Cuộc chiến cam go chống ô nhiễm không khí

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục 

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, khí nhà kính đang tích tụ trong khí quyển “nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào xảy ra trong sự tồn tại của con người” trong hai thập kỷ qua. Nồng độ carbon dioxide đã đạt mức cao mới 420 phần triệu (ppm) vào năm ngoái, tăng 2,3 phần triệu so với một năm trước đó và đã tăng 11,4% chỉ sau 20 năm. Carbon dioxide (CO2) là một loại khí không màu, không mùi; nó cũng là khí nhà kính chính góp phần biến đổi khí hậu và một chất gây ô nhiễm không khí phổ biến cả trong nhà và ngoài nhà khi vượt quá mức cho phép. Lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu tăng cao hiện nay chủ yếu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm nay sẽ vào khoảng 41,6 tỷ tấn, tăng 1,6 tỷ tấn so với năm ngoái. Trong đó, đa phần là lượng khí phát thải từ các hoạt động đốt than đá, khai thác, tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt. Tổng lượng khí thải từ những hoạt động trên trong năm 2024 chiếm 37,4 tỷ tấn, tăng 0,8% so với năm 2023. Phần khí thải còn lại là từ việc sử dụng đất đai, bao gồm cả phá rừng và cháy rừng.

Chúng ta chưa từng thấy mức CO2 như thế này trong lịch sử nhân loại. Lần trước chúng ta thấy nồng độ 400 phần triệu (tức 4/10.000) CO2 trong khí quyển là cách đây 3 đến 5 triệu năm.

Bà Oksana Tarasova - Chuyên gia khoa học cấp cao của WMO.

WMO cho biết, nồng độ CO2 trong khí quyển hiện cao hơn gấp rưỡi với thời kỳ tiền công nghiệp, trong khi khí metan - một loại khí nhà kính mạnh khác - cao hơn 165% so với năm 1750.

Sự gia tăng của CO2 ngoài gây ô nhiễm không khí còn làm tăng thêm nồng độ khí nhà kính trong khí quyển gây ra biến đổi khí hậu. Trái đất đã chứng kiến thập kỷ vừa qua là thập kỷ nóng nhất kể từ khi các con số được ghi nhận. Các nhà khoa học châu Âu cho rằng “gần như chắc chắn" đây sẽ là thập kỷ nóng nhất trong 125.000 năm qua.

Các nhà khoa học khí hậu kêu gọi thế giới đáp ứng mục tiêu Paris năm 2015 là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C - một ngưỡng được coi là ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên bất chấp những cảnh báo khoa học đã kéo dài hàng thập kỷ, phần lớn các nền kinh tế sản xuất nhiên liệu hóa thạch đang mở rộng hoặc thăm dò sản xuất thêm, bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và khí tự nhiên.

Lahore, Pakistan tìm biện pháp giảm ô nhiễm không khí

Một lớp sương mù dày đặc đã nhấn chìm Lahore, là thủ phủ của tỉnh Punjab và là thành phố lớn thứ hai của Pakistan. Tình trạng ô nhiễm ở đây đã đạt kỷ lục trong lịch sử, cao hơn 40 lần so với mức bình thường, khiến Lahore trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Các nhà chức trách thành phố đã phải đóng cửa các trường học, đóng cửa các công viên, vườn thú và cấm mọi hoạt động thể chất ngoài trời đối với trẻ em trong ba tháng để bảo vệ người dân khỏi không khí ô nhiễm. Các chuyên gia kêu gọi chính phủ Pakistan cần có những thay đổi để chống lại cuộc khủng hoảng khói bụi chết người ở Lahore.

Trong bảng xếp hạng trực tiếp của Tập đoàn IQAir của Thụy Sĩ, kết quả đánh giá chất lượng không khí của thành phố Lahore là "nguy hiểm".

Sở thú Lahore đã đóng cửa đến ngày 17/11 để đề phòng tình trạng khói bụi và sức khỏe cộng đồng, theo chỉ đạo của chính quyền Punjab. Nó sẽ không mở cho đến khi có lệnh tiếp theo của chính phủ.

Bà Kiran Saleem - Phó Giám đốc vườn thú Lahore.

Chính quyền tỉnh Punjab cũng đang xem xét đóng cửa các trường đại học sau khi đóng cửa các trường học vào đầu tuần này. Theo IQAir, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới, chất lượng không khí ở Lahore đã xấu đi nghiêm trọng, khiến thủ phủ khu vực Punjab trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Bảng xếp hạng trực tiếp của Tập đoàn IQAir của Thụy Sĩ cho thấy ô nhiễm không khí tại Lahore đứng đầu thế giới với chỉ số ô nhiễm là 589 điểm. Và tháng 11, có những ngày, thành phố này đã ghi nhận mức độ chưa từng có là 1.900 ở một số khu vực, vượt quá 120 lần so với mức khuyến nghị.

