến những cơn bão như bão Helene trở nên dữ dội hơn, nhanh hơn và mang theo nhiều độ ẩm hơn.

“Chúng ta phải hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu vì nếu không, sẽ không có ngày mai. Các sông băng ở Alaska đang tan chảy. Chúng ta cũng chứng kiến mùa hè nóng hơn. Và tôi không biết mùa đông sắp tới sẽ thế nào. Florida thì ngày càng ẩm ướt hơn. Tôi thực sự đang nghĩ đến việc rời khỏi đây.”

Bà Virginia Newton, người dân Tampa, Bang Florida

Trong khi đang phải nỗ lực khắc phục hậu quả của bão Helene, bang Florida lại tiếp tục phải ứng phó với siêu bão Milton. Milton được cảnh báo là cơn bão tồi tệ nhất tấn công Florida trong hơn một thế kỷ.

Trong khi đang phải nỗ lực khắc phục hậu quả của bão Helene, bang Florida lại tiếp tục phải ứng phó với siêu bão Milton.

Việc phân chia cấp độ bão hiện nay của Mỹ chưa thể xử lý được thách thức trong cảnh báo công chúng về rủi ro mà bão có thể gây ra cho đất liền, cũng như điều khiến chúng ngày càng nguy hiểm. Bảng xếp hạng bão gồm năm cấp độ, được các chuyên gia gọi là thang Saffir-Simpson, là kênh chính để công chúng Mỹ hiểu được sức mạnh của một cơn bão. Nhưng xếp hạng cấp độ chỉ dựa trên tốc độ gió. Xếp hạng này bỏ qua tất cả các tác động khác mà bão có thể gây ra thiệt hại, bao gồm cả nước dâng theo bão, lốc xoáy và lũ lụt do mưa lớn. Những yếu tố này có thể gây tử vong nhiều hơn gió.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã đưa ra thông cáo báo chí cảnh báo về "lũ lụt thảm khốc, đe dọa tính mạng". Và Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ đã bổ sung thang phân loại của mình bằng nhiều thông tin hơn về các mối nguy hiểm khác nhau của bão, bao gồm cả lượng mưa. Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cũng dự báo về nguy cơ mưa cực lớn ở một địa điểm nhất định với bốn mức độ: rủi ro thấp, nhẹ, trung bình và cao.

Việc theo dõi thông tin bão là một trong yếu tố quan trọng trong việc phòng chống thiên tai. Các cơ quan chính phủ như: Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) và Trung tâm Bão Quốc gia (NHC) chuyên cung cấp thông tin chi tiết về sự hình thành và di chuyển của các cơn bão, liên tục cập nhật tình hình qua các phương tiện truyền thông, giúp người dân nắm bắt được đường đi, tốc độ và mức độ nguy hiểm của cơn bão. Việc này giúp người dân ở các khu vực có nguy cơ cao có thể chuẩn bị kịp thời, từ việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men cho đến việc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Tiếp đến là kế hoạch sơ tán và bảo vệ tài sản. Khi một cơn bão lớn sắp đổ bộ, chính quyền địa phương và bang thường có các kế hoạch sơ tán cho cư dân ở những khu vực có nguy cơ bị ngập lụt hoặc chịu ảnh hưởng mạnh từ bão.

Bên cạnh việc tuân thủ các lệnh sơ tán để bảo đảm an toàn tính mạng, người dân cần thực hiện các biện pháp để bảo vệ tài sản cá nhân như gia cố cửa sổ, di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn và tránh để xe cộ ở các khu vực dễ ngập.

Với sự biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các cơn bão có thể ngày càng mạnh hơn và khó dự đoán hơn.

Chính phủ Mỹ đầu tư rất nhiều vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng để đối phó với bão. Sau cơn bão Katrina năm 2005, hệ thống đê điều, cống thoát nước và các công trình bảo vệ chống ngập lụt ở New Orleans đã được nâng cấp đáng kể.

Tuy nhiên, không chỉ New Orleans, các thành phố ven biển khác cũng phải chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng để ứng phó trước các cơn bão mạnh.

Mỹ cũng sử dụng công nghệ dự đoán và mô phỏng để chống bão, công nghệ hiện đại này đã cho phép các nhà khoa học sử dụng các mô hình trên máy tính để dự đoán đường đi và cường độ của bão với độ chính xác cao hơn.

Tuy nhiên, với sự biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các cơn bão như Helene có thể ngày càng mạnh hơn và khó dự đoán hơn. Điều này đòi hỏi Mỹ phải tiếp tục đầu tư vào các biện pháp phòng chống bão dài hạn, bao gồm cả việc cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao khả năng dự đoán của các hệ thống khí tượng.

