Nhịp đời hối hả
Tôi thường đếm bước từ chỗ ở tới nơi làm việc thuộc công ty may gần đó. Bước chân xuống đường là đụng cái chợ chồm hổm tự phát bày bán đủ loại hàng hóa thực phẩm tươi sống. Người ta bày bán hàng tràn cả ra đường. Qua gầm cầu chui để sang đường chính lại đụng la liệt những sạp bán gà vịt sống, những xe quần áo đủ màu đủ loại. Quãng đường từ gầm cầu vượt đến hầm chui cũng chỉ vài trăm mét vẫn nườm nượp kẻ mua, người bán. Những người công nhân như tôi trên đường tới công ty, bước xuống hầm chui mua vội ly cà phê đá của một chị ngồi bán ngay trên bậc lên xuống. Lên tới quốc lộ 1A, tôi gắng đi cho nhanh vượt qua cái chợ tự phát bao vây quanh cổng ra vào công ty và ngay trên mặt đường.
Từ mười bảy tới mười tám giờ trong ngày là lúc chúng tôi tan ca. Hàng ngàn công nhân túa ra từ cổng chính và cổng phụ ồn ào, ầm ĩ nói cười. Rất ít vẻ mặt trầm ngâm bực bội. Sau một ngày, một ca làm việc sự trở lại mái ấm của riêng mình làm người ta náo nức và vui vẻ.
Nhưng quãng đường buổi chiều mới thật ấn tượng. Có những ngày nó biến thành quãng đường rác. Người ta họp chợ ngay trên mặt đường, trong hầm ngầm đi bộ hay dưới gầm cầu vượt. Đủ mọi thứ rác rưởi thải ra tại chỗ làm tôi phải vừa đi vừa né tránh. Vảy và đầu, ruột cá. Lông gà, lông vịt. Rau cải héo, cà chua hỏng, bánh mì hư... được ném ngay mặt đường. Người đi lại chen chúc nhau.
Tôi đã ù tai vì tiếng ồn ào quát nạt trong kho, giờ lại chịu đựng những tiếng chào mời từ loa thùng của mấy sạp bán quần áo, vải vóc, từ miệng của những người bán hàng hóa và thực phẩm. Những âm vực chỉ có dấu sắc nghe chói tai. Mãi sau tôi mới hiểu đó là tiếng quảng cáo giá, một thùng cá của bà “mới lắm” đồng giá mười lăm ngàn một con, hay tôm càng xanh của ông bụng bự "hai mươi" là đồng giá hai mươi ngàn một dĩa. “Năm ngàn, năm ngàn” là đồng giá năm ngàn mỗi dĩa cà chua, đậu bắp, mướp đắng.
Đi qua khu cầu vượt, tôi sợ nhất mấy chiếc loa di động ở đây thi nhau hét đinh tai nhức óc. Tôi nghe mãi vẫn không hiểu “bao vây, bao tươi” hay “bao cân, bao ngon” nghĩa là gì. Lần đi mua chiếc quần jean, nghe cái loa cũng kêu “bao thử, bao đổi”. Tôi mới ghé tai hỏi cô bạn cùng làm, nó giải thích tiếng bao cũng giống như sự đảm bảo. Đảm bảo được mặc thử, đảm bảo được đem đổi lại nếu không vừa.
Tôi biết những dịch vụ lề đường kia cũng là phục vụ thiết thực cho những người công nhân đang hối hả với công việc như tôi. Mỗi chiều tan tầm, trên đường về tôi có thể tranh thủ mua bất kỳ thứ gì cần thiết. Từ chiếc váy ngủ, chiếc khăn tắm tới mớ rau, con cá cho bữa cơm tối. Tôi từng mong muốn người ta “bao thoáng, bao sạch” cho con đường về nhà, mà thật là khó giữa nhịp đời hối hả.
Nhưng điều đó đã được thực hiện, khi những bóng dáng các anh các chú mặc áo màu xanh hòa bình thuộc đội trật tự đô thị chốt ngay ngã tư vào chợ, dưới gầm cầu vượt hay dọc quốc lộ lối vào công ty của tôi. Những xe bán trái cây thường nằm chình ình giữa đường, nay đã dẹp vào một chỗ. Những sạp bán cua cá không còn xả rác ra đường. Những bước chân nhộn nhịp, thênh thang không còn phải chen lấn. Nhưng trật tự đó chỉ duy trì được tới thứ Bảy hàng tuần. Ngày Chủ nhật đâu lại vào đó vì các chú các anh cần nghỉ cuối tuần.
Tôi về quê nghỉ lễ mấy ngày, giữa cảnh nông thôn thanh bình, lòng chợt nhớ cồn cào một góc thành phố mình từng gắn bó với những âm thanh ồn ào, hỗn loạn. Tôi chợt hiểu rằng đó chính là nhịp sống thành phố hiện đại. Điều quan trọng là chúng ta biết cách làm thế nào cho thành phố đẹp đẽ và văn minh hơn./.
Nghề giáo vẫn được gọi là nghề cao quý. Nghề nào cũng có những nỗi niềm riêng. Và nghề giáo cũng có những câu chuyện cuộc sống đằng sau ánh hào quang cao quý.
Có một người đã dạy cô những con chữ đầu tiên, người dạy cô bao bài học thật thà; dạy cô phải biết nỗ lực vượt qua nghịch cảnh… Với cô, ba là người thầy vĩ đại nhất.
Cô bạn thuở hoa niên vừa gửi qua Zalo khoe rổ hoa dầu sớm nay mới nhặt trên đường tập thể dục về. Ôi những cánh hoa vươn dài, vừa mỏng manh vừa cứng cỏi. Một cái gì đó như bung vỡ. Một cảm giác thật khó định hình. Bồi hồi. Thảng thốt. Trái tim ai đó bỗng lỗi mấy nhịp. Điều gì vừa gần gụi vừa xa xăm. Sài Gòn và anh!
Cuối năm thiệp mời cưới bay tá lả, đó là lúc chị em cố gắng giảm cân để mặc đồ cho đẹp. Hôm nào cũng hỏi thăm nhau giảm được bao kg rồi, để còn tụ tập đi ăn cưới.
Sau những chuyến muộn phiền, có người lại về ngồi với khu vườn, lặng yên nghe tiếng chim hót. Đôi khi ngửa mặt lên trời nhìn mây trôi về muôn nẻo. Mây trôi nhẹ tênh, trong thoáng chốc cô ước gì hồn mình cũng nhẹ như mây. Để tự do bay bổng, để đi về hướng nào mình muốn và để tan ra hay làm mưa xuống. Không như mình vẫn ngồi đây để tự hỏi, rồi cuộc đời mình sẽ đi về đâu?
Trong ký ức của một người con, có một căn nhà xưa sơ sài tới mức không có cổng, nhưng trong căn nhà nhỏ ấy, lại đầy ắp tình yêu thương của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau…
0