Các bác sĩ tại Lahore cho biết, mức ô nhiễm không khí cao ở thành phố có 14 triệu dân đã khiến hàng trăm người phải nhập viện gây quá tải cho các nhân viên y tế. Chính quyền địa phương cũng đưa ra cảnh báo lệnh phong toả hoàn toàn có thể được ban bố nếu người dân không đeo khẩu trang cũng như không tuân thủ các hướng dẫn khác liên quan đến khói bụi và ô nhiễm môi trường.

Ô nhiễm không khí từ khói lò và đốt cây trồng đã làm dấy lên mối lo ngại của chính phủ, khiến chính quyền và các tổ chức phi chính phủ phải thúc đẩy các công nghệ lò nung thân thiện với môi trường thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức. Sáng kiến này nhằm mục đích giảm lượng khí thải và bảo vệ người lao động và cộng đồng.

Tỉnh Punjab của Pakistan đã thành lập một "phòng chiến tranh khói bụi" để chống ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là giải quyết chất lượng không khí nguy hiểm của Lahore, khiến nơi đây được xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với một ủy ban đa ngành gồm 8 sở được giao nhiệm vụ giải quyết vấn đề này.

Một nghiên cứu năm ngoái cho thấy Nam Á bị bao phủ trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng vào mỗi mùa đông khi không khí lạnh giữ lại khí thải, bụi và khói từ các vụ đốt ruộng vườn, trong khi tình trạng ô nhiễm có thể làm giảm tuổi thọ của người dân trong khu vực hơn 5 năm.

Khủng hoảng khói bụi tại các siêu đô thị

Khủng hoảng khói bụi ngày càng trở nên trầm trọng tại các siêu đô thị của Ấn Độ. Mumbai và New Delhi đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, bị ảnh hưởng bởi chất lượng không khí nguy hiểm từ tháng 10 trở đi do tình trạng đốt ruộng nương, khói bụi công trường và xe cộ. Tình trạng này gây ra những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe cho người dân và kinh tế địa phương.

Theo Chỉ số chất lượng không khí Quốc gia, tại khu tài chính của Mumbai, tầm nhìn bị suy giảm nghiêm trọng, hầu như không thể nhìn thấy rõ các tòa nhà do chất lượng không khí ở mức từ "kém" đến "trung bình".

Không khí ô nhiễm khiến tôi thấy khó thở. Nó ảnh hưởng lớn tới những bệnh nhân mắc bệnh hen suyễn và bệnh hô hấp.

Chị Kriti, người dân New Delhi.

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ với 20 triệu dân đã chứng kiến đường chân trời mờ mịt khi chất lượng không khí dao động từ mức “nghiêm trọng” đến “rất kém”, gây ra rủi ro về sức khỏe cho người dân khi tiếp xúc kéo dài.

Đây là vấn đề thường xuyên của New Delhi, do xe cộ, bụi xây dựng và hỏa hoạn từ các bang lân cận phía Bắc gây ra.

Anh Abhishek, cư dân New Delhi, cho biết những người lớn tuổi trong gia đình anh đều cảm thấy khó thở khi không khí đặc quánh lại như sương mù.

Những người lớn tuổi trong nhà tôi, giống như bà tôi, bà bị ho, cảm lạnh và khó thở. Chúng tôi không thể nhìn thấy mặt trời mọc vì sương mù. Vì vậy, đó là một vấn đề rất lớn.

Anh Abhishek, cư dân New Delhi.

Tình hình càng trầm trọng hơn khi mùa đông sắp tới, khi đó không khí lạnh giữ lại các chất ô nhiễm và gây ra sự gia tăng các vấn đề về hô hấp.

