Nhà đầu tư bỏ cọc đấu giá đất khi thị trường hạ nhiệt.

(HanoiTV) - Sau thời gian thị trường bất động sản “sốt nóng”, tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng nhà đầu tư bỏ cọc đấu giá đất. Chuyên gia cho rằng, đây có thể là chiêu trò của giới đầu cơ làm sóng thị trường

Gần đây, thị trường bất động sản có dấu hiệu trầm lắng sau thời gian dài "nóng sốt" cục bộ ở nhiều địa phương. Nhiều khu vực làng quê có giá đất tăng phi mã khiến nhiều người lao vào kinh doanh bất động sản và làm môi giới, cò đất.

Tháng 11/2021, anh Nguyễn Đức Khánh (Hoàng Mai, Hà Nội) chi hơn 4 tỷ đồng để mua 2 lô đất ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) nhằm đầu tư. Thời điểm mua vào, giá đất tại khu vực này đang tăng cao, nhiều nhà đầu tư ồ ạt kéo về đây để "lướt sóng".

Tuy nhiên, khoảng 2 tháng sau, thị trường bất động sản khu vực này trầm lắng, giá đất tại khu vực này bất ngờ chững lại, thậm chí còn giảm đi một phần so với thời điểm mua vào.

Cũng từ cuối tháng 3 năm nay, anh Khánh "đứng ngồi không yên" vì bán mãi không được, kể cả bán thu hồi vốn cũng khó tìm được khách mua.

"Số tiền hơn 4 tỷ đồng trên tôi vay ngân hàng và người thân. Giờ gồng không nổi lãi suất nữa nên tôi quyết định bán thu hồi vốn, nhưng rao bán mãi cũng chưa thấy người mua", anh Khánh nói.

Tương tự anh Khánh, nhiều nhà đầu tư "tay ngang" tham gia đầu tư bất động sản khi thị trường "nóng sốt" giờ đang đứng ngồi không yên. Khi thị trường hạ nhiệt, họ rất khó thanh khoản được những lô đất đã mua vào, thậm chí chấp nhận bán cắt lỗ cũng khó tìm được người mua.

Ảnh minh họa.

Ngoài Hà Nội, thị trường đất nông nghiệp, đất đồi, đất ven sông, hồ ở nhiều tỉnh, thành phía Nam và Tây Nguyên đã hạ nhiệt thấy rõ. Trên các hội, nhóm, diễn đàn mua bán nhà đất nghỉ dưỡng, đất view đẹp ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông... thông tin rao bán đất xuất hiện dày đặc.

Có nhiều mảnh đất khách vừa đặt cọc đã tăng giá 2-3 lần, người mua chỉ sang tay tiền đặt cọc là có thể lời gấp đôi trong vài tuần. Nhưng đến nay, thị trường lắng dịu thấy rõ, một số người trót ôm đất giá cao đang phải chạy vạy khắp nơi tìm khách hàng bán lại.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện nay Hà Nội và một số địa phương đang rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung đất nền, tạo ra rào cản rất lớn trong việc phê duyệt để lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức thực hiện dự án phát triển tại các vùng. Do không phê duyệt được các dự án chính thống, không có nguồn thu nên các địa phương tạo ra các dự án đấu giá đất để cung cấp nguồn cung cho thị trường.

Cũng theo ông Đính, với ưu điểm của đất đấu giá là thường có sự chênh lệch khá lớn so với giá thị trường, pháp lý ổn định do là đất công nên thị trường này đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ giới đầu tư.

"Tuy nhiên, các nhà đầu tư tham gia đấu giá đất giống như tham gia một cuộc chơi có yếu tố "xanh – chín", "5 ăn – 5 thua". Nếu trúng được giá rẻ hơn so với thị trường thì khả năng thanh khoản lớn và có lãi. Còn nếu nhà đầu tư "ôm" phải giá cao thì phải buộc bán giá cao và việc này rất khó để có người mua nên đường cùng là phải bỏ cọc", ông Đính cho biết.

Về rủi ro trong đấu giá đất, vị chuyên gia cảnh báo, khi nhà đầu tư tham gia vào thị trường đất đấu giá cần thẩm định, so sánh giá với các địa điểm tương đồng. Điều này sẽ tránh bị cuốn theo dòng thổi giá và phải "bỏ của chạy lấy người".

"Nhiều nhà đầu tư "ôm" là khi giá đất đang "sốt" nên cho rằng thị trường còn lên nữa mà không biết rằng thị trường đang ảo, đang bị "bong bóng". Minh chứng là tình huống nhà đầu tư phải bỏ cọc đã xảy ra rất nhiều ở các địa phương như Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bắc Giang ở thời điểm sốt đất đầu năm 2021", ông Đính dẫn chứng.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giá nhà tăng nhưng thanh khoản thấp là tín hiệu cho thấy đã xuất hiện "bong bóng cục bộ".

Đáng chú ý, giá nhà cũng leo thang theo giá đất và lập mặt bằng giá mới ở nhiều nơi, song lượng giao dịch chỉ đạt mức thấp. Để ổn định thị trường, cơ quan quản lý Nhà nước đang đẩy mạnh củng cố hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản.

Trong đó, các địa phương nhanh chóng thực hiện công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn. Thậm chí, nhiều tỉnh thành ra văn bản dừng các hoạt động phân lô, bán đất nền khiến thị trường bị chững lại.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho rằng, nhiều đối tượng lợi dụng đấu giá đất để nâng giá, tạo mặt bằng giá mới.

Những đối tượng này mua đất xung quanh khu vực dự án chuẩn bị đấu giá (với giá thấp), sau đó làm thủ tục đăng ký đấu giá, khi đấu giá sẽ bỏ giá rất cao nhằm đẩy giá đất trong khu vực để bán thu lời từ những khu đất đã mua; sau đó sẵn sàng bỏ cọc. Điều này lý giải cho hiện tượng, khi thị trường trầm lắng, các phiên đấu giá đất càng đông và các lô đất trúng giá càng cao. Điều này đã tác động rất lớn đến tâm lý của người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
User
Ý KIẾN

Trong năm 2024, nhu cầu đầu tư bất động sản phục hồi khoảng 40%. Nhà đầu tư có tâm lý thận trọng hơn trước tình trạng chung cư tăng giá mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn lượng lớn nhà đầu tư có tâm lý đầu cơ, 'lướt sóng' chung cư ngắn hạn, bất chấp những rủi ro của thị trường khi giá bất động sản đang ở mức cao nhất lịch sử.

Theo nhận định của các chuyên gia bất động sản, chung cư vẫn là phân khúc “hút” dòng tiền đầu tư trong năm 2025.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam dẫn số liệu từ khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê cho thấy ngay cả nhóm thu nhập cao cũng gặp khó khăn khi mua nhà.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong 11 tháng của năm 2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đạt 63.721 tỷ đồng.

Theo báo cáo của HSBC, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 21,68 tỉ USD trong 11 tháng năm 2024, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam giải ngân FDI trên 20 tỉ USD.

Liên quan đến nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, đến nay đã có 36/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên Cổng thông tin điện tử.