Việc phòng chống các cơn bão lớn ở Mỹ đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ chính phủ, các tổ chức và từng cá nhân. Cơn bão Helene chính là lời nhắc nhở rằng dù đã được dự đoán tốt hơn, nhưng sự chuẩn bị và cảnh giác vẫn là yếu tố quyết định trong việc bảo vệ cộng đồng trước thiên tai.

Chiến lược chống lũ hiệu quả ở Áo

Mưa lớn bất thường tại khu vực Trung Âu vào giữa tháng 9 vừa qua gây ra lũ lụt nghiêm trọng tại nhiều nơi. Qua trận lũ lịch sử này, truyền thông quốc tế ghi nhận sáng kiến, chiến lược chống lũ hiệu quả ở một số nước, qua đó có thể trở thành kinh nghiệm quý báu để các nơi khác áp dụng trong nỗ lực ứng phó với ngập lụt.

Theo BBC, tại Áo, ngoài hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Vienna bị gián đoạn hoạt động, các ngôi nhà tại thành phố này gần như không bị ảnh hưởng. Điều này không phải là do Vienna nằm trên vùng đất cao hơn so với các khu vực xung quanh, mà nhờ chiến lược phòng chống lũ hiệu quả đã được xây dựng từ trước đó. Kinh nghiệm của thành phố này có thể là bài học về cách giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Nằm dọc sông Danube, Vienna đã hứng chịu nhiều đợt lũ lụt trong những năm qua.

Nằm dọc sông Danube, Vienna đã hứng chịu nhiều đợt lũ lụt trong những năm qua. Trong trận lụt lịch sử xảy ra vào năm 1501, mực nước sông Danube dâng lên tại Vienna nhiều gấp 20 lần so với trung bình 1 năm. Trận lũ nghiêm trọng nhất trong thế kỷ qua xảy ra vào năm 1954 đã tàn phá nhiều khu vực của thành phố.

Sau đó, hòn đảo nhân tạo đảo Danube và kênh kiểm soát lũ lụt New Danube đã được xây dựng vào thập niên 1970, trở thành trụ cột của hệ thống phòng chống ngập lụt của thành phố. New Danube thường được đập nước ngăn lại, tạo ra một vùng hồ. Đập nước được mở trước khi lũ tới và kênh dẫn nước chảy qua trong 3 - 4 ngày, giúp giảm tải cho sông Danube chảy qua Vienna.

Hệ thống này được thiết kế để xử lý lưu lượng nước lũ 14.000m³/giây, tương đương lũ lụt 5.000 năm có một. Công trình phức hợp này cho thấy rõ hiệu quả vào năm 2013 khi lưu vực ở thượng nguồn sông Danube hứng chịu một trong những trận lũ lụt lớn nhất trong hai thế kỷ. Lưu lượng lũ của sông Danube ở Vienna đạt mức khoảng 11.000m³/giây, nhưng Vienna tránh được thiệt hại nghiêm trọng nhờ hệ thống phòng chống lũ lụt của thành phố.

Tuy chỉ là công trình kỹ thuật đơn giản những các con đập cho đến nay đã bảo vệ và mang lại nhiều lợi ích cho Vienna. Theo đó, có thể đóng vai trò là nguồn cung cấp carbon thấp cho thủy điện, tốt cho việc cắt giảm khí thải nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và nền kinh tế. Đó là chiến thắng không chỉ cho nỗ lực chống lũ lụt mà còn về việc cắt giảm lượng khí thải carbon.

Nước Áo đầu tư khoảng 67 triệu USD/năm vào các biện pháp bảo vệ trước lũ lụt. Những biện pháp bảo vệ như dựng tường di động để ngăn lượng nước lớn cũng như ứng dụng hệ thống dự báo tinh vi và chính xác hơn.

Hệ thống xả lũ ngầm dưới lòng đất tại Nhật Bản

Tokyo nằm trong khu vực dễ xảy ra thiên tai, đặc biệt là bão và mưa lớn, có thể gây lũ lụt nghiêm trọng, cùng với địa hình trũng thấp cắt ngang bởi năm hệ thống sông lớn, nhỏ. Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, công nghiệp hóa nhanh chóng khiến một số khu vực bị sụt lún, làm tăng nguy cơ ngập lụt cho thành phố. Nhằm đối phó với những cơn mưa lớn bất thường đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua và gây ra tình trạng ngập úng, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản đang tiến hành xây dựng thêm hệ thống thoát nước ngầm quy mô lớn để giải quyết vấn đề này.

Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản đang tiến hành xây dựng thêm hệ thống thoát nước ngầm quy mô lớn.