Cùng với hai thành phố Lahore của Pakistan và New Delhi của Ấn Độ, Thủ đô Jakarta của Indonesia hiện đứng thứ 7 trong số các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Giới chức thành phố này cũng đã phải cảnh báo về chất lượng không khí tác động xấu đến sức khỏe của người dân. Ứng dụng đo lường chất lượng không khí IQAir thành phố Jakarta đã ghi nhận ô nhiễm không khí đã vượt ngưỡng quy định. Đặc biệt, chỉ số chất lượng không khí IQAir vào sáng 8/11 ở mức ô nhiễm cao nhất trong 10 ngày qua. Hàm lượng hạt mịn trong không khí hay chỉ số PM2.5 ở Jakarta đạt 73,5 microgam/m3, cao gấp 14,7 lần chỉ số hướng dẫn về chất lượng không khí hằng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến chất lượng không khí tại Jakarta ngày càng xấu đi là do nắng nóng khô hạn kéo dài và sự quá tải về phương tiện giao thông. Giới chức thành phố Jakarta khuyến cáo người dân hạn chế ra đường và thực hiện các hoạt động ngoài trời trong giờ cao điểm, đồng thời kêu gọi người dân tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giảm áp lực giao thông.

Cháy rừng gây ô nhiễm không khí tại New York, Mỹ

Tháng 10 vừa qua là tháng 10 khô kỷ lục nhất ở New Jersey nước Mỹ kể từ năm 1949. Tình trạng hanh khô khiến các đám cháy rừng bùng phát ở New Jersey hiện đã tiếp tục lan rộng tới phía Nam của New York. Thành phố New York phải đưa ra cảnh báo chất lượng không khí xấu trong nhiều ngày qua.

Theo Giám đốc Sở cứu hỏa rừng New Jersey, Bill Donnelly, đám cháy bùng phát mạnh nhất đã lan dọc biên giới hai bang New Jersey và New York, thiêu rụi hàng nghìn hecta rừng. Ông Donnelly cũng báo cáo rằng gần 100 lính cứu hỏa, cùng với hơn 200 sở cứu hỏa tình nguyện địa phương đã được huy động để chữa cháy, bảo vệ các công trình và cung cấp thực phẩm và nước uống cho người dân địa phương.

Theo Cơ quan Giám sát hạn hán của Chính phủ Mỹ, hơn một nửa trong 48 bang ở vùng trũng đang hứng chịu hạn hán. Hàng trăm vụ cháy rừng đã bùng phát tại New Jersey và Connecticut trong những tuần gần đây, khi mùa thu ấm áp và khô hạn bất thường. Một số vụ cháy đã buộc người dân phải sơ tán và gián đoạn hoạt động giao thông.

Người dân trên khắp khu vực thành phố New York đã thức dậy với mùi khói từ các vụ cháy rừng gần đó vào cuối tuần qua. Giới chức thành phố đã ban bố cảnh báo chất lượng không khí ở mức xấu cho khu vực nội thành do mật độ vật chất dạng hạt từ đám cháy rừng ở New Jersey gia tăng. Chất lượng không khí kém ở New York thường liên quan đến mức độ ô nhiễm khắp nơi liên quan đến các chức năng của đời sống đô thị. Tuy nhiên, đôi khi nó không liên quan gì tới vấn đề này mà đôi khi do gió mang khói từ các đám cháy rừng cách xa hàng nghìn dặm thổi tới.

Tháng 6/2023, New York cũng đã chứng kiến hiện tượng này, khi gió Bắc thổi khói từ các đám cháy rừng ở tỉnh Quebec của Canada thẳng vào thành phố New York. Điều này dẫn đến chỉ số AQI cực kỳ nguy hiểm là 484 vào ngày 7/6. Đây không chỉ là mức cao nhất từng được ghi nhận trong thành phố mà còn là chất lượng không khí tồi tệ nhất trên toàn thế giới vào thời điểm đó.

Trước tình hình ô nhiễm môi trường không khí ngày càng trầm trọng đang diễn ra, mỗi chính phủ và người cần phải có những hành động thiết thực để bảo vệ sức khỏe cũng như hành tinh của chúng ta.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc hội đàm bên lề Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và đều nhận định rằng, Washington và Bắc Kinh cần hướng tới mối quan hệ cạnh tranh nhưng không xung đột.

Mohammad Afif, quan chức quan hệ truyền thông cấp cao của Hezbollah, được cho là đã bị ám sát trong một cuộc không kích của Israel vào trung tâm Beirut.

Mỹ, Australia và Nhật Bản đã cam kết tăng cường hợp tác quân sự và nhất trí thành lập một Cơ quan tham vấn ba bên mới.

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Chính quyền New York đang lên kế hoạch khôi phục khoản phí chống tắc nghẽn giao thông ở Manhattan bắt đầu từ tháng 1 năm 2025.

ByteDance, công ty mẹ của TikTok, vừa tự định giá ở mức 300 tỷ USD sau khi tiếp cận các nhà đầu tư thông qua chương trình mua lại cổ phiếu.