Đếm lịch đợi Tết về
Chiều nay, Hường chia sẻ cùng bạn những cảm xúc của Nguyễn Trúc bên tờ lịch cũ ngày cuối năm.
Chạp lựng khựng đầu ngõ. Cái rét cuối năm quấn quýt trong thau nước hứng đêm trước, ướp lạnh dùng dằng tay mẹ khi ủ thạp dưa chua. Mẹ chẳng dùng điện thoại, vẫn giữ thói quen xem ngày bằng tấm lịch treo cạnh ban thờ. Tờ bìa cứng đã mấy mươi năm, chỉ thay mỗi cuốn lịch. Nó được treo trên vách từ ngày ngang tầm mắt, tới khi lưng mẹ còng xuống phải với lên để ngó. Nhiều khi sắp nhỏ đòi tháo ra đóng lại, mà mẹ nào có cho. Mẹ bảo cái này là kỉ vật của ba, là thứ tự tay ông treo, nên cấm có nhúc nhích gì. Nói xong mắt mẹ đỏ hoe. Mấy anh chị em thấy thế, chỉ biết cúi đầu hít hà cái mũi nghèn nghẹt. Nhẩm tính, mới đó mà cũng qua bốn cái Tết thiếu ba rồi.
Ba là dân biển, người luôn sực mùi cá tôm. Ngày lịch trong nhà còn là những tờ bé xíu, ba hay theo người quen vào tận Vũng Tàu, leo lên mấy con sóng dữ. Nỗi khó nhọc hằn lên nụ cười đầy vết rạn vì cháy nắng, hong khô cả bàn chân bị nước biển ăn mòn lốm đốm vệt muối trắng đục.
Có những đợt ba đi biển xuyên tết, mẹ ở nhà cứ chộn rộn chờ, hết đi ra trước nhìn, lại ra sau tìm chuyện loay hoay. Năm nào ghe vô sớm, mấy đứa nhỏ hớn hở mừng vì có con cá, con mực khô ăn tết. Mấy đứa lớn hơn, thì đầu têu chọc “ba về nên mẹ vui hơn hẳn”. Mẹ chẳng nói chẳng rằng, chỉ lụi cụi gói bánh tét, để ba kịp đem về nhà nội cúng tất niên. Hai vợ chồng ít khi thể hiện, nhưng trong bụng thì đều thương nhau tới đứt ruột đứt gan. Nhiều khi thấy hâm mộ, cũng muốn gặp được người thương mình như thế.
Hồi mà bữa no phải lo bữa đói, sắm được cuốn lịch treo tết thật xa xỉ. Đi chợ những hôm hăm mấy, ba thường đứng tần ngần trước sạp bán, sờ thử lên chữ Phúc, chữ Thọ được in dập nổi, rồi chỉ mua mỗi cuốn lịch, còn tờ bìa cứng thì tặc lưỡi hẹn bà chủ hôm khác. Chắc hai người đều ngầm hiểu sẽ chẳng có lần quay lại như lời hứa hẹn. Cái nghèo, đôi khi bó buộc cả những mong muốn bình thường.
Cuốn lịch nhỏ xíu cỡ bàn tay, làm bằng giấy hẩm dễ rách, là thứ tốt nhất mà ba có thể mua. Ba đóng nó lên tường, chẳng có thêm vật gì trang trí, nhưng không biết từ bao giờ mà nó thân thuộc với chúng tôi hệt như hơi thở.
Dịp cận tết, tôi thường thấy ba ngồi trước hiên viết dăm ba câu thơ hoặc đôi lời bài hát trên mặt sau những tờ lịch đã xé. Đôi tay cầm bút của anh giáo làng ngày trước đã chai sạn dần cùng những mắt lưới, nhưng chỉ cần có thời gian rỗi rảnh, ba lại hí hoáy luyện chữ, không quên đếm ngược ngày bọn tôi trở về. Những tờ lịch chi chít chữ được ba xâu vào cây đinh trên tường thành từng xấp, bay lật phật. Làn khói nhang trầm từ bàn thờ nội thoảng ngang. Có lẽ với ba, lịch không chỉ là thứ để xem tháng ngày, mà còn là công cụ đong đếm nỗi nhớ con, xé một tờ lịch là hành động rút ngắn thời gian đợi mong gia đình sum họp.
Tấm bìa, sau mấy mươi mùa xuân trở thành mốc ghi dấu những dự định của ba. Ba nâng niu nó tới nỗi, dù mấy đứa có đem về tấm mới đẹp hơn, thì cũng chẳng chịu thay đổi. Mẹ hay cười mắng, ba bây là đầy tớ tấm lịch, nhưng rồi chính mẹ lại tỉ mẩn giữ gìn nó khi ba chẳng còn. Kể ra, mẹ quý tấm lịch còn hơn cả mấy thứ quà đắt tiền bọn nhỏ đem về lúc tết đến.
Dỏng tai nghe, phố phường đã bắt đầu mở những khúc nhạc xuân rộn rã. Mấy cửa hàng bán điện thoại, bán quần áo, đặt loa trước cửa, làm một góc đường chợt nôn nao tới lạ. Tự nhiên nhớ lại ngày bé, ba cũng hay bảo, tết nhất phải có nhạc mới ra không khí. Vì thế, lúc cuốn lịch mỏng dần chỉ còn tầm chục tờ cuối, ba lại lọ mọ lên gác lôi ra cái đài cát sét, tỉ mẩn phủi bụi, rồi đặt vào cuộn băng đã chớm màu thời gian. Nhấn nút. Lời ca da diết của bài “Cảm ơn” vang lên, ủ ấm nỗi rạo rực đợi tết trong mỗi buổi sáng mờ sương lạnh. Bài hát đã quá cũ với thế hệ 9X như tôi, nhưng lại là một phần thanh xuân của ba ngày trước. Tôi nghe nó từ hồi chưa biết chữ, đến khi đã là cô cử nhân, hệt một phản xạ có điều kiện, nó trở thành bản nhạc hiệu trong tim cứ vang lên là thấy tết.
Năm nay tết đến sớm hơn với tôi, vì thất nghiệp. Cầm trên tay quyết định nghỉ việc, tôi lò dò đứng ngoài cổng, chẳng dám gọi mẹ. Sau cái khẩu trang là bao điều muốn nói lại chẳng thốt ra lời. Cửa kẽo kẹt. Mẹ chậm chạp bước ra, ngọn nắng vừa hửng đậu trên vai. Mẹ đứng cạnh bụi mai để lặt mấy cái lá, nheo mắt sửng sốt: “Bây về hồi nào đây?” Tôi lúng túng gãi trán, chỉ biết ậm ờ cười.
Gỡ bloc lịch năm ngoái, treo cái mới lên trên bìa cứng cũ, tôi xoay đầu nhìn mẹ, thấy bà đứng tần ngần cạnh bàn thờ tự bao giờ, ngó đăm đăm. Lưng mẹ còng hơn năm trước, cái sải tay với cũng phải nhón chân thêm. “Còn ba bây, chắc ổng thích lắm”. Mẹ nói vậy rồi chậm rãi cúi đầu, nâng vạt áo bà ba nâu chùi hốc mắt. Tôi chùng tay lại, hít thở một hơi dài thật sâu.
Nắng lên sau vành nón lá mẹ đội ra vườn. Tôi thủng thẳng đợi tết tại gian nhà thân thuộc. Lụi hụi chùi sạch bộ lư đồng cùng mấy cái bóng đèn dầu lửa, tai loáng thoáng nghe tiếng cười đùa của xóm làng tấp nập. Hình như trong mấy khúc nhạc từ chiếc loa của nhà bên cạnh, chất giọng thân thuộc khẽ khàng vang lên: “Xuân đang về trên khắp đất trời. Nhưng tất cả xuân là ở đây.” Sao mà nhớ thương quá đỗi!
Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.
Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.
Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.
Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.
Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....
Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?
0