Tổ hợp Kênh xả nước dưới lòng đất vùng ngoại vi siêu đô thị mất 13 năm và 1,63 tỷ USD để xây dựng. Từ khi hoạt động năm 2006, hệ thống đã ngăn chặn hơn 1,06 tỷ USD thiệt hại do ngập lụt gây ra. Tổ hợp giống hang động có khả năng chứa lượng nước tương đương gần 100 bể bơi Olympic. Bên trong tổ hợp là 59 cột trụ khổng lồ, mỗi cột nặng 551 tấn và cao 18 m. Khi những con sông gần đó bị tràn, nước lũ sẽ được qua 6,3 km đường hầm dưới lòng đất trước khi tập trung ở hồ chứa.

Đi qua 6 tầng tới đáy hầm chứa là một trải nghiệm đặc biệt. Nó có nhiệt độ riêng, mát hơn nhiều so với bề mặt đất và mùa hè và ấm hơn trong mùa đông. Không gian bên trong tối tăm, được điểm xuyết bằng những tia sáng tự nhiên từ các lỗ trên trần, cộng với những cây cột cao vút gợi lên một công trình tôn giáo cổ xưa, khiến nó được mệnh danh là "nhà thờ lớn” hoặc "đền thờ".

Ngoài đột phá về kỹ thuật, công trình này còn là điểm du lịch và quay phim nổi tiếng của thủ đô Nhật Bản.

Hệ thống được kích hoạt 4 lần trong tháng 6, nhiều hơn tổng số lần hoạt động năm ngoái. Trong cơn bão Shanshan, công trình thu thập đủ nước để lấp đầy gần 4 sân vận động Tokyo Dome trước khi đổ an toàn ra sông Edogawa và ra biển.

Tổ hợp Kênh xả nước dưới lòng đất vùng ngoại vi siêu đô thị, mất 13 năm và 1,63 tỷ USD để xây dựng.

"So với những năm trước, lượng mưa lớn có xu hướng trút xuống cùng một lúc. Nếu hệ thống này không tồn tại, mực nước của sông chính Nakagawa và các phụ lưu sẽ cao hơn nhiều, dẫn tới nhà cửa ngập lụt, thậm chí thiệt hại về sinh mạng".

Ông Yoshio Miyazaki, Bộ đất đai phụ trách tổ hợp đường hầm

Ngay cả như vậy, hệ thống không thể ngăn chặn ngập lụt với hơn 4.000 ngôi nhà ở lưu vực sông sau đợt mưa bão nặng nề hồi tháng 6/2023. Trận ngập lụt đó thôi thúc nhà chức trách tiến hành dự án kéo dài 7 năm trị giá 250 triệu USD nhằm gia cố đê đập và thoát nước trong khu vực. Gần trung tâm Tokyo hơn, một dự án lớn khác cũng đang diễn ra nhằm nối các kênh dẫn nước tràn bờ từ sông Shirako và Kanda. Khi hoàn thành vào năm 2027, hệ thống sẽ dẫn nước lũ qua 13 km dưới lòng đất ra vịnh Tokyo.

Ông Shun Otomo, quản lý công trường xây dựng ở Tokyo cho biết: "Ví dụ, có một cơn mưa tầm tã trút xuống lưu vực sông Kanda, chúng tôi có thể tận dụng khả năng thấm nước ở khu vực không mưa".

Với sự biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các cơn bão có thể ngày càng mạnh hơn và khó dự đoán hơn. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục đầu tư vào các biện pháp phòng chống bão, thiên tai dài hạn, bao gồm cả việc cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao khả năng dự đoán của các hệ thống khí tượng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tờ Financial Times dẫn nguồn thạo tin khẳng định Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa thay đổi yêu cầu với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó yêu cầu các quốc gia thành viên của khối tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, gấp 2,5 lần so với mức hiện tại là 2%.

Tại Slovenia, hang động đá vôi Postojna là một điểm đến không thể bỏ lỡ mỗi dịp Giáng sinh. Đến với hang động này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh chúa Giesu ra đời.

Hàng chục nghìn người biểu tình phản đối Tổng thống Yoon Suk Yeol vừa tổ chức mít tinh và diễu hành ở trung tâm Seoul, một tuần sau khi Tổng thống Hàn Quốc bị kiến nghị luận tội vì lệnh thiết quân luật hồi đầu tháng này.

Trước tình trạng khoai tây đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao và biến đổi khí hậu, các nhà khoa học tại Trung Quốc - nước sản xuất khoai tây lớn nhất thế giới - đang nỗ lực nghiên cứu giống khoai tây chịu nhiệt, nhằm bảo vệ nguồn cung cấp lương thực.

Nhà chức trách Nga vừa cho biết Ukraine phóng máy bay không người lái (UAV) chứa thuốc nổ tấn công thành phố Kazan của Nga, cách biên giới Ukraine hơn 1.000 km, gây thiệt hại cho một số công trình.

Hãng tin Tass ngày 21/12 cho biết, chuyên gia quân sự Andrey Marochko đã nói với hãng tin này rằng lực lượng Nga đang kiểm soát hơn một nửa thành phố Chasov Yar ